MAURICE GIULIANI, SJ

Suốt đời, Thánh I-nhã vẫn giữ một lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ. Những người sống bên cạnh ngài còn để lại cho chúng ta vô số những chứng từ sống động. Theo cha Laynez, ngay trước khi Thánh I-nhã nhận được ơn soi sáng đặc biệt ở Manrêsa, thánh nhân đã dạt dào yêu mến Mẹ Maria. Đây là bản năng siêu nhiên mà chúng ta thấy sẽ được soi sáng và tinh luyện dần dần.

Từ ngày còn mang áo hiệp sĩ, với tâm hồn thô sơ, Thánh I-nhã đã suýt phạm một tội giết người chỉ vì muốn bênh vực danh dự của Đức Mẹ. Từ khi có những thị kiến huyền diệu, thánh nhân được thấy Đức Mẹ bằng con mắt nội tâm. Khi tới đỉnh cao của đời thần nhiệm, Đức Mẹ đặt thánh nhân bên Chúa Con. Và trọn đời Thánh I-nhã mang trong mình hình ảnh dịu hiền của Đức Maria. Thánh nhân ít nói về Đức Mẹ (trong các thư từ, chúng ta chỉ đọc thấy có 2, 3 lần), nhưng khi phải bước vào một giai đoạn quyết định của đời sống, ngài luôn đặt mình dưới sự bảo trợ của Mẹ. Đoan nguyện sống khiết tịnh cho Đức Mẹ, canh thức hiệp sĩ trước tượng Đức Mẹ ở Montserrat, khấn ở Montmartre vào lễ Đức Mẹ Lên Trời năm 1534, dâng thánh lễ mở tay ở Đền thờ Đức Bà Cả ở Rôma, khấn trọng tại bàn thờ kính Đức Mẹ tại đền thánh Phaolô ngoại thành, v.v… chúng ta có thể nói mọi năm tháng trong cuộc hành trình thiêng liêng của Thánh I-nhã đều diễn ra trước mặt “Đức Mẹ Maria rất thánh”.

Lòng mến Đức Mẹ trong cuộc hành trình của Thánh I-nhã hiệp sĩ, lữ khách, rồi thần nhiệm là những diễn tả cụ thể về một kinh nghiệm nội tâm sâu xa mà chúng ta có thể tìm được những nét chính trong Linh thao. Dù không bao hàm toàn bộ học thuyết về đời sống thiêng liêng, nhưng Linh thao là tiến trình của tất cả đời sống thiêng liêng theo Thánh I-nhã. Đức Maria có mặt trong Linh thao một cách rất độc đáo như chúng ta sẽ cố gắng trình bày dưới đây.

Trong Linh thao, những đoạn nói đến Đức Mẹ có thể chia làm hai loại. Loại trước đề cập đến những biến cố trong đời sống Đức Mẹ, trong tương quan với những biến cố của đời sống Đức Ki tô, bắt đầu được chiêm niệm từ Tuần Thứ Hai. Loại sau đề nghị với người tập Linh thao những cuộc chuyện trò thân mật với Đức Mẹ, tùy theo tâm trạng của chúng ta trong từng giai đoạn của Linh thao. Sau khi nghiên cứu hai loạt đoạn văn này, chúng ta sẽ tìm xem Linh thao mở cho chúng ta những con đường thiêng liêng nào về Đức Mẹ.

Sau bài chiêm niệm trọng thể về ‘Vua Muôn Đời’, Linh thao đưa chúng ta vào con đường của Tin Mừng. Trước hết, chúng ta thờ lạy ‘Chúa vừa nhập thể’ trong lòng Đức Trinh Nữ Maria (101). Mầu nhiệm truyền tin được trình bày trong một khung cảnh mà Thánh I-nhã rất ưa dùng. Không phải chỉ một mình Đức Mẹ cầu nguyện trong phòng riêng, rồi xuất hiện Thiên sứ Gabriel đến báo tin. Đây cả là một bức tranh hùng vĩ về lịch sử Thiên Chúa cứu độ loài người, trên đó nổi bật hai nhân vật và căn nhà nhỏ bé ở Nazareth. Vào giây phút đã đến giờ “viên mãn”(102), căn phòng của Đức Mẹ được chọn làm nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa thì tự hiến, còn con người thì lãnh nhận. Mỗi bước của cuộc chiêm niệm đòi chúng ta phải dán chặt mắt vào Chúa Ba Ngôi cứu độ, vào thế gian chìm đắm trong tội lỗi, và vào Đức Mẹ, con người được diễm phúc chọn làm thí điểm cho cuộc nối kết giữa Thiên Chúa cứu độ và con người được cứu độ.

