Tôi thường hay hỏi bạn bè cảm nghĩ đầu tiên của họ khi nhìn bức tranh Người con hoang đàng trở về của Rembrandt, bao giờ họ cũng trả lời đó là hình ảnh người cụ già hiền hậu đang dang tay tha thứ cho người con: một bậc tổ phụ khoan dung.
Càng ngắm nhìn “người cha già” tôi càng thấy rõ Rembrandt không vẽ chân dung Thiên Chúa như một người lão thành trong gia đình. Tất cả bắt đầu với đôi bàn tay, đôi bàn tay không giống nhau. Bàn tay trái đặt trên vai người con là một bàn tay cứng cáp, các ngón tay xòe ra và ôm trọn một phần lớn của vai và lưng người con trở về, tôi có cảm tưởng bàn tay ấn mạnh, nhất là ngón cái, thế nên, người ta có cảm tưởng không những nó sờ chạm mà còn nâng đỡ. Và dù có dịu dàng thì không phải vì thế bàn tay không cho thấy một vẻ cương nghị nào đó. Bàn tay phải của người cha thì khác hẳn, nó không nói lên cử chỉ cầm lấy hay giữ chặt. Nó lại thanh mảnh, mềm mại và rất dịu dàng. Các ngón tay khép lại và có một dáng thanh lịch nào đó. Đặt nhẹ trên vai người con, nó làm như muốn vuốt ve, nâng niu, an ủi và khích lệ. Đó là bàn tay của một người mẹ.
Khi tôi thấy sự khác biệt giữa đôi bàn tay, cả một chân trời đầy ý nghĩa mở ra trước mắt tôi. Người cha không những là người gia trưởng, mà cũng còn là người mẹ nữa. Ông ôm người con với một bàn tay người cha và bàn tay người mẹ. Người cha nâng đỡ, người mẹ vuốt ve, người cha kiên định, người mẹ an ủi. Đó chính là Thiên Chúa, trong Người, nam tính và nữ tính, phụ tử và mẫu tử cùng hiện diện. Cái vuốt ve dịu dàng của bàn tay mặt vang lên lời tiên tri Isaia:
“Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương với dạ đã cưu mang nó? Cho dù có tìm ra một người mẹ quên con, phần Ta, Ta sẽ không hề quên con! Này, Ta đã khắc con trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,15-16).
Anh bạn Richard White để ý đến bàn tay người mẹ vuốt ve ở cùng một bên chân trần và bị thương của người con, trong khi bàn tay mạnh có nam tính ở phía chân có mang dép. Có thể nào phiếm nghĩ rằng một tay thì che chở phần yếu đuối của người con, còn bàn tay kia năng đỡ phần mạnh mẽ muốn sống một đời sống tốt.
Còn có chiếc áo choàng màu đỏ: màu nóng ấm và hình vòng cung, làm như soạn sẵn một nơi tiếp đón thoải mái để người con sống; thoạt nhìn tôi có cảm tưởng chiếc áo phủ lưng còng của người cha như một chiếc lều mời người lữ hành mệt mỏi dừng lại nghỉ chân; nhưng càng nhìn chiếc áo choàng, tôi lại nhận ra một hình ảnh khác còn mạnh hơn chiếc lều: đó là đôi cánh gà của gà mẹ che chở gà con, cho con một chỗ ở. Đôi cánh này nhắc tôi nhớ đến lời Đức Giê-su nói về tình mẫu tử của Thiên Chúa: “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! – đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu!” (Mt 23,37-38).
Ngày đêm, Thiên Chúa che chở tôi, như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh mình. Hơn cả hình ảnh chiếc lều, đôi cánh của gà mẹ mẫn cán tượng trưng cho sự an toàn mà Thiên Chúa che chở trao ban cho các con của Người. Đôi cánh diễn tả sự săn sóc, sự che chở, nơi ở an toàn và an bình.
