Tác động là làm cho động. Khi đọc Lời Chúa mà thấy lòng mình có những chuyển động, nghĩa là thấy không còn như cũ nữa, đó là mình đã được tác động. Người ta thường gọi là đánh động. Muốn hiểu rõ tác động là gì thì cần phải hiểu điểm tác động và cách tác động.
a. Điểm tác động. Đó là một từ ngữ, một số từ, một câu nói hay một số câu nói, một ý tưởng hay một số ý tưởng làm cho lòng mình động.
b. Cách tác động. Điểm tác động có thể làm cho ta động vì
- nó đụng chạm đến tật bệnh thiêng liêng hoặc tâm lý của ta, làm cho ta nhận ra tật bệnh của ta khiến ta phải lựa chọn: tránh né hay để Chúa chữa lành;
- nó thúc đẩy ý chí ta, làm cho ta phải đi đến chỗ quyết định làm điều này, tránh điều nọ
- nó lay động con tim ta, làm nẩy sinh những tình cảm khác nhau hoặc
- nó soi sáng trí khôn ta làm cho ta hiểu điều này điều nọ rõ ràng hơn, sâu sát hơn, cụ thể hơn hoặc sống động hơn.
2. Đọc thế nào mới được tác động?
a. Đọc với lòng khao khát được Chúa dạy bảo.
Hãy đọc với lòng khao khát được Chúa chữa lành, thúc đẩy, đánh động và soi sáng. Vì khao khát nên chú ý hết sức đến lời Chúa nói, những tác động Lời Chúa gây ra nơi lòng mình.
b. Học cách đọc để được tác động.
Mỗi người có những nút chặn riêng, những chỗ chai cứng đặc biệt, phải phân tích cẩn thận những lần đọc mà không được tác động để dần dần nhận ra những cản trở và tập biết mở lòng ra để dần dần nhậy bén với Lời Chúa.
c. Như vậy, phải đọc thế nào?
Đọc theo những bước sau:
1) Đọc suốt. Với lòng khao khát được Chúa dạy bảo, hãy hết sức chú ý đọc suốt đoạn Thánh Kinh.
2) Rồi buông sách. Diễn lại cảnh vừa đọc, hay nhẩm lại điều vừa nghe vài ba lần.
3) Thinh lặng. Nhìn vào lòng mình xem điểm nào tác động mình, tác động thế nào và tại sao tác động.
4) Tóm tắt. Tóm tắt điểm tác động cho đủ, đúng, ngắn và rõ. Bản tóm phải cho biết: Điểm nào tác động? Tác động thế nào? Tại sao tác động?
3. Chia sẻ những tác động như thế nào?
Để việc chia sẻ những điều tác động được dễ dàng và đem lại lợi ích tối đa, thì khi chia sẻ, nên nhớ những điều sau đây:
a. Nói rõ điểm nào tác động: từ ngữ hay cụm từ nào? câu nói hay cụm câu nào? (nêu rõ số câu); ý tưởng hay những ý tưởng nào?
b. Nói rõ tác động như thế nào: đụng chạm? thúc đẩy? lay động? hay soi sáng?
c. Nói rõ tại sao điểm này hay điểm nọ đã tác động thế này hay thế khác, nếu biết. Trong trường hợp không biết thì nói không biết tại sao.
4. Suy chiêm theo điểm tác động ra sao?
Như mọi bài suy chiêm, bao giờ cũng phải có: nhập nguyện, suy chiêm và kết nguyện.
Nhập Nguyện
Trước hết, chọn những điều kiện tốt nhất để đọc mà được tác động như: bầu khí, tư thế, tư cách và thái độ.
Tiếp đến, hãy định tâm và nhận diện bằng cách chú ý tới Chúa Giê-su là Thầy dạy mình đang hiện diện, thở hít đều hoà và lặp lại một lời cầu xin nào với Người. Lời cầu xin phải thích hợp với bài suy chiêm.
Cuối cùng, xin Chúa Thánh Thần đến dùng Lời Chúa mà tác động ta, xin Người làm cho ta mở lòng ra để tiếp lấy tác động của Người cùng biết nhận ra các tác động của Người.
Suy chiêm
1. Tìm điểm tác động. Trước hết hãy áp dụng phương pháp đọc để được tác động vào bản văn chọn làm bản văn cầu nguyện.
2. Suy chiêm từng điểm tác động theo phương pháp ba bước.
Kết Nguyện
Tâm sự với Chúa theo tâm tình cuối giờ suy chiêm.
Đọc lại đoạn Thánh Kinh vừa suy để kết thúc.