“Sư Phạm Linh Thao”, chúng ta có thể hiểu đó là những cách thức hướng dẫn người khác nhằm để, như thánh Inhaxiô xác định, “dọn và chuẩn bị linh hồn để xa bỏ những quyến luyến lệch lạc và sau đó tìm ý Thiên Chúa trong cách xếp đặt cuộc sống để mưu ích cho linh hồn mình” (LT 1).

Vậy, đó là những cách thức nào? Chúng ta có thể khám phá ra một trong những cách thức nền tảng, làm nên sư phạm Linh Thao, ngay trong từ ngữ “Linh Thao”. Thực vậy, Linh Thao được dịch từ tiếng Tây Ban Nha “Ejercicios spirituales” (Trong tiếng Anh và tiếng Pháp, người ta dùng những từ ngữ tương đương); nếu dịch sát, sẽ là “(những) Bài tập thiêng liêng” (x. Bản dịch tiếng Việt của Cha Roco Đinh Văn Trung, SJ có tựa đề Những Bài Linh Thao):

  • “Bài tập” là những gì người hướng dẫn đề nghị cho người luyện tập thực hiện.
  • “Thiêng liêng” là kinh nghiệm mà bài tập nhắm tới và cần được nhận ra, nhờ việc đọc lại quá trình thực hiện bài tập.

Cha Andien Demoustier, SJ gọi tương quan giữa đề nghị và đọc lại là tương quan “biện chứng” (dialectique), làm nên sư phạm Linh Thao; và theo ngài, chính tương quan này, một khi được vận dụng trong quá trình hướng dẫn Linh Thao (HDLT), sẽ làm cho việc thực hiện các bài tập được đề nghị thực sự trở thành thiêng liêng. Chúng ta có thể nhận ra tương quan này ngay ở những trang đầu của sách Linh Thao.

  • Các chú dẫn ở đầu sách Linh Thao được viết ra nhằm hướng dẫn việc đề nghị (LT 1-20), nhưng đồng thời những chú dẫn này lại quy về các quy tắc phân định thần loại ở cuối sách (LT 313-336), nhằm hướng dẫn việc đọc lại: “Có thể trong tuần thứ nhất có người chậm gặp được những điều mình kiếm, tức lòng thống hối, sự đau đớn, nước mắt chảy ra vì tội lỗi mình. Lại cũng có những người chăm chỉ hơn kẻ khác, và tâm hồn bị xáo động hoặc bị thử thách nhiều hơn bởi các ‘thần’ khác nhau, bởi vậy có khi phải rút ngắn, có khi phải kéo dài tuần ấy. Về các tuần sau cũng làm như vậy” (LT 4).
  • Quá trình chuẩn bị để giúp người luyện tập bước vào Tuần I của hành trình Linh Thao, đồng thời dựa trên việc suy xét “Nguyên lý và nền tảng” được đề nghị (LT 23) và trên việc đọc lại cung cách sống của mình, nghĩa là xét mình (LT 24-44).

Sau đây, trong hai phần đầu, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết tiến trình đề nghị/đọc lại khởi đi từ một bài Linh Thao. Trong phần còn lại, chúng ta sẽ được mời gọi nhận ra tiến trình này trong một ngày Linh Thao và trong cả hành trình Linh Thao.

1. Đề nghị

Phần đầu của sách Linh Thao là hai mươi chú dẫn, nhằm để “hiểu biết một chút các bài linh thao sau đây nhằm giúp người hướng dẫn cũng như người tập luyện” (Đề tựa của các chú dẫn).

  • Chú dẫn 2 là chỉ dẫn dành cho người hướng dẫn Linh Thao: cho Linh Thao như thế nào và trong tinh thần nào.
  • Chú dẫn 4 trình bày nội dung của bốn tuần Linh Thao mà người hướng dẫn đề nghị cho người luyện tập: “Những bài Linh Thao sau đây được chia thành bốn tuần, tương ứng với bốn phần của sách Linh Thao.”

Như thế, cách thức tiến hành được giới thiệu trước, rồi sau đó, nội dung của hành trình mới được đề cập. Do đó, đối với người hướng dẫn Linh Thao, phương pháp cho Linh Thao phải được coi là ưu tiên so với việc trình bày nội dung của các bài Linh Thao.

