homme-desert-solitudemaindieu

Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ

“Linh Thao” là tựa đề một tập sách nhỏ do Thánh I-nhã biên soạn. Mặc dù mang tên sách, nhưng “linh thao” không phải là một sách để đọc theo nghĩa một biên khảo thần học hay một giáo huấn về đời sống thiêng liêng, nhưng là một chỉ nam hướng dẫn thực hành.

            Từ trong nguồn gốc, “Linh Thao” là một tập bút ký, nơi đó Thánh I-nhã ghi lại những kinh nghiệm thiêng liêng quan trọng của riêng mình, bắt đầu từ năm 1522, trong thời gian ẩn dật, khổ hạnh và chuyên tâm cầu nguyện tại Manresa, tức là một năm sau cuộc hoán cải đổi đời. Theo sách Tự thuật, “Khi nhận thấy kinh nghiệm thiêng liêng này có thể giúp ích cho kẻ khác, ngài đã viết thành sách.” Nhưng ngài không nhắm đến việc khai triển thành một quyển sách có hệ thống và mạch lạc. Ngài chỉ muốn thu thập những yếu tố quan trọng của kinh nghiệm làm thành một cẩm nang thực hành hay một phương pháp tìm Chúa. Cách chính xác, đó là cách tìm kiếm ý muốn Thiên Chúa trên cuộc đời mình.

            “Linh Thao” theo ý định của thánh I-nhã không nhắm đến việc phổ biến rộng rãi, nhưng được ưu tiên dành cho người hướng dẫn như thủ bản của một kinh nghiệm thiêng liêng nhất định. Người hướng dẫn-giống như các huấn luyện viên trong các môn thể thao hay tập luyện khác-là người đã có kinh nghiệm tìm Chúa qua Linh Thao và có thể giúp kẻ khác đi lại con đường tìm kiếm ý muốn Thiên Chúa trong khuôn khổ của một tiến trình cầu nguyện trong thinh lặng và cô tịch.

            Thủ bản “Linh Thao” bao gồm những thực tập hay thao luyện thiêng liêng (gọi tắt là: Linh Thao) chủ yếu là những bài suy niệm hay chiêm niệm, vốn được sắp xếp theo một trình tự chặt chẽ và năng động, nhằm mục đích chuẩn bị tâm hồn đi vào một tiến trình hoán cải sâu xa, trở về với Thiên Chúa, mục đích cuối cùng.

            Ðể cho kinh nghiệm được thành tựu cách mỹ mãn, Thánh I-nhã không bỏ qua một yếu tố nào, dù là những chi tiết xem ra rất nhỏ, nhưng đối với ngài là cần thiết cho hoạt động của ân sủng trong linh hồn. Vì thế, thủ bản “Linh Thao” cung cấp rất nhiều loại chỉ dẫn, chú thích và quy tắc liên quan đến những điều kiện và hoàn cảnh cầu nguyện hoặc những dẫn giải về cách xét mình xưng tội và thanh tẩy linh hồn hay các thao luyện khác.

            Trong số những quy tắc của Linh Thao, nổi bật nhất là các quy luật: “Biện phân thần loại” và chọn lựa bậc sống. Các quy tắc này rất cần thiết để giúp thao viên (người thực hành linh thao) nhận ra hoạt động của các loại thần trong linh hồn, hầu tránh khỏi những ảo tưởng và sai lầm, khi chọn lựa và bước theo Chúa.

            “Linh Thao” là một con đường tìm Chúa theo phương pháp của thánh I-nhã. Phương pháp này giả thiết một sự quảng đại của tâm hồn, không từ chối điều gì Chúa muốn, nhưng đồng thời sự quảng đại này cũng được bộc lộ bên ngoài bằng việc trung thành tuân giữ những quy định của phương pháp. Trong Linh Thao, có những quy tắc dành riêng cho người hướng dẫn, nhưng cũng có những lời khuyên và huấn dụ dành riêng cho người thực tập.

