24. VIỆC XÉT MÌNH RIÊNG HÀNG NGÀY
gồm ba “thì” và hai lần xét mình.
Thì thứ nhất: Ban sáng khi thức dậy phải dốc lòng giữ mình cẩn thận không sa ngã vào một tội hay một nết xấu riêng nào đó, mà ta muốn sửa chữa và cải thiện.
25. Thì thứ hai: Sau bữa ăn, xin Thiên Chúa ban cho điều mình muốn, nghĩa là ơn được nhớ lại bao nhiêu lần đã sa ngã vào tội hay nết xấu riêng ấy và sửa mình về sau. Rồi xét mình lần thứ nhất: hỏi mình về điểm riêng mà mình đã dốc lòng và muốn sửa mình; như thế phải xét lại từng giờ từng lúc, bắt đầu từ khi thức dậy cho đến giờ xét mình hiện tại. Ghi từng hàng thứ nhất sau chữ “g” một sốë điểm tương ứng với số lần sa ngã vào tội hay nết xấu riêng ấy. Sau đó lại dốc lòng sửa mình từ lúc đó cho đến lần xét mình thứ hai.
26. Thì thứ ba: Sau bữa tối, xét mình lần thứ hai theo cùng một cách thức như trước, xét từng giờ từ lúc xét mình lần thứ nhất cho đến bây giờ, và ghi trên hàng thứ hai sau chữ “g” số điểm tương ứng với số lần sa ngã vào tội hay tính xấu ấy.
27. Sau đây là bốn việc phụ thêm để trừ bỏ một tội hay một tính xấu riêng nào mau chóng hơn.
Việc phụ thêm thứ nhất: Mỗi lần sa ngã vào tội hay nết xấu riêng ấy, hãy để tay lên ngực, hối tiếc vì đã sa ngã. Điều này có thể làm trước mặt nhiều người mà không ai chú ý đến.
28. Việc phụ thêm thứ hai: Vì hàng thứ nhất sau chữ “g” ứng với lần xét mình thứ nhất, hàng thứ hai ứng với lần thứ hai, buổi tối hãy xem lại coi có sự cải thiện nào từ hàng thứ nhất sang hàng thứ hai, nghĩa là từ lần xét mình thứ nhất đến lần xét mình thứ hai không?
29. Việc phụ thêm thứ ba: So sánh ngày thứ hai với ngày thứ nhất, nghĩa là hai lần xét mình trong ngày với hai lần xét mình hôm trước, và xem từ ngày nọ sang ngày kia có sự cải thiện không?
30. Việc phụ thêm thứ bốn: So sánh tuần nọ với tuần kia, xem trong tuần này đối với tuần trước có sự cải thiện không?
31. GHI CHÚ: Phải chú ý, chữ “G” lớn thứ nhất sau đây ứng với ngày Chúa nhật, chữ “g” thứ hai nhỏ hơn ứng với ngày thứ hai, chữ thứ ba ứng với ngày thứ ba v.v.
32. XÉT MÌNH CHUNG
Để thanh tẩy mình và xưng tội cách tốt đẹp hơn. Tôi cho rằng trong người tôi có ba thứ tư tưởng: một thứ là của riêng tôi hoàn toàn bởi tự do và ý muốn của tôi phát sinh, còn hai thứ kia tự bên ngoài đến, một thứ do thần tốt, và một thứ do thần xấu.
33. VỀ TƯ TƯỞNG
Có hai cách lập công khi một tư tưởng xấu từ bên ngoài đến; thí dụ một tư tưởng xúi phạm tội nặng chợt đến, tôi chống lại tức thì và nó chịu thua.
34. Cách lập công thứ hai là khi cùng một tư tưởng xấu ấy đến nhiều lần và tôi cứ chống lại mãi cho đến khi nó chịu thua và biến đi. Cách thứ hai này có công phúc hơn cách thứ nhất.
