• 2. LỜI CHÚA TÁC ĐỘNG THẾ NÀO?

Tác động hay đánh động là làm cho chuyển động. Khi đọc Lời Chúa mà thấy lòng mình động, nghĩa là xuất hiện những cảm xúc, thái độ, hay ý chí, hiện tượng đó chính là lúc mình được Lời Chúa tác động.

Điểm tác động, tức yếu tố gây chuyển động, là: trong bản văn Kinh Thánh, có một từ hay cụm từ, một câu hay một đoạn, hoặc một ý tưởng tác động đến tình cảm, trí khôn và ý chí của mình.

Các loại điểm tác động kể trên có thể tác động tôi theo những hình thức như:

Đụng chạm đến tật bệnh thiêng liêng hay tâm lý của ta. Điểm tác động đụng chạm đến vết thương tinh thần của ta. Nếu ta thật sự khao khát được Chúa chữa lành ta sẽ mở lòng ra, tiếp tục chịu đau thêm ít nữa, để Lời Chúa cắt tỉa hoặc rửa sạch vết thương của ta. Còn nếu không muốn Chúa chữa lành, ta sẽ tránh né Lời Chúa, vùi Lời đó vào trong quên lãng, trong tiềm thức. Như thể mặc cho vết thương lâu lâu làm độc, mưng mủ, làm ta đau đớn.

Thúc đẩy ý chí của ta, làm cho ta phải quyết định làm điều này, hoặc tránh điều nọ.

Lay động con tim ta, làm nảy sinh những cảm xúc (vui, buồn, yêu, ghen ghét, thích, tức giận, phản kháng, v.v.).

Soi sáng trí khôn của ta, làm cho ta hiểu điều này điều kia rõ ràng hơn, cụ thể hơn, sâu sắc hơn, sống động hơn.

Đọc Kinh Thánh thế nào để được Lời Chúa tác động?

Để được Lời Chúa tác động, ta cần có thái độ và tâm tình xứng hợp khi đọc Lời Chúa. Đó là sự cẩn thận, chú ý từng câu từng chữ, với đức tin Công Giáo, cùng tâm tình khao khát, mở lòng cho Lời Chúa dạy bảo. Khi khao khát và mở lòng, Lời Chúa cũng là chính Chúa sẽ chữa lành cho ta những vết thương hay tật bệnh đưa đến cái chết đời đời. Lời Chúa sẽ thúc đẩy ta làm điều hợp ý Chúa, hoặc có những quyết định quan trọng trong đời. Lời Chúa sẽ lay động con tim có thể rất chai cứng hoặc đã chết của ta, và làm cho nó sống lại với thái độ, tình cảm thật sinh động. Lời Chúa soi sáng cho trí khôn ta hiểu được những điều rất quan trọng cho sự sống hạnh phúc đời đời của ta.

Ngoài ra, kỹ năng đọc cũng cần thiết để được Lời Chúa tác động. Nếu cầu nguyện dựa trên không phải một câu riêng lẻ mà dựa trên cả đoạn Kinh Thánh thì việc đọc rất cần kỹ năng. Dưới đây là các bước kỹ năng đọc một đoạn Kinh Thánh để cầu nguyện.

Với lòng khao khát hết sức được Chúa dạy bảo, và cẩn thận chú ý từng câu chữ, tôi:

1/ Đọc suốt đoạn Kinh Thánh, không dừng lại ở nhan đề của từng đoạn hay chương, cũng không nán lại đọc các chú thích.

2/ Buông sách, diễn lại trong trí cảnh vừa đọc, hoặc nhẩm lại đoạn vừa nghe.

3/ Quan sát phản ứng của lòng mình: yếu tố nào, điểm nào (một từ, cụm từ, một câu, một ý tưởng) của đoạn Kinh Thánh tác động mình.

4/ Tóm tắt điểm tác động: điểm nào trong đoạn Kinh Thánh tác động tôi? Tác động thế nào (đụng chạm, thúc đẩy, lay động cảm xúc, hay soi sáng trí khôn)? Tại sao tôi được tác động như thế?

Sau khi đọc như thế, tôi suy niệm điểm đó bằng cách: đọc lại điểm đó, rồi suy sâucầu nguyện hay tâm sự cùng Chúa về điều tôi vừa suy.

Trong giao tiếp xã hội, khi trình bày một vấn đề, dù bằng lời nói hay chữ viết, ta thường khởi sự bằng phần mở đầu, rồi trình bày vấn đề, cuối cùng là kết thúc vấn đề.

Trong tương quan với Thiên Chúa nhiều khi cũng có hình thức như thế. Ví dụ trong các Thánh Lễ là buổi cầu nguyện cộng đoàn, có phần ca nhập lễ, phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể, rồi kết lễ. Cầu nguyện cá nhân, ngoài những lúc cầu nguyện, tâm sự với Chúa cách tự phát khi đang làm việc, khi đi đường, v.v. ta cũng có những lúc cầu nguyện cách trang trọng, thật sâu đậm và trong khoảng một giờ đồng hồ, theo một phương pháp. Ví dụ cầu nguyện theo phương pháp Linh Thao, phương pháp 7 bước, hay phương pháp cầu nguyện bằng Lời Chúa như đang được trình bày. Phương pháp này gồm ba phần: Nhập nguyện, suy chiêm và kết nguyện.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →