Chúa thương tôi, không phải bằng một tình yêu viển vông, nhưng với thật nhiều quà tặng. Món quà ấy, Chúa cho tôi để nhận ra tình yêu của Người, và cũng để cho tôi đem món quà ấy diễn tả lại tình yêu của tôi đối với Người. Tôi đâu có gì cho Người? Người cũng chẳng thiếu thốn chi để cần đến tôi? Nhưng Người cho tôi và Người muốn mời gọi tôi đi vào trong cuộc trao đổi tình yêu với Người. Người cho tôi cái khả năng, cái phương thế, vật chất để làm trung gian. Tôi chẳng có gì để cho Người nhưng tôi có thể lấy những gì Người đã cho để viết thành bài ca chúc tụng Người, thành lời thơ yêu mến Người. Tôi có thể làm cho  cả đời sống của tôi, vũ trụ của tôi trở thành bài ca yêu mến, đáp lại tình yêu của Người. Chính vũ trụ, cuộc đời của tôi lại là tiếng nói của Người cho tôi, là tiếng Người nói cho tôi rằng: “Ta yêu thương con.”

Sách Thánh đã dùng một hình ảnh thật đẹp, hình ảnh của vườn Địa Đàng, với tất cả hoa trái và Chúa đã đặt con người vào đấy. Địa Đàng ở đâu? Tôi sẽ chẳng bao giờ thấy nó ở đâu cả. Nhưng nếu tôi sống, vườn Địa Đàng chính là vũ trụ này, là cuộc đời của  tôi, và Adam không ai khác lạ mà chính là tôi. Adam là tôi, là con người sống trong vườn Địa Đàng, trong cái vũ trụ mà Thiên Chúa dựng nên và để con người vào trong đó. Với tôi, vũ trụ này đẹp không? Sách Thánh nói rằng, mỗi khi Thiên Chúa làm nên một thọ tạo, Người đều thấy nó đẹp, nhưng đến khi tạo nên con người, Người thấy nó rất đẹp. Chỉ có loài người mới ý thức được tình thương của Thiên Chúa. Đó là cái gì rất đẹp. Với ý thức của mình, con người nhận ra vũ trụ này, trái đất này, tất cả những gì làm cho con người sống và lớn lên, đều là quà tặng tình yêu của Thiên Chúa. Con người đi vào trong cuộc đối thoại tình yêu với Thiên Chúa. Nơi đó, con người nhận ra vũ trụ này, cuộc đời này vừa là tiếng nói của Thiên Chúa, vừa là tiếng mình đáp lại Thiên Chúa, vừa là quà tặng của Thiên Chúa, vừa là lễ vật để mình dâng lại Thiên Chúa. Tất cả đời sống của tôi trong vườn Địa Đàng này, ở trên mặt đất này có nghĩa gì không? Có những người tự tử vì chẳng còn tìm thấy một ý nghĩa gì cho cuộc sống của mình. Cuộc sống của tôi làm sao có ý nghĩa, nếu không phải là để đi vào cuộc đối thoại tình yêu với Thiên Chúa, là sự gặp gỡ giữa hai ngã vị. Cuộc đối thoại thật ý nghĩa và kéo dài mãi vô cùng vô tận. Nó kéo dài thế nào lại tuỳ thuộc ngay từ cái ngày hôm nay. Ngày hôm nay, tình yêu ấy như thế nào? Về phía Thiên Chúa, tình yêu vẫn trung thành, và chẳng có gì xoá mờ được. Còn phần tôi thì sao?

 Tôi có thể sử dụng cuộc đời này để phục vụ bản thân, nhưng hậu quả sẽ như thế nào? Đến lúc tôi nhắm mắt xuôi tay, tất cả sẽ chẳng còn gì cả, chỉ là một khối trống không. Cuộc đời tôi lúc đó sẽ chẳng còn ý nghĩa gì hết. Nhưng nếu, tôi không đi tìm lợi ích cho bản thân, không bám víu vào cái mau qua, mà đi tìm một ý nghĩa tuyệt đối… Nếu  tôi lấy cuộc sống của mình để đánh đổi cái vĩnh cữu, cái tuyệt đối, thì cái tuyệt đối ấy chính là Thiên Chúa. Người là Đấng ban cho tôi tất cả; Người đã kéo tôi từ hư vô trở thành hiện hữu, để tôi hưởng tình thương của Người, mời  tôi đáp lại tình thương ấy. Vậy, cuộc đời của tôi là để hướng về Người, cuộc đời của tôi phải dược kết thúc trong Người. Cuộc đời của tôi là lịch sử một mối tình, nó kết thúc tốt đẹp hay không là tuỳ sự chọn lựa của tôi.

