Trên đây chúng ta đã xem qua những biến cố trong đời sống Đức Mẹ theo như Thánh I-nhã nhấn mạnh trong Linh thao. Đức Mẹ còn xuất hiện nơi một loạt những đoạn khác trong Linh thao để đồng hành với người tập trong cuộc hành trình tiến tới.

Vừa vào Linh thao, chúng ta đã gặp Đức Kitô trong ngày đầu tiên của Tuần Thứ Nhất (63).

Sau khi xin và được ơn hổ thẹn và ngượng ngùng về bản thân (48), rồi “ăn năn đau đớn thảm thiết và chảy nước mắt ra vì tội lỗi” (55), chúng ta nhận biết mình tội lỗi, nhưng cũng nhận biết mình đã được cứu độ trong Đức Kitô. Khi chiêm ngắm Thập giá là nơi thực hiện ơn cứu độ, chúng ra có thể cảm thấy những nhiệt tình đầu tiên của “con người mới” đã được Thiên Chúa tái tạo. Lời nguyện trước hết dành cho Đức Kitô trên Thập giá, Đấng đã chiến thắng tội lỗi thế gian. Tiếp theo, vào cuối bài chiêm niệm thứ hai, là một lời kinh tạ ơn: Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô Chúa chúng ta (Rm 7, 25).

Chính ở đây Đức Mẹ xuất hiện lần đầu tiên trong Linh thao. Con người mới muốn sống theo Thiên Chúa, nhưng con người cũ muốn ở lì lại trong xác thịt. Đức Maria, tác phẩm đầu tay của Chúa Giêsu cứu thế xuất hiện như một tạo vật hoàn hảo mà tội lỗi đã không làm gì nổi, vì Mẹ luôn sống theo ơn Chúa. Bài “lặp lại” theo Thánh I-nhã (62-63) sẽ làm cho chúng ta cảm thấy mãnh liệt hơn thế giằng co giữa luật của Thiên Chúa là Thánh Linh và luật của tội lỗi là xác thịt. Lúc đó chúng ta chiêm ngắm Đức Maria tinh tuyền, tự do, sẵn sàng theo ơn Chúa, sáng chói mọi thứ vẻ đẹp bên trong mà chúng ta ao ước. Và tự động chúng ta sẽ xin Đức Mẹ cầu nguyện Chúa cho mình để có thể sống theo Chúa như một tạo vật mới.

Chúng ta xin Đức Mẹ ba điều: nhận biết lỗi mình, nhìn ra những lệch lạc trong đời sống, và nhận biết thế gian để phòng bị. Đúng vào lúc chúng ta nhận biết mình tội lỗi, bị xiềng xích, và đồng thời cũng nhận biết mình có thể sống tự do, chúng ta quay về với Mẹ là người đã được Thánh Linh gìn giữ vẹn toàn, và xin Mẹ giúp nghiền nát mọi mầm mống của ách nô lệ tội lỗi.

 Thánh I-nhã rất thực tế trong đời sống thiêng liêng. Ngài muốn rằng cuộc đời không chỉ là chuyện tình cảm ướt át nhất thời. Đến với Đức Mẹ lúc này trước hết là dấu hiệu của một tình yêu trong sáng. Đức Maria gồm tóm tất cả sự hoàn thiện của vũ trụ được cứu chuộc, và được phục hồi trong vẻ diễm lệ ban sơ. Mẹ là bài ca sống động của niềm vui và biết ơn đối với vinh quang của Chúa Giêsu cứu thế. Sau khi chiêm ngắm Đức Kitô trên Thập giá (53), sau cuộc tâm sự về lòng thương xót và lòng biết ơn (61), chúng ta đi vào cuộc tâm sự thứ ba này với Đức Mẹ, để lấy sức mạnh và dự kiến trong đời sống chúng ta “phải làm gì cho Đức Kitô “. Như thế, Đức Mẹ giữ vai trò trung tâm trong Tuần Thứ Nhất này là tuần dành cho việc thanh luyện linh hồn. Khi tuyên xưng Mẹ là thành quả của ơn cứu chuộc trong loài người tội lỗi chúng ta, Mẹ giúp chúng ta thống hối trong bình an, thật lòng trở lại, và biến lòng thống hối cũng mhư cuộc đổi đời của chúng ta thành sức mạnh của lòng quảng đại tích cực chẳng bao lâu nữa sẽ tự hiến xả thân cho Nước Trời.