35. Người ta phạm một tội nhẹ khi cùng một tư tưởng xui phạm tội nặng ấy đến và người ta để tai nghe nó bằng cách ngưng lại ở đó một chút, hoặc chấp nhận một chút vui khoái giác quan, hay là trễ nãi một chút trong việc xua đuổi nó.
36. Có hai cách phạm tội nặng: cách thứ nhất là ưng thuận một tư tưởng xấu để thực hành ngay theo sự ưng thuận ấy, hoặc để chuyển thành hành động khi có dịp.
37. Cách phạm tội nặng thứ hai là phạm tội ấy bằng việc làm. Và như thế tội nặng thêm vì ba lý do: thứ nhất, vì thời gian lâu hơn; thứ hai, vì chủ ý bề trong mãnh liệt hơn; thứ ba, vì thiệt hại lớn hơn cho cả hai người.
38. VỀ LỜI NÓI
Đừng lấy Đấng Tạo Hóa hay tạo vật mà thề trừ khi cần làm chứng cho sự thật; khi ấy cần làm cách kính trọng. “Cần” hiểu là không dùng lời thề để quả quyết bất cứ sự thật nào, nhưng chỉ sự thật quan trọng đối với ích lợi phần hồn hay phần xác hoặc về của cải đời này. “Kính trọng” hiểu là khi nói đến Danh Đấng Tạo Hóa và Chúa mình, phải để ý giữ sự tôn trọng và kính cẩn xứng hợp.
39. Phải chú ý điều này: Là cho dù khi thề vô cớ, nếu người ta nại đến Đấng Tạo Hóa, thì tội nặng hơn là lấy tạo vật mà thề; nhưng nếu lấy tạo vật mà thề, lại khó mà thề theo đúng sự thật, sự cần thiết và kính cẩn, hơn là khi nại đến Đấng Tạo Hóa, vì các lý do sau:
a. Lý do thứ nhất: Khi chúng ta muốn lấy một tạo vật mà thề, thì chính sự muốn lấy tên một tạo vật không làm chúng ta chú ý và sáng suốt để nói sự thật hay để quả quyết theo sự cần thiết cho bằng sự muốn nại đến Danh Đấng Tạo Hóa và Chúa tể mọi loài.
b. Lý do thứ hai: Khi lấy tạo vật mà thề, thì không dễ giữ sự kính trọng đối với Đấng Tạo Hóa bằng khi thề và xưng Danh Đấng Tạo Hóa và Chúa tể. Vì chính sự muốn nại đến danh Thiên Chúa Chúa, thúc đẩy chúng ta tỏ lòng kính trọng hơn sự muốn lấy tên tạo vật. Bởi vậy, người hoàn thiện được phép lấy tạo vật mà thề hơn người thường. Vì nhờ sự chiêm niệm liên lỉ và ơn soi sáng trí khôn, họ suy xét, nguyện ngắm và chiêm niệm nhiều hơn về sự Thiên Chúa Chúa ở trong mọi tạo vật theo yếu tính và quyền phép của Ngài. Như thế, khi lấy tạo vật mà thề, họ đủ năng lực và sẵn sàng hơn người thường để tỏ lòng kính trọng đối với Đấng Tạo Hóa và Chúa mình.
c. Lý do thứ ba: Nếu người ta cứ lấy tạo vật mà thề luôn mãi, thì người thường có nguy cơ sa vào việc tôn thờ ngẫu tượng hơn người hoàn thiện.
40. ĐỪNG NÓI LỜI VÔ ÍCH
Lời vô ích hiểu là những lời không mang lại lợi ích gì cho tôi, hay cho người khác và cũng chẳng được hướng vào ý đó. Bởi vậy khi nói bất cứ điều gì tự nó ích lợi hay là có ý làm ích cho linh hồn mình hay cho người khác hoặc cho thân xác hay về của cải đời này không bao giờ là lời vô ích, cả khi nói những điều không thuộc bậc sống của mình, như một tu sĩ nói về chiến tranh hay thương mại. Nhưng trong trường hợp trên, người ta được công khi nhằm mục đích tốt và phạm tội khi nhằm mục đích xấu hay nói cách vô ích.
