1. NHẬP NGUYỆN
Ta cần khoảng 5 – 7 phút để nhập nguyện, gồm.
– Tạo những điều kiện thích hợp:
Trước đó ta đã định thời gian (20 phút hay 60 phút) cho buổi cầu nguyện, chọn một nơi chốn yên tĩnh (phòng riêng, phòng thờ, nhà thờ lúc vắng người) để có thể cầu nguyện một mình với Chúa. Sau đó chọn tư thế (ngồi, quỳ, đứng, đi, hoặc nằm nếu là đau bệnh) phù hợp để ta có thể ở lâu giờ với Chúa mà ít mệt mỏi nhất. Ta có thể cầu nguyện với cả Ba Ngôi Thiên Chúa, hay chỉ với Chúa Cha, với Chúa Giêsu, hoặc với Chúa Thánh Thần, do đó ta cần chuẩn bị thái độ khiêm tốn và ý thức tư cách là con, hay là môn đệ, hoặc là thụ tạo của mình.
– Định tâm, nhận diện:
Nhắm mắt, hít vào thở ra đều đặn, chú tâm vào Ngôi vị (cả Ba Ngôi Thiên Chúa, hay một Ngôi) mà mình đang kết nối tương quan, hay kết hiệp.
– Xin giúp và xin ơn:
Hướng về Chúa Thánh Thần để xin Ngài giúp ta chú ý đến Chúa, đến Lời Chúa và nhận ra tiếng Chúa dạy bảo, yêu mến và thực hành lời dạy đó. Hoặc đọc kinh Cúi Xin Chúa Sáng Soi.
Ơn xin hay xin ơn là điều rất quan trọng trong giờ cầu nguyện. Ơn xin này là tâm tình xuyên suốt từ lúc nhập nguyện, đến suy chiêm và kết nguyện. Không phải là xin bất kỳ điều gì. Nhưng ơn xin này là nhu cầu cần thiết mà ta đã thấy khi ta được Lời Chúa tác động lúc đọc bản văn. Ví dụ, ta được tác động bởi câu “Đừng làm như bọn đạo đức giả”. Nhu cầu của ta là xin Chúa dạy ta và giúp ta sống thật thà, đạo đức thật. Hoăc khi cầu nguyện với trình thuật Truyền Tin (x. Lc 1,26-38), ta có nhu cầu hiểu mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu và sống mầu nhiệm đó, nên ta xin Chúa ơn hiểu và sống mầu nhiệm nhập thể. Đó chính là ơn xin trong giờ cầu nguyện.
Diễn giải phần nhập nguyện là vậy, nhưng khi đã quen thì ta chỉ mất độ 5 phút làm phần này.
2. SUY CHIÊM
Hai khái niệm suy niệm và chiêm niệm được Cha P. Phạm Hữu Lai ghép lại thành từ “suy chiêm”.
Suy niệm
Suy niệm là việc dùng trí khôn liên kết các kiến thức, kinh nghiệm cá nhân để tìm hiểu điểm mà mình được tác động (trong Linh Thao, bài suy niệm là bài dùng lý trí, trí khôn tìm hiểu các điểm gợi ý của người hướng dẫn). Để suy niệm một điểm tác động (các từ, câu, hay ý tưởng) cần đọc lại cẩn thận điểm đó, rồi suy sâu, sau đó cầu nguyện. Trong giờ cầu nguyện, có bao nhiêu điểm tác động hay điểm gợi ý cầu nguyện, thì có bấy nhiêu lần tiến trình đọc, suy sâu, cầu nguyện.
Chiêm niệm
Chiêm niệm là việc dùng các tài năng để cảm nếm điều đã được dạy bảo hay soi sáng trong giờ cầu nguyện-suy niệm trước. Ví dụ với trình thuật Truyền Tin, lần cầu nguyện trước tôi đã được 3 điểm tác động, và tôi đã suy niệm, được Chúa dạy bảo cả 3 điểm ấy. Lần này, cũng trình thuật ấy thay vì suy niệm, tôi chiêm niệm. Nghĩa là tôi cảm nếm một hoặc cả ba điều đã được Chúa dạy bảo trong lần suy niệm kia.
Trong Lectio divina, chiêm niệm là mức chiêm ngắm Thiên Chúa. Trong Linh Thao, chiêm niệm là dùng ngũ quan để nhìn, nghe, quan sát, cảm nếm Thiên Chúa, các mầu nhiệm và phẩm tính của Ngài. Có lẽ cũng từ việc chiêm niệm này mà Cha P. Phạm Hữu Lai có bài Suy chiêm nhập cảnh (sẽ được trình bày ở những lần tiếp theo).
Suy chiêm
Theo phương pháp cầu nguyện bằng Lời Chúa này, suy chiêm ở vị trí trung tâm của giờ cầu nguyện. Suy chiêm ở đây nghĩa là suy niệm hoặc chiêm niệm. Tùy vào mức độ hoặc tiến trình cầu nguyện mà áp dụng hoặc suy niệm, hoặc chiêm niệm. Ví dụ với trình thuật Truyền Tin (x. Lc 1,26-38), tôi cầu nguyện trình thuật này lần thứ nhất, sau khi nhập nguyện, tôi dùng suy niệm, tức dùng trí khôn để suy xét, tìm hiểu điểm tác động, trước khi tâm sự với Chúa. Cũng với bài ấy, vì tôi đã được Lời Chúa dạy bảo trong lần suy niệm trước, nên đến lần cầu nguyện thứ hai, tôi có thể dùng chiêm niệm để cảm nếm, chiêm ngắm Thiên Chúa.
3. TÂM SỰ VỚI CHÚA, KẾT NGUYỆN
Tâm sự với Chúa
Cầu nguyện là tâm sự với Chúa, nói chuyện với Chúa như hai người bạn. Khi ta có điều gì đó muốn thưa với Chúa thì ta chia sẻ với Chúa. Hoặc ta có điểm tác động nào đó, sau khi suy niệm hay chiêm niệm, ta tâm sự với Chúa về điểm đó. Trong tâm sự này, có thể ta có lời cám ơn, ca ngợi Chúa, hoặc xin lỗi Ngài, hoặc xin Ngài ban ơn.
Kết nguyện
Là tóm kết những điều vừa tâm sự ở trên, trước khi chào Chúa ra về hay lên đường.
Nhập nguyện, Suy chiêm, Kết nguyện là ba khái niệm hay ba từ mà Cha P. Phạm Hữu Lai dùng trong tiến trình một bài cầu nguyện bằng Lời Chúa.
**Kỳ tới:
Cầu nguyện với một câu Kinh Thánh (hay Suy chiêm một điểm tác động, hay Suy chiêm từng điểm)