Trên đường loan báo Tin Mừng, kẻ trồng người tưới, giúp con người đến với Thiên Chúa là Đấng thánh, nói cách đơn giản là giúp sống đạo đức và thánh thiện. Tuy nhiên 3 chữ đạo đức, lương thiện và thánh thiện để phân biệt đã khó, để sống còn khó hơn nữa.
Trong câu chuyện về người cha nhân hậu với 2 người con (Lc 15,11-32)
Người con thứ xin cha chia gia tài rồi ôm gia tài biến luôn, phung phá hết tài sản, cùng đường mới lê lết tấm thân tàn ma dại trở về, đứa con như thế gọi là hoang đàng, bất hiếu với cha, bất nghĩa với anh.
Người con cả nhận phần gia tài, vẫn ở bên cha, hầu hạ cha, không trái lệnh cha bao giờ, người con như vậy vẫn được gọi là đạo đức, là đứa con có hiếu với cha. Thực chất ra sao vì mấy ai thấu được lòng người.
Khi đứa con hoàng đang trở về, cha vui sướng mở tiệc ăn mừng, người anh khó chịu không muốn vào nhà, cha ra kéo anh vào, anh kể công và gọi em mình là THẰNG CON CỦA CHA KIA, người cha đặt em trong vòng tay anh và nói : EM CON ĐÂY. Có vẻ như (có vẻ thôi) anh ghét em ra mặt, nếu anh ghét em thì chẳng còn gì để nói, phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân (1Ga 3,15).
Thì ra bao năm hầu hạ cuối cùng là để kể công. Lạ thật, bao năm ở với Cha mà lại không thấu tình cha
Nếu ai (anh) thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu mà lại chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa (Cha) ở lại trong người ấy được (1Ga 3,17).
Đây là hình ảnh một người chỉ có dáng vẻ bề ngoài đạo đức. Người anh cả đó là ai, có phải tôi không ?
Bây giờ chúng ta gặp gỡ một nhân vật có thật : Nicôđêmô, (x.Ga 3,1-31) Tin Mừng giới thiệu là một thủ lãnh của người Do Thái, một trong nhóm Pharisiêu, nghĩa là nhóm những người đạo đức, tu sĩ sốt sáng của Cựu Ước, có công bảo vệ truyền thống Do Thái suốt mấy thế kỷ.
Ông thấy nơi con người Giêsu có cung cách của một bậc thầy, người được Thiên Chúa sai đến, ông muốn đi theo nhưng hoàn cảnh của ông tế nhị quá, và Ông đến gặp Đức Giêsu ban đêm, tìm thầy học đạo mà lại đến ban đêm, tìm đến như thế là ngập ngừng rồi. Biết vậy, Chúa vẫn chỉ cho ông thấy nước Thiên Chúa và dẫn ông bước vào vương quốc ấy.
Bạn có muốn nhìn thấy nước Thiên Chúa không : bạn phải sinh ra một lần nữa bởi ơn trên, sinh ra một lần nữa, mở mắt chào đời trong vương quốc mới, bởi ơn trên, nhờ quyền năng từ trên, bởi nước và Thần Khí.
Nicôđemô đúng là bị đưa vào mê hồn trận, ông quen với những điều mình học và hiểu biết xưa nay, ông muốn học thêm nữa, hiểu biết hơn nữa, giờ Chúa đòi ông tái sinh, đòi ông làm lại từ đầu, sinh lại trong Thần Khí, sống theo Thần Khí và bước đi theo Thần Khí, chứ cái bởi xác thịt sinh ra chỉ là xác thịt.
Không chỉ mở mắt cho ông nhìn thấy nước Thiên Chúa mà người còn dẫn ông vào tận cung lòng ThiênChúa Cha, Đấng yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.
Nicôdêmô chẳng hiểu gì cả, ông đến trong đêm rồi lại ra đi trong đêm tối, người đạo đức có chuẩn mực riêng, bậc thầy trong dân Israel với những kiến thức cố định, không đến để nghe, mà chỉ để dò xét, ông vẫn nhìn về đằng sau, ông không thể mở mắt, càng không thể mở lòng để nhìn về phía trước, để sinh ra một lần nữa từ cung lòng Thiên Chúa. Đáng tiếc!
