Nhập nguyện
Xin cho con biết cầu nguyện thế nào để thấy hạnh phúc được ở cùng Chúa, trước mặt Chúa và trong Chúa.
Suy chiêm
1. Cầu nguyện là thinh lặng bên Chúa
a. Chia sẻ
JL 9: Và bỗng chốc,
Thiên Chúa xuất hiện như một ai đó
Đó là lời của ông Claudel dùng để diễn tả cuộc trở lại của ông: ta có thể dùng câu ấy để nói về cầu nguyện của người Ki-tô hữu. Đôi khi bạn tự hỏi phải làm gì, phải nói gì khi cầu nguyện, và bạn huy động mọi quan năng của bạn, nhưng đó vẫn chưa phải là phần sâu thẳm nhất trong bạn. Cầu nguyện là kinh nghiệm mình hiện diện với một người bạn thân, bạn thích nghe anh chia sẻ những suy tư, công việc của anh, nhưng bạn sung sướng là vì được ở gần bên anh và cảm thấy anh gần gũi bạn. Càng thân tình bao nhiêu, càng cần ít lời lẽ bấy nhiêu. Một tình bạn chưa đạt tới kinh nghiệm thinh lặng bên nhau thì còn dở dang. Lacordaire nói rằng: “Hạnh phúc thay những người bạn yêu nhau đến nỗi có thể ngồi thinh lặng bên cạnh nhau”.
Tình bạn là một công trình tập luyện lâu dài: hai người bạn muốn cảm hóa nhau. Chưa quen nhau thì người này chỉ là bất cứ ai cho người kia, nhưng khi đã kết thân với nhau rồi, thì người này trở thành độc nhất vô nhị cho người kia. Trong câu chuyện “Hoàng tử nhỏ”, con chó sói nói với Hoàng tử “Nếu anh cảm hóa tôi, chúng ta sẽ cần đến nhau. Đối với tôi, anh là duy nhất trên đời này, và tôi trở thành duy nhất trong đời anh”. Bỗng chốc bạn khám phá rằng anh bạn đã có chỗ đứng trong trái tim bạn và tim bạn rạo rực khi gặp gỡ anh.
Ngôn ngữ của tình bạn có thể giúp ta hiểu huyền nhiệm của cầu nguyện. Ngày nào Thánh Nhan Thiên Chúa chưa quyến rũ bạn, ngày ấy cầu nguyện còn lệ thuộc vào cái gì bên ngoài, chứ chưa phải là một cuộc gặp gỡ diện đối diện với một Thiên Chúa sống động như một Ai đó. Ngày nào bạn thật sự kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, ngày ấy con đường cầu nguyện mở rộng trước mắt bạn. Tôi có thể kể cho bạn kinh nghiệm ấy diễn ra như thế nào, nhưng nghe xong bạn vẫn còn đứng ngoài ngưỡng cửa mầu nhiệm. Bạn chỉ bước vào đó nhờ ơn Chúa thôi, chứ không phải nhờ công đức của bạn đâu.
Bạn không thể đồng hóa hiện diện với Thiên Chúa và có mặt vì tính hiếu kỳ, vì phải làm cho có, vì bị bắt buộc. Hiện diện là chung hiệp, là xuất ra khỏi mình để đến với người kia, là một cuộc Vượt qua; hai cái Tôi nhập thành một cái Chúng ta, vừa trao cho nhau, vừa nhận của nhau.
Bạn muốn hiện diện với Thiên Chúa thì chính bạn phải chết; cái ý định kiêu kỳ muốn tịch thu người khác làm của riêng phải chết đi trong bạn. Hiện diện với Thiên Chúa là khoét một kẽ hở trong bức thành kiên cố là cái tôi của bạn, để từ đó nhìn lên Thiên Chúa. Nói Thiên Chúa nhìn bạn đồng nghĩa với Thiên Chúa yêu bạn (Thánh Gio-an Thánh Giá – Thi ca thiêng liêng 33,4).