Cuộc đời là để cho đi. Lúc nào tôi bắt đầu tích trữ trong phòng tôi, trong tủ áo quá nhiều thứ lỉnh kỉnh, tôi sẽ thấy đến lúc sẽ không còn chổ để xếp thêm món gì khác nữa. Đợi đến lúc tôi làm một cuộc “tảo thanh”, tôi mới có thể cho đồ mới vào. Trong Phúc Âm, có câu chuyện anh nhà giàu kia, lúc được mùa, anh thấy dư thóc lúa, nên đêm về anh vắt tay trên trán nghĩ ngợi: “Cái kho cũ của mình nhỏ bé quá, thôi thì mình phá nó đi, làm một cái kho mới lớn hơn, chất đầy lúa gạo vào đó.” Rồi anh mặc sức ăn uống, ngủ nghĩ, no say thoả thích. Thiên Chúa bảo anh ấy rằng: “Nếu đêm nay Chúa đòi ngươi trả lại mạng sống ngươi thì sao? Kho lẫm kia sẽ về tay ai?” (x. Lc 12,13-21)

Cuộc đời là để cho đi, nếu tôi bám lấy nó thì  tôi mất tất cả, nhưng phải chăng tôi buông xuôi tất cả? Hãy ví cuộc đời như một dòng sông, sông Cửu Long chẳng hạn; đồng bằng sông Cửu Long mênh mông bát ngát, kho tàng nuôi sống miền Nam, thì đó là vì nước của Cửu Long đã chảy qua bao nhiêu cây số và cứ chảy mãi, không luyến tiếc đôi bờ. Dòng sông chảy mãi, nhờ thế nó đem phù sa cho miền Nam màu mỡ. Tôi tưởng tượng nếu dòng sông Cửu Long dừng lại, vì luyến tiếc hai bờ phù sa màu mỡ ấy, nó sẽ thôi không còn bồi đắp gì thêm được nữa, thì làm sao còn mãi được miền Nam xanh tươi trù phú này? Đấy, cuộc đời phải là để cho đi.

 Tôi có thể ví cuộc đời như một tác phẩm nghệ thuật, một bức tranh chẳng hạn. Người họa sĩ muốn vẽ cảnh bình minh, chắc phải chọn những màu sắc tươi rực rỡ; hoặc muốn vẽ cảnh mùa hè có hoa phượng nở, thì chắc phải dùng màu đỏ thẳm thật tươi, thật đậm; hoặc là cảnh hồ thì chắc là phải chọn màu xanh .v.v. Tại sao phải chọn màu này, nét nọ? Vì đó là quy luật của nghệ thuật. Nếu muốn đó là một bức tranh thì phải theo những quy luật của nghệ thuật hội hoạ. Còn nếu ví cuộc đời như một bản nhạc. Người nghệ sĩ sáng tác một bản nhạc, phải chọn những nốt nhạc, những âm điệu, những độ dài âm thanh vừa đủ để diễn tả những gì ông cảm thấy trong tâm hồn. Lúc đó, ông không chọn nốt Rê, nốt La, vì ông thích Rê hay La. Nhưng ông chọn những nốt đó vì trực giác nghệ thuật của ông.

Vậy, tôi muốn cuộc đời của tôi là một thành tựu ư?  Tôi phải chọn lựa; mà chọn lựa là phải biết từ bỏ. Nghe chữ từ bỏ có vẻ đáng sợ đấy. Nhưng từ bỏ chỉ cốt để chọn lựa thôi. Chọn lựa một cái gì hay hơn.  Cuộc đời của tôi đã có một cùng đích? Thiên Chúa chính là cùng đích cuộc đời tôi? Bởi vì tôi xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, và chính tình yêu Người là lẽ sống của  tôi,  tôi phải trở về sống kết hiệp trọn vẹn với Người trong tình yêu. Tôi có chấp nhận hành trình đó không? Hãy nhìn con đường tôi đang đi, điều gì đang níu kéo  tôi? Tôi có thái độ chọn lựa dứt khoát để tới đích điểm là Thiên Chúa không? Có cái gì làm cho tôi lo sợ, tiếc nuối, sợ mất không? Tại sao sợ? Cuộc đời của  tôi đã biết cho đi chăng? Cuộc đời tôi đã thực sự quy hướng về Thiên Chúa chưa?  Chúa Giêsu có nói: “Hạt lúa rơi xuống đất, nếu không chết đi, thì nó sẽ trơ trọi như vậy mãi, còn nếu nó chết đi, nó sẽ sinh ra nhiều hạt khác, gấp trăm”(Gioan 12,24). Cuộc đời của  tôi cũng phải sinh gấp trăm như thế. Vậy phải để nó chết đi. Tôi đừng níu kéo nó lại.