Việc dâng hiến sẽ được thực hiện trong Tuần Thứ Hai, vào dịp những bài Linh thao then chốt về “Vua Hằng Sống”và “Hai Cờ Hiệu“. Đây là những bài suy niệm vừa đơn giản vừa hùng vĩ, bao gồm những sự thật nền tảng của Đức Tin, có sức thúc đẩy chúng ta tự nguyện dâng hiến trọn đời để phụng sự Đức Kitô. Để hiểu vai trò của Đức Mẹ ở đây, chúng ta phải lưu ý đến những ghi chú rất ngắn gọn của Thánh I-nhã về sự có mặt của Mẹ.

Vào cuối bài suy niệm về Vua Hằng Sống, chúng ta được mời gọi tự hiến cho “Chúa Hằng Sống của vạn vật”(98). Lời tự hiến chúng ta dâng về Đức Kitô được đặt làm vua nhờ cuộc Phục Sinh từ cõi chết. Đức Kitô hôm nay không gọi những người Ngài muốn như đã gọi các tông đồ Phêrô, Gioan, Anrê xưa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã chiến đấu và trên Thập giá đã chiến thắng vẻ vang mọi sức mạnh của sự dữ. Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài và ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, đặt Ngài làm Chúa muôn thuở muôn đời. Bên cạnh Ngài có Mẹ vinh quang, tạo vật đầu tiên đã mặc lấy vinh quang dành cho loài người và toàn thể tạo vật được cứu độ.

Nhưng vương quyền của Đức Kitô chỉ được nhìn nhận dứt khoát khi “mọi sự qui phục Ngài”, và lúc đó, “Chúa Con trao lại Vương Quốc cho Cha”(1Cr 15, 24-28). Để mau tiến đến cuộc Phục Sinh toàn thể vũ trụ ấy, phải tiếp tục công cuộc chiến đấu chống quyền lực sự dữ đang hoành hành trong chúng ta cũng như trong thế gian.

Đó là điểm sâu xa của kế hoạch thần linh mà Thánh I-nhã muốn nhấn mạnh. Đức Kitô mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài để toàn thể vũ trụ được cùng với ngài vào hưởng vinh quang của Cha. Chúng ta thấy hai bài Linh thao này ghi dấu hai thời điểm thiêng liêng. Trong bài Vua Hằng Sống, chúng ta tự hiến không điều kiện cho Vương Quốc của Đức Kitô, bằng việc hoàn toàn và tuyệt đối quên mình. Trong bài Hai Cờ Hiệu, nơi ngưỡng cửa những mầu nhiệm trong cuộc sống công khai của Chúa Giêsu, chúng ta phải sáng suốt đương đầu với cuộc chiến đấu mà chúng ta đang dấn thân vào, để dựng lại nơi chúng ta cuộc sống khó nghèo và khiêm nhường của Con Thiên Chúa trên đường đi vào cuộc tử nạn để được tôn vinh.

Trên cả hai khuôn mặt của lịch sử thế gian ấy, chúng ta thấy sáng lên hình ảnh Đức Maria. Bên cạnh Vua Hằng Sống, Mẹ là mẹ vinh quang. Nhưng Mẹ cho chúng ta được nhận vào và phục vụ dưới cờ của Vua để tiến lên theo đường Thập giá. Trong vinh quang của Mẹ, Đức Maria là nhân chứng của nhân loại đã đạt tới cùng đích. Trước mặt kẻ thù mà chúng ta còn cần phải thắng, Mẹ là người nâng đỡ trong cuộc chiến đấu. Đức Maria là Trinh Nữ của thời sau hết, Mẹ chủ trì lịch sử chúng ta. Mẹ là Hiền Thê toàn hảo được dẫn đến trước Phu Quân. Đồng thời Mẹ cũng là Giu-đích hay Đêbôra băn khoăn vì nỗi khổ của dân Chúa. Mẹ tóm kết trong mình cả hai khía cạnh của Giáo hội: đã được vinh hiển với Đức Kitô Phục Sinh, nhưng vẫn đau khổ trong cuộc chiến đấu liên tục.

Lời nguyện trong Hai Cờ Hiệu từ đây có thể nhắc lại sau mỗi bài suy niệm (156, 168,199,…): tất cả cuộc sống hiện tại của chúng ta được ủy thác cho Mẹ coi sóc. Mẹ sẽ lo gìn giữ chúng ta trung thành với cung kiếm Đức Kitô đã chọn để thực hiện công cuộc cứu thế.