Người trình bày cho người khác một cách thức hay một dàn bài để suy gẫm hay chiêm niệm, phải kể một cách trung thành sự kiện (historia) để chiêm niệm hay suy gẫm, chỉ giải thích sơ lược và vắn tắt từng điểm. Vì nếu khởi từ một căn bản lịch sử xác thực (porque la persona que contempla, tomando el fundamento verdadero de la histora), người chiêm niệm tự mình suy nghĩ và lý luận mà gặp được điều gì thích hay giúp “cảm” sự kiện lịch sử ấy, hoặc nhờ tư duy hay nhờ ơn Chúa soi sáng tâm trí, họ sẽ thấy ý vị hơn và thu đạt kết quả thiêng liêng nhiều hơn là người hướng dẫn diễn giải nhiều về nội dung sự kiện. Bởi vì không phải sự biết nhiều, nhưng chính sự cảm nếm bề trong mới làm thỏa mãn linh hồn.

(LT 2)

Theo chú dẫn này, người hướng dẫn Linh Thao không thể cho như thế nào cũng được, nhưng có một phương thức xác định nhằm đạt được điều mà bài Linh Thao hướng đến. Trước hết, người này “phải kể lại lịch sử cách trung thành” (debe narrar fielmente historia).

a. “Kể lại lịch sử cách trung thành”

“Kể lại”. Kể lại nghĩa là truyền đạt một trình thuật. Khi một chất liệu được kể lại cách sống động hay đánh động, quá trình sở hữu hóa sẽ diễn ra dễ dàng hơn; khi đó, kiến thức được truyền đạt trở nên thú vị và trở thành một kinh nghiệm cá nhân.

“Lịch sử”. Lịch sử là một trình thuật, trong mức độ nó được trình bày như là khởi điểm của việc giải thích (interprétation). Dù thuộc văn loại nào, điều được phát biểu được truyền thống linh đạo gọi là một “lịch sử” (chẳng hạn các trình thuật St 1 hay St 2-3; và từ “lịch sử” ở đây không theo nghĩa sử học hiện đại[1]), trong mức độ điều được phát biểu không chỉ là để truyền đạt một kiến thức nhưng còn gợi lên một cách giải thích, một cách đọc.

Người hướng dẫn Linh Thao kể lại, “bằng cách chỉ lược qua bởi những điểm với những giải thích ngắn gọn hay tổng lược” (dịch từng chữ trong tiếng Tây Ban Nha), và theo bản Vulgata: “bằng cách chỉ đi lướt qua các điểm chính và chỉ thêm vào những giải thích ngắn gọn[2]. Một “điểm” là một mệnh đề được phát biểu ngắn gọn, cần được giải thích hay minh giải. Thánh Inhaxiô đòi hỏi việc trình bày lịch sử phải đi từ điểm này sang điểm kia, kèm theo một vài giải thích được soi sáng ý nghĩa của điều được trình bày, vừa đủ để việc giải thích của chính người tập có thể được khởi động. Phải làm điều đó “một cách trung thành”, nghĩa là bằng cách trình bày lịch sử bằng các điểm, chứ không phải trình bày những giải thích, vốn là giải thích của chính người trình bày. Như thế, xét cho cùng, người cho điểm không cho giải thích của mình, nhưng cho điều đòi hỏi giải thích. Phần còn lại của chú dẫn giải thích lý do của đòi hỏi nêu trên.

“Vì, khi…”. Người suy niệm phải vận dụng khả năng của mình để nối kết các ý tưởng được trình bày trong các điểm, trước hết để tri nhận ý nghĩa căn bản và để có thể, sau đó, chính mình giải thích ý nghĩa đó. Như thế, người suy niệm, ngoài kinh nghiệm lĩnh hội được một kiến thức, nghĩa là nội dung của các điểm, còn trải qua kinh nghiệm chính mình hiểu được điều mà điểm gợi ra.

Như trên đã nói, người cho điểm cho chất liệu để giải thích, chứ không cho những giải thích. Tuy nhiên, dù khách quan đến mấy, việc trình bày cũng luôn chứa đựng ít nhiều những giải thích của người trình bày. Chẳng hạn, ngay giọng nói cũng đã là giải thích rồi. Vì thế, thánh Inhaxiô đòi hỏi rằng giải thích và tính khách quan phải đúng, sao cho, người đón nhận có thể, đến lượt mình, giải thích một cách tự do, nhưng khởi đi từ một nền tảng đúng đắn. Đó chính là ý nghĩa của câu “Vì người chiêm niệm, một khi khởi đi từ nền tảng đích thật của lịch sử” (porque la persona que contempla, tomando el fundamento verdadero de la histora); “Nền tảng đích thật của lịch sử” nghĩa là tương quan đúng giữa cách trình bày (cách thức kể lại khi cho điểm) với điều được kể lại (“lịch sử” hay trình thuật).