Tội lỗi làm cho con người ‘mù quáng’ (106), lòng chai dạ đá thù oán Thiên Chúa (107). Tội chính là chết và là sức mạnh giết chết con người (108). Trái lại, Đức Maria được Thiên sứ hỏi ý kiến đã đáp lại bằng việc mở lòng đón nhận ơn Chúa. Thái độ căn bản của Đức Mẹ là ‘hạ mình và tạ ơn’.

Kết thúc bài chiêm niệm, trong phần chiêm niệm tâm sự với Ba Ngôi Thiên Chúa, với ngôi lời nhập thể, với Đức Mẹ, lần nào Thánh I-nhã cũng mời gọi chúng ta dứt khoát và bước theo Chúa Giêsu, nghĩa là mời gọi chúng ta nhận lấy lịch sử cứu rỗi thế gian là của chính mình.

Trong bài Linh thao tiếp theo, bài chiêm niệm Giáng Sinh cũng theo một hướng đó. Đây là một bài chiêm niệm đơn giản, nhẹ nhàng. Chúng ta đến với Chúa Hài Đồng như những ‘người nghèo hèn’ hay những ‘tôi tớ nhỏ bé và bất xứng’. Bài Linh thao này chỉ có ý mời gọi chúng ta nhìn thấy trong cuộc Giáng Sinh của Chúa con đường mở ra để dẫn đến  Thập giá, và việc hoàn thành ơn cứu độ. Chúng ta sẽ không dừng lại ở khung cảnh dịu dàng của máng cỏ, cũng không dừng lại ở thái độ thinh lặng của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ, chúng ta đã bắt đầu được dẫn đến Núi Sọ và ‘giờ’ của Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể nhắc lại đây việc cha Nadal đang khi nhìn xem một bức ảnh về Chúa Giáng Sinh ‘đã được soi sáng và đưa đến cảm nếm và chiêm niệm Đức Kitô chịu đóng đinh’. Chân phước Phêrô Favre khi ghi lại những cảm nghiệm thiêng liêng trong một đêm Giáng Sinh, đã xin ơn ‘sinh ra để lo việc cứu rỗi chính mình, để tôn vinh Thiên Chúa, vì hạnh phúc của tha nhân… để noi gương Đấng đã nhập thể, sinh ra và chết vì mỗi người chúng ta’. Bóng Thập giáđã bao phủ và mang lại ý nghĩa cho hang đá Bêlem. Đức Maria ẵm trên tay Đấng ‘sau khi chịu bao đau khổ và đói khát, nóng bức và lạnh lẽo, bất công và sỉ nhục, sắp chịu chết trên  Thập giá’ (116). Là mẹ Chúa Giêsu theo xác thịt, Mẹ cũng đồng thời là mẹ thiêng liêng cho mọi người sinh ra nơi  Thập giá. Vào lúc được truyền tin, Đức Mẹ đón nhận ơn cứu độ thế gian. Trong hang đá, Mẹ ngắm nhìn  Thập giá. Trong những bước đường kế tiếp, Linh thao sẽ trình bày cho chúng ta một Đức Maria theo cùng một ánh sáng ấy.

Thánh I-nhã đặt liên tiếp việc dâng Chúa và chạy trốn, chiêm niệm từng bài riêng, rồi gom hai bài trong một lần chiêm niệm chung. Cả ở đây, Thánh I-nhã cũng cho chúng ta thấy ý chính của ngài trong Linh thao. Đức Mẹ dâng Chúa trong đền thờ, nghe lời tiên báo của Simêon, và trong việc chạy trốn sang Ai Cập ‘như bị lưu đày’ (132), Đức Mẹ đã bắt đầu nhận thấy  Thập giá.

Việc Thánh I-nhã đặt chung hai bài Linh thao này đã làm nhiều tác giả lưu ý. Bérulle ghi lại những tâm tình bài Linh thao chạy trốn gợi ra: ‘tôi cảm thấy mình sẵn sàng và ao ước vác  Thập giá, số phận của những ai muốn tận hiến cho Chúa và theo Ngài, như Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Thánh Giuse… Cũng ở đây, tôi nghĩ rằng ngay sau khi Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu cho Chúa Cha, Mẹ đã nghe nói về  Thập giá, và rồi chính Mẹ phải lãnh nhận  Thập giá. Đức Mẹ lãnh nhận  Thập giá: đó chính là ơn mà Thánh I-nhã muốn chúng ta sống.

