Cầu nguyện bằng Lời Chúa là phương pháp cầu nguyện với bản văn Kinh Thánh. Truyền thống này đã có từ thời xa xưa nơi dân riêng của Thiên Chúa, dân Israel. Trong những buổi phụng tự ở Đền Thờ hay ở hội đường, ở tư gia, họ đọc sách Ngũ Thư, Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh; cũng như ở mối tương quan cá vị của họ đối với Thiên Chúa trong đời sống xã hội.

Có những trường hợp nhân vật Kinh Thánh cầu nguyện dựa trên bản văn Kinh Thánh có trước họ. Đức Maria ca tụng Thiên Chúa bài Magnificat, một bài ca có nội dung trích chủ yếu từ bài ca của bà Anna, mẹ của Samuel (x. 1 Sm 2,1-10). Hoặc trên thập giá, Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha bằng câu có xuất xứ từ Tv 22 (x. Mc 15,34) và Tv 31 (x. Lc 23,46).

Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập vẫn tiếp tục truyền thống cầu nguyện và có mối tương quan thân tình ấy với Thiên Chúa. Từ thời các giáo phụ, đã có truyền thống đọc và suy gẫm Kinh Thánh. Đây cũng là khởi đầu cho phương pháp Lectio divina (đọc bản văn Kinh Thánh, tiếp đến là suy gẫm bản văn, cầu nguyện và chiêm ngắm Thiên Chúa) được phổ biến trong tu luật của thánh Benedicto (480-453). Việc thực hành hằng ngày cầu nguyện bằng Lời Chúa mang lại hoa trái là đời sống của các tu sĩ, và tín hữu nói chung, ngày càng thân thiết với Chúa Kitô và nên giống Ngài hơn.

Ở Việt Nam vào khoảng năm 1985, khi chưa có các trường thần học dành cho giáo dân, cha Phêrô Phạm Hữu Lai, SJ. đã giúp các anh chị em sống đời Kitô hữu qua việc đọc và sống Lời Chúa dạy, bắt đầu ở vùng Hố Nai-Biên Hòa, với phương pháp Đọc và Cầu Nguyện bằng Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa. Dần dần hoạt động của cha được nhiều tu sĩ, giáo dân hưởng ứng, nhu cầu học hỏi ngày càng nhiều. Cha đã huấn luyện một nhóm các giáo dân, tu sĩ nòng cốt để cộng tác với cha phát triển chương trình Tác Viên Tin Mừng. Tác Viên Tin Mừng cũng là tên của những khóa giúp học hỏi các phương pháp đọc, cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa. Chương trình này đã lan rộng và được phổ biến ở một vài tỉnh thành khác trong Nước. Các học viên có khả năng sẽ trở thành những Tác Viên Tin Mừng, là người chia sẻ lại cho những người khác (trong gia đình, trong giáo xứ của họ) các phương pháp trên và cả kinh nghiệm sống Lời Chúa nữa.

Trong loạt bài này, Tác Viên Tin Mừng (TVTM) sẽ trình bày các phương pháp Đọc và Cầu Nguyện bằng Lời Chúa dựa theo những chia sẻ của cha P. Phạm Hữu Lai, SJ.

  1. ĐỌC LỜI CHÚA

Lời Chúa là lời của Thiên Chúa. Ngài ngỏ lời với con người (qua công trình sáng tạo, lịch sử cứu độ, các ngôn sứ, qua Chúa Kitô, qua các bản văn Kinh Thánh, và Thánh Truyền) vì muốn con người nhận biết thánh ý yêu thương cứu độ của Ngài.

Kinh Thánh là Lời Chúa theo phương diện bản văn. Kinh Thánh được Thiên Chúa linh hứng cho một số tác giả nhân loại viết ra. Họ là những người được Thiên Chúa chọn để viết lại thánh ý Ngài. Những người đó đã sống trong một bối cảnh lịch sử, xã hội, chính trị, kinh tế nhất định. Những điều họ viết ra trên bản văn Kinh Thánh cũng phản ánh hoàn cảnh sống và cả cá tính, cũng như những cảm xúc của họ. Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn cần họ để truyền thông cho con người thánh ý Ngài: “Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương, Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.” (Ep 1,9-10). Toàn bộ Cựu Ước quy hướng về Chúa Kitô. Tân Ước làm sáng tỏ Cựu Ước.