Trong cầu nguyện, hãy để Thiên Chúa quyến rũ bạn vì bạn đã được chọn, để trước Nhan thánh Người, bạn trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người (Ep 1,4). Dù bạn biết hay không biết, sống hiện diện với Thiên Chúa là một điều có thật, thuộc về bình diện đức tin. Người này hiện hữu vì người kia, hai người giáp mặt nhau trong lòng yêu mến. Lúc đó không cần nói nhiều nữa, cần gì phải nhắc cho Chúa điều Ngài đã quá biết, vì Ngài thấy suốt tâm can bạn và Ngài yêu thương bạn… Cầu nguyện là say đắm hiện diện với Ngài, không chỉ là suy nghĩ hay tưởng tượng mà thôi. Khi Thiên Chúa thấy đã đến lúc thì Ngài cho bạn kinh nghiệm điều đó, lúc bấy giờ những gì bạn có thể ghi chép lại, hay suy diễn ra dường như ba hoa, chẳng đáng kể.
Muốn đàm thoại với Thiên Chúa thì phải biết Ngài có đó. Khi trong sâu thẳm của lòng bạn, bạn nhìn ngắm Thiên Chúa, bạn đã tới một khu vực khác trong lãnh địa cầu nguyện rồi. Hiện diện với Thiên Chúa có thể khảo sát từ ba góc độ khác nhau, mỗi góc độ đưa bạn đi sâu hơn nữa vào kinh nghiệm này. Hiện diện với Thiên Chúa là hiện hữu trước nhan Ngài, với Ngài và trong Ngài. Thiên Chúa không có phía trong, phía ngoài. Ngài là một hữu thể luôn luôn hoạt động, nhưng vì chúng ta là con người nên phải xét nhiều góc cạnh cho dễ thấy. Bạn đừng bao giờ quên rằng sở dĩ bạn có thể thưa chuyện với Chúa là vì Ngài đã mở đầu câu chuyện với bạn. Trong Kinh Thánh, con người đã gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng xuất hiện như Đấng Thánh, như một người Bạn Thân, như một Thượng khách.
b. Suy niệm
1) Bạn có kinh nghiệm về niềm hạnh phúc thinh lặng bên bạn hay chưa?
2) Làm sao có được những giây phút ấy?
3) Làm sao có được những giây phút êm đềm bên Chúa?
2. Cầu nguyện là cảm thấy hạnh phúc được ở với Chúa
JL 11: Thiên Chúa có đó: Bạn ở lại với Ngài
Khi bạn đứng trước Nhan Chúa, bạn cảm thấy Chúa đoái nhìn, lắng nghe. Ở lại với Chúa, là thì thứ hai của cuộc đối thoại, bạn quyết tâm phục vụ Ngài. Khi Kinh Thánh diễn tả thái độ của ông Ê-li-a, thay vì nói “ông đứng trước Nhan Chúa” thì Bible de Jérusalem dịch là “ông phục lệnh Ngài”.
Ở lại với Chúa có ba nghĩa:
Bạn đồng tình với Ngài. Đức Ki-tô đã nói: “Ai không ở với Ta, thì chống lại Ta”. Điều này có nghĩa là chấp nhận ý Chúa hiện đang tỏ ra trong đời tôi, trong cách tôi suy tưởng, hành động. “Bạn có vui sướng vì mọi việc Chúa làm trong cuộc sống của bạn không?”. Hãy coi chừng đừng đi nước đôi, đừng sống ngược hẳn với điều bạn thưa với Chúa: “Miệng chúng gần Ngài, dạ thì xa. Còn tôi, Ngài biết, Ngài nhìn thấy, chứng giám lòng tôi vẫn gần Ngài” (Gr 12,2). Tôi suy ra hệ quả thứ nhất: Tôi làm theo ý Chúa, tôi muốn theo làm ý Chúa.
