Sau cái nhìn bao quát trên đây, thiết tưởng chúng ta có thể rút ra những nét đặc trưng của linh đạo Thánh I-nhã về Đức Mẹ .

Điểm đầu tiên chúng ta phải ghi nhận là không bao giờ thấy Thánh I-nhã trình bày Đức Mẹ như giữ một vai trò giới hạn trong một khía cạnh của đời sống thiêng liêng. Mẹ không là mẫu gương của một nhân đức nào (dù là chiêm niệm, thống hối hay đền tạ, thương xót…). Ngay cả sự tinh tuyền của Mẹ, dù nổi bật lên trong một thế giới tội lỗi, cũng không được Thánh I-nhã coi là điều trổi vượt mà chúng ta cần noi gương. Điều này càng đáng lưu ý hơn nữa, vì ngay trong những ngày đầu tiên trở lại, thánh nhân đã được Mẹ ban ơn không bao giờ chiều theo các đam mê xác thịt: thánh nhân không để lại một dấu vết nào trong Linh thao về điểm này.

Hơn nữa, không một bài chiêm niệm nào đưa chúng ta dù trực tiếp hay gián tiếp vào trong nội tâm của Đức Mẹ . Không có gì giữ chúng ta lại trong quãng đường liên tục “từ thinh lặng tới thinh lặng, từ thinh lặng để thờ lạy đến thinh lặng để biến đổi”. Thánh I-nhã không nói lấy một lời nào về đời sống của Thánh Linh bên trong Mẹ. Đối với thánh nhân, Mẹ chỉ xuất hiện trong vai trò bên cạnh Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu trong lịch sử cứu độ.

Không phải là Thánh I-nhã lẩn tránh những lời trao đổi thâm sâu khôn tả giữa Thiên Chúa và Mẹ. Trái lại, chúng ta đã thấy tầm quan trọng của những cảnh thân mật nhất, như cảnh Chúa Giêsu từ giã Nazareth hay hiện ra với Đức Mẹ, là hai câu chuyện không được sách Tin Mừng thuật lại, nhưng lại được Thánh I-nhã nhìn ra chiều kích thiêng liêng. Tuy nhiên ngay cả trong những trường hợp như thế, Thánh I-nhã vẫn luôn luôn coi trọng vai trò lịch sử của Mẹ trong chương trình cứu độ hơn là những ý tưởng có tính cách thần nhiệm.

Nếu cần nói về một nhân đức mà Mẹ dẫn dắt chúng ta đến thì phải nói tới sự nghèo khó. Sự “nghèo khó cùng cực” (16) của Máng Cỏ là câu trả lời đầu tiên cho ai đã quyết chí “sống nghèo khó thực sự cũng như trong lòng” (98). Trong bài Linh thao Hai Cờ Hiệu, chúng ta cầu xin Mẹ cho chúng ta ơn được nghèo khó là bậc thang đầu tiên (146) để tiến tới chỗ hoàn toàn phụng sự Chúa uy linh. Đây là thái độ căn bản phải tồn tại mãi mãi. Về sau, bậc khiêm nhường thứ ba sẽ gắn chặt sự nghèo khó vào việc nên giống Đức Kitô nghèo khó. Nhưng càng ngày sự nghèo khó càng trở thành sự dứt bỏ trong đời sống thiêng liêng, sống “cô liêu”, tận tình dâng hiến cho sự đau khổ sinh ra ơn cứu độ. Trong Tuần Thứ Ba và Thứ Tư, Thánh I-nhã không nói về sự nghèo khó nữa, vì giả thiết nó đã tới tột đỉnh trong sự tự hủy trên núi Sọ.

Nghèo khó trở thành quên mình hoàn toàn. Chúng ta đang ở trung tâm Linh thao, cũng là trung tâm của mầu nhiệm cứu độ. Nghèo khó dẫn đường chúng ta đến với Nước Trời: nó đưa chúng ta vào sự vâng phục của Đức Kitô đối với Cha.