            Một điều xem ra nghịch lý, nhưng đồng thời biểu thị tính cách mới mẻ của Linh Thao, đó là thánh I-nhã khuyến cáo người hướng dẫn không được can thiệp quá mức vào sự tự do thiêng liêng của thao viên. Nghĩa là người hướng dẫn phải để cho mỗi thao viên trực tiếp gặp gỡ Thiên Chúa không qua trung gian. “Hãy để Ðấng Tạo Hóa hành động trực tiếp với thụ tạo của mình và để thụ tạo tiếp xúc trực tiếp với Ðấng Tạo Hóa và Chúa của mình” (LT 15).

            Người hướng dẫn Linh Thao chỉ trình bày những nét chính của tiến trình; vạch ra con đường và đề nghị và những chỉ dẫn cần thiết, luôn hiện diện để hỗ trợ. Và nhất là giúp thao viên nhận định các loại thần, để có những chọn lựa thiêng liêng phù hợp với tiêu chuẩn của giáo lý đức tin tức là trong sự tuân phục ý muốn Thiên Chúa.

            Người hướng dẫn còn phải sử dụng phương pháp trong tinh thần cởi mở, và thích nghi tối đa. Phương pháp Linh Thao thoạt tiên xem ra khô khan và có phần khắc khổ, nhưng khi được thấu hiểu và được áp dụng cách nhẹ nhàng, uyển chuyển thì trở thành một khí cụ hữu hiệu để canh tân và củng cố đời sống thiêng liêng. Dĩ nhiên, Linh Thao cũng như mọi phương pháp huấn luyện, đòi hỏi kỷ luật, nhưng sư phạm của Linh Thao, phối hợp hài hòa sự cương quyết, mạnh mẽ về phương diện nguyên tắc với sự dịu dàng tế nhị của con tim. Không có gì đi ngược lại với tinh thần Linh Thao hơn là việc áp dụng cách máy móc và quá khắt khe, những chỉ thị được ấn định cách đây bốn thế kỷ.

            Linh Thao là môt quyển sách nhỏ bé về kích thước nhưng mang một tầm vóc vĩ đại về hiệu quả thiêng liêng, nếu người đọc khám phá được động lực sâu xa tiềm ẩn trong đó. Nghĩa là, cần phải biết vượt lên trên cái nhìn chi tiết, tỉ mỉ, với lối giải thích mặt chữ, theo nghĩa đen và nắm bắt được cái tinh thần mạnh mẽ đã thúc đẩy thánh I-nhã hoàn toàn dâng hiến cuộc đời để tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa chính là tinh thần bàng bạc trong quyển Tự thuật, và được bộc lộ cách sắc nét trong Hiến Pháp Dòng Chúa Giêsu. Lúc đó người đọc công nhận Linh Thao quả thực chứa đựng một kho tàng vô giá về việc cầu nguyện cách riêng và đời sống thiêng liêng cách chung. Từng câu, từng chữ của Linh Thao có thể được coi như những hạt trai quý giá, với điều kiện là ta phải chịu khó lặn xuống sâu cả trăm ngàn lần để tìm thấy nó. Hay nói cách khác, nếu muốn thấy giá trị sung mãn của Linh Thao, ta không nên chỉ cầm đọc một lần. Nhưng phải đọc nhiều lần và nhất là phải biết thử nghiệm, tức là thực hành và áp dụng vào đời sống. Và rồi còn phải liên tục tìm hiểu qua các chú giải và chỉ nam đủ loại từ bốn thế kỷ nay. Ðồng thời, không ngừng đối chiếu bản Linh Thao với quyển Tự thuật và Hiến Pháp của Dòng Tên Chúa Giêsu. Lúc đó, ta mới hiểu tại sao Linh Thao được nhiều người ca tụng-nhưng cũng không thiếu những sự đề kháng, chối từ.

