Hướng Dẫn Đồng Hành Viên
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
1. Danh sách các việc cần chuẩn bị trong tài liệu Trước Khi Bắt Đầu Chương Trình TLNN
2. Những chỉ dẫn trong tài liệu Buổi Họp Đầu Tiên
NHỮNG ĐIỀU CẦN CHIA SẺ VỚI THAO LUYỆN VIÊN
Về Phương Pháp
1. Những bài thao luyện này đặt căn bản trên hai kinh nghiệm: đối thoại tâm linh (spiritual conversation) và cầu nguyện bằng trí óc (mental prayer). TLV có thể chưa từng có cả hai kinh nghiệm trên. Hãy giải thích những điểm căn bản về cách làm. Và giúp họ bắt đầu cầu nguyện bằng cách cho biết họ cần đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa.
2. Khi phân phát mỗi tài liệu, hãy cắt nghĩa sơ qua một cách ngắn gọn, để TLV có thể tự mình tìm ra những ánh sáng. Tuy nhiên, nếu một TLV hoặc cả nhóm thích hợp với TLNN, ĐHV nên có khuynh hướng cắt nghĩa và khuyến khích hơn là giữ thái độ im lặng.
3. Sẽ có ba bài đọc cho mỗi tuần. Những bài đọc này có thể lập đi lập lại. Nên đề nghị những cách khác nhau để cầu nguyện với Thánh Kinh: đọc lớn tiếng, đọc chậm rãi với những lúc ngừng lại, đọc trước khi cầu nguyện dể tìm ra những chữ hoặc câu đặc biệt, v.v… TLV cũng có thể đã có một cách riêng để cầu nguyện với Thánh Kinh. Trong trường hợp đó, bạn có thể cho họ mỗi ngày một bài đọc. Tuy nhiên nên nhớ rằng lập đi lập lại là một chiến thuật quan trọng của phương pháp I Nhã.
4. ĐHV có thể nên cho thấy bối cảnh của mỗi bài đọc, xảy ra lúc nào trong đời sống Đức Kitô, có liên hệ thế nào với sự thật về đức tin. Chắc chắn, ĐHV cần cho những điểm của mỗi bài đọc – rất quan trọng để giúp học cách cầu nguyện bằng suy xét (consideration). Những điểm không nên quá tổng quát; nhưng cần phải đưa đến những gì TLV cần rút tỉa từ bài đọc trong giai đoạn này. Công việc của ĐHV trong các bài thao luyện phải là có tính cách hướng dẫn.
Về Nội Dung
1. Nên cho vài nhận xét về đức tin. Đức tin là một cách hiểu biết, một đặc ân trao ban từ Thần Khí của Đức Kitô cho những kẻ tin vào Ngài. Đức Giêsu đã nhắc rằng (Luca 11:34) ánh sáng ở trong mắt chúng ta, do đó với đức tin, chúng ta sẽ có thể thấy và thấy một cách khác. Tuy nhiên đức tin không ở trong trí óc. Khi tin hoàn toàn vào một tín điều, chúng ta sẵn sàng chấp nhận những hậu quả trong đời sống.
2. Nếu một người hoặc cả nhóm cảm thấy có ích lợi nhưng bạn sẽ không thể tiếp tục đi với họ khi xong TLNN I, bạn có thể cung cấp tài liệu The Way Things Are, trang 121 (Choosing Christ in the World).
3. Về các đoạn Thánh Kinh
Edekiel 11:17-21: Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng đời sống mỗi con người, là một xác tín (Vatican I). Thiên Chúa đã chọn lựa tạo dựng và cứu chuộc mỗi người chúng ta trong lòng dân tộc mà Người đang hình thành trong lòng Nhiệm Thể của Người là Giáo Hội.
Luca 1:26-38: Đức Maria quý trọng món quà được làm Mẹ Đức Giêsu.
Ephêsô 1:3-14: Thiên Chúa là Đấng khởi đầu việc làm cho chúng ta nên Thánh.
Các bài đọc khác có thể xử dụng: Sáng Thế Ký 1; Sách Khôn Ngoan11:21-26; Thánh Vịnh 8 hoặc 104.
Thao Luyện Viên
Ơn xin – Tôi muốn gì?
