313. QUY TẮC ĐỂ CẢM BIẾT VÀ NHẬN RA PHẦN NÀO

NHỮNG THÚC ĐẨY KHÁC NHAU TRONG LINH HỒN

ĐIỀU TỐT ĐỂ ĐÓN NHẬN VÀ ĐIỀU XẤU ĐỂ LOẠI BỎ

các quy tắc này thích hợp hơn cho tuần thứ nhất

314. QUY TẮC I: Đối với những người sa ngã hết tội trọng này sang tội trọng khác, kẻ thù thường quen bày cho họ những vui thú bề ngoài, xui họ tưởng đến những khoái lạc và vui thú giác quan để dễ cầm giữ và thúc đẩy họ tiến sâu vào thói hư và tội lỗi. Với những người như thế, thần lành dùng phương pháp ngược lại, bằng cách thôi thúc cho lương tâm cắn rứt họ bằng luật tự nhiên của lẽ phải.

315. QUY TẮC II: Nơi những người tiến mạnh trong việc diệt trừ tội lỗi và đang tiến lên hơn mãi trên đường phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, thì lại có phương pháp ngược lại với quy tắc thứ nhất. Vì khi đó, đường lối riêng của thần dữ là cắn rứt, làm buồn phiền và đặt chướng ngại bằng cách gây băn khoăn lo lắng với những lý lẽ giả tạo để người ta khỏi tiến tới, còn cách thức riêng của thần lành là làm cho can đảm và sức mạnh, an ủi, nước mắt, ơn soi giục và an nghỉ, giảm bớt và hủy diệt các trở ngại để cho người ta tiến lên trong đàng lành.

316. QUY TẮC III: Về an ủi thiêng liêng. Gọi là an ủi trong khi linh hồn phát khởi một thúc đẩy nội tâm, khiến linh hồn bừng cháy lửa kính mến Đấng Tạo Hóa và Chúa mình, và do đó, không có thể yêu một tạo vật nào trên mặt đất vì chính tạo vật ấy, nhưng chỉ yêu trong Đấng tạo dựng mọi sự. Đó cũng là trường hợp linh hồn chảy nước mắt giục lòng mến Chúa, hoặc bởi đau đớn vì tội lỗi mình, hay vì sự thương khó của Đức Kitô, Chúa chúng ta, hay vì những điều khác trực tiếp hướng về việc phụng sự và ca ngợi Chúa. Sau cùng, còn gọi là an ủi mọi gia tăng của lòng tin- cậy- mền, cùng mọi niềm vui bề trong mời gọi và lôi kéo (tâm hồn) đến những sự trên trời và phần rỗi riêng của linh hồn mình, làm cho linh hồn được nghỉ ngơi và an bình trong Đấng Tạo Hóa và Chúa mình.

317. QUY TẮC IV: Sự sầu khổ thiêng liêng. Gọi là sầu khổ tất cả những gì trái ngược với quy tắc thứ ba, như sự tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bề trong, thúc đẩy về những gì thấp hèn và phàm tục, lo lắng về những xao động và cám dỗ xúi ta mất tin tưởng, trông cậy, lòng mên; (linh hồn) cảm thấy lười biếng, khô khan, buồn sầu và như bị lìa xa Đấng Tạo Hóa và Chúa mình. Vì như an ủi trái ngược với sầu khổ thế nào, thì các tư tưởng do an ủi sinh ra cũng trái ngược với các tư tưởng do sầu khổ sinh ra như vậy.

318. QUY TẮC V: Trong thời gian sầu khổ, đừng bao giờ thay đổi, nhưng hãy cương quyết bền vững trong những quyết định và dốc lòng có trước khi bị sầu khổ, hoặc những quyết định đã có khi được an ủi trước đây. Vì cũng như trong khi được an ủi, phần nhiều là thần lành hướng dẫn khuyên nhủ ta thế nào, thì trong cơn sầu khổ, thần dữ cũng (làm) như vậy, mà theo lời khuyên của nó, ta chẳng thể gặp được con đường đưa tới đích.