Bạn kết hợp với Ngài. Đó là ngôn ngữ của tình yêu. Bạn phải say mê Chúa Ki-tô:
“Bên Ngài thế sự thật tình chẳng ham
Dẫu cho hồn xác suy tàn
Thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con
Muôn đời là Chúa cao tôn” (Tv 72,25-26)
Hơn thế nữa, bạn mong ước đừng bao giờ lìa xa Đức Giê-su, bạn khao khát được ở gần Ngài muôn đời, diện đối diện: “Tôi ước ao được chết để ở với Ngài … chúng ta sẽ được gần nhau mãi mãi” (Thánh Phao-lô). Muốn cầu nguyện, phải thưởng thức, nếm cảm tình yêu Chúa. Hệ quả thứ hai: tôi yêu mến Chúa, tôi muốn yêu mến Ngài.
Bạn làm việc cho Ngài. Đức Ki-tô tha thiết ước mong mỗi tông đồ trở thành bạn chí thân của Ngài (Mc 3,14): Người thành lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai đi rao giảng Tin Mừng. Tình bạn đối với Đức Giê-su không phải chỉ là một tình cảm mơ hồ mà là tình Chúa đặt trong trái tim bạn, tình Chúa Ki-tô yêu mến Chúa Cha và anh em Ngài được thông truyền qua trái tim bạn. Vài giờ trước khi chịu chết, Ngài đã công bố: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy, Thày không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Còn anh em, Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã tỏ cho anh em biết” (Ga 15,14-15).
Người tông đồ là bạn chí thân của Thiên Chúa, quy hướng về Ngài và gặp thấy Ngài trong mọi sự. Hãy lấy thì giờ ngồi không bên Chúa Ki-tô để Ngài cảm hóa bạn, để nghe Ngài chia sẻ những điều thầm kín nơi Thiên Chúa. Hãy lắng nghe Ngài nói với bạn “Con không phải là tôi tớ, con là bạn hữu của Ta”. Chúa Giê-su đã yêu các bạn hữu mình cho đến chết. Hãy mở lòng đón tình bạn của Ngài. Do đó, hệ quả thứ ba là: bạn làm việc cho Đức Ki-tô, bạn muốn làm việc cho Ngài. “Hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa” (Tv 72,28). Thánh Thần Chúa sẽ giúp bạn ước muốn kết hợp với Đức Giê-su và làm công việc của Ngài.
Ga 1,35-42: 35Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. 36Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” 37Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. 38Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” 39Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.
40Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. 41Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). 42Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).
3. Cầu nguyện là hạnh phúc được ở trong Thiên Chúa
JL 12: Bạn ở trong Thiên Chúa
Hai người bạn thân muốn ở gần nhau trong tình thân ái. Sách Cựu Ước nói rằng Thiên Chúa cư ngụ ở giữa Dân Ngài. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en (chương 36) còn thêm là “Chúa ban Thần Khí bên trong trái tim con người”, nhưng chỉ có Đức Giê-su mới nói rõ tình Chúa đối với con người khiến Ngài đến cư ngụ trong trái tim chúng ta.
Đời sống Thiên Chúa lưu thông trong thân xác xương thịt của Đức Giê-su và nhờ quyền năng của Thánh Thần, Ngài có thể thông truyền cho chúng ta sức sống mãnh liệt của Ngài. Khi bạn được tháp nhập vào Đức Ki-tô trong phép Thánh Tẩy, bạn trở thành ngôi nhà của Thiên Chúa, được chung hiệp vào mối tình giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Cầu nguyện là ý thức Thiên Chúa đang sống trong bạn và ước mong nên một với Ngài, mặc dầu còn một khoảng cách xa giữa Thiên Chúa và bạn.