Mỗi lần tôi nhìn chiếc áo choàng qua hình ảnh chiếc lều hay hình cảnh đôi cánh, tôi cảm nhận tình mẫu tử trong tình yêu Thiên Chúa, tim tôi bắt đầu hát lên lời ca vịnh:
“Khi tôi ở dưới sự che chở của Đấng Tối Cao
Và nghỉ ngơi trong bóng của Đấng Toàn Năng,
Tôi thưa với Người: “chốn tôi trú ẩn,
thành lũy của tôi.
Thiên Chúa của tôi, Đấng tôi trông cậy!
Người bảo bọc, che chở tôi;
Dưới cánh của Người, tôi tìm được nơi trú ẩn”
(Tv 91,1-4).
Như thế, dưới hình dáng của người tổ phụ Do-thái xa xưa, xuất hiện một Thiên – Chúa – Mẹ đón tiếp con mình trở về nhà.
Khi nhìn ngắm lại cụ già trong bức tranh Rembrandt đang cúi xuống đặt tay trên vai người
con, tôi bắt đầu thấy không những một người cha đang “ôm con trong tay”, mà cả một người mẹ đang vuốt ve người con, bao bọc người con bằng hơi ấm của mình, và ôm con vào dạ đã cưu mang. Như thế, “Cuộc trở về của người con hoang đàng” trở thành cuộc trở về trong lòng Thiên Chúa, cuộc trở về chính nguồn cội con người mình: điều đó làm cho nhớ lại lời Đức Giê-su nói với Nicôđêmô là phải tái sinh từ trên cao.
Bây giờ tôi hiểu rõ hơn nét an bình bao la tỏa ra từ chân dung của Thiên Chúa: không chút tình cảm lãng mạn, cũng không phải là một câu chuyện ngây ngô với đoạn kết có hậu. Điều tôi thấy ở đây, là như một người mẹ, đón nhận trở lại trong lòng dạ mình đứa con mà Thiên Chúa đã tạo nên giống hình ảnh Người. Cặp mắt gần như mù, đôi bàn tay, áo choàng, thân hình cong gập, tất cả gợi lên tình mẫu tử của Thiên Chúa, được ghi đậm bằng dấu vết của đau đớn, của mong ước, của hy vọng và chờ đợi khôn cùng.
Như thế, mầu nhiệm là ở chỗ Thiên Chúa là Thiên – Chúa – Mẹ; trong thương xót vô biên, Thiên – Chúa – Mẹ đã nối kết chính mình đến muôn đời với sự sống của các con mình, bà đã tự nguyện trở thành lệ thuộc vào các con đã được bà trao ban cho ân huệ của tự do. Chính việc chọn lựa này đã làm cho Người đau khổ khi con cái rời bỏ mình và cũng mang lại niềm vui cho Người khi con cái trở về. Nhưng niềm vui ấy sẽ không trọn vẹn cho đến khi nào các con mà Người được trao ban sự sống chưa trở về nhà, chưa ngồi chung quanh bàn đã dọn sẵn chờ chúng.
Và tất cả những điều đó bao gồm cả người con cả. Rembrandt để anh đứng cách xa ngoài chỗ nương náu được tượng trưng bởi chiếc áo choàng, ở vòng ngoài ánh sáng. Cái khó xử của người con cả, là nhận hay từ chối tình yêu của người cha, một tình yêu vượt quá mọi so sánh, là dám để cho cha mình yêu mình, như người hằng tha thiết, hay cứ nằng nặc đòi cho được yêu thương theo đòi hỏi của anh. Người cha biết rằng chọn lựa phải đến từ người con, ông dang rộng tay ra chờ đón. Người con cả có sẵn sàng quỳ gối xuống và để cho người cha đặt tay trên vai mình như đã đặt trên vai người em không? Anh ta có sẵn sàng để đón nhận tha thứ và để cảm nghiệm sự hiện diện có sức chữa lành của người cha hằng yêu thương anh mà không so sánh không? Thánh Lu-ca kể rõ rằng chính người cha đi bước trước đối với cả hai người con của mình. Không những ông chạy ra đón người con đi lạc trở về mà ông cũng chạy ra gặp người con cả, người con trung thành từ ngoài đồng trở về và đang tự hỏi vì sao có vũ có nhạc trong nhà, để năn nỉ anh vào nhà.
(HN:140-144)