319. QUY TẮC VI: Trong cơn sầu khổ, nếu như không nên thay đổi những điều đã quyết định, thì lại rất nên cương quyết thay đổi chính mình để chống lại với cơn sầu khổ ấy, chẳng hạn bằng cách chăm chú cầu nguyện, suy gẫm hơn, xét mình nhiều hơn và gia tăng sự hãm mình theo cách nào thích hợp.

320. QUY TẮC VII: Đang gặp sầu khổ, ta hãy nghĩ rằng, để thử luyện ta, Chúa đã để ta với sức tự nhiên chống trả các xao động và cám dỗ của kẻ thù; như vậy ta vẫn có thể chống trả được, nhờ ơn Chúa vẫn giúp đỡ dù ta không cảm thấy rõ ràng. Vì Chúa rút bớt lòng sốt sắng nồng nàn, lòng mến bao la và ân sủng mạnh mẽ nhưng vẫn để lại ân sủng đủ cho sự cứu rỗi đời đời.

321. QUY TẮC VIII: Đang cơn sầu khổ hãy gắng giữ sự nhẫn nại, là sự trái ngược với những xáo trộn xảy đến, và nghĩ rằng, chẳng bao lâu nữa sẽ được an ủi, nếu hết sức chiến đấu với cơn sầu khổ ấy, như đã nói ở quy tắc thứ sáu.

322. QUY TẮC IX: Có ba nguyên do chính khiến ta gặp sầu khổ:

· thứ nhất: vì ta không sốt mến đủ, lười biếng hay chểnh mảng trong các việc thiêng liêng; vậy là vì lỗi ta mà sự an ủi thiêng liêng lìa bỏ ta;

· thứ hai: để thử coi sức ta tới đâu và ta có thể vươn tới đâu trong việc phụng sự và ca ngợi Chúa, khi không được thưởng công bằng bấy nhiêu an ủi và ân sủng bao la;

· thứ ba: để ta học biết và nhận thức tận thâm tâm rằng, không phải tự ta làm phát sinh hay duy trì được lòng sốt sắng vô ngần, lòng mến mạnh mẽ, nước mắt hoặc ơn an ủi thiêng liêng, mà mọi sự đều là ân điển của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và để ta đừng “làm tổ ở nhà người khác”, và đừng tự đắc đến trở thành kiêu ngạo, khoe khoang, tự gán cho mình lòng sốt sắng hay các hoa trái khác của ơn an ủi thiêng liêng.

323. QUY TẮC X: Khi được ơn an ủi, phải nghĩ tới cách xử sự trong cơn sầu khổ sẽ đến, đồng thời dành lấy sức cho lúc đó.

324. QUY TẮC XI: Ai được an ủi, phải gắng tự khiêm và tự hạ chừng nào có thể, bằng cách nghĩ mình nhỏ hèn biết mấy trong cơn sầu khổ, khi không có ân sủng này. Trái lại, người lâm cơn sầu khổ phải nghĩ mình có thể làm được nhiều nhờ ơn đủ của Chúa trợ giúp, để chống trả mọi kẻ thù, nhờ lấy sức nơi Đấng Tạo Hóa và Chúa mình.

325. QUY TẮC XII: Kẻ thù xử sự như đàn bà, vì khi ta chống trả thì nó yếu, và khi ta để mặc thì nó mạnh. Quả vậy, đặc tính của đàn bà khi gây gỗ với người đàn ông, là mất can đảm và chạy trốn khi người đàn ông thẳng tay chống trả. Trái lại, nếu người đàn ông bắt đầu chạy trốn và mất can đảm, thì cơn giận, sự trả thù và sự hung dữ của người đàn bà thật không sao lường được.