Ngày hôm sau, Thánh I-nhã cũng nối kết hai mầu nhiệm khác: Chúa Giêsu vâng phục cha mẹ, và Chúa Giêsu ở lại trong Đền thờ. Đức Mẹ được nghe lời của Chúa Giêsu: “Con phải ở nhà Cha Con”, lời tiên báo đầu tiên về Đức Kitô phải chịu đau khổ để đạt tới vinh quang. Từ đây, trong cuộc sống thân mật ở Nazareth, Đức Mẹ nhận ra nơi sự vâng phục của Chúa Giêsu một Tình Yêu vượt trên tình yêu giữa hai mẹ con. Mẹ phải lặp lại không ngừng lời xin vâng, và chuẩn bị để đứng vững dưới chân  Thập giá.

Tiếp tục cuộc hành trình, Linh thao cho chúng ta gặp Đức Mẹ trong hai thời điểm quyết định khác của mầu nhiệm cứu độ: Chúa Giêsu từ giã Mẹ để đi chịu phép rửa, và Chúa Giêsu trên  Thập giá.

Việc Ghúa Giêsu lên đường mang rất nhiều ý nghĩa. Thánh I-nhã dự buổi Đức Mẹ tiễn đưa Chúa Giêsu lên đường và rồi dự vào lễ Chúa chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả trong cùng một cái nhìn thiêng liêng. Sợi dây liên kết ở đây còn chặt chẽ hơn ở hai bài Linh thao trước, vì lần này chỉ là một bài Linh thao duy nhất (159). Đức Mẹ khi từ giã con, lại dâng con cho Chúa Cha lần nữa. Rồi ngay sau đó, Chúa Cha nhận lễ dâng của Mẹ khi Chúa tuyên bố trọng thể: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Bằng phép rửa, Chúa Giêsu lãnh nhận Thánh Linh cùng với sứ mạng cứu thế. Đức Maria, người mẹ tuyệt hảo bằng lòng lu mờ đi trong một cử chỉ yêu mến và dâng hiến. Lặp lại việc dâng hiến trong Máng Cỏ, nơi đã thấp thoáng bóng  Thập giá, trong Đền Thờ, nơi Mẹ phải ra đương đầu ngay với  Thập giá, ở Nazareth nơi Mẹ phải luôn tôn thờ thánh ý Chúa Cha từ tận đáy lòng, vào lúc Chúa Giêsu lên đường chịu phép rửa, Mẹ không thấy Con mình ra đi, nhưng dâng Con cho Chúa Cha để tròn sứ mạng. Còn chính Mẹ, Mẹ biến mất.

Khi gặp lại Đức Maria, chúng ta thấy Mẹ đang đứng dưới chân  Thập giá, để nghe lời từ giã cuối cùng của Chúa Giêsu: Này là con bà (208, 297), và để đưa tay nhận lấy thân xác đã chịu sát tế của Ngài (208). Thánh I-nhã không đả động gì đến Đức Mẹ trong suốt cuộc đời công khai của Chúa Giêsu trong giờ sau hết: chịu chết và an táng trong mồ. Hơn nữa, Thánh I-nhã dành nguyên một bài chiêm niệm về Mẹ trên đường từ mộ Chúa Giêsu tới nhà Mẹ (208). Từ nhà Nazareth (103, 158) đến nhà Giêrusalem, đã hoàn tất toàn thể mầu nhiệm về Chúa Giêsu dâng hiến, đồng thời Mẹ cũng được liên kết một cách mầu nhiệm với sứ mạng và trái tim con Mẹ. Từ đây nỗi cô liêu của Bà Mẹ Nazareth biến thành nỗi cô liêu Núi Sọ. Trong ngày cuối chiêm niệm về mầu nhiệm thương khó, Linh thao cho chúng ta thấy “Đức Mẹ với biết bao đau đớn mòn mỏi”(208).

Đang khi xác Chúa Giêsu yên nghỉ trong mộ, Đức Mẹ sống trong cảnh cô liêu tương ứng với tình trạng quạnh hiu của các Tông đồ. Cử chỉ của người Mẹ đã phác họa trên ngưỡng cửa nhà Nazareth để diễn tả cùng một lúc lời giã từ và sự dâng hiến, thì nay được hoàn tất. Mẹ dâng Con mình đã hiến tế. Đây không phải là cảnh Mẹ thê lương trong bức tượng Piêta, nhưng đây là Giáo hội lần đầu tiên đã sống lại mầu nhiệm của bữa Tiệc Ly: Thầy đi thì tốt hơn cho anh em. Mẹ phải chịu cảnh cô liêu để có thể là người thứ nhất trong Giao ước mới dâng hy lễ tưởng niệm Đức Kitô mà giờ đây mắt phàm không còn nhìn thấy nữa.

