CÁCH CẦU NGUYỆN THỨ NHẤT
I. VỀ CÁC GIỚI RĂN
Cách cầu nguyện thứ nhất về mười điều răn, bảy mối tội đầu, ba tài năng của linh hồn, và năm giác quan của thể xác. Cách cầu nguyện này nhằm cho một khuôn khổ, một phương pháp và những cuộc tập luyện giúp linh hồn dọn mình và tiến tới để việc cầu nguyện được chấp nhận, hơn là đặt một thể thức hay một phương pháp cầu nguyện với những bài suy gẫm hay chiêm niệm có nội dung.
239. ĐIỀU PHỤ THÊM
Trước hết làm một điều tương đương với điều phụ thêm thứ hai của tuần thứ hai, nghĩa là khi bước vào cầu nguyện, để cho tinh thần được nghỉ ngơi một chút, như ngồi hay đi tản bộ tùy thấy đàng nào tốt hơn, rồi xét xem mình đi đâu và để làm gì. Trong cách cầu nguyện nào ta cũng phải làm điều phụ thêm này lúc bắt đầu.
240. KINH NGUYỆN: Một kinh dọn lòng, chẳng hạn xin ơn Thiên Chúa, Chúa chúng ta, để có thể nhận biết tôi đã lỗi gì về mười điều răn, và cũng xin ơn và sự trợ giúp (của Chúa) để sửa mình từ này về sau; xin được hiểu biết tường tận các điều răn, hầu tuân giữ kỹ hơn để làm vinh danh và ca tụng Chúa chí tôn hơn.
241. CÁCH CẦU NGUYỆN THỨ NHẤT
Theo cách thứ nhất, nên đem trí suy xét về điều răn thứ nhất, xem tôi đã tuân giữ điều răn ấy thế nào, và đã lỗi phạm điều gì. Cứ sự thường sẽ ngừng ở việc suy xét này một thời gian bằng việc đọc ba kinh Lạy Cha và ba kinh Kính Mừng, và nếu trong thời gian ấy tôi xét thấy những lỗi đã phạm, tôi xin ơn miễn xá và tha thứ về những lỗi đó, rồi đọc một kinh Lạy Cha. Cứ làm như vậy về mỗi điều trong mười điều răn.
242. GHI CHÚ THỨ NHẤT: Nên chú ý rằng khi ai suy nghĩ về một điều răn mà thấy mình không hề có thói quen lỗi phạm bao giờ, thì không cần ngừng lại đó lâu như thế. Nhưng tùy như thấy mình vấp phạm nhiều hay ít về một điều răn nào, thì phải ngừng lại lâu hay chóng để suy nghĩ và xét kỹ về điều ấy. Đối với các mối tội đầu cũng làm như vậy.
243. GHI CHÚ THỨ HAI: Sau khi đã suy xét như vậy về các điều răn, cáo mình về những điều lỗi phạm và xin ơn cùng sự trợ giúp để sửa mình từ này về sau, rồi kết thúc bằng một cuộc tâm sự với Chúa, Chúa chúng ta, theo đề tài suy niệm.
244.
II. VỀ BẢY MỐI TỘI ĐẦU
Về bảy mối tội đầu, sau điều phụ thêm, đọc kinh dọn lòng như thường lệ, chỉ khác điều này: ở đây là về tội phải tránh, còn trước kia là về các điều răn phải giữ. Cũng theo cùng trật tự và những qui tắc đã chỉ, rồi làm cuộc tâm sự.
245. Để biết rõ hơn những lỗi phạm về bảy mối tội đầu, ta xét những nhân đức trái ngược với chúng; cũng vậy để dễ tránh các tội đó hơn, ta quyết tâm và cố gắng đạt được bảy nhân đức trái ngược với chúng bằng những việc tập luyện thánh thiện.
246.
III. VỀ CÁC TÀI NĂNG CỦA LINH HỒN
PHƯƠNG PHÁP: Về ba tài năng linh hồn, cũng giữ cùng trật tự và quy tắc như về các điều răn: làm điều phụ thêm, kinh dọn lòng và tâm sự.
247.
IV. VỀ NGŨ QUAN PHẦN XÁC
PHƯƠNG PHÁP: Về ngũ quan phần xác, cũng vẫn theo trật tự như trên, trong khi thay đổi đề tài.
248. GHI CHÚ
Ai muốn bắt chước Đức Kitô, Chúa chúng ta, trong việc dùng ngũ quan, thì trong kinh dọn lòng, hãy phó thác mình cho Chúa Chí Tôn. Sau khi suy xét về mỗi giác quan, đọc một kinh Kính Mừng hay một kinh Lạy Cha.
Ai muốn bắt chước Đức Mẹ trong việc dùng ngũ quan, thì trong kinh dọn lòng, hãy phó thác mình cho Người để Người xin ơn đó nơi Con và Chúa Người cho. Sau khi suy xét về mỗi giác quan, đọc một kinh Kính Mừng.