Xin cho tôi biết đón nhận vũ trụ, sự sống, và chính bản thân mình với lòng cảm kích, vì tất cả đều là những món quà từ Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, và là Chúa của tôi.
Thánh Kinh
1. Ed 11,17-21: Ngươi sẽ là dân ta và ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi.
2. Lc 1,26-38: Thiên Chúa ban tặng Đức Maria món quà mẫu tử.
3. Ep 1,3-14: Thiên Chúa ban ân sủng và Thánh Tử
Vài Điểm Gợi Ý
- Chúa Giêsu thường hay bắt đầu những lời cầu nguyện của Người với Chúa Cha bằng câu: “Con tạ ơn Cha.” Trước khi làm cho Lazarô sống lại, Người nói, “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì Cha đã nhậm lời con” (Ga 11:41). Chúa Giêsu dâng lời cảm tạ vì Người sống với tâm tình tri ân. Được dạy dỗ theo truyền thống của Dân Chúa, Chúa Giêsu xác tín rằng tất cả đều là quà tặng từ Thiên Chúa.
- Chúa Giêsu, nhìn thế giới này, lịch sử đời Người, và tất cả những gì xảy ra với Người đều là quà tặng từ Thiên Chúa. Người nói với Chúa Cha: “Tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha” (Ga 17:7). Người quả quyết tất cả: gia đình, quá trình đời người, ơn gọi, việc làm, và ngay cả cuộc tử nạn của Người. Ngài nhìn tất cả là những món quà tặng vì đôi mắt Người tràn đầy đức tin.
- Một số người nhìn sự hiện hữu của thế giới này như là một điều đương nhiên. Giống những người bị loạn sắc, họ nhìn thấy mọi hình nét rõ rệt nhưng lại toàn trong những sắc thái của màu xám. Còn tôi thì được mời gọi để nhận thế giới này như một món quà được ban tặng từ một Đấng Cao Cả: Tất cả những gì hiện hữu đều là quà tặng từ Thiên Chúa.
- Tôi được Thiên Chúa chọn để nhìn với đôi mắt của Đức Kitô hầu thấy được vẻ đẹp của những món quà Người ban: mặt đất, bầu trời, khoa học, âm nhạc, đời sống cá nhân tôi, năng khiếu – Đó là những gì tôi yêu chuộng. Chúa đã dành cho tôi một chỗ đặc biệt trong số người đã được tuyển chọn cùng với các thánh. Có thể nào Thiên Chúa đã cho Đức Maria biết tên của con mình qua lời truyền tin của Sứ Thần? Thế mà Thiên Chúa đã gọi tên tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ.
- Với tâm tình tri ân, tôi ý thức rằng tự tôi, tôi không thể nào đòi hỏi dù chỉ một giờ của sự sống hoặc một tấc của chiều cao. Tôi không thể đảm bảo bất cứ điều gì cho chính tôi hoặc những người thân của tôi. Nhưng vì tôi đã tuyển chọn “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người,” thì tôi biết rằng “tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt. 6:33). Chính đức tin và lòng cậy trông này là những quà tặng mà không mấy ai trong thế giới này chấp nhận.
Dẫn Giải Kinh Thánh
Ed 11,17-21 Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng mỗi người. Ngài sáng tạo và cứu chuộc mỗi người chúng ta trong dân Ngài quy tụ, và trong nhiệm thể Giáo Hội.
- Sau khi chúng ta bị xa lạc (như dân Do Thái xưa bị lưu đày ở Babylon), Thiên Chúa sẽ đem chúng ta trở lại làm một với Ngài (“một trái tim bằng thịt”, thay thế cho “trái tim chai đá”), thiết lập lại mối liên hệ công chính và bền vững giữa Thiên Chúa và đoàn dân của Ngài. Thiên Chúa là trung tâm điểm cho cuộc sống của chúng ta.
- Lời nói “Chúng sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Chúa của chúng” được thể hiện như một giao ước Chúa thiết lập với Abraham, với Môisen, và với toàn dân.
Lc 1,26-38 Mẹ Maria trân trọng món quà được làm Mẹ Đức Giêsu.
- Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử: Thiên Chúa tuyển chọn Mẹ Maria và cho Đức Giêsu nhập thể.