41. KHÔNG NÓI HÀNH NÓI XẤU
Vì nếu tôi tiết lộ một tội trọng kín, tôi phạm tội nặng, nếu đó là một tội nhẹ, tôi phạm tội nhẹ, và nếu là một khuyết điểm, tôi tỏ chính khuyết điểm của tôi. Nhưng với một ý ngay lành, tôi có thể nói về tội hay lỗi người khác theo hai cách:
a. Cách thứ nhất: Khi một tội là công khai, chẳng hạn một người đàn bà xấu nết công khai, hay một bản án của tòa, hoặc một sai lầm công khai đầu độc các linh hồn nó lan tới.
b. Cách thứ hai: Khi tiết lộ một tội kín cho một người nào để họ giúp tội nhân hối cải, với điều kiện phải có hy vọng hoặc lý do vững chắc để nghĩ rằng người ấy có thể giúp tội nhân.
42. VỀ VIỆC PHẢI LÀM
Xét theo mười điều răn của Chúa và sáu giới răn của Giáo Hội và các huấn lệnh của bề trên. Mọi hành động ngược với bất cứ điều nào trong ba thứ trên đều là một tội, nặng nhẹ tùy theo tính cách quan trọng nhiều ít. Huấn lệnh của Bề Trên hiểu là “sắc lệnh về binh Thánh Giá” hay về các ân xá mà có xưng tội và rước lễ như “cầu cho hòa bình” chẳng hạn. Vì không phải là nhẹ tội khi xui người khác hay tự mình hành động ngược với những huấn dụ đạo đức như thế và các huấn lệnh của Bề Trên chúng ta.
43. PHƯƠNG PHÁP XÉT MÌNH CHUNG
gồm năm điểm:
1. Điểm thứ nhất: Tạ ơn Thiên Chúa vì những ân huệ đã được.
2. Điểm thứ hai: Xin ơn nhận biết và từ bỏ tội lỗi.
3. Điểm thứ ba: Xét hỏi linh hồn mình, từ khi thức dậy cho tới lúc xét mình hiện tại, từng giờ, từng lúc, trước hết về tư tưởng, rồi về lời nói, sau đến hành động, theo cùng thứ tự trong việc xét mình riêng.
4. Điểm thứ bốn: Xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi.
5. Điểm thứ năm: Dốc lòng nhờ ơn Chúa sửa mình.
Đọc kinh Lạy Cha.
44. XƯNG TỘI CHUNG VÀ RƯỚC LỄ
Người tự ý xưng tội chung, sẽ được nhiều ích lợi, sau đây xin kể ba điều:
1. Ích lợi thứ nhất: Người nào xưng tội hằng năm, dĩ nhiên không buộc phải xưng tội chung, nhưng nếu làm được thì có ích lợi và công phúc lớn hơn, vì có lòng thống hối hiện tại mãnh liệt hơn về tất cả các tội lỗi và mọi sự xấu xa trong đời mìânh.
2. Ích lợi thứ hai: Khi tập Linh Thao người ta có được sự hiểu biết thâm sâu về tội lỗi và sự xấu xa của nó hơn khi không để ý gì đến những điều nội tâm. Nhờ có sự hiểu biết và lòng ăn năn đau đớn hơn về tội lỗi như thế, người ta được ích lợi và công phúc nhiều hơn có thể được trước đây.
3. Ích lợi thứ ba: Bởi đó, khi đã xưng tội cách tốt đẹp hơn và được chuẩn bị đầy đủ hơn, người ta cảm thấy mình được thêm xứng đáng và sẵn sàng hơn để lãnh bí tích Thánh Thể, là bí tích mà khi chịu, không những giúp ta khỏi sa ngã phạm tội, mà còn giúp cho ơn thánh trong ta lớn mạnh thêm luôn. Việc xưng tội chung này nên làm ngay sau khi các việc Linh Thao tuần thứ nhất.