Vì bộ sách Kinh Thánh, trong đó Tân Ước được viết cách chúng ta ít nhất hai mươi thế kỷ. Có những điều thuộc lịch sử, văn hóa mà chúng ta chưa hiểu hết. Đây cũng là một trong những lý do đòi buộc người đọc Lời Chúa cần cẩn thận và cần có đức tin, cùng tâm lòng khao khát để hiểu đúng câu hay đoạn Kinh Thánh, nhất là để Lời Chúa chứa đựng trong đó tác động tâm hồn và biến đổi lối sống của ta nên giống lối sống của Chúa Giêsu.

Đọc cẩn thận từng chữ, từng câu để hiểu ý nghĩa, trước tiên là nghĩa chữ (nghĩa đen), tiếp theo là nghĩa thiêng liêng của câu, hoặc đoạn Kinh Thánh. Mọi người bình thường, biết đọc là hiểu được nghĩa chữ của câu, của đoạn Kinh Thánh. Nghĩa thiêng liêng thì các tín hữu thường dựa vào truyền thống chú giải của Giáo Hội. Truyền thống chú giải Kinh Thánh trong Giáo Hội Công Giáo đã bắt nguồn từ thời các giáo phụ, và dựa trên những tín điều mà Giáo Hội tuyên xưng. Các nhà chú giải Kinh Thánh là những vị đã học hỏi, nghiên cứu, suy gẫm về Kinh Thánh. Họ luôn tiếp tục công việc suy gẫm và chú giải Kinh Thánh trong Giáo Hội.

Đọc với đức tin. Đức tin của người Công Giáo được cô đọng trong Kinh Tin Kính. Ngoài ra người đọc cần xác tín rằng Thiên Chúa là Tình Yêu và Lòng Thương Xót. Cho dù bất cứ điều gì xảy ra đi nữa, Ngài vẫn yêu thương con người mà Ngài đã sáng tạo cách kỳ diệu và cứu độ họ bằng giá máu Con của Ngài. Nếu thiếu những xác tín căn bản này, người đọc có thể sẽ hoang mang, thậm chí phản kháng với Lời Chúa khi găp những câu hay đoạn Kinh Thánh gây phản cảm.

Đọc với tâm tình khao khát được Lời Chúa tác động, hay Lời Chúa dạy bảo. Khi ta khao khát được Lời Chúa tác động, ta sẽ chú ý, bớt lo ra khi đọc câu, hoặc đoạn Kinh Thánh. Khi thật chú ý, ta sẽ thấy được, bằng đôi mắt thiêng liêng, những cử chỉ, hành động Chúa làm, hoặc bằng đôi tai thiêng liêng nghe được những lời Chúa nói, và cảm được tâm lòng của Ngài, thánh ý của Ngài dành cho ta. Tâm tình khao khát này giúp ta mở lòng ra đón Chúa. Hình ảnh chiếc chum, chiếc lu, chiếc khạp ở nông thôn Việt Nam xưa giúp ta hiểu hơn thế nào là khao khát và mở lòng. Thời xưa khi chưa có điều kiện xây những bể nước hoặc bồn chứa nước thủy cục, người ta đặt những chiếc lu, chiếc khạp ngoài sân, dưới mái nhà để hứng nước mưa. Nước mưa trong mát được dùng cho việc nấu cơm nấu nước. Nắp lu mà đóng thì nước mưa không đổ vào được. Khi mở hết nắp, trời mưa to sẽ đong đầy vào các lu, khạp nước mưa trong mát. Cũng thế, lòng ta càng khao khát rộng mở đón Chúa thì Lời Chúa và sức sống của Ngài càng đổ tràn vào tâm hồn ta.

**Kỳ tới:

Lời Chúa tác động thế nào?

Các khái niệm: nhập nguyện, suy chiêm, tâm sự với Chúa, kết nguyện.

 

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →