P1. XIN SỐNG ĐÚNG ƠN GỌI
LÀM MÔN ĐỆ

Lạy Cha,

Trong những ngày tĩnh tâm vừa qua, con đã được Thánh Thần  của Cha chỉ dạy cho con biết rằng: vì yêu thương, Cha đã gọi một số người làm môn đệ Chúa Giê-su, nhưng Cha vẫn tôn trọng tự do của họ, và vẫn để họ được tự do đáp trả. Xin Cha thương nhận con vào số các môn đệ của Chúa Giê-su. Xin giúp con sống đúng với ơn gọi làm môn đệ.

Lạy Chúa Giê-su,

Qua những giờ suy chiêm Lời Chúa vừa qua, con đã được Chúa Thánh Thần dạy cho biết rằng, do tình yêu, và vì tuân hành ý Cha, Chúa đã chọn một số người để liên kết họ thành một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất, để họ ở với Chúa, và để Chúa sai họ đi rao giảng với quyền trừ quỷ. Xin Chúa thương nhận con vào số các môn đệ của Chúa, xin cho con biết để Chúa kết hợp con cùng với anh chị em con thành thân thể Chúa, để chúng con được ở với Chúa một cách đặc biệt, và được Chúa sử dụng theo thánh ý của Cha.

Con chỉ xin Chúa ban cho con Thánh Thần của Chúa, để Ngài biến đổi con thành môn đệ đích thực của Chúa. Được như thế là đủ cho con.

Con tạ ơn Chúa,

Con ngợi khen Chúa.


P2. KINH XIN DÂNG QUYẾT TÂM

Lạy Cha,

Trong những ngày cầu nguyện vừa qua, mỗi người chúng con đã được Chúa Thánh Thần  dẫn dắt, qua những tác động của Ngài trong tâm hồn. Nghiền ngẫm, suy chiêm lại những tác động ấy, mỗi người chúng con đã dần dần nhận ra: ý Cha muốn cho mình sống thế nào trong những ngày tới. Noi gương Chúa Giê-su, Thầy của chúng con, chúng con quyết lấy ý Cha làm lương thực nuôi mình, làm quyết tâm sống của chúng con.

Giờ đây, mỗi người chúng con xin dâng lên Cha, lời quyết tâm của mình, cùng với lời xin được làm môn đệ Chúa Giê-su. Xin Cha thương chấp nhận.

Con tạ ơn Cha,

Con ngợi khen Cha.

 

P3. KINH DÂNG HIẾN

Lạy Chúa,

Xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con.

Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con.

Lạy Chúa,

con xin dâng lại Chúa hết thảy. Tất cả là của Chúa. Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng Chúa. Vì được như thế, là đủ cho con. Amen.

 


P4. KINH LẠY HỒN CHÚA KI-TÔ

(Anima Christi)

Lạy Hồn Chúa Ki-tô, xin thánh hóa con.

Lạy Xác Thánh Chúa Ki-tô, xin cứu độ con.

Lạy Máu Thánh Chúa Ki-tô, xin cho con say mến.

Lạy Nước bởi nương long Chúa Ki-tô,xin tẩy rửa con.

Lạy sự thương khó Chúa Ki-tô, xin thêm sức cho con.

Lạy Chúa Giê-su nhân ái, xin nhận lời con.

Xin giấu ẩn con trong các vết thương Chúa.

Xin cho con đừng bao giờ lìa xa Chúa.

Xin gìn giữ con khỏi kẻ thù tinh quái.

Đến giờ lâm tử.

Xin Chúa gọi con và cho con đến cùng Chúa.

Để con được cùng các Thánh ca tụng Chúa muôn đời 

Amen.

 

P5. SUY CHIÊM TỪNG CÂU

Khi có một điểm hoặc một câu Thánh Kinh thì nhập nguyện, suy chiêm rồi kết nguyện như sau:

Nhập Nguyện

1. Điều kiện thuận lợi

Trước hết chọn lấy những điều kiện thuận lợi nhất để suy chiêm lâu giờ. Đó là: địa điểm, thời điểm, thời gian, tư thế, tư cách và thái độ.

2. Định tâm và nhận diện

Hình dung ra cảnh định suy chiêm hoặc hình dung Chúa đang âu yếm nhìn ta. Ta chú ý tới Chúa, thở hít đều hoà và đọc đi dọc lại một câu Thánh Kinh vắn quen đọc cho tới khi lòng lắng xuống và thấy rõ Chúa đang ở trước mặt.

3. Xin ơn và xin giúp

Xin Chúa Thánh Thần giúp ta cầu nguyện và  xin điều ta ao ước.

