Bài 4: Nhìn Lại Giờ Cầu Nguyện  (Xét Gẫm)

 Mỗi khi cầu nguyện xong, một việc rất hữu ích là bạn dành thời gian để nhìn lại giờ cầu nguyện vừa nãy. (Vì là duyệt xét lại giờ nguyện gẫm nên gọi tắt là xét gẫm.) Việc nhìn lại này sẽ giúp bạn phản tỉnh về những kinh nghiệm bạn nhận được. Bạn thử duyệt lại xem điều gì đã diễn ra trong suốt giờ cầu nguyện vừa rồi. Điều bạn cần tập trung vào không phải là các ý tưởng mà bạn đã suy nghĩ được, mà là những hiểu biết, cảm nhận và thúc đẩy nơi con tim bạn. Tức, những phản ứng hay chuyển động nội tâm của bạn như: an ủi, sầu khổ, sợ hãi, khắc khoải, buồn nản, bối rối… đặc biệt nếu những điều ấy nằm sâu trong bạn và làm cho bạn bất an. Những câu hỏi sau sẽ gợi mở giúp bạn:

  • Điều gì đã diễn ra trong suốt giờ cầu nguyện ?
  • Tôi đã cảm nhận những điều đó thế nào?
  • Thái độ của tôi là gì, có thay đổi không… những cảm xúc nào theo sau thái độ ấy?
  • Tư tưởng nào đến, tư tưởng nào đi khi tôi ở lại với cảm xúc trên?
  • Thiên Chúa hiện diện với tôi như thế nào? Hay chỉ mình tôi độc thoại?
  • Tôi có nhận được ơn mà tôi đã xin (trước khi bước vào cầu nguyện) không?
  • Có điểm nào tôi cần phải đào sâu trong giờ cầu nguyện tiếp đến không?

Trong lúc xét gẫm, tôi tạ ơn Chúa vì những ơn nhận được, đồng thời xin Ngài tha thứ cho những chia trí, hay sao lãng của tôi.

Việc xét gẫm, như đã nói, giúp bạn theo dõi, hiểu và định vị được những chuyển động nội tâm của bạn. Nó còn giúp bạn được nhẹ nhàng trôi theo những tác động. Vì nếu bạn phải vừa cầu nguyện vừa quan sát những chuyển động của mình, thì cuộc gặp gỡ giữa bạn và Chúa đã bị cắt quảng, nhiễu loạn rồi. Trong giờ cầu nguyện, chuyện gì đến cứ để nó đến. Sau đó, hãy nhìn xem Thần Khí muốn nói gì với bạn qua tất cả những điều ấy.

Khi xét gẫm, bạn cũng nên ghi lại những khoảnh khắc và những trải nghiệm mà bạn đã được tác động. Những ghi nhận ấy sẽ giúp bạn chuẩn bị giờ cầu nguyện tiếp theo tốt hơn. Bởi Chúa Thánh Thần có thể mời bạn trở lại và đào sâu hơn một điểm mà bạn đã được tác động. Thánh I-Nhã khuyên người thao viên nên ở lại với điểm được tác động cho đến khi được no thỏa, nghĩa là, cho đến khi tác động ấy chấm dứt. Chẳng hạn như: ơn soi sáng đã hết, những chất vấn đã có lời đáp, những an ủi đã ngừng lại, những ý nghĩa đã được nắm bắt… Những ghi nhận trên cũng sẽ là chất liệu cho việc gặp gỡ và trao đổi với vị linh hướng. Thêm nữa, thực tập xét gẫm cũng giúp bạn tăng khả năng nhận định.

Bạn cũng nên lưu ý rằng việc xét gẫm không phải là giờ cầu nguyện nối dài, cũng không phải là việc “chạy trước” kinh nghiệm. Đúng hơn, nó là việc nhìn lại để lượng giá. Vì thế, việc ghi chép của xét gẫm không phải là một nhật ký thiêng liêng hay một tài liệu về những soi sáng huyền nhiệm. Đơn giản nó chỉ là công cụ giúp cho giờ cầu nguyện tốt hơn mà thôi. Thế nên, bạn có thể xét gẫm ở một nơi khác với chỗ bạn cầu nguyện.

John A. Veltri, SJ.

Bảo Ân phỏng dịch.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

three × four =