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Chúa Giêsu trên đường khai mở vương quốc Thiên Chúa dù chưa đem lại hiệu quả, nhưng cũng để lại nơi lòng Nicôđêmô một sức lôi cuốn, để chân ông bước mà lòng vẫn vấn vương, vì thế cứ mỗi lần giữa hội đồng có người lên tiếng chống đối là ông lại đứng ra bênh vực : “Lề luật đâu cho phép kết án ai truớc khi nghe biết người ấy và biết người ấy làm gì không ?” (Ga 7,51) ; Người đã làm gì? Đã làm bao dấu lạ, “một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy” (Ga 9,16) ; ông ấy bị quỉ ám, không “người bị quỉ ám đâu có nói được như vậy, quỉ có thể mở mắt người mù được sao? (Ga 10,21).
Thế nhưng, thật đáng tiếc, đúng lúc phải đứng ra bênh vực cách quyết liệt thì ông cũng ký tên vào bản án tử cho Chúa (Mt 26,59 ; Mc 14,64, chỉ vì sợ bị khai trừ khỏi hội đồng, vì đã chuộng vinh quang người phàm hơn là vinh quang của Thiên Chúa? (Ga 12,42-43).
Tuy nhiên, khi nhìn lên đấng mà họ đã đâm thâu, Đấng mà ông đã chối bỏ, đã đâm thâu, ông dứt khoát theo chân Giuse người Arimathia đến xin Philatô cho hạ thi hài Chúa xuống và mai táng.
Nhìn bóng dáng Nicôdêmô chìm sâu vào trong đêm tối, người đi loan báo Tin Mừng có cảm thấy nơi lòng mình một nỗi xót xa và tiếc nuối không?,
Ngay sau đó những người Pharisiêu muốn gây chuyện, Đức Giêsu phải bỏ miền Juđê mà trở lại điểm xuất phát là Galilê, do đó Người phải băng qua Samari. Thực ra, bất cứ người Do Thái nào cũng biết có con đường vòng chứ đâu cần phải băng qua Samari.
Phải chăng Đức Giêsu đã muốn vượt qua ranh giới địa lý và cả truyền thống nữa, để Tin Mừng được loan báo cho muôn dân, chứ không chỉ riêng gì dân Israel.
Khung cảnh diễn ra trước mắt chúng ta là một người bộ hành đang ngồi bên bờ giếng, lúc này là 12 giờ trưa. Đường xa, trời nắng, người bộ hành mệt mỏi ra mặt, có một phụ nữ Samaria ra kín nước.
Một chàng trai ngồi bên bờ giếng như thể chờ đón người phụ nữ, tình cảnh có gì không ổn chăng, chàng trai mở lời trước : “chị ơi cho tôi xin chút nước uống”, chuyện bình thường thôi mà có gì chị phải trợn mắt lên như thế, không được, “ông là người Do Thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria, cho ông nước uống sao” ông quên rằng có một điềukhoản trong luật của các ông là người Do Thái không được qua lại với người Samari sao. Nhưng chàng trai Do Thái vẫn không tỏ ra khó chịu, anh nhìn vào giếng nước và nhẹ nhàng dẫn chị đến giếng ân sủng : “nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”. Người phụ nữ vẫn biết cái thứ nước này đây, nước nuôi sống con người, còn thứ nước hằng sống là gì, và người đang nói với chị là ai, “…chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia Cop, người đã cho chúng tôi giếng này…”. Thấy chị sẵn sàng mở lòng nhận nước hằng sống, người bộ hành dẫn chị rời giếng nước và chỉ cho chị thấy mạch nước : “ai uống nước này sẽ lại khát, còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. Lạ thật, nước chàng trai này cho là thứ nước gì mà lại làm trào lên nơi lòng người phụ nữ một mạch nước làm hết khát, có phải giống như nước đưa tình mà các chàng trai Do Thái dành cho người yêu khi dẫn nàng đến giếng múc nước trao cho nàng để tỏ tình không?, được lắm : “thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”. Hình như có chuyện hiểu lầm sao đó, hình như thôi, có thể vì vậy mà người bộ hành yêu cầu “chị hãy đi gọi chồng chị rồi trở lại đây”. Chị đáp ngay “tôi không có chồng”. Đúng rồi : “chị nói tôi không có chồng là phải, vì chị đã năm đời chồng, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị”. Người nói sao, tôi đã có năm đời chồng, người muốn nói về cuộc đời tôi hay về thân phận của người dân Samari chúng tôi, một dân tộc đã bị 5 đế quốc cai trị, chúng tôi đã phải thờ 5 vị thần của họ, và vị thần thứ sáu hiện nay được thờ trên núi Garizim là tượng của hoàng đế Rôma chứ có phải thần thánh gì đâu. Đến đây linh tính như mách bảo cho biết người đối diện với chị có kiểu nói của các ngôn sứ, và chị bắt qua chuyện ngôn sứ : “thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ, cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này, còn các ông lại bảo Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa”. Ngươi bộ hành không tỏ ý phản đối, nhưng tiếp tục giải thích cho chị hiểu : “Này chị, hãy tin tôi, đã đến giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm nhũng ai thờ phượng người như thế”.