Cũng vậy, đặc tính của kẻ thù là yếu nhược, khiếp đảm và bỏ chạy với những chước cám dỗ của nó, khi người tập tành trong đàng thiêng liêng thẳng tay chống trả các cám dỗ của nó bằng cách làm điều ngược hẳn lại. Trái lại, nếu người ấy bắt đầu sợ hãi và mất can đảm trước cơn cám dỗ, thì trên mặt đất này, không có vật nào hung dữ cho bằng kẻ thù của bản tính loài người trong việc theo đuổi ý định xấu xa của nó cách dữ dằn chừng ấy.

326. QUY TẮC XIII: Kẻ thù cũng còn sử xự như kẻ si tình lẳng lơ, muốn giữ bí mật để khỏi bị lộ. Quả vậy, một người đàn ông đồi bại dùng lời xảo trá quyến rũ một thiếu nữ con nhà lành, hoặc vợ một người đứng đắn, thì muốn cho những lời dụ dỗ của hắn được giữ kín; trái lại hắn rất bất mãn khi thiếu nữ mách với cha, thiếu phụ mách với chồng những lời quyến rũ và ý xấu xa của hắn, vì hắn dễ dàng suy ra rằng, không thể nào thành công được với chuyện hắn đã bắt đầu.

Cũng vậy khi kẻ thù của bản tính loài người đưa những sự xảo trá và xúi giục của nó vào linh hồn ngay lành, thì mong muốn những điều đó được tiếp nhận và giữ kín. Nhưng khi linh hồn tỏ ra với cha giải tội tốt hay một người đạo đức nào khác am tường những dối trá và sự hiểm độc của nó, thì nó rất bất mãn, vì nó kết luận rằng không thể đạt tới điều xấu xa mà nó đã bắt đầu, vì sự dối trá rõ rệt của nó đã bị phanh phui.

327. QUY TẮC XIV: Kẻ thù lại còn xử sự như một tướng quân để thắng và cướp những gì nó muốn. Vì như một vị chỉ huy cầm đầu đội quân, sau khi đặt bản doanh trại và xem xét lực lượng hoặc cách bố trí của một thành trì, sẽ tấn công vào điểm yếu nhất; thì cũng vậy, kẻ thù của bản tính loài người lượn quanh để dò xét những nhân đức đối thần, các nhân đức trụ và các nhân đức luân lý khác của ta, và điểm nào nó thấy ta yếu nhất và dễ nguy nhất cho phần rỗi đời đời của ta, nó sẽ tấn công vào đó và cố hạ ta.

328. QUY TẮC VỀ CÙNG MỘT VẤN ĐỀ

ĐỂ PHÂN BIỆT CÁC THẦN RÕ HƠN

Các quy tắc này thích hợp hơn cho tuần thứ hai.

329. QUY TẮC I: Đặc điểm của Chúa và các thiên thần khi soi giục là ban sự sảng khoái và vui vẻ thiêng liêng liêng thật, xóa bỏ mọi buồn sầu và xao xuyến do kẻ thù đưa vào. Còn đặc điểm của kẻ thù là chống lại sự sảng khoái và niềm an ủi thiêng liêng ấy bằng cách đưa ra những lý do giả tạo, cầu kỳ và ngụy biện không cùng.

330. QUY TẮC II: Chỉ có Thiên Chúa, Chúa chúng ta, mới ban ơn an ủi cho linh hồn mà không cần có nguyên do trước; vì quyền riêng của Đấng Tạo Hóa là vào, ra, đánh động linh hồn, lôi cuốn trọn vẹn linh hồn làm yêu mến Ngài. Tôi nói không có nguyên do, nghĩa là, không có một tình cảm hay một nhận thức về một đối tượng nào trước, nhờ đó sự an ủi phát sinh do tác động của trí tuệ và ý chí.

331. QUI TẮC III: Khi có nguyên do, thần lành cũng như thần dữ đều có thể an ủi linh hồn, nhưng nhằm mục đích trái ngược nhau: thần lành nhằm mưu ích cho linh hồn, để nó lớn lên và ngày càng tốt lành hơn, còn thần dữ nhằm điều ngược lại, để rồi lôi cuốn linh hồn theo ý xấu xa đồi tệ của nó.