Đó cũng là chỗ Đức Mẹ dẫn chúng ta tới, vì Mẹ là mẫu gương và gợi hứng cho một đời khó nghèo thực sư. Mẹ không giữ lại cho Mẹ lời nguyện hay tình yêu của chúng ta. Trong cùng một đà tiến, chúng ta vừa đạt tới Mẹ vừa đạt tới Chúa Giêsu, vì Đức Mẹ gắn chặt mình trong mầu nhiệm cứu độ bằng chiến thắng của Thập giá. Trong Linh thao, Mẹ luôn luôn xuất hiện trong ánh sáng của sứ mạng Chúa Giêsu: giữa Mẹ vô nhiễm và Mẹ hiển dương sáng ngời. Hy lễ của Chúa Giêsu mà Mẹ đã đón nhận và dâng hiến. Và bao lâu nhân loại còn phải tiếp tục cuộc hành trình vượt qua cõi chết, với tư cách là tạo vật đầu tiên được tái tạo, Mẹ nhận lời cầu nguyện tha thiết trong Hai Cờ Hiệu, là lời nguyện của lịch sử loài người cũng như của Giáo hội chiến đấu, Giáo hội vừa vinh quang vừa tội lỗi, Giáo hội đã chiến thắng trong Đứa Kitô nhưng vẫn còn phải đau khổ tiến về Giêrusalem.

Thiết tưởng đó là cái nhìn chính xác của Thánh I-nhã. Nói về Đức Mẹ, chúng ta phải tìm ra động lực và nét đặc trưng trong thái độ thiêng liêng của Mẹ: sống tận tình cho vinh quang Thiên Chúa, nghĩa là cộng tác vào việc đưa cả vũ trụ vượt qua cõi chết để sống lại trong nước Chúa. Chính Linh thao không nhắm gì khác hơn là gắn chặt chúng ta vào thực tại lịch sử của ý định Thiên Chúa muốn cứu độ thế gian bằng máu Đức Kitô. Việc giúp chúng ta sẵn sàng đón nhận ơn sủng chỉ là để chúng ta sống trọn vẹn mầu nhiệm cứu độ. Đức Maria lúc nào cũng gắn bó chặt chẽ với sứ mạng của Chúa Con, và tất cả sứ mạng của Mẹ là đặt chúng ta “dưới cờ Thập giá”.

Trên đây chính là ước nguyện của Thánh I-nhã trên đường đi Rôma năm 1538 để thi hành lời khấn năm 1534 ở Paris. Ở La Storta, Thánh I-nhã đã gặp Đức Kitô vác Thập giá, và Đức Kitô nhận thánh nhân làm thủ hạ. Từ đây, với xác tín này trong cả cuộc đời, người “bạn đường của Chúa Giêsu” biết mình được liên kết với Đức Kitô trên Thập giá, và luôn luôn xả thân cho công cuộc cứu rỗi thế gian. Thị kiến ấy, xác tín ấy là một ơn nhưng không của Chúa. Tuy nhiên Thánh I-nhã đã chuẩn bị: “Thánh nhân đã quyết định sau khi chịu chức linh mục sẽ không làm lễ suốt một năm để chuẩn bị và cầu xin Đức Mẹ đặt mình bên Chúa Con. Một hôm, khi còn cách Rôma mấy dặm, đang khi cầu nguyện trong một nhà thờ, thánh nhân nhận thấy sự biến chuyển lớn lao trong tâm hồn, và thấy rõ ràng Chúa Cha đặt mình cùng Chúa Kitô con của Ngài. Thánh nhân không thể nào nghi ngờ điều đó, chỉ biết rằng Chúa Cha đã đặt mình bên Chúa Con” (Tự thuật 96).

“Đặt bên Chúa Con” là một câu đơn giản nhất nhưng rất giàu ý nghĩa: nó diễn tả điểm then chốt của ơn Thánh I-nhã đã nhận được ở La Storta. Trong Nhật ký, thánh nhân viết: “Nhớ lại ngày tôi được Chúa Cha đặt bên Chúa Con” (23-2), như vậy là Đức Mẹ đã nhận lời thánh nhân tha thiết nguyện xin. Có lẽ tất cả vai trò của Mẹ trong Linh thao cũng có thể tóm tắt trong công thức ngắn gọn ấy của Thánh I-nhã : “đặt bên Chúa Con”. Chính đây cũng là một nỗ lực thiêng liêng của Linh thao .