Khi cầu nguyện, hãy ý thức bạn là con, và Thánh Thần đang chuyển cầu cho bạn. Mỗi khi thưa “Áp-ba, Lạy Cha” bạn tự biết mình là con của Cha trên trời. Chính Thánh Thần Chúa xác nhận, minh chứng bạn là con cái Thiên Chúa. Bạn có thể kinh nghiệm một cách lờ mờ nhưng đó là một điều chắc chắn bạn là con Thiên Chúa. “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên “Áp-ba, Cha ơi”. Càng cầu nguyện, bạn càng thấy rõ quả thật mình là con Thiên Chúa.
Thánh Phao-lô tường thuật kinh nghiệm của người tin vào Chúa ở chương 8 thư gởi tín hữu Rô-ma. Kinh nghiệm này không giảm bớt khoảng cách giữa Thiên Chúa và chúng ta. Luật lệ La mã phân biệt rõ ràng, nghĩa tử và con thật; khi thánh Phao-lô, là người biết luật nói rõ chúng ta là nghĩa tử, ông nhấn mạnh sự khác biệt giữa chúng ta và Đức Giê-su Ki-tô, người Con trong bản chất. Được làm nghĩa tử là một ân huệ Thiên Chúa ban cho chúng ta. Trong Đức Ki-tô, bạn ở trong Thiên Chúa, bạn được Thiên Chúa Ba Ngôi ở cùng.
Khi cầu nguyện, hãy tin vào sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi bạn, cho dù bạn không có cảm xúc nào. Thiên Chúa ở trong bạn, kêu mời bạn ở lại trong Ngài. Bạn chưa cầu nguyện cho nên, nếu bạn chưa chiêm ngắm lâu giờ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Hãy luồn mình vào trong chuyển động yêu đương lôi cuốn Đức Giê-su về với Chúa Cha. Vì thế mà Chúa Giê-su tha thiết kêu mời chúng ta lưu lại trong Ngài: “Xin cho tất cả nên một, lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, xin cho họ cũng được ở trong chúng ta” (Ga 17,21).
Hãy gia nhập vào gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ Ngôi Lời nhập thể. Nhờ thông hiệp với Thiên Chúa, đức tin bạn sẽ mạnh lên. Hãy năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể, để đi sâu vào sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa. “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì luôn kết hợp với tôi, và tôi luôn kết hợp với người ấy” (Ga 6,56). Bạn đã tới điểm cao của cầu nguyện là cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Cầu nguyện là chung hiệp, là hiện diện, là thông chia tình thân với Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, nhờ năng động của Thánh Thần.
Cầu nguyện là đến với Chúa, kết hiệp cùng Ngài với trọn hữu thể của bạn: thân xác, trí khôn, ý chí và con tim, qua cuộc sống, mọi mối tương giao, mọi hoạt động, và đặc biệt trong những khoảng thời gian dành riêng cho cầu nguyện. Đời sống và cầu nguyện phải đi đôi với nhau.
Kết nguyện
lạy Chúa.xin cho con cầu nguyện nên
Xin Cha giải thích giúp con "JL" có phải trích từ sách Triên tri Joel ? mà sách JOEL con thấy chỉ 4 chương thôi ,con cám ơn cha ạ ! con làTrang giáo dân ở họ Tân Định đang tìm hiểu về Linh thao trên trang "Dòng Tên VN"xin Chúaban nhiều hông phúc trên con đường truyền giáo của quí cha .
JL là chữ viết tắt của Jean LAFRANCE,trong tác phẩm Cầu Nguyện Cùng Cha Trong Thầm Kín, (nguyên tác tiếng Pháp: Prie Ton Père Dans Le Secret)
Xin xem bài này: https://linhthao.net/luutru/1804 để biết các chữ viết tắt trong loạt bài chủ đề: "Xin cho con được gặp Chúa". Cám ơn
Tạ ơn Chúa !!! trong cuộc sống của con , con luôn đặt Chúa là số 1 và chọn Chúa trong tất cà mọi suy nghỉ và việc làm của con ,
Tạ ơn Chúa !!! trong cuộc sống của con , con luôn đặt Chúa là số 1 và chọn Chúa trong tất cà mọi suy nghỉ và việc làm của con ,