CÁC CHÚ DẪN LINH THAO (Kỳ 2)

II. Cho và nhận Linh Thao (ba chú dẫu đầu tiên)

Người hướng dẫn

(CD 2)

=>

Bài Linh Thao

(CD 1)

=>

Người tập luyện

(CD 3)

1. Bài Linh Thao (chú dẫn 1)

a. “Bài tập thiêng liêng” (tiếng Anh : spiritual exercise)

« Bài tập », trong tiếng Anh là exercise, vốn xuất phát từ một từ ngữ có từ xa xưa, khi nói về học nghề và hành nghề (tiếng La tinh : exercitium; và tiếng Hy lạp : ascèsis). Khi học nghề, người học phải làm các bài tập. Một cách chung, có ba giai đoạn của việc học nghề: bắt đầu vất vả; đạt được những thao tác căn bản; hoàn thiện và luyện tập liên tục. Khởi đi từ kinh nghiệm rất đơn giản và rất phổ quát này của đời sống con người, trong đời sống thiêng liêng, truyền thống linh đạo phân biệt ba con đường: con đường thanh luyện (tiếng Pháp là voie purgative); con đường bừng sáng (voie illuminative); con đường kết hiệp (voie unitive).

Còn từ ngữ Hy lạp ascèsis, khi được chuyển vào trong tiếng Pháp hoặc tiếng Anh (ascèse, asceticism), lại mang nghĩa tiêu cực, vì thế được dịch là « khổ chế ». Trong khi theo truyền thống cổ xưa, ascèsis tiên vàn mang ý nghĩa tích cực ; bởi lẽ, nếu chúng ta thực hành khổ luyện, trước hết đó là vì chúng ta hướng tới một viễn tượng mà ở đó niềm vui tràn đầy, và như thế, cách nào đó chúng đã cảm thấy vui rồi, ngay trong giai đoạn lao nhọc.

Vậy thì tĩnh từ « thiêng liêng » (spiritual) mang ý nghĩa nào? Các bài tập linh thiêng liêng (được chúng ta gọi là « linh thao ») có điểm chung với các bài tập học nghề hay các bài tập thể thao, vì đều là « bài tập ». Nhưng đâu là sự khác biệt? Tất cả các chú dẫn còn lại sẽ giúp chúng ta hiểu sự khác biệt này.

b. Nội dung của chú dẫn

Chú dẫn thứ nhất được cấu tạo bởi hai câu, mỗi câu định nghĩa linh thao ở một cấp độ khác nhau: cấp độ căn bản và cấp độ sư phạm.

Hai tiếng “Linh Thao” ở đây có nghĩa là mọi cách (todo modo) xét mình, suy gẫm, chiêm niệm, cầu nguyện bằng miệng lưỡi hay bằng tâm trí, và các việc (operaciones) thiêng liêng khác như sẽ nói sau.

Vì như đi dạo, đi bộ, chạy là những việc thể thao, thì cũng thế, gọi là “Linh Thao” tất cả những cách dọn và chuẩn bị linh hồn để xa bỏ những quyến luyến lệch lạc và sau đó tìm kiếm ý Chúa trong cách xếp đặt cuộc sống (buscar y hallar la voluntad diuina en la dispositión de su vida) để mưu ích cho linh hồn mình.

(1) Câu thứ nhất

Câu này có một khởi đầu mở: « mọi cách » (tiếng TBN todo modo) và kết thúc cũng mở: « những việc thiêng liêng khác » (otras espirituales operaciones). Ở giữa là một số hoạt động được xác định. Chúng ta có thể nhận ra ở đây cung cách hướng dẫn của I-nhã: đề nghị chính xác cách làm, nhưng vẫn để ngỏ.

Các hoạt động cụ thể được diễn tả bởi bốn động từ: xét mình (examinar la conciencia); suy niệm (meditar), chiêm niệm (contemplar), dâng lời nguyện ngoài miệng và trong tâm trí (orar vocal y mental). Suy niệm, chiêm niệm và dâng lời nguyện: đây là các cách thức cầu nguyện theo thứ tự của sách Linh Thao và cũng là thứ tự của truyền thống linh đạo. Điểm độc đáo của Inhã là đưa xét mình lên hành đầu.

Suy niệm là dùng hoạt động suy nghĩ của trí khôn để hiểu điều mình nghe hoặc đọc, nhằm nội tâm hóa và đồng hóa nó. Trong hoạt động nhận thức, chúng ta thường dễ nhớ hay nhập tâm điều mình hiểu và nhớ hay nhập tâm bằng cách hiểu nó.

