Bài 5: Phục Niệm

Phục niệm là lối cầu nguyện có thể áp dụng cho một kỳ Linh thao chính thức cũng như cho việc Thao luyện nhẹ nhàng hằng ngày.

Phục Niệm không phải là…

  • Việc sử dụng lại những chất liệu cho giờ cầu nguyện, như kiểu làm đi làm lại những bài tập toán để hiểu và ghi nhớ những công thức toán. (Chất liệu ở đây là những đoạn Kinh thánh được đề nghị, những điểm cầu nguyện được gợi ý, hay những tác động đã có trước đó.)
  • Việc đào bới lại những chất liệu kia hầu mong tìm kiếm những điều mới mẻ hơn.
  • Việc ôn lại những chất liệu của giờ cầu nguyện trước.

 Phục Niệm là…

Theo thánh I-Nhã, phục niệm là việc “chú ý và ngừng lại ở những điểm tôi đã cảm thấy được an ủi hơn hoặc phải sầu khổ hơn hay được một tình cảm thiêng liêng lớn hơn” (Lt 62). Do đó, bạn chỉ nên quay về với điểm mà bạn được tác động, chứ không phải với toàn bài Kinh thánh, hay toàn bộ những điểm đã được gợi ý, hay tất cả những tác động có được trong giờ cầu nguyện trước. Đúng hơn, bạn chỉ trở về với một kinh nghiệm đã được ghi khắc và với những yếu tố giúp bạn có được kinh nghiệm kia (như: câu Kinh thánh, lối cầu nguyện…).

 Một vài ví dụ

  • Bạn đã cầu nguyện với đoạn Kinh thánh “Bữa tiệc ly”. Trong khi xét gẫm, bạn thấy mình đã được đắm chìm trong việc tôn kính Bí tích Thánh thể. Đồng thời, bạn cũng được đánh động bởi sự hiện diện của bao nhiều người khác trong Bữa tiệc ly đó. Thế là, giờ cầu nguyện tới, bạn nên trở lại với việc suy ngắm Bí tích Thánh thể bằng sự hiện diện thực sự của bạn và sự hiện diện của các nhân vật khác trong Bữa tiệc ly kia.
  • Với trí tưởng tượng của mình, bạn đã cầu nguyện rất tốt với đoạn Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Lúc xét gẫm, bạn nhớ mình đã ở với Chúa Giêsu, song tiếc nỗi là bạn lại ở phía sau lưng Ngài. Bạn cảm thấy hơi buồn về điều này. Thế là trong giờ phục niệm tới, bạn sẽ quay lại với bối cảnh đã làm bạn cảm thấy buồn buồn kia.
  • Bạn cầu nguyện với đời sống ẩn dật của Chúa Giêsu. Ngặt nỗi trong giờ cầu nguyện đó bạn không thể định tâm được. Lòng bạn cứ xôn xao, lo lắng. Vậy trong giờ cầu nguyện tới, bạn nên cầu nguyện lại với những chất liệu đã có.
  • Khi cầu nguyện với những sự thỏa hiệp mà bạn đã làm với tội lỗi và ma quỷ, bạn cầu xin Chúa cho bạn ý thức sâu xa hơn về những nghiêng chiều lệch lạc còn ẩn giấu nơi bạn. Vì những nghiêng chiều kia sẽ ảnh hưởng trên những quyết định của bạn. Lúc xét gẫm, bạn trực giác (sense) rằng chắc Chúa Thánh Thần sẽ tiếp tục chỉ cho bạn rõ hơn. Vậy còn chần chờ gì nữa, giờ cầu nguyện tới bạn sẽ cầu nguyện lại với cùng những chất liệu này.

Phục niệm giúp bạn nghe thấu hơn lời mời gọi của Thiên Chúa

Đầu tiên, phục niệm là cơ hội để những chuyển động thiêng liêng tiếp tục diễn ra:

Vì mục đích của việc cầu nguyện hằng ngày và kỳ Linh thao là để phân định những chuyển động nội tâm, nên phục niệm là lối cầu nguyện giúp cho những chuyển động ấy diễn ra. Giả như bạn cứ cầu nguyện hết đoạn Kinh thánh này đến đoạn Kinh thánh kia ngày qua ngày, thì lấy đâu ra cơ hội cho bạn dồn tâm chú ý đến những chuyển động thiêng liêng mang nhiều ý nghĩa kia.

 Thứ hai, phục niệm là cơ hội để những chuyển động thiêng liêng được chú trọng:

Vì trong giờ cầu nguyện, rất nhiều những phản ứng bên trong bị bỏ quên, nên phục niệm là giờ để những phản ứng ấy được bạn cảm nghiệm rõ rệt hơn.

 Thứ ba, phục niệm là cách bạn tỏ lòng tôn trọng trước những gọi mời của Thiên Chúa:

Đâu phải vì giờ cầu nguyện đã hết mà bạn cho rằng Thiên Chúa chẳng còn gì nói với bạn qua những chất liệu Kinh thánh và gợi điểm kia. Bằng việc quay trở lại với những chất liệu ấy mãi đến khi bạn nghe được lời mời gọi của Thiên Chúa, bạn đã thực sự tôn trọng Ngài.

 Thứ tư, phục niệm là phương tiện biến sầu khổ thành an ủi:

Như đã nói, bạn có thể phục niệm với những chỗ bạn bị chất vấn, bất an, chán nản, xao động. Thường thường, những tác động kiểu này nhắc bạn rằng bạn đang trốn chạy, còn Chúa Thánh Thần thì đang muốn kéo bạn vào một cảm nghiệm sâu hơn. Khi quay lại với những điểm “tiêu cực” ấy, bạn khám phá ra Thần Khí đang dẫn bạn vượt qua những rào cản, những khổ sầu để đưa bạn vào vùng trời của ánh sáng và an ủi.

 Cuối cùng, phục niệm giúp bạn kinh nghiệm sâu hơn về sự hoạt động đầy nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần:

Nhờ phục niệm, bạn đang để cho huyền nhiệm của Thiên Chúa đụng chạm sâu xa hơn với chính huyền nhiệm con người bạn. Nhờ phục niệm, bạn ngày càng thân quen và dễ nhận biết hơn những hoạt động của Thiên Chúa. Với sự thân quen ấy, việc cầu nguyện của bạn sẽ trở nên đơn giản hơn và trầm lặng hơn (Stillness). Nếu có người hỏi bạn: “Cậu đang làm gì thế?” Bạn sẽ dễ dàng trả lời: “Ồ! Tôi chỉ đang nhìn ngắm Thiên Chúa và để Ngài nhìn tôi.”

 

“Cậu đang làm gì thế?” – “Ồ! Tôi chỉ đang nhìn ngắm Thiên Chúa và để Ngài nhìn tôi.”

“Cậu đang làm gì thế?” – “Ồ! Tôi chỉ đang yêu mến Thiên Chúa và để Ngài yêu tôi.”

“Cậu đang làm gì thế?” – “Ồ! Tôi chỉ đang nếm hưởng Thiên Chúa và để Ngài hưởng nếm tôi.”

“Cậu đang làm gì thế?” – “Ồ! Tôi cũng chẳng biết nữa, tôi chỉ ở với Thiên Chúa thôi.”

 John A. Veltri, SJ.

Bảo Ân phỏng dịch.

 

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

20 − 17 =