249. CÁCH CẦU NGUYỆN THỨ HAI
CHIÊM NIỆM Ý NGHĨA TỪNG TỪ CỦA MỘT KINH
250. ĐIỀU PHỤ THÊM: Trong cách cầu nguyện thứ hai này, cũng giữ điều phụ thêm như trong cách cầu nguyện thứ nhất.
251. KINH NGUYỆN: Kinh dọn lòng được thích ứng cho phù hợp với Đấng mà ta cầu nguyện.
252. CÁCH CẦU NGUYỆN THỨ HAI
Qùy hay ngồi, tùy cách nào hợp với ta hơn và giúp sốt sắng hơn, nhắm mắt lại hay nhìn chăm chú vào một điểm nào, không để mắt liếc nhìn chỗ này hay chỗ nọ, rồi đọc hai từ “Lạy Cha”, và ngừng lại suy xét hai từ đó bao lâu ta còn thấy những ý nghĩa, những sự so sánh, ý vị và an ủi khi suy xét về hai từ đó. Làm tương tự với từng từ trong kinh Lạy Cha hay kinh nào khác mà ta muốn nguyện theo thể thức đó.
253. QUY TẮC I: Theo thể thức đã chỉ, sẽ lưu lại một giờ trong toàn thể kinh Lạy Cha; xong kinh này, ta đọc kinh Kính Mừng, kinh Tin Kính, kinh Lạy Hồn Chúa Kitô, kinh Lạy Nữ Vương, đọc ra tiếng hay thầm trong trí theo cách quen làm.
254. QUY TẮC II: Khi chiêm niệm về Kinh Lạy Cha, nếu trong một từ hay hai từ mà thấy đủ đề tài để suy tưởng cùng ý vị và sự an ủi, thì đừng lo tiến xa hơn, dù có để hết cả một giờ vào điều ta gặp thấy đó cũng được. Khi hết giờ, đọc hết phần còn lại của Kinh Lạy Cha theo cách quen làm.
255. QUY TẮC III: Nếu ta đã lưu lại cả một giờ ở một từ hay một hai từ trong Kinh Lạy Cha, rồi ngày khác muốn trở lại kinh đó, thì đọc một hay hai từ đó như thường, rồi tới từ tiếp theo, ta bắt đầu chiêm niệm như đã chỉ ở quy tắc thứ hai.
256. GHI CHÚ THỨ NHẤT: Nên để ý rằng, khi đã chiêm niệm xong Kinh Lạy Cha trong một hay nhiều ngày, ta sẽ làm theo cùng một cách thức như vậy với kinh Kính Mừng, rồi với các kinh khác. Như thế trong suốt một khoảng thời gian nào đó, ta luôn tập luyện theo một trong các kinh đó.
257. GHI CHÚ THỨ HAI: Vào cuối giờ, ta hướng về Đấng mà ta đã cầu nguyện, và bằng một vài lời vắn tắt, cầu xin những nhân đức hay những ơn ta cảm thấy cần đến nhiều hơn.
258. CÁCH CẦU NGUYỆN THỨ BA: THEO NHỊP
ĐIỀU PHỤ THÊM: Điều phụ thêm cũng như trong cách cầu nguyện thứ nhất và thứ hai.
KINH NGUYỆN: Kinh dọn lòng như trong cách cầu nguyện thứ hai.
CÁCH CẦU NGUYỆN THỨ BA: Trong mỗi hơi thở, ta nguyện thầm trong trí bằng cách đọc một từ trong Kinh Lạy Cha hay một kinh nào khác mà ta đọc; làm sao để giữa hai hơi thở chỉ đọc có một từ, và trong khoảng từ hơi thở này đến hơi thở khác, tập trung vào nhìn ngắm ý nghĩa của từ đó hay Đấng mà ta cầu xin, hoặc sự thấp hèn của chính mình hay sự khác biệt giữa sự cao cả của Đấng ấy với sự thấp hèn của mình. Cứ theo cùng cách thức và quy tắc ấy về các từ khác của kinh Lạy Cha. Rồi đọc các kinh khác, như kinh Kính Mừng, Lạy hồn Chúa Kitô, Tin Kính và Lạy Nữ Vương như đã quen.
259. QUY TẮC I: Ngày hôm sau hay vào một giờ cầu nguyện khác, đọc kinh Kính Mừng theo nhịp thở, rồi đọc các kinh khác như đã quen, rồi sau cứ làm như thế về các kinh khác.
260. QUY TẮC II: Ai muốn nguyện kinh theo nhịp lâu hơn nữa, có thể đọc tất cả các kinh kể trên hay một phần các kinh đó bằng cách đọc theo nhịp thở như đã chỉ dẫn.
GHI CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
Phần từ số 261 đến số 312 mang nhan đề
“NHỮNG MẦU NHIỆM TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC KITÔ CHÚA CHÚNG TA”,
gồm những bài tóm tắt các đoạn Phúc Âm mà thánhYnhã đề nghị làm đề tài suy gẫm hay chiêm niệm. Thiết tưởng ngày nay với sự dễ dàng tìm gặp một cuốn Phúc Âm, phần này không tuyệt đối cần thiết, nên trong lần in “dùng để thử” này, chúng tôi tạm gác lại.