Như vậy, lòng yêu mến Đức Mẹ theo Linh thao không phải là dễ dãi, tình cảm. Vào tháng 12-1524, khi ấy những phần chính của Linh thao đã thành hình, Thánh I-nhã đã viết cho một ân nhân như sau: “nguyện xin Đức Mẹ. . . giúp chúng ta được ơn biết cố gắng và can đảm biến đổi tinh thần yếu đuối và buồn phiền của chúng ta thành tinh thần dũng mạnh và hân hoan để ca ngợi Chúa Giêsu con Mẹ”(1). Lòng yêu mến Đức Mẹ không những không làm cho chúng ta thành bạc nhược hay làm chúng ta ngủ vùi trong tình cảm, trái lại giúp chúng ta xả thân phụng sự Thiên Chúa. Lòng yêu mến Đức Mẹ phải làm cho chúng ta tăng thêm nguồn năng lực để sống cho Chúa.

Lòng yêu mến Đức Mẹ đượm đầy yêu mến và dịu dàng, nhưng không ướt át trì trệ. Thánh I-nhã rất ít nói về Đức Mẹ. Nhưng khi thánh nhân im lặng hay hoạt động, ngài luôn mang trong mình một tấm ảnh Đức Mẹ Bảy Sự mà Ngài giữ từ khi còn ở với gia đình. Đây có lẽ chỉ là thói quen đạo đức của người Tây Ban Nha, tuy nhiên cũng cho thấy thánh nhân thích nhìn Đức Mẹ liên kết với Đức Kitô trên Thập giá.

Lòng yêu mến của Thánh I-nhã đối với Đức Mẹ vừa đầy tính cách thiêng liêng vừa rất thần học, nên hơn một lần Mẹ đã bày tỏ cho Ngài những bí nhiệm sâu thẳm của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ở Manresa, “một hôm đang khi đứng trên bậc thang nhà thờ thánh Đaminh đọc giờ kinh Đức Mẹ, trí tuệ của Ngài được nâng cao hầu như nhìn thấy Ba Ngôi Thiên Chúa chí thánh”(Tự thuật 28). Nhiều đoạn trong cuốn Nhật ký cho thấy Đức Mẹ đã chuyển cầu cho thánh nhân không những với Chúa Con mà cả với Chúa Cha hay Ba Ngôi Thiên Chúa, trong khi thánh nhân tràn ngập trong sự hiện diện của Ba Ngôi, đầy lòng sốt mến và nước mắt dàn dụa. Nếu lòng yêu mến Đức Mẹ dẫn được thánh nhân đến những ân sủng cao quý như thế, hẳn là lòng yêu mến ấy phải đặt nền trên Đức Kitô, Đấng trung gian độc nhất nhờ máu ngài đổ ra trên Thập giá.

Đó là lòng yêu mến Đức Mẹ mà Linh thao dạy chúng ta. Việc Đức Mẹ có đọc cho Thánh I-nhã chép sách Linh thao hay không cũng chẳng quan trọng bao nhiêu. Các trực giác Thánh I-nhã có về Đức Mẹ vẫn tiếp tục giúp nhiều tâm hồn hiến thân cho Đức Kitô: sự thật đó quan trọng hơn mọi thứ chuyện truyền kỳ.

G.M. Cosma Hoàng Văn Đạt chuyển ý

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

One Response to Đức Mẹ Maria trong Linh Thao

  1. Peter Ta says:

    Cám ơn Các Cha SJ – Các Bài Linh Thao giúp chúng con nhiều vì từ khi "đi tu" theo địa phận, ở Hoa Kỳ, không có hoàn cảnh và khả năng làm "linh thao I-Nhã" . Cường Tuyết.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

17 + 7 =