Suy Chiêm

Sau khi nhập nguyện, hãy đọc kỹ, suy sâu câu Kinh Thánh đã chọn rồi thưa chuyện với Chúa theo câu ấy gọi là cầu.

1. Đọc kỹ

a. Người thưa với Chúa

Nếu câu Kinh Thánh là lời của con người thưa cùng Chúa thì lấy câu ấy là tâm sự của mình mà nói lên với Chúa, rồi thinh lặng để cho lòng mình thưa với Chúa. Hãy làm như thế từ ba lần trở lên.

Thí dụ: Lc 1,38b: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

b. Chúa nói với Người

Nếu câu Kinh Thánh không phải lời của con người nói với Thiên Chúa, thì tưởng như Chúa  nói  với ta qua câu đó. Đọc thành tiếng rồi lắng nghe câu ấy vang vọng thực sâu trong lòng. Khi tiếng vang mờ đi thì đọc lại. Làm như vậy từ ba lần trở lên.

Thí dụ: Mt 5,13a: “Chính anh em là muối cho đời.

c. Ma quỷ nói

Nếu câu Kinh Thánh là lời ma quỷ hay kẻ ghét Chúa đang chống Chúa thì đọc lớn rồi nghe như môn đệ Chúa
Giê-su nghe lời đó, để cho lòng mình phản ứng. Đọc ba đợt.

       Thí dụ: Mc 1,24: 24 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”

2. Suy sâu

Sau khi đọc, hãy suy theo những câu hỏi sau:

a. Nghĩa là gì?

Câu này có nghĩa là gì? Nói câu này để làm gì? Tại sao?

b. Chúa dạy gì?

Chúa muốn dạy tôi điều gì? Hãy nói lại như ta hiểu.

c. Chúa bảo gì?

Chúa bảo tôi làm gì. Hãy nói lại điều Chúa bảo làm.

3. Cầu xin

Sau khi suy, hãy thinh lặng lắng nghe Chúa nói và để lòng ta phản ứng, rồi thưa với Chúa về những tình cảm ấy và về quyết tâm thực hiện điều Chúa bảo làm.

Kết Nguyện

1. Tâm sự

Nếu chỉ suy chiêm một câu thì bước cầu xin trên đây là tâm sự kết thúc. Nếu suy chiêm từ hai câu trở lên thì tâm sự theo tâm tình cuối giờ suy chiêm.

2. Kết thúc

          Kết thúc bằng cách chú ý đọc lại câu vừa suy hoặc đọc kinh Lạy Cha.

P6. SUY CHIÊM THEO TÁC ĐỘNG

1.  Tác động là gì ?

  Tác động là làm cho động. Khi đọc Lời Chúa mà thấy lòng mình có những chuyển động, nghĩa là thấy không còn như cũ nữa, đó là mình đã được tác động. Người ta thường gọi là đánh động. Muốn hiểu rõ tác động là gì thì cần phải hiểu điểm tác động và cách tác động.

a. Điểm tác động. Đó là một từ ngữ, một số từ, một câu nói hay một số câu nói, hay một ý tưởng hay một số ý tưởng làm cho lòng mình động.

b. Cách tác động. Điểm tác động có thể làm cho ta động vì

  •  nó đụng chạm đến tật bệnh thiêng liêng hoặc tâm lý của ta, làm cho ta nhận ra tật bệnh của ta khiến ta phải lựa chọn : tránh né hay để Chúa chữa lành ;
  •  nó thúc đẩy ý chí ta, làm cho ta phải đi đến chỗ quyết định làm điều này, tránh điều nọ
  •  nó lay động con tim ta, làm nẩy sinh những tình cảm khác nhau hoặc
  •  nó soi sáng trí khôn ta làm cho ta hiểu điều này điều nọ rõ ràng hơn, sâu sát hơn, cụ thể hơn hoặc sống động hơn.

2. Đọc thế nào mới được tác động?

a. Đọc với lòng khao khát được Chúa dạy bảo.

Hãy đọc với lòng khao khát được Chúa chữa lành, thúc đẩy, đánh động và soi sáng. Vì khao khát nên hết sức đến lời Chúa nói, những tác động Lời Chúa gây ra nơi lòng mình.

b. Học cách đọc để được tác động.

Mỗi người có những nút chặn riêng, những chỗ chai cứng đặc biệt, phải phân tích cẩn thận những lần đọc mà không được  tác động để dần dần nhận ra những cản trở  và tập biết mở lòng ra dần dần và nhậy bén với Lời Chúa.

c. Như vậy, phải đọc thế nào?

Đọc theo những bước sau:

          1) Đọc suốt. Với lòng khao khát được Chúa dạy bảo, hãy hết sức chú ý đọc suốt đoạn Thánh Kinh.