Chiêm niệm theo nghĩa mạnh của truyền thống linh đạo, là đặt mình trong một thái độ thụ động, cho phép nhận thức được hoạt động của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa làm cho mình được nhận biết hoặc nơi điều mà người chiêm niệm đang trải qua, hoặc nơi điều mà người chiêm niệm tri thức từ các tạo vật. Thái độ chiêm niệm đòi hỏi hoạt động ý chí phải dừng lại một cách tương đối. Phần hoạt động của người chiêm niệm là đặt mình trong một thái độ thụ động trước điều Thiên Chúa thực hiện. Vì thế, chiêm niệm không thể là một « bài tập » theo nghĩa chúng ta trình bày ở trên, bởi lẽ một bài tập, theo định nghĩa, là hoạt động ý chí, thậm chí duy ý chí. Bài tập thuộc bình diện « hành động ». Và hành động (action) là một hoạt động nhằm thao luyện mình, là một biện pháp khổ chế nhằm chuẩn bị và hướng mình đến việc đón nhận ân sủng chiêm niệm. Tuy nhiên, vào giữa thời Trung Cổ, từ ngữ « chiêm niệm » bắt đầu được dùng theo nghĩa sư phạm, để chỉ một phương thức cầu nguyện nằm ở giữa suy niệm đúng nghĩa và chiêm niệm theo nghĩa mạnh.

Dâng lời nguyện ngoài miệng và trong tâm trí. Trong tiếng La tinh Orare có nghĩa là nói. Vì thế, trong truyền thống, dâng lời nguyện luôn có nghĩa là nói, dù phát ra tiếng hoặc không phát ra tiếng.

Cuối cùng, các việc thiêng liêng khác. Trong tiếng TBN, đó là operaciones (tiếng Anh là operations) ; từ ngữ này diễn tả một qui trình hành động phức hợp nhằm đạt được một kết quả nhất định ; vì thế, từ ngữ này được dùng để chỉ qui trình giải phẫu trong y khoa, chỉ một chiến dịch trong quân sự. Ngoài ra, từ ngữ này còn diễn tả điều gì đó đang có hiệu lực, đang tác dụng hay đang có kết quả. Vì thế, dù đó là một hoạt động thiêng liêng, nhưng luôn mang chiều kích ngoại tại hay thân thể.

(2) Câu thứ hai

Có thể nói câu thứ hai này diễn tả tầng nền cho mọi đời sống thiêng liêng. Ở đây, I-nhã so sánh với bài tập thể lý. Thực ra việc so sánh nằm ngay trong thành ngữ « bài tập thiêng liêng », vì « bài tập » tự nó mang chiều kích thể lý hay bao hàm sự vận động. Tuy nhiên, « bài tập thiêng liêng » ở đây không chỉ đơn giản được so sánh với bài tập thể thao, nhưng « Linh Thao », xét như là “linh”, tất yếu có một chiều kích thể lý. Điều này có nghĩa là, nếu chưa có chiều kích thể lý, thì chưa phải là « linh » hay đúng hơn « thiêng liêng »! Bởi vì cầu nguyện không chỉ là một hoạt động thuần trí năng; và linh thao lại càng không thể giản lược vào hoạt động trí năng (mental activity)[1]. Để là “thiêng liêng”, và không chỉ là « trí não » (mental), các bài tập phải có một chiều kích cụ thể, nghĩa là thể lý. Vì thế, so sánh với thể thao, I-nhã không chỉ nhằm làm cho chúng ta hiểu linh thao, nhưng còn muốn nhấn mạnh đến chiều kích thể lý của một bài Linh Thao.

Sau đó, thánh I-nhã nêu ra mục đích của các bài Linh Thao và đây chính là một trong hai điểm độc đáo của thánh I-nhã so với truyền thống (điểm độc đáo kia là sách Linh Thao là sách dành cho người hướng dẫn, chứ không phải dành cho người tập luyện) ; mục đích của các bài Linh Thao là chuẩn bị cho một lựa chọn dứt khoát: “tìm kiếm ý Chúa trong cách xếp đặt cuộc sống”; lựa chọn này đưa người tập dấn thân vào cộng đồng, Giáo Hội và xã hội và qua đó nhận được ơn cứu độ. Các yếu tố của câu đầu được thánh I-nhã lấy trừ truyền thống, nhưng câu thứ hai cho thấy sự độc đáo của sách Linh Thao: các bài tập thiêng liêng sẽ dẫn đến sự lựa chọn và hoàn tất ở đó. Vì thế, tuần III và tuần IV của hành trình Linh Thao phải được hiểu theo viễn tượng của câu thứ nhất.

Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.
(Kỳ 2 còn tiếp hai chú dẫn 2 & 3 nữa)

[1] Xem những điều phụ thêm, số 75 và 76.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

7 − seven =