TUẦN THỨ BA

190. NGÀY THỨ NHẤT

CUỘC CHIÊM NIỆM THỨ NHẤT VÀO NỬA ĐÊM

VỀ CÁC VIỆC TỪ LÚC ĐỨC KITÔ, CHÚA CHÚNG TA,

TỪ BETANIA LÊN GIÊRUSALEM ĐẾN HẾT BỮA TIÊC LY (số 289)

gồm kinh dọn lòng, ba tiền nguyện, sáu điểm và một cuộc tâm sự.

KINH NGUYỆN: Kinh dọn lòng như thường lệ.

191. TIỀN NGUYỆN I: Nhớ lại lịch sử. Ở đây là Đức Kitô, Chúa chúng ta từ Betania sai hai môn đệ lên thành Giêrusalem để dọn bữa tiệc ly, rồi sau chính Chúa đến đó cùng với các môn đệ khác; sau khi ăn chiên vượt qua, và khi đã xong bữa, Chúa rửa chân cho các môn đệ và ban Mình cùng Máu Cực Thánh cho các ông, và khi Giuđa đã ra đi để bán Chúa mình, thì Ngài giảng cho các môn đệ một bài.

192. TIỀN NGUYỆN II: Đặt khung cảnh, xem nơi chốn: ở đây là xem con đường đi từ Betania lên Giêrusalem, nó rộng rãi hay chật hẹp, bằng phẳng v.v.; cũng xem xét nhà tiệc ly: nó to hay nhỏ, hình dáng thế nào.

193. TIỀN NGUYỆN III: xin điều tôi ao ước: ở đây là sự đau đớn, hối tiếc và hổ thẹn, vì chính bởi tội tôi mà Chúa đi chịu nạn.

194. ĐIỂM NHẤT: nhìn xem các nhân vật trong bữa tiệc ly, và suy nghĩ trong lòng, cố rút phần nào ích lợi bởi đấy.

ĐIỂM HAI: nghe điều các Ngài nói và cũng rút lấy phần nào ích lợi như thế.

ĐIỂM BA: nhìn xem việc các Ngài làm và rút lấy phần nào ích lợi.

195. ĐIỂM BỐN: Suy xét về sự đau khổ Đức Kitô, Chúa chúng ta, chịu hoặc muốn chịu trong nhân tính Ngài, tùy theo cảnh đang chiêm niệm. Ở đây bắt đầu đem hết sức lực và cố gắng để được đau đớn, buồn sầu và khóc lóc. Cũng làm như thế trong các điểm tiếp sau.

196. ĐIỂM NĂM: suy xét xem thiên tính ẩn mình như thế nào; nghĩa là bản tính ấy có thể hủy diệt kẻ thù mình, mà không làm, nhưng để mặc cho nhân tính chí thánh chịu cực khổ như thế nào.

197. ĐIỂM SÁU: suy xét Chúa Giêsu chịu tất cả những sự ấy vì tội lỗi tôi như thế nào v.v., và tôi, tôi phải làm gì và chịu những sự gì cho Chúa.

198. TÂM SỰ: Kết thúc bằng một cuộc tâm sự với Đức Kitô, Chúa chúng ta, và sau cùng đọc một kinh Lạy Cha.

199. GHI CHÚ

Trong các cuộc tâm sự, như trước đã giải thích một phần, cần chú ý rằng, chúng ta phải thân thưa và theo đề tài suy gẫm, nghĩa là tùy theo tôi đang bị cám dỗ hay được an ủi, tùy theo tôi ao ước được nhân đức này hay nhân đức khác, tùy theo tôi đứng về phiá này hay phiá kia, tùy theo tôi muốn đau khổ hay vui mừng về điều tôi chiêm niệm, sau cùng cầu xin điều tôi ao ước hơn cả về ít nhiều điểm riêng. Như vậy có thể chỉ tâm sự với Đức Kitô, Chúa chúng ta, hay nếu đề tài hoặc lòng sốt sắng thúc đẩy, có thể làm ba cuộc tâm sự: một với Đức Mẹ, một với Chúa Con, và một với Đức Chúa Cha, theo cùng một hình thức như đã chỉ ở tuần thứ hai trong bài gẫm về ba mẫu người, cùng với lời ghi chú liền sau đó.

200. CUỘC CHIÊM NIỆM THỨ HAI VÀO BUỔI SÁNG,

TỪ BỮA TIỆC LY ĐẾN HẾT NHỮNG VIỆC XẢY RA Ở VƯỜN DẦU.

KINH NGUYỆN: Kinh dọn lòng thường lệ.

201. TIỀN NGUYỆN I: Là lịch sử. Ở đây là việc Đức Kitô, Chúa chúng ta, cùng mười một môn đệ rời núi Sion, nơi đã ăn bữa tiệc ly, xuống thung lũng Giosaphat. Người để tám môn đệ ở một nơi trong thung lũng và ba môn đệ khác ở một nơi trong vườn, và bắt đầu cầu nguyện. Người đổ một thứ mồ hôi giống như những giọt máu. Sau khi đã cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha ba lần, Người đánh thức ba môn đệ. Sau đó, khi nghe tiếng Người, các kẻ thù địch ngã xuống đất; Giuđa hôn Người chiếc hôn bình an; thánh Phêrô chém đứt tai Malcô, và Chúa Kitô chữa nó lành đã. Bấy giờ Người bị bắt như kẻ gian phi, chúng lôi Người xuống đáy thung lũng rồi lại kéo lên dốc núi để đến nhà Anna.

202. TIỀN NGUYỆN II: Nhìn xem nơi chốn. Ở đây là xét xem con đường từ núi Sion xuống thung lũng Giosaphat và cả cái vườn nữa; nó có rộng không, có dài không, và hình dạng thế nào v.v.

203. TIỀN NGUYỆN III: Xin điều tôi ao ước. Đang khi suy về sự thương khó phải xin được đau đớn với Chúa Kitô thống khổ, tan nát cõi lòng với Chúa Kitô tan nát tâm hồn, được khóc lóc đau đớn trong lòng về sự đau đớn dường ấy mà Chúa Kitô đã chịu vì tôi.

204. GHI CHÚ THỨ NHẤT

Trong cuộc chiêm niệm thứ hai này, sau khi đọc kinh dọn lòng và làm ba tiền nguyện, sẽ theo cùng một cách thức về các điểm và cuộc tâm sự như trong cuộc chiêm niệm thứ nhất về bữa Tiệc Ly. Vào giờ Thánh Lễ và giờ kinh chiều sẽ làm hai cuộc phục niệm về bài chiêm niệm thứ nhất và thứ hai. Rồi trước bữa tối áp dụng ngũ quan về hai bài chiêm niệm nói trên. Bao giờ cũng bắt đầu bằng kinh dọn lòng và tiền nguyện, tùy theo đề tài đang gẫm, cùng một cách thức như đã nói và giải thích trong tuần thứ hai.

205. GHI CHÚ THỨ HAI

Tùy theo tuổi, sức khỏe và thời tiết , người luyện tập sẽ làm năm cuộc Linh Thao mỗi ngày hoặc ít hơn.

206. GHI CHÚ THỨ BA

Trong tuần thứ ba này sẽ sửa đổi một phần điều phụ thêm thứ hai và thứ sáu:

VỀ ĐIỀU THỨ HAI: Ngay khi thức dậy, đặt trước mắt: tôi đi đâu, và để làm gì, ôn lại vắn tắt cuộc chiêm niệm tôi sắp làm, theo mầu nhiệm đang đề cập. Đang khi dậy và mặc áo, tôi cố gắng giục lòng lo buồn đau đớn vì những khốn cực dường ấy mà Đức Kitô Chúa chúng ta đã chịu.

VỀ ĐIỀU THỨ SÁU: Phải sửa đổi thế này: cố gắng đừng làm nảy nở những tư tưởng vui mừng dù tốt lành thánh thiện như sự phục sinh và vinh quang; nhưng trái lại, giục lòng đau buồn khổ cực và tan nát, năng nhớ đến những khó nhọc đau đớn mà Đức Kitô Chúa chúng ta đã chịu từ khi sinh ra cho đến mầu nhiệm mà tôi đang chiêm niệm trong cuộc thương khó.