Chính khoảng cách này cho phép trí khôn hoạt động tích cực, và qua đó “ý vị” xuất hiện khởi từ tự do sáng tạo của người tập Linh Thao. Ý vị, nghĩa là nhận thức tinh tế về sự hòa hợp khi người luyện tập “tìm ra được gì đó giúp giải thích và làm cho mình cảm nếm lịch sử hơn một chút”[3]

b. Hai giai đoạn

Người làm Linh Thao được mời gọi vận dụng hoạt động nhận thức và sáng tạo cá nhân qua hai giai đoạn: khả năng của chính mình và kinh nghiệm về ân sủng.

Giai đoạn tự nhiên. Người cho Linh Thao nhắm đến khả năng nhân linh của người tập; vì sẽ là thử thách Thiên Chúa, nếu bắt Thiên Chúa phải hành động bởi ân sủng của Ngài và dự trù trước một hành động siêu nhiên mà không để ý cách nghiêm túc đến chiều kích nhân linh. Quan trọng là phải vận dụng tất cả để cho chiều kích nhân linh được thể hiện. Nếu không sự khác biệt giữa tự nhiên và ân sủng sẽ không được nhận thức bởi người làm Linh Thao, như là kết quả từ kinh nghiệm cá nhân của riêng mình, nhưng chỉ là từ sự truyền đạt kinh nghiệm của người khác.

“Cảm được” (sentir), đồng thời vừa là hiểu, vừa là nghiệm. Cảm được điều gì, bởi vì tôi hiểu được nó. Khi tôi hiểu bằng trí hiểu của tôi, tôi có cảm xúc về điều đó, cảm xúc này được thể hiện dưới dạng thích thú. Và nếu có thích thú, thì sẽ có “ý vị”. Nếu người làm Linh Thao đã có thể “tìm ra”, bởi những nỗ lực trí năng riêng của mình, mà vẫn chưa nhận ra rằng chính Chúa ban cho mình điều đó, thì đó là giai đoạn một, có một tầm quan trọng đặc biệt. Người đó thực hiện kinh nghiệm hiện hữu tự chính mình.

Giai đoạn ân sủng. Đây là một giai đoạn nền tảng hơn: khi kinh nghiệm được mình có thể hiện hữu bởi chính mình, người tập Linh Thao sẽ khám phá rằng chính mình như là quà tặng được đón nhận từ Thiên Chúa, như là ân sủng của Thiên Chúa.

Như thế, người cho Linh Thao được mời gọi nói không quá nhiều và cũng không quá ít, để cho người tập có kinh nghiệm đích thân: “A, chính tôi đã tìm ra!”, hoặc người này cũng có thể qui về Chúa: “Đích thật là Chúa đã soi sáng cho tôi”. Cần phải làm cho trí năng người tập vận động bằng cách khởi đi từ trí khôn, nhưng để bước qua một chiều kích khác: ý vị và cảm nếm. Điều này mới làm cho linh hồn thỏa mãn.

2. Thực hiện và đọc lại: một bài Linh Thao

Chú dẫn 3 trình bày tiến trình căn bản của một bài Linh Thao mà người luyện tập thực hiện và dựa vào đó để đọc lại sau khi thực hiện.

Vì khi thực hành những việc Linh Thao sau đây, chúng ta dùng trí khôn để suy nghĩ và ý muốn để yêu mến, nên phải chú ý điểm này là khi dùng ý muốn để tâm sự ngoài miệng hay trong lòng, với Chúa hay với các thánh, ta phải có thái độ cung kính hơn khi dùng trí khôn để hiểu biết.

(Tiếng TBN: Como en todos los ejercicios siguientes espirituales usamos de los actos del entendimiento discurriendo y de los de la voluntad afectando; advertamos que en los actos de la voluntad, cuando hablamos vocalmente o mentalmente con Dios nuestro Senor o con sus santos, se requiere de nuestra parte mayor reverencia, que cuando usamos del entendimiento entendiendo).

Bản văn kể ra lần lượt các hành vi: suy nghĩ (discurriendo), được đánh động (afectando) và nói (hablamos); nhưng trong thực tế, cả ba hành vi này tương tác chặt chẽ với nhau: khi chúng ta được đánh động, chúng ta vẫn không ngừng quá trình suy nghĩ để hiểu; và khi nói, chúng ta vẫn không ngừng được đánh động.

