Lời nói đầu

“Linh Thao” không thể coi như một sách để đọc theo nghĩa thông thường của một cuốn sách thiêng liêng, nhưng là một cẩm nang thu thập những chỉ dẫn thiết thực, có mục đích giúp đỡ những ai muốn theo một kinh nghiệm thiêng liêng nhất định.

“Linh Thao” gồm có những đề tài suy niệm liên hệ với nhau như những chặng liên tiếp của một con đường thiêng liêng và nhiều loại chú thích, dẫn giải và quy tắc về những điều kiện để có được một đời sống cầu nguyện, nghĩa là làm sao cho tâm hồn được tiến triển trong sự hiểu biết mình và quy thuận ý muốn của Thiên Chúa.

Vì thế cuốn sách này không nhằm gởi đến “người đọc” nhưng dành riêng cho những người đi tĩnh tâm, những người muốn tìm ý Chúa trong cầu nguyện; nhất là nó được dành riêng cho những vị hướng dẫn có nhiệm vụ giúp đỡ các linh hồn trong những ngày hồng phúc mà thinh lặng giúp chuẩn bị và sắp đặt sự gặp gỡ với Thiên Chúa. Vai trò của vị hướng dẫn thật cần thiết: trong chiến trận thiêng liêng mà người tĩnh tâm sắp xông vào, vị hướng dẫn giúp nhận thức sự hiện diện và tác động của Thánh Linh Thiên Chúa; ngài còn nâng đỡ công việc “chọn lựa” hay là sự đáp ứng của linh hồn khi thánh ý của Chúa được nhận thức rõ ràng.

“Phân biệt thần loại” và “chọn lựa” là hai đường lối chính yếu bao gồm cách “Linh Thao” hay nói cách khác đó là hai sắc thái của một công việc thiêng liêng gắn liền nỗ lực của con người để thoát khỏi những đam mê vô trật tự với tình yêu của Thiên Chúa muốn thanh tẩy và biến cải tâm hồn.

“Linh Thao” là một nơi vừa đáng sợ vừa đáng mến vì nơi đó Thiên Chúa tự tỏ mình ra và cũng chính nơi đó con người được ân sủng Chúa Kitô giải thoát, học cách hưởng ứng tác động của Thánh Linh bằng một sự chọn lựa minh mẫn và tự do. Chính nhờ đó mà thực hiện được sự kết hợp ý muốn của Đấng Tạo Hóa với ý muốn của thụ tạo trong sự viên mãn của tình yêu.

Với sự hiểu biết trên, những chỉ dẫn đủ lọai của Linh Thao, cho dẫu lúc đầu xem ra như làm rối trí người đọc, tìm được sự nhất trí và chứng tỏ giá trị thiêng liêng của nó. Kinh nghiệm mà chúng ta thấy ghi lại trong sách nhỏ bé này, là những điểm chính yếu, là kinh nghịêm của thánh Ynhã thành Loyola, và sau Ngài, vô số các linh hồn quảng đại khác đã bước theo. Từ năm 1548, nghĩa là sau ngày được Đức Giáo Hoàng Phaolôâ III ban đoản sắc “Pastoralis officii” phê chuẩn và khen ngợi sách Linh Thao, các Đức Giáo Hoàng không ngừng khuyến khích kinh nghiệm này như là một đường lối bảo đảm để tạo nên cho Giáo Hội những đấng thánh qua mỗi thời đại. Các Đức Giáo Hoàng khẩn thiết mời gọi các tín hữu theo kinh nghiệm đó, đồng thời nhấn mạnh đến sự cần phải trung thành chặt chẽ với phương pháp của thánh Ynhã, nơi người hướng dẫn cũng như người tập Linh Thao.

Gần chúng ta hơn, Đức Piô XI đã tôn thánh Ynhã làm quan thầy của mọi công cuộc về Linh Thao (tông hiến “Summorum pontificum” ngày 25.07.1922). Cũng vị Giáo Hoàng này còn ban cả thông điệp “Mens Nostra” (20.12.1929) nói về việc sử dụng Linh Thao và nhu cầu phải đẩy mạnh sự phát triển của Linh Thao.