207. GHI CHÚ THỨ BỐN

Việc xét mình riêng về các cuộc Linh Thao và các điều phụ thêm ở đây, cũng sẽ làm cùng một cách như trong tuần trước.

208. NGÀY THỨ HAI

· vào nửa đêm chiêm niệm từ các sự xảy ra ở VƯỜN DẦU cho đến hết các việc xảy ra tại nhà Anna (số 291)

· và buổi sáng từ nhà Anna đến hết các việc ở nhà Caipha (số 292).

· Rồi làm hai cuộc phục niệm và áp dụng ngũ quan như đã chỉ.

NGÀY THỨ BA

· vào nửa đêm chiêm niệm về các sự xảy ra từ nhà Caipha đến dinh Philatô và các việc tại dinh ấy (số 293).

· Buổi sáng, từ dinh Philatô đến dinh Herode và các việc xảy ra tại đây (số 294).

· Rồi làm hai cuộc phục niệm và áp dụng ngũ quan như đã chỉ.

NGÀY THỨ BỐN

· Nửa đêm, từ dinh Herode về dinh Philatô (số 295), chiêm niệm một nửa các mầu nhiệm xảy ra tại dinh Philatô.

· Rồi trong cuộc chiêm niệm vào buổi sáng: các mầu nhiệm khác xảy ra cũng tại dinh ấy.

· Rồi làm các phục niệm và áp dụng ngũ quan như đã chỉ.

NGÀY THỨ NĂM

· Nửa đêm từ dinh Philatô đến khi (Chúa chiïu) đóng đinh trên Thánh Giá (số 296).

· Buổi sáng, từ lúc Chúa chịu treo trên Thánh Giá đến khi Chúa tắt thở (số 297).

· Rồi làm hai cuộc phục niệm và áp dụng giác quan.

NGÀY THỨ SÁU

· Nửa đêm (chiêm niệm) về những việc xảy ra từ khi hạ xác Chúa khỏi Thánh Giá cho đến mồ (số 298).

· Buổi sáng, từ các việc ở mồ đến nhà mà Đức Mẹ về, sau khi đã táng xác Con trong mồ.

NGÀY THỨ BẢY

Chiêm niệm chung về tất cả cuộc thương khó trong các cuộc Linh Thao nửa đêm và buổi sáng. Thay vì hai cuộc phục niệm, thì suốt ngày, nhiều lần chừng nào có thể, suy xét về sự xác cực thánh của Đức Kitô, Chúa chúng ta, ở trong tình trạng tách rời và xa lìa linh hồn thế nào, được mai táng ở đâu và thế nào. Cũng theo cách ấy, suy xét về nỗi cô đơn của Đức Mẹ với biết bao đau đớn mòn mỏi, rồi đàng khác, nỗi cô đơn của các môn đệ.

209. GHI CHÚ

Nên chú ý rằng, nếu muốn kéo dài việc chiêm niệm về sự Thương Khó thì trong mỗi cuộc chiêm niệm phải suy gẫm ít mầu nhiệm hơn, chẳng hạn trong cuộc thứ nhất, nguyên về bữa Tiệc Ly thôi, trong cuộc thứ hai, về sự Rửa Chân, trong cuộc thứ ba, về sự Chúa ban bí tích Thánh Thể cho các môn đệ, trong cuộc thứ bốn, về bài giảng Chúa cho họ và cũng làm như vậy trong các cuộc chiêm niệm và các mầu nhiệm khác. Cũng thế, khi đã chiêm niệm hết cuộc Thương Khó, hãy dành trọn một ngày để chiêm niệm lại phân nửa cuộc thương khó, và ngày nữa về nửa kia, rồi ngày thứ ba chung cả cuộc thương khó.

Trái lại nếu muốn rút ngắn việc chiêm niệm về cuộc Thương Khó, thì lúc nửa đêm chiêm niệm bữa Tiệc ly; buổi sáng: Vườn Dầu; giờ lễ: nhà Anna; giờ kinh chiều: nhà Caipha; và giờ trước bữa tối: dinh Philatô. Như vậy trong khi bỏ các cuộc phục niệm và áp dụng giác quan, mỗi ngày làm năm cuộc Linh Thao khác nhau, và mỗi cuộc về một mầu nhiệm khác của Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Rồi khi đã chiêm niệm hết tất cả cuộc Thương Khó như thế, có thể lấy một ngày khác làm chung về trọn cuộc Thương Khó trong một hay nhiều cuộc Linh Thao khác nhau, tùy theo đàng nào thấy có ích lợi hơn.