Để suy niệm, hãy đọc lại hai chương đầu Sách Sáng Thế Ký, với tâm hồn đơn sơ của các tác giả viết những trang này. Đây không phải những trang khoa học về nguồn gốc vũ trụ, mà là trang giáo lý thần học, nói về tương quan của con người với vũ trụ, với Thiên Chúa.  Tôi hãy cùng với tác giả chiêm ngắm Thiên Chúa trong từng tác động tạo dựng. Tác giả đã vận dụng ngôn ngữ con người để diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho từng tạo vật. Nếu tôi thích cuốn nhật ký của tôi, tôi sẽ tô điểm từng trang một, nắn nót từng nét bút, vẽ những hình ảnh thật đẹp. Áp dụng vào công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa. Tôi sẽ thấy Người cũng chăm chút, nắn nót cho mỗi thọ tạo. Người để ý từng thọ tạo, nhất là con người. Trước khi tạo dựng con người, Thiên Chúa như tự bàn với mình: “Nào Ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Ta.” Và Thiên Chúa trao cho con người sứ mạng quản trị vũ trụ. Con người lãnh sứ mạng làm đầu thọ tạo này để hướng về Thiên Chúa. Đó là tình thương Thiên Chúa muốn diễn tả cho tôi hiểu. Chúa dựng nên tôi, nhận tôi làm con của Người, ban cho tôi sự sống của Người, đặt tôi làm đầu thọ tạo này, không phải để rồi xua tôi đi khỏi, hầu chiếm đoạt chỗ đứng của tôi. Trái lại, Người dựng nên  tôi để sống trong tương quan mật thiết với Người. Cuộc đời sẽ được đánh giá qua sự kiện đó. Trong tương quan này, tôi phải hướng mọi thọ tạo về với Chúa. Vậy vũ trụ này là phương tiện để tôi thân thưa, gặp gỡ Thiên Chúa.

Tôi đọc lại Tv.8, đây là bài ca tóm tắt ý nghĩa 2 chương đầu Sách Sáng Thế: Thiên Chúa dựng nên con người thua kém thiên thần một chút, và trao cho con người tất cả thọ tạo.  Nhìn thọ tạo này với cái nhìn mới của tình yêu, tôi sẽ thấy ý nghĩa đích thực của nó và của cuộc đời tôi. Vũ trụ này, cuộc đời của tôi ví như chiếc bánh mẹ làm cho tôi trong ngày Sinh Nhật. Hãy nhìn nó với tâm hồn người con yêu thương Mẹ và được Mẹ yêu thương. Chiếc bánh kia dù có không khéo bằng chiếc bánh thợ làm bán ngoài chợ, nhưng đối với đứa con, đó là chiếc bánh ngon nhất trần đời, vì nó mang cả tình yêu của Mẹ. Vậy, tôi đọc qua vũ trụ, nghe qua cuộc đời tôi tiếng nói tình yêu lớn lao của Chúa cho tôi, để rồi tôi biết tìm cách đáp lại.

Trước những gì làm thành cuộc đời tôi, tôi có thái độ như thế nào? Có tự chủ không? Có bám víu quá không? Có cho chúng một giá trị quá đáng, giá trị tuyệt đối không? Tôi có nhận ra tính cách trung gian của chúng không? Mục đích của chúng chỉ nhằm đưa tôi tới Chúa thôi. Nếu tôi dừng lại ở chúng, cho chúng một giá trị tuyệt đối, đó là tôi đang có thái độ tôn thờ ngẫu tượng! Đọc lại các chương 13,14,15 sách Khôn Ngoan, tôi sẽ hiểu thái độ thờ ngẫu tượng như thế nào và phải thanh tẩy mình khỏi thái độ ấy. Được như thế tôi mới giữ được vẹn tuyền giá trị con người của tôi trước mọi thọ tạo trong vũ trụ này.

Linh mục Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

One Response to Bài 2: Vườn Địa Đàng: Thiên Chúa – Vũ Trụ – Cuộc Đời và Tôi

  1. Vu Huy says:

    cám ơn Chúa đă cứu tôi khỏi chết đuối , cảm ơn Chúa đă cứu tôi vào cơn bài bạc LAS VEGAS , cám ơn Chúa như trong sách Tobia những kỷ công Chúa hay nói ra để mọi người tán dung danh người là Thánh , Chúa thường bao bọc những ai kính sợ Ngài , linh hổn tôi tung hô Chúa ới a , thần trí tôi vui mừng đấng cứu chuộc tôi

Leave a Reply

Your email address will not be published.

3 × 4 =