Đức Piô XII ân cần giới thiệu Linh Thao ngay trong thông điệp “Mediator Dei” về phụng vụ (xin coi AAS. 1947, trang 586), và trong sắc phong chân phước cho Mẹ Maria Thérèse Couderc, Ngài nhắc đến “cuốn Linh Thao nhỏ bé mà bao la của thánh Ynhã” (Le minuscule mais immense livre des Exercices de St. Ignace) (xin coi AAS. 1952, tr. 29).

Đức Gioan XXIII, từ khi làm linh mục, hầu như năm nào cũng tĩnh tâm theo phương pháp thánh Ynhã; năm 1958 sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, ngài dự tuần tĩnh tâm hằng năm do Cha C. Messori Roncaglia giảng trong điện Vatican theo phương pháp thánh Ynhã. Khi bế mạc Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại ích lợi của Linh Thao và khen ngợi vị giảng Linh Thao đã trung thành với phương pháp của thánh Ynhã, phương pháp đã được các Đức Giáo Hoàng trước ân cần khuyến khích (xin coi Osservatore Romano, édit. hebdomadaire, 19 décembre 1958).

Đức Phaolôâ VI, trong thư gởi Đức Hồng Y Cushing nhân một cuộc hội thảo về tĩnh tâm của giáo dân tại Mỹ Quốc, “National Catholic Laymen’s retreat Conference”, đã viết: “trong nhiều phương pháp đáng ca ngợi giúp giáo dân tĩnh tâm, phương pháp dựa trên Linh Thao của thánh Ynhã vẫn là phương pháp được theo hơn cả từ khi được Đức Phaolôâ III phê chuẩn năm 1548. Các vị hướng dẫn tĩnh tâm không được ngừng đào sâu những nguồn phong phú về giáo lý và đàng thiêng liêng trong bản văn của thánh Ynhã. (Xin coi Documentation Catholique LXIII, n. 1482, col. 1956-58).

Có thể kinh nghiệm này cần thiết cho thời đại chúng ta hơn bao giờ hết, bởi vì nhờ sức huấn luyện của Linh Thao, nhiều người được dẫn tới tình yêu Thiên Chúa đích thực, chẳng những các linh mục, tu sĩ mà chính nếp sống rất thuận tiện cho việc đạt tới sự thánh thiện, mà cả những giáo dân sống giữa đời trong những hoàn cảnh cụ thể, muốn làm chứng hữu hiệu cho Tin Mừng Chúa Kitô.

Thực hiện bản dịch này, chúng tôi không nhằm làm một tác phẩm văn chương, nhưng chỉ muốn chuyển sang tiếng Việt một cách trung thực những điều thánh Ynhã đã ghi bằng những lời lẽ rất đơn sơ, bình dị. Chúng tôi cũng muốn trung thành cả với tính cách đơn sơ của nguyên bản. Để đạt mục đích ấy, chúng tôi đã dựa trên nguyên văn Tây Ban Nha do nhà xuất bản B.A.C trình bày, đồng thời so sánh với bản dịch La ngữ phổ thông (vulgata) có từ thời thánh Ynhã , và bản dịch La Ngữ do Cha J. Roothaan , SJ., thực hiện, cùng bản dịch Pháp ngữ của Cha Francois Courel , SJ..

Những chữ chúng tôi thêm vào để giúp câu văn rõ ràng hơn hoặc để chỉ dẫn sự phân chia, đều đặt trong /… /; ngoài ra, chúng tôi cũng thêm một vài ghi chú ở cuối trang để giải thích một vài điều khó hiểu.

Chúng tôi rất mong được quí vị sử dụng tập sách này giúp ý kiến để tu bổ bản dịch cho hoàn mỹ hơn…

https://linhthao.net/wp-content/uploads/2014/01/Linh-Thao.pdf

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

four × 2 =