332. QUI TẮC IV: Đặc điểm của thần dữ là giả dạng thần lành đi vào theo chiều hướng của linh hồn trung tín để rồi kéo linh hồn ra theo đường của nó; nghĩa là nó bày ra những tư tưởng tốt lành thánh thiện hợp với tâm hồn công chính, rồi lần lần gắng lôi kéo linh hồn ra theo những mưu mô ẩn kín và những ý đồi tệ của nó.

333. QUI TẮC V: Cần chú ý nhiều về diễn biến của tư tưởng. Nếu từ đầu đến cuối đều tốt, hướng hẳn về đường lành, là dấu hiệu của thần lành. Nhưng nếu diễn biến của tư tưởng đưa ta tới điều xấu hoặc lo ra, hay không được tốt như điều trước đó linh hồn đã định làm, hoặc làm giảm sút, khiến ta lo lắng, bối rối, mất sự bình an, yên tĩnh đã có từ trước, đó là dấu hiệu rõ ràng điều ấy bởi thần dữ, kẻ thù của sự tiến tới và phần rỗi ta.

334. QUI TẮC VI: Khi đã cảm thấy và nhận ra kẻ thù của bản tính loài người bởi cái đuôi rắn của nó và mục đích xấu xa nó muốn đưa tới, thì điều có ích cho người bị cám dỗ là sau đó duyệt lại diễn biến của những tư tưởng tốt nó bày ra và khởi đầu của những tư tưởng ấy, và xem nó đã lần lần tìm cách khiến ta rời sự dịu ngọt và niềm vui siêu nhiên vốn có trước, cho đến chỗ đưa ta tới ý định đồi tệ của nó như thế nào; để nhờ nhận biết và ghi lại những kinh nghiệm đó, ta sẽ giữ mình cho khỏi những dối trá thường lệ của nó sau này.

335. QUY TẮC VII: Đối với những người đang tiến tới, thần lành soi dẫn linh hồn cách êm ái, nhẹ nhàng và dịu ngọt, như giọt nước thấm vào miếng bọt biển; còn thần dữ thì thúc đẩy cách chát chúa, ồn ào và sôi động, như giọt nước rơi trên đá. Với những người sa sút, thì các thần nói trên hành động ngược lại. Lý do là tùy theo tình trạng của linh hồn trái ngược hay hòa hợp với các thần nói trên, vì khi trái ngược, thì các thần xâm nhập cách ồn ào, dễ cảm thấy và nhận ra, còn khi hòa hợp thì các thần ấy xâm nhập lặng lẽ như vào nhà mình, cửa mở.

336. QUY TẮC VIII: Khi an ủi không có nguyên do, thì không có cạm bẫy, vì như đã nói trên, đó là ơn của riêng Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Song người sống thiêng liêng được Chúa ban ơn yên ủi phải tỉnh thức, và chú ý xem xét và phân biệt thời gian được an ủi với thời gian tiếp sau, khi linh hồn còn nóng nảy và sung sướng vì ơn an ủi vừa qua và dư hưởng của ơn ấy. Qủa vậy, trong thời gian tiếp sau ấy, nhiều khi tự mình suy nghĩ theo tư tưởng và suy luận riêng, hoặc do ảnh hưởng của thần lành hay thần dữ, ta hoạch ra những dự định và ý kiến mà không phải do Thiên Chúa, Chúa chúng ta, trực tiếp ban cho, và vì thế, cần xét xem thật kỹ trước khi hoàn toàn tin tưởng ở những điều ấy và đem ra thực hành.

 

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

5 Responses to Quy tắc phân định thần loại

  1. pkt says:

    Bài này hay quá . Không biết là từ đâu ra và ai dich?

  2. Bài này nằm trong cuốn Linh Thao của Thánh Inhã, bản dịch này của linh mục Lê Quang Chủng Dòng Tên

  3. Anonymous says:

    Lâng đầu tiên con được đọc và biết tới ạ. Xin cảm ơn nhiều ạ.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

10 + 17 =