            Kinh nghiệm Linh Thao mà những trục chính được ghi lại trong Linh Thao là kinh nghiệm của Thánh I-nhã Loyola, nhưng cũng là kinh nghiệm của vô số những linh hồn quảng đại đã bước theo sau ngài để, “trong tất cả mọi sự, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa uy linh” (LT 233).

            Chọn con đường tìm Chúa theo phương pháp Linh Thao là biết rằng: “mỗi ngườii chỉ tiến bộ trong đời sống thiêng liêng, bao lâu họ thoát ra khỏi tự ái, ý riêng và tư lợi” (LT 189, 10) để bước theo Chúa Giêsu vác thập giá. Và cùng với Chúa Giêsu khó nghèo, khiêm hạ, và chịu sỉ nhục họ dấn bước trên con đường tử nạn để cùng Người vui hưởng vinh quang trong Nước Chúa.

            Linh Thao là một phương pháp đào luyện canh tân linh hồn, dưới tác động của ân sủng. Nhưng nếu chỉ có thế thì chưa nói hết được tính cơ bản của nó. Nếu phải tóm lược Linh Thao cách chính xác hơn, chúng ta chỉ có thể khẳng định: Linh thao là một tổng hợp các thao luyện thiêng liêng nhằm biến đổi một người trở nên giống Chúa Kitô, hầu bước theo Người mà tìm vinh quang lớn mãi cho Cha. Chính vì thế, Linh Thao đòi hỏi sự dấn thân trọn vẹn của con người: trí tuệ, cảm xúc và ý chí, với một ước nguyện dâng hiến quảng đại và toàn diện. Phải chăng điều này làm cho nhiều người ái ngại và thoái lui?

            Sẽ là một thiếu sót nếu chúng ta không ghi nhận những chứng từ và phán quyết từ quyền bính tối cao trong Hội Thánh trên Linh Thao.

            Ð.G.H Phaolô III ban đoản sắc Pastoralis Officii (ngày 31.07.1548) phê chuẩn và khen ngợi sách “Linh Thao, vốn được tuyển chọn từ kinh Thánh và được rút ra từ kinh nghiệm trong đời sống thiêng liêng.” Rồi từ đó, các vị Giáo Hoàng kế tiếp không ngừng đề cao và khuyến khích kinh nghiêm thiêng liêng này như một phương pháp vững chắc để tạo nên cho Giáo Hội những vị thánh qua mỗi thời đại. Các Ðức Giáo Hoàng khẩn thiết mời gọi các tín hữu thực tập Linh Thao, đồng thời nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tuyệt đối trung thành với phương pháp của thánh I-nhã, dù là người hướng dẫn hay là người thực tập Linh Thao.

            Gần chúng ta hơn, vào giữa thế kỷ XX, phải kể đến Ðức Piô XI. Từ khi còn là giám chức tại Giáo Triều và quản thủ Thư Viện Vaticanô, ngài đã nghiên cứu Linh Thao cách tường tận. Ngài nói: “Linh Thao của thánh I-nhã không phải là một giáo thuyết mà là một phương pháp” (x. S. Carlo e gli Eser. sp. di. S. Ign. Milano, 1908-10). Trong Tông hiến Summorum Pontificum (ngày 25.07.1922) ngài đã đặt thánh I-nhã Loyola làm quan thầy mọi công việc Linh Thao. Không ai đã hiểu biết và thực hành Linh Thao cách sâu sắc như Ðức Piô XI.

            Nhân dịp kỷ niệm kim khánh linh mục, Ðức Piô XI gửi đến các Giám mục và Linh mục thông điệp “Mens Nostra” (20.12.1929) khuyến khích việc thực tập Linh Thao và nhu cầu phải đẩy mạnh sự phát triển Linh Thao, như quà tặng kim khánh của ngài cho hàng giáo phẩm trên toàn thế giới.