Theo chú dẫn này, trong một bài Linh Thao, chúng ta không dừng lại ở mức độ được đánh động, nhưng còn phải nói lên lời với Chúa. Và khi nói chuyện với Chúa, ý muốn đòi hỏi nhiều sự kính trọng đối với Thiên Chúa hơn là khi ý muốn thúc đẩy hoạt động của trí khôn. Chính kinh nghiệm cảm nếm và được đánh động làm cho người tập nói được với Chúa và qua đó dẫn người tập vào tương quan thực sự và sống động với Thiên Chúa; tương quan này được thể hiện ở sự kính trọng. Như thế, rốt cuộc, theo chú dẫn 3, tâm tình kính trọng, được hiểu như thế, còn căn bản hơn là chính nội dung của cuộc tâm sự.

“Thốt nên lời”, vì đi đôi với sự kính trọng, nên “lời” ở đây phải hiểu ở mức độ tận căn nhất, nghĩa là sự diễn tả độc đáo của một ngôi vị, vì thế nó chứa đựng mật độ hữu thể ở mức cao nhất; do đó, “lời” ở mức độ này như được cưu mang và được sinh ra. Như vậy, “lời” khác với bài diễn văn soạn sẵn, những mẫu câu mà mình tự tạo ra hay do môi trường (sách vở, thầy dạy, …) áp đặt, sao cho phù hợp với hình ảnh mà người khác hay chính mình chờ đợi.

Như thế, rốt cuộc, đi tới được hành động “thốt nên lời”, là đã đạt được điều mình tìm kiếm trong Linh Thao. Nó không được muốn cách trực tiếp, vì nó không thuộc quyền của ý chí. Nhưng người tập có thể ước ao nói được với Chúa và muốn “tâm sự” với Chúa, qua đó hy vọng đi vào kinh nghiệm “lời”. Vì thế, ơn xin luôn hướng tới khả thể được đánh động (chẳng hạn, xin xấu hổ, bối rối), vì tâm cảm cho phép nói lên lời cách thực sự (chứ không phải diễn văn).

Chú dẫn này xác định một cấu trúc sẽ chi phối tất cả các bài Linh Thao, như thánh Inhaxiô nói: “trong các bài tập tiếp theo”. Nếu không có quá trình bao gồm những diễn biến tuần tự này, người tập luyện chỉ nói lên một bài diễn văn được suy tính, hoặc như là những lời diễn tả tình cảm, mang dáng vẻ của lời chân thực. Chúng ta có thể phát biểu cấu trúc này như sau: bài Linh Thao có đích nhắm là hành trình hướng tới lời nói (le passage à la parole), khởi đi từ hoạt động của trí khôn, thuộc bình diện tinh thần, được mời gọi chú ý đến hiệu quả không thuộc bình diện tinh thần, nghĩa là được đánh động, khóc, cười, cảm thấy hạnh phúc hay bất hạnh, …vốn thuộc về bình diện thân thể.

Hoạt động của trí khôn (tinh thần) 
£¤¢ Lời nói
Được đánh động (thân thể) 

Chú dẫn 2 trình bày cấu trúc của một bài Linh Thao khởi đi từ các điểm cầu nguyện. Chúng ta cũng có thể nhận ra cấu trúc tương ứng, khi khởi đi từ các tiền nguyện. Thật vậy, tất cả các bài suy niệm và chiêm niệm, được đề nghị trong suốt hành trình Linh Thao, đều bắt đầu bằng các tiền nguyện: tiền nguyện 1 và 2 thuộc bình diện tinh thần (vận dụng trí nhớ và trí tưởng tượng), tiền nguyện 3 mời gọi diễn tả ước muốn được đánh động, thuộc bình diện thân thể. Và tất cả các bài tập đều mời gọi kết thúc bằng tâm sự, nghĩa là nói với Chúa “như một người bạn nói với bạn mình hay như một người đầy tớ nói với chủ mình” (LT 54). Như thế, mỗi bài tập đều hướng tới lời nói, khởi đi từ những hoạt động khác nhau của hữu thể nhân linh.

Khi chuyển từ suy niệm hay chiêm niệm sang lời nguyện tâm sự, người tập luyện đã dấn mình vào hướng đi của một “chuyển động thiêng liêng”, chuyển động này làm cho trọn vẹn con người của mình hướng về Chúa, đi vào tương quan thật sự với Chúa, trong niềm vui. Thánh Inhaxiô gọi chuyển động này là “an ủi thiêng liêng” (LT 316).