- Mẹ Maria là mẫu gương cho những kẻ tin. Mẹ không có chút quyền hành gì khi so sánh với tư tế Zacaria. Mẹ là một thiếu nữ còn non trẻ, nghèo, không nắm chức quyền nào, và không được vào đền thờ. Mẹ cũng không có một người chồng hoặc một người con để, trong nền văn hóa thời đó, minh chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vì vậy Thiên Chúa thật khác thường, và đối nghịch với cái nhìn của con người.
- Nazarét là một làng nhỏ trong vùng Galilê, nằm ở phía bắc của Samaria và Giuđêa. Galilê trải dài từ khoảng 45 đến 85 dặm về hướng bắc của Giêrusalem và rộng khoảng 30 dặm. Nazarét là một làng nhỏ, khoảng 15 dặm về phía nam của biển Galilê và dân số vào khoảng 150 người.
- “Ngươi sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu” phản ảnh việc loan báo sự hạ sinh của một nhân vật trọng đại, như trong Lc 1:13; St 16:7; Tl 13:5; Is 7:14. Chữ Hy Lạp là Ihsous, dịch ra tiếng Latin là Jesus, giống như Yeshua trong tiếng Do Thái, nghĩa là “Yavê Cứu chữa,” một tên rất phổ thông vào thời bấy giờ.
- Đức Giêsu cao trọng hơn Gioan, vì ông chỉ là một tiên tri so với Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh. So sánh cách diễn tả Đức Giêsu là cao trọng ở đây với câu Lc 1:15, “cao trọng trước mặt Chúa.” Từ cao trọng được dùng nhấn mạnh sự cao trọng của Đức Giêsu, vĩ đại hơn mọi vĩ đại.
- “Đấng Tối Cao” là một cách nói về Chúa mà không phạm huý.[1]
Ep 1,3-14 Thiên Chúa đã thi ân giáng phúc, làm cho ta nên tinh tuyền thánh thiện.
- Trong nguyên tác Hy Lạp, bản văn này chỉ gồm có một câu dài, với 3 phần chính. Mỗi phần kết thúc với một câu chúc tụng Chúa (cc. 6, 12, 14), chú trọng vào từng ngôi vị của Chúa Ba Ngôi. Sau phần mở đầu tóm lược tất cả ân sủng của các thánh (c. 3), phần đầu tiên (cc. 4-6) dâng lời chúc tụng Chúa Cha đã tuyển chọn chúng ta từ trước vô cùng; phần thứ hai (cc. 7-11) dâng lời chúc tụng cảm tạ Chúa Con đã đền bù tội lỗi chúng ta trong lịch sử cứu độ (i.e., trên cây Thánh Giá); và phần cuối cùng (cc. 12-14) dâng lời chúc tụng Chúa Thánh Thần đã đóng ấn quá khứ của chúng ta, ngay khi chúng ta trở lại.
- c. 5 Làm “nghĩa tử” là được thừa hưởng gia nghiệp.
Làm sao tôi có thể trân trọng và yêu mến thế giới chung quanh tôi,
cũng như cuộc sống, và chính con người tôi?
Phụ Thêm: Cách thế muôn loài muôn vật hiện hữu
- Trước hết hãy tâm niệm rằng: Thiên Chúa tạo dựng mọi sự trong từng khoảnh khắc. Chúng ta có khuynh hướng thường chỉ nghĩ đến vụ nổ “Big Bang” lúc khởi thủy của vũ trụ, hoặc sự sống tiến hóa. Nhưng Thiên Chúa vẫn tiếp tục sáng tạo mọi giây mọi phút.
- Cả khi chúng ta lớn lên và trưởng thành, Thiên Chúa vẫn tiếp tục sáng tạo con người tôi từ hư vô, trong từng khoảnh khắc. Tình yêu say mê sáng tạo của Ngài rực cháy tận tâm khảm con người tôi, nơi Cội Nguồn của tôi.
- Thiên Chúa sáng tạo tôi trong những điều cụ thể, chứ không phải cách chung chung. Thiên Chúa chọn thời gian và nơi chốn cho tôi, chọn cha mẹ tôi, cũng như những tài năng cho tôi. Thiên Chúa tiếp tục hình thành nhân cách tôi, nhân vị tôi, và bản ngã của tôi.