            Ðức Piô XII ân cần giới thiệu Linh Thao ngay trong Thông điệp Mediator Dei về phụng vụ (x. AAS. 1947, tr.586). Và trong sắc phong chân phước cho nữ tu Marie-Thèrése Couderc, ngài nói đến “cuốn Linh Thao nhỏ bé mà bao la của thánh I-nhã” (“Le minuscule mais immense livre des Exercices de St. Ignace” x. AAS. 1592, tr.29)

            Trong bức thư do chính tay Ngài viết cho cha Tổng quyền Dòng Tên: Magna cum jucunditate, 31.07.1955 Ðức Piô XII ghi nhận: “không có điều gì quý giá hơn, hữu ích hơn, trường tồn hơn quyển sách vàng nhỏ bé mà thánh I-nhã đã trao lại cho con cái như di sản. Cũng như Ngài đã đạt thấu đời sống mới, thì ngài cũng muốn cho con cái được nuôi dưỡng bởi tinh thần ngài cống hiến cho Dòng Tên: một lòng nhiệt thành thánh thiện và đáng phục của tâm hồn, được thúc đẩy bởi ân sủng đang hoạt động trong các linh thao, vốn làm cho họ không chỉ khao khát mà còn sẵn sàng và hăng hái phụng sự cho vinh quang Thiên Chúa”

Ðức Gioan XXIII từ khi làm linh mục, hầu như năm nào cũng tĩnh tâm theo phương pháp Linh Thao. Năm 1958, sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, ngài dự khóa tĩnh tâm hàng năm do cha C. Messori Roncaglia, S.J. giảng trong điện Vaticanô, theo phương pháp thánh I-nhã. Khi bế mạc, Ðức Giáo Hoàng nhắc lại lợi ích của Linh Thao và khen ngợi vị giảng Linh Thao đã trung thành với phương pháp của thánh I-nhã, phương pháp đã được các Ðức Giáo Hoàng tiền nhiệm ân cần khuyến khích. (x. Osservatore Romano, edit. hebdomadaire, 19 déc. 1958)

Ðức Phaolô VI, trong thư gởi ÐHY Cushing (Boston), nhân một cuộc hội thảo vê tĩnh tâm của giáo dân tại Hoa Kỳ “National Catholic Laymen’s Retreat Conference” viết: “Trong nhiều phương pháp đáng ca ngợi giúp giáo dân tĩnh tâm, phương pháp dựa trên Linh Thao của thánh I-nhã vẫn là phương pháp được yêu thích hơn cả từ khi được Ðức Phaolô III phê chuẩn năm 1548. Các vị hướng dẫn tĩnh tâm phải không ngừng đào sâu những nguồn mạch phong phú về giáo lý và linh đạo trong bản văn của thánh I-nhã” (x. Documentation Catholique,LXIII, n.1482, col.1956-58).

Phương pháp đào luyện tâm hồn dưới tác động của ân sủng mà Linh Thao đề nghị dẫn đưa nhiều người đến tình yêu đích thực của Thiên Chúa. Không chỉ linh mục tu sĩ mà chính nếp sống tạo ra một hoàn cảnh thuận lợi cho việc nên thánh, mà cả những giáo dân muốn làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô cách hữu hiệu trong những hoàn cảnh cụ thể giữa trần đời.

Mọi người đều có thể sử dụng phương pháp Linh Thao, với điều kiện duy nhất là phải có tấm lòng tha thiết và quảng đại, không từ chối điều gì trước lời mời gọi của ân sủng Thiên Chúa. Lúc đó ân sủng sẽ làm nên những việc lạ lùng nơi tâm hồn con người.

“Người luyện tập Linh Thao, sẽ được nhiều ích lợi, nếu bước vào với lòng quảng đại và hào hiệp với Ðấng tạo Hóa và Chúa mình.” (LT 5)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

four × four =