3. Thực hiện và đọc lại: một ngày và cả hành trình Linh Thao

a. Một ngày Linh Thao

Một ngày Linh Thao luôn được xây dựng theo một tiến trình gồm năm bài tập: hai bài tập suy niệm hay chiêm niệm; tiếp theo là hai bài tập lập lại, bài thứ hai lập lại bài thứ nhất; và bài thứ năm luôn luôn là lập lại hai bài đầu tiên theo phương pháp “áp dụng ngũ quan”.

Như thế, lập lại là một trong những cách cầu nguyện chính yếu của một ngày Linh Thao; và cách cầu nguyện này dựa trên việc đọc lại các bài tập đã thực hiện, như thánh Inhaxiô xác định: “Cuộc Linh Thao thứ ba… Sau kinh dọn lòng và hai tiền nguyện, lặp lại hai cuộc Linh Thao thứ nhất và thứ hai, chú ý và ngừng lại ở những điểm tôi đã cảm thấy được an ủi hơn hoặc phải sầu khổ hơn hay được một tình cảm thiêng liêng lớn hơn, sau đó làm ba cuộc tâm sự theo cách sau đây” (LT 62). Và khi lập lại, lời nguyện tâm sự được đặc biệt nhấn mạnh; và việc áp dụng ngũ quan cũng hướng tới kinh nghiệm thiêng liêng mà lời tâm sự diễn tả, nghĩa là đi vào tương quan với Chúa với con người trọn vẹn của mình.

b. Cả hành trình Linh Thao

Sau cùng, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, tương quan biện chứng giữa đề nghịđọc lại bao trùm cả sách Linh Thao, bởi vì sách Linh Thao đòi hỏi được đọc dưới hai chiều kích này. Thật vậy, ngay từ phần đầu của sách (20 chú dẫn) đối với người hướng dẫn và trong hành trình Linh Thao đối với chính người luyện tập, việc thực hành phân định thần loại nhằm xác định các chuyển động “an ủi thiêng liêng” và “sầu khổ thiêng liêng” đòi hỏi vận dụng toàn bộ các quy tắc ở cuối sách (LT 313-327 và 328-336).

Như thế, việc giải thích sách Linh Thao đòi hỏi phân biệt và thực hiện đồng thời hai cách đọc: diễn biến của việc đề nghị khuôn theo trình tự của sách, chỉ có thể được hiểu cách trọn vẹn tùy theo những quy tắc phân định được đặt ở cuối sách. Những quy tắc này chỉ có thể được tiếp cận nhằm để đọc lại, khởi đi từ việc đề nghị; các quy tắc hướng dẫn việc đề nghị các bài tập Linh Thao, và các bài tập Linh Thao hướng đến các quy tắc, trong quá trình chúng được đề nghị.

*  *  *

Nhờ vận dụng tương quan biện chứng giữa đề nghịđọc lại, các “bài tập” sẽ trở nên thực sự “thiêng liêng”, trong mức độ chúng hướng tới và giúp có được kinh nghiệm “nói lên lời”, ngang qua việc kết nối hoạt động tinh thần và hoạt động thân thể của hữu thể nhân linh.

Tương quan biện chứng giữa đề nghịđọc lại của sư phạm Linh Thao có tầm quan trọng quyết định, đến độ có thể nói, điều này được áp đặt như là “luật” đối với người hướng dẫn Linh Thao (HDLT). Bởi vì, nếu cách HDLT không cho phép việc vận dụng thực sự tương quan biện chứng này, các “bài tập” sẽ không là “thiêng liêng”! Trong trường hợp này, hoặc hành trình Linh Thao chỉ là quá trình thuần túy trí năng, không đụng chạm đến con người trọn vẹn, hoặc hành trình Linh Thao chỉ là quá trình người tập luyện bị dẫn dắt đi bằng “sức mạnh” đến từ người hướng dẫn độc đoán hoặc thích thu hút và chinh phục người khác, cho dù người này có ý định rất tốt lành.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
(Viết theo cha Andrien Demoustier, SJ, “Donner les exercices. Esquisse de la théorie d’une pratique”, RSR, 1991, T. 79, no 4, p. 585-613. Essai de synthèse sur le mode savant)


[1] Vì thế, dịch “historia” là “sự kiện” có lẽ khó tránh được ý nghĩa của sử học hiện đại.

[2] Bản Autograh: discurriendo solamente por los puntos, con breve o sumaria declaratión”; và bản Vulgata: “percurcis obiter dumtaxat punctis illius praecipuis, et adiecta solum brevi declaratiuncula”

[3] Câu hỏi thảo luận: ngày nay phải cho điểm như thế nào, khi mà người thời thánh Inhaxiô và người thời nay không có cùng một hiểu biết và không có cùng một cách đọc bản văn Kinh Thánh?

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →