Ba Đấng Sáng Lập Dòng Tên

Linh đạo không chỉ là một cách thức diễn tả Thiên Chúa và không chỉ là một con đường đi đến với Thiên Chúa. Linh đạo còn qui tụ một nhóm người, khởi đi từ kinh nghiệm của các vị sáng lập. Vì thế, tình bạn mang chiều kích tông đồ là một trong những chiều kích làm nên linh đạo I-nhã.

Sau một thời gian dài sống như một người hành hương cô độc, thánh I-nhã có dự định qui tụ một nhóm bạn để « giúp đỡ các linh hồn » vào lúc mà ngài đảm nhận việc học cũng vì mục đích này. Sau những nỗ lực không mang lại kết quả, một nhóm bạn ổn định được hình thành tại Paris, vào lúc mà ngài được sắp xếp, dường như chỉ do tình cờ, vào ở trong một phòng tại học viện Sainte-Barbe, cùng với chân phước Phê-rô Favre và thánh Phanxicô Xaviê. Thánh I-nhã kể lại rất vắn tắt sự kiện này trong sách Tự Thuật : « Vào thời gian này, ông ta thường giao tiếp với hai thầy giáo Phêrô Favre và Phanxicô Xaviê, là những người mà sau này ông ta đã lôi kéo vào việc phụng sự Thiên Chúa nhờ Linh Thao » (Tự Thuật 82).

Tuy nhiên, thánh I-nhã đã giúp làm Linh Thao cho nhiều người khác nữa, và những người này đã không gia nhập nhóm bạn của thánh I-nhã. Thực vậy, Linh Thao là một trường học của sự tự do, nơi đó mỗi người tự xác định mình khi đối diện với Đấng Tạo Hóa và Chúa của mình, mà không chịu áp lực từ một người hay một nhóm người. Thật ra, chính « qua phương tiện LT », mà thánh I-nhã đã tách rời các bạn tương lai của của ngài ra khỏi sự thu hút mà ngài có đối với họ, để « lôi kéo họ đến với việc phục vụ Chúa », và gắn bó họ với ngôi vị của Đức Kitô. Vì thế, sau này, khi người ta bắt đầu gọi họ là « những người đi theo Inigo » (« iniguistes », tương tự như franciscains, dominicains, benedictins), nhưng họ yêu thích tự gọi nhóm của mình là « Đoàn Giê-su ». Vậy, « tình bạn đồng hành » theo thánh I-nhã dựa trên những gì ?

1. Trên sự hình thành một cách thức « cảm nhận » đời sống thiêng liêng, được đặt nền tảng trên việc chiêm ngắm « sự đi xuống của tình yêu », khởi từ các Ngôi Vị của Thiên Chúa Ba Ngôi đến giữa lòng các tạo vật. Cách nhìn này, theo mầu nhiệm Nhập Thể, mời gọi các thành viên đón nhận Đức Ki-tô như là bạn đường của mình, ở đó họ được sai đi để thi hành sứ mạng của Người. Cách nhìn này cũng thúc đẩy các thành viên thiết lập cho mình những cơ chế để « hình thành nên một thân thể », nhưng là một thân thể liên kết đặc biệt với GH hữu hình của Đức Ki-tô, sao cho ở giữa lòng thế giới, các thành viên nỗ lực nhận ra và đi tìm Chúa « trong mọi sự ».

2. Trên một dự án về đời sống chung, dự án này tiếp nhận, trong cuộc sống cụ thể của các thành viên, điều mà mỗi thành viên đã nhận ra trong chiêm niệm. Dự án này đã được cưu mang và làm rõ ngang qua nhiều cuộc thảo luận. Thực vậy, mọi cộng đoàn đều được mời gọi đề xướng ra cho mình một dự án : đối với các Hội Dòng, dự án này được diễn tả trong sách luật sống và hiến pháp ; đối với các Tu Hội hay Hiệp Hội, đó là hiến chương hay qui luật…  Dự án cho đời sống chung của thánh I-nhã và các bạn có thể được tóm tắt trong hai điều sau đây :

– Đi theo Đức Kitô trong đời sống khó nghèo và khiêm tốn, đời sống này được thể hiện giống như đời sống của Người bao nhiêu có thể, tùy theo điều kiện của mỗi người.

– « Giúp đỡ các linh hồn », nghĩa là chia sẻ sứ mạng của Đức Kitô, sau khi đã được kêu gọi, từng người tùy theo khả năng của mình.

3. Để cho thấy rằng dự án này không có nguồn gốc từ thuần túy con người, dự án được trao lại cho Đấng là nguồn gốc ngang qua lời cam kết, sau một thời gian thử nghiệm. Lời cam kết, dù được phát biểu như thế nào đi nữa, vẫn tiên vàn được đọc lên trước mặt Thiên Chúa như là một hành vi dâng hiến chính bản thân : « Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do của con… ». Lời cam kết cũng được đọc lên trước sự hiện diện của các thành viên khác trong nhóm, vốn là những người tiếp nhận người xin gia nhập : « tôi tin tưởng các bạn, cũng như các bạn có thể tin tưởng nơi tôi. Chúng ta làm nên nhóm, được liên kết với nhau trong Chúa. »

Và tình bạn, có buộc phải có không ? Như tất cả những gì là nhưng không, tình bạn được ban thêm cho. Tình bạn không phải là điều kiện tiên quyết, bởi lẽ không phải tùy theo sự tương đồng cảm tính, văn hóa hoặc kiến thức mà các thành viên được qui tụ. Các thành viên đã không chọn nhau, nhưng được chọn. Chỉ sau này, nghĩa là sau biết bao cuộc trao đổi, tranh luận, từ đó xuất hiện những bất đồng giữa những người khác nhau về tuổi tác, quốc tịch, tính tình, mà thánh I-nhã nói về họ như « những người bạn trong Chúa ». Chính trên nền tảng này, mà tình bạn giữa họ sẽ trở nên mạnh mẽ, đòi hỏi, nồng nhiệt, và không loại trừ sự ân cần. Đến độ, dù xa cách nhau về địa lý mối tương quan vẫn không bị cắt đứt, như các thư của thánh Phanxicô Xaviê cho thấy. Tình bạn này không biểu lộ ra ngang qua những biểu hiện tình cảm, nhưng qua sự trao đổi bằng lời nói và phục vụ. Tình bạn như thế sẽ là một sự trợ giúp hỗ tương, để cùng nhau nhận định tốt hơn điều nên thực hiện, « nhằm vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa và sự giúp đỡ lớn hơn đối với các linh hồn ».

Vì các thành viên không được qui tụ để luôn ở lại với nhau trong bầu khí ấm cúng, nhưng để được sai đi « khắp nơi trong thế giới »

– – – – – – – – –

Nên đọc :

  • 1 Bn 29, 10-20
  • Ga 15, 1-18
  • Cv 13, 1-13

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

4 × 4 =