Việc chọn cung kiếm của Đức Kitô bao giờ cũng là một quyết định cam go. Để chúng ta vững lòng vào lúc phải lựa chọn, tức là khi phải xếp đặt cuộc đời (21) theo thánh ý Chúa và theo những yêu cầu của Nước Trời, Thánh I-nhã sẽ đưa chúng ta đến một cố gắng tối hậu: Trước khi bắt đầu lựa chọn (164), ngài đòi chúng ta phải đặt mình trongthái độ của “bậc khiêm nhường thứ ba”. Vì chỉ yêu mến một mình Chúa Giêsu, chúng ta sẽ ưu tiên chọn những phương tiện chính Ngải đã chọn: nghèo khó, sỉ nhục, tự hủy. Vì chính Ngài đã tự hủy.

Đức Maria là mẫu gương tuyệt hảo của thái độ này. Linh thao dù chỉ đề cập gián tiếp nhưng thật rõ ràng: “vấn đề lựa chọn bắt đầu từ bài chiêm niệm về những việc từ khi Chúa rời Nazareth”(163). Nhưng như chúng ta đã thấy, trước khi bắt đầu lựa chọn, chúng ta phải suy xét trong suốt một ngày (164) về những yêu cầu của bậc khiêm nhường thứ ba. Điều đó có nghĩa là ngay sau khi suy niệm gương Chúa Giêsu từ giã Đức Mẹ đi chịu phép rửa, và Đức Mẹ dâng hiến Con mình, chúng ta đã phải cố gắng đạt tới thái độ “khiêm nhường rất hoàn hảo” nói trên. Cả Chúa Giêsu và Đức Mẹ đều đón nhận thánh ý của Cha với thái độ chọn ưu tiên con đường Thập giá mà Cha đã chọn: Ta luôn luôn làm đẹp lòng Cha (Ga 8, 29). Như thế, Đức Mẹ có mặt trong suốt cuộc lựa chọn. Vì vậy chúng ta không ngạc nhiên gì khi Linh thao khuyên chúng ta đến với Đức Mẹ như khi làm bài Linh thao Hai Cờ Hiệu, vì đó là điều rất ích lợi (168).

Như chúng ta vừa thấy, trên mọi quãng đường chính trong cuộc hành trình thiêng liêng của Linh thao, chúng ta gặp Đức Mẹ như con người đang giãi tỏa ánh sáng Đức Kitô. Hơn nữa, chẳng những Đức Mẹ có mặt trong những giờ phút trọng đại, mà Mẹ ở bên cạnh chúng ta trong trọn cuộc hành trình, tuy âm thầm nhưng không phải là không hữu hiệu. Hễ lời nguyện được dệt trong lòng, hễ bài suy niệm thực sự trở thành một lời kêu lên tới Chúa, luôn luôn chúng ta đi qua trung gian là Đức Mẹ.

Thánh I-nhã thường trở lại với phương pháp “ba cuộc tâm sự”: lời nguyện được dâng lên Đức Mẹ trước hết, rồi đến Chúa Con và sau hết là Chúa Cha. Đến với Đức Mẹ trước tiên, không những vì Đức Mẹ là trung gian của ta, nhưng còn vì Mẹ cũng là Mẹ của mọi lời cầu nguyện. Mẹ là môi trường thiêng liêng và sống động để chúng ta thanh luyện lương tâm và triển khai ước nguyện. Mẹ nhận lời cầu xin ban đầu còn vụng về của chúng ta để liên kết với lời nguyện của Mẹ, và làm cho lời cầu xin của chúng ta nên hoàn hảo đẹp lòng Chúa.

Chúng ta thấy nổi bật lên hình ảnh Đức Maria, một tạo vật như chúng ta, nhưng lại đang dẫn chúng ta đến chỗ hoàn thiện trước mặt Chúa như Mẹ. Mẹ là tạo vật hoàn hảo và Mẹ mọi nhân đức của loài người, chính vì Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu, và không ngừng sinh Chúa Giêsu trong chúng ta.

¯¯¯

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

One Response to Đức Mẹ Maria trong Linh Thao

  1. Peter Ta says:

    Cám ơn Các Cha SJ – Các Bài Linh Thao giúp chúng con nhiều vì từ khi "đi tu" theo địa phận, ở Hoa Kỳ, không có hoàn cảnh và khả năng làm "linh thao I-Nhã" . Cường Tuyết.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

2 × 4 =