        2) Rồi buông sách. Diễn lại cảnh vừa đọc, hay nhẩm lại điều vừa nghe vài ba lần.

          3) Thinh lặng. Nhìn vào lòng mình xem điểm nào tác động mình, tác động thế nào và tại sao tác động.

          4) Tóm tắt. Tóm tắt điểm tác động cho đủ, đúng, ngắn và rõ. Bản tóm phải cho biết: Điểm nào tác động? Tác động thế nào? Tại sao tác động?

3.  Chia sẻ những  tác động như thế nào?

Để việc chia sẻ những điều tác động được dễ dàng và đem lại lợi ích tối đa, thì khi chia sẻ, nên nhớ những điều sau đây:

a. Nói rõ điểm nào tác động: từ ngữ hay cụm từ nào? câu nói hay cụm câu nào? (nêu rõ số câu); ý tưởng hay những ý tưởng nào?

    b. Nói rõ tác động như thế nào: đụng chạm? thúc đẩy? lay động? hay soi sáng?

    c. Nói rõ tại sao điểm này hay điểm nọ đã tác động thế này hay thế khác, nếu biết. Trong trường hợp không biết thì nói không biết tại sao.

4. Suy chiêm theo điểm tác động ra sao?

Như mọi bài suy chiêm, bao giờ cũng phải có: nhập nguyện, suy chiêm và kết nguyện.

Nhập Nguyện

          Trước hết, chọn những điều kiện tốt nhất để đọc mà được tác động như : bầu khí, tư thế, tư cách và thái độ.

          Tiếp đến, hãy định tâm và nhận diện bằng cách chú ý tới Chúa Giê-su là Thầy dạy mình đang hiện diện, thở hít đều hoà và lặp lại một lời cầu xin nào với Người. Lời cầu xin phải thích hợp với bài suy chiêm.

          Cuối cùng, xin Chúa Thánh Thần đến dùng Lời Chúa mà tác động ta, xin Người làm cho ta mở lòng ra để tiếp lấy tác động của Người cùng biết nhận ra các tác động của Người.

Suy chiêm

  1. 1.    Tìm điểm tác động

Trước hết hãy áp dụng phương pháp đọc để được tác động vào bản văn chọn làm bản văn cầu nguyện.

2. Suy chiêm từng điểm tác động theo phương pháp ba bước.

Kết Nguyện

             Tâm sự với Chúa theo tâm tình cuối giờ suy chiêm.

          Đọc lại đoạn Thánh Kinh vừa suy để kết thúc.

P7. SUY CHIÊM NHẬP CẢNH

Để dễ nhớ và tiện dùng, chúng ta sẽ tóm tắt phương pháp vào bảng tóm sau:

1. Chuẩn bị

     Œ Xác định mục đích và ơn xin của giờ suy chiêm.

      Chọn đoạn Thánh Kinh có hoạt cảnh thích hợp với ơn xin.

    Ž Đọc đoạn Thánh Kinh để tìm ra hoạt cảnh, tức là sân khấu và các nhân vật với các hoạt động của họ.

2. Nhập nguyện

Œ Tạo những điều kiện thuận lợi nhất để suy chiêm: nơi chốn, thời gian. Cẩn thận chọn nơi không bị quất rầy. Tư cách và thái độ sẽ có lúc nhập cảnh.

 Định tâm. Định tâm bằng cách để ý tới cảm giác tại các chỗ khác nhau trên cơ thể, và tới hơi thở .

Ž Nhận diện, xin giúp và xin ơn.

3. Nhập cảnh

Œ Đọc để nhập cảnh

Chú ý đọc suốt, đọc chậm, rồi buông sách và hình dung hoạt cảnh hoặc nhập vào hoạt cảnh. Đọc mà không đạt tới mục tiêu thì đi tìm nguyên nhân, sửa chữa nguyên nhân rồi mới đọc lại. Đọc thành ba đợt, mỗi đợt có mục tiêu riêng.

  • Ø Đọc đợt 1 để hình dung được hoạt cảnh.
  • Ø Đọc đợt 2 để hình dung cho đúng, cho đủ hoạt cảnh.
  • Ø Đọc đợt 3 để nhập cảnh.

      Ở lại trong cảnh

Khi đã nhập vào được cảnh thì ở lại trong cảnh cho đến hết giờ. Ở lại để chiêm ngắm, nếm cảm, phản ứng.

4. Kết nguyện

Để kết nguyện, bạn hãy chọn lấy một trong những cách sau đây:

Cách 1: Tâm sự với Ba ngôi theo tâm tình của bạn đang có rồi đọc lại đoạn Thánh Kinh để kết thúc.

Cách 2: Thinh lặng ra đi vì không muốn chấm dứt nỗi lòng lúc ra đi.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

four × four =