210. QUY TẮC ĐỂ TỰ CHỈNH ĐỐN

TRONG VIỆC ĂN UỐNG TỪ NÀY VỀ SAU

QUY TẮC I: Về bánh mì , việc kiêng bớt ít thích hợp, vì nó không phải món ăn gây thèm thuồng thái quá, hoặc tạo cám dỗ thúc bách như các món ăn khác.

211. QUY TẮC II: Về đồ uống, việc kiêng bớt hình như thích hợp hơn so với bánh mì, nên phải xét kỹ xem cái gì có ích để giữ, và cái gì có hại để bỏ.

212. QUY TẮC THỨ III: Về các món ăn khác, việc kiêng bớt phải thật nghiêm ngặt và trọn vẹn, vì trong địạ hạt đó sự thèm khát mau gây hỗn loạn, cũng như sự cám dỗ trở nên thúc bách hơn; bởi đó việc kiêng bớt các loại thức ăn này, nhằm tránh sự hỗn loạn, có thể giữ theo hai cách: một là tập quen ăn những món bình thường, hai là tập quen ăn ít, nếu là những món mỹ vị.

213. QUY TẮC IV: Tuy luôn phải giữ mình cho khỏi đau yếu, nhưng nếu càng bỏ bớt những nhu cầu thuộc mức bình thường, thì càng mau tới được mức trung dung phải giữ trong việc ăn uống; vì hai lẽ: thứ nhất là trong khi cố gắng và tự chuẩn bị như vậy, thường cảm thấy được những hiểu biết bên trong, những an ủi và những sự soi sáng thiêng liêng dồi dào hơn để tìm ra mức trung dung thích đáng; thứ hai, nếu trong lúc kiêng bớt như vậy mà thấy thiếu sức mạnh phần xác và kém sẵn sàng để tập Linh Thao, thì sẽ dễ phán đoán được điều gì phù hợp hơn để nâng đỡ thể xác.

214. QUY TẮC V: Trong khi ăn, chiêm ngắm Đức Kitô, Chúa chúng ta như thể thấy Chúa đang ăn với các tông đồ: Chúa uống, Chúa nhìn, Chúa nói thể nào và cố gắng bắt chước; như vậy, phần thượng của trí khôn sẽ suy xét về Chúa và phần hạ lo cho thân xác được dưỡng nuôi; và nhờ thế người ta sẽ đạt được một sự hòa hợp và một trật tự hoàn hảo hơn trong cách xử sự và tu thân.

215. QUY TẮC VI: Trong khi ăn còn có thể chiêm ngắm các sự khác, hoặc về hạnh các thánh, hay một điều đạo đức nào khác hoặc một việc thiêng liêng nào mà người ta mà phải làm: vì khi mắc chú ý đến những sự ấy thì sẽ bớt cảm khoái và thỏa mãn đối với các đồ ăn của phần xác.

216. QUY TẮC VII: Trên hết, đừng dồn hết tâm trí vào cái mình ăn, và đừng ăn vội vàng theo tính háu ăn, nhưng phải tự chủ trong cách ăn cũng như trong lượng đồ ăn.

217. QUY TẮC VIII: Để trừ bỏ những hỗn loạn, điều rất có ích là sau bữa trưa hoặc bữa tối hay lúc nào khác không thấy đói, tự xác định số lượng đồ ăn thích hợp cho mình trong bữa trưa hoặc bữa tối sau đó, và cứ làm như thế mỗi ngày. Không được vượt quá số lượng ấy cho dù thấy ngon miệng hay bị cám dỗ. Trái lại, để dễ thắng sự thèm thuồng hỗn loạn và mọi chước cám dỗ của kẻ thù hơn, nếu bị cám dỗ ăn nhiều hơn, thì nên ăn ít đi.

 

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

1 × five =