- Thiên Chúa sáng tạo “bởi tình yêu” nghĩa là Thiên Chúa muốn chia sẻ Tình Yêu của Ngài, để các tạo vật biết yêu và được yêu. Tôi có sự thông minh và tự do hầu có thể yêu, như Thiên Chúa, Đấng Tác Thành nên tôi, hằng yêu thương.
- Khi mời gọi tôi sống những phẩm chất, cá tính riêng biệt của tôi, Thiên Chúa đã gieo trồng tận đáy bản ngã của tôi một mục đích riêng biệt — một biểu lộ cụ thể những hy vọng của Thiên Chúa nơi tôi và cho riêng tôi. Cuộc sống của tôi là để khám phá ra trong tôi mục đích cá biệt đó — mục đích mà con người cụ thể của tôi cần phải “tháp nhập vào” — và thể hiện qua cuộc sống.
- Nếu tôi phát triển thành con người như Thiên Chúa hằng mong ước tôi trở thành, thì tôi đã bày tỏ quyền năng của Thiên Chúa nơi tôi, nghĩa là tôi đã làm cho Thiên Chúa được vinh quang; vì vinh quang Thiên Chúa là con người sống động trọn vẹn. Nếu tôi biết Thiên Chúa là Đấng nào và tôi là ai, và rồi tôi sống đầy đủ sự hiểu biết đó, thì tôi sẽ chúc tụng Thiên Chúa ban sáng và cảm tạ Ngài lúc ban chiều, và cố gắng thực hiện trọn vẹn những hy vọng Thiên Chúa đặt nơi chính tôi và nơi thế giới tôi sống.
- Mọi tạo vật đều có một mục đích riêng biệt như thế. Như vậy tôi sống giữa muôn vật thụ tạo khác, là để đạt tới mục đích của tôi; tôi xử dụng hay không xử dụng, vui hưởng hay không vui hưởng những tạo vật khác là tùy thuộc vào việc chúng có giúp tôi đạt tới mục đích cá biệt của tôi không.
- Thế nhưng ngay cả trong trật tự và hòa điệu này, Đấng Sáng Tạo vẫn có nhã ý để cho chúng ta được tự do. Chúng ta được lựa chọn giữ sự công minh, chính trực và trật tự. Nơi đâu chúng ta không chọn đúng, chúng ta gây tổn hại trên trái đất. Thiên Chúa chắc chắn biết điều đó. Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn mong là nhân loại sẽ nhìn nhận Thiên Chúa là trên hết, rồi thể hiện sự nhìn nhận ấy ra qua việc chúng ta cùng nhau tạo dựng một cuộc sống trong trật tự và tình yêu.
- Thánh Ý Thiên Chúa là sự bình an của chúng ta. Không phải thứ bình an của sự thinh lặng và chết chóc, nhưng là sự bình an êm đềm âm ỉ của một tình yêu sinh động, và hài hòa trật tự cách lạ lùng. Đó là điều mà Thiên Chúa mong đem lại cho trái đất này.
Lời Nguyện
Lạy Thiên Chúa Toàn Năng, Chúa là Đấng Tạo Dựng trời đất,
muôn vật hữu hình và vô hình từ những hạt tử vô cùng nhỏ bé cho đến những thực thể bao la.
Chúa là Đấng tạo dựng thế giới cuộc sống của con, chính sự sống con và
từng mảnh nhỏ cuộc đời con. Không có gì nơi con có thể đòi hỏi Ngài phải tạo dựng nên con.
Mọi sự là do Chúa và từ Chúa mà tạo dựng nên con, vì Chúa là Tình Yêu và Chúa muốn chia sẻ với những ai yêu mến Chúa.
Con chúc tụng và cảm tạ Chúa, tất cả những gì là chính con, những gì con có và hiện hữu.
Amen.
xin vui long goi nhung cau chuyen thanh nho, hoac nhung chuyen de thuong qua audio de giup cac em co nhi. buoi sang duoc nghe
Xin chào quí anh/chị,
Em sẽ tổ chức một khóa TLNN vào đầu tháng Một năm 2013. Anh/Chị có thể gởi cho em tài liệu để làm khóa TLNN được không? Trên trang web của anh/chị chỉ có bài của tuần 1. Em tìm hoài mà không thấy bài của tuần 2 và 3 đâu cả. Xin chỉ dẫn giùm.
thanks,
Hung