Tuần thứ ba của Linh thao kết thúc bằng cảnh cô liêu này, sự cô liêu nhường chỗ cho việc dâng hiến miên trường. Tuần thứ tư mở đầu với bài chiêm niệm Đức Kitô phục sinh hiện ra với “Mẹ diễm phúc của Ngài”(219). Đây không phải chỉ là một lời văn hoa mỹ. Cũng không phải là chuyện lý luận. Đây là hồi kết thúc một chuỗi biến cố.

Kinh thánh không đả động gì đến cuộc gặp gỡ này, và vì thế đã có người trách Thánh I-nhã chỉ chiều theo trí tưởng tượng của lòng đạo đức. Nhưng nếu thánh nhân nhìn nhận “điều đó không có trong Kinh Thánh”(299), ngài nhắc chúng ta phải hiểu tinh thần các bản văn. Vì Tin Mừng kể lại Đức Kitô “đã hiện ra cho nhiều người”, phải chắc rằng người đầu tiên hẳn là Đức Mẹ. Ai nghĩ khác thì đáng Chúa trách: Cả các ngươi cũng còn không hiểu sao? (299).

Là tạo vật được cứu chuộc đầu tiên, Đức Maria cũng là người đầu tiên biết được bí nhiệm thần linh của mỗi mầu nhiệm về Chúa Con, người đầu tiên nhận biết Đức Kitô vinh hiển. Hơn nữa, ở đây chúng ta không chỉ nói về đầu tiên trong thời gian: Đức Maria là người đầu tiên vì tất cả những gì xảy đến cho Giáo hội và các chi thể thì cũng đã được thực hiện nơi Mẹ.

Thật vậy, Thánh I-nhã muốn nhấn mạnh đến địa vị ưu tiên của Đức Mẹ đối với toàn thể Giáo hội trong bài chiêm niệm này. Vì đây là bài Linh thao gồm tóm mọi bài chiêm niệm khác về Đức Kitô phục sinh. Sau khi chiến thắng sự chết, Chúa Giêsu đến an ủi Đức Mẹ (224). Ơn an ủi này vượt trên mọi cảm xúc giác quan hay tâm lý, vì là hoa quả của Thánh Linh, Đấng được Chúa Giêsu ban cho các môn đệ ngay buổi sáng ngày Phục Sinh, khi Đức Kitô được vinh hiển. Khi Thánh I-nhã nói về sự an ủi thiêng liêng, ngài luôn luôn mời gọi chúng ta đón nhận sự hoạt động của Chúa Giêsu đang sống bằng Thánh Linh trong Giáo hội và trong các linh hồn.

Đức Maria như thế là người đầu tiên đón nhận đời sống của Thánh Linh. Đúng hơn có thể nói chính nơi Mẹ mà Giáo hội đã nhận lãnh Đấng Bảo Trợ Chúa Giêsu hứa trong bữa Tiệc Ly. Thay vì đưa ra một nguyên tắc siêu nhiên trừu tượng, Thánh I-nhã nhìn Đức Mẹ như sợi dây liên lạc chặt chẽ để nối Tuần Thứ Ba với Tuần Thứ Tư: từThập giáđến vinh quang, từ lễ hiến tế đến thông ban Thánh Linh. Chiêm niệm Đức Mẹ cô liêu. Giờ đây, niềm vui của Mẹ bày tỏ những hiệu quả đầu tiên của quyền năng kỳ diệu của Chúa Giêsu nay đã mặc lấy toàn vinh quang của thiên tính (223).

Một lần nữa, chúng ta thấy Đức Mẹ nhận được mọi sự từ Chúa Con, và vai trò của Mẹ là tháp nhập chúng ta vào mầu nhiệm vượt qua: chết và sống lại. Những ai trung thành với cái nhìn then chốt của Linh thao sẽ đồng thời khám phá ra Đức Kitô, Đức Mẹ, và con đường duy nhất dẫn đến sự thánh thiện.

¯¯¯

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

One Response to Đức Mẹ Maria trong Linh Thao

  1. Peter Ta says:

    Cám ơn Các Cha SJ – Các Bài Linh Thao giúp chúng con nhiều vì từ khi "đi tu" theo địa phận, ở Hoa Kỳ, không có hoàn cảnh và khả năng làm "linh thao I-Nhã" . Cường Tuyết.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

fifteen − two =