Đến đây, chị thoáng nhận ra nơi Người bộ hành đang ngồi trước mặt chị cung cách của Đấng Messia, “tôi biết Đấng Messia gọi là Đức Kitô sẽ đến, khi người đến, người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”,
Người bộ hành cũng chỉ đợi có thế để tỏ cho chị biết về chính mình :“đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị”.
Vừa lúc đó các môn đệ trở về, các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ, không ngạc nhiên sao được vì một người đàn ông Do Thái mà lại nói chuyện không chỉ với một ông mà là một bà Samaria.
Còn người phụ nữ thì sao, niềm vui gặp được Đấng Messia và mạch nước Người trao đang trào dâng trong lòng, chị chạy về làng đổ tung tóe tưới mát dân thành :”đến mà xem có một người đã nói tất cả những gì tôi đã làm, ông không phải là Đấng Kitô sao?”. Còn người bộ hành được gọi là Đấng Kitô thì sao : mới đó đói khát mệt, giờ này cũng tràn ngập niềm vui vì một người mở lòng đón nhận nước hằng sống, vui đến nỗi không cần ăn uống : “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết…lương thực của Thầy là thi hành theo ý của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”.
Một Nicôđêmô đạo đức sốt sáng
Khao khát tìm kiếm con đường hoàn thiện,
Ông đã gặp được Đấng giải thoát, có thể chạm tay vào giếng nước ân sủng, nhưng…
Người đaọ đức đến trong đêm, một con tim nửa vời, bước chân ngập ngừng, rồi lại ra đi trong đêm tối,
Ông là người giầu có và danh giá, giầu kiến thực, tiền của, danh vọng, giầu đến nỗi không có gì để trao, và cũng không có chỗ để nhận.
Người giầu có lại trở về tay trắng…
Còn người phụ nữ Samaria, nghèo nàn, thất học, buồn tủi vì số phận, một con tim đơn nghèo, không có gì ngoài nỗi khốn cùng, chị dâng Chúa nỗi khốn cùng, và khi nỗi khốn cùng được Chúa thương nhận, thì một mạch nước trào lên tưới mát tấm thân bấy lâu khô hạn, nước trường sinh đưa chị vào đời sống mới đầy ân sủng. chị lôi kéo những người đồng hương cùng đến với Đấng là nguồn mạch ân sủng, cũng với chính nỗi khốn cùng của mình,: “đến mà xem có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm, ông ấy không phải lả Đâng Kitô sao?”
Người nâng cao những người phận nhỏ….
Chuẩn mực đạo đức phải khởi đi từ một con tim mở ra trước Đấng có lời hằng sống ; Thánh thiện không hệ tại những việc mình làm cho Chúa mà cảm tạ vì Chúa đẽ làm cho mình ; “có nhiều người từ đông sang tây đến dự tiệc nước trời, trong khi con cái trong nhà lại bị loại ra ngoài”. Vâng, con đường đạo đức và thánh thiện chính là Tin vào Tin Mừng, “ ai tin rằng đức Giêsu là Đấng Kitô, thì đã được Thiên Chúa sinh ra” 1Ga 5,1}, và cuộc sống mới bắt đầu từ đây.
Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lể sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa, đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người (Rm 12,1).