Bài 8: Sám Hối
Với niềm hy vọng Thiên Chúa sẽ ban những ân huệ mà bạn hằng tìm kiếm, về phần mình, bạn hãy dấn thân và nỗ lực hết sức. Do đó, việc sám hối phải được hiểu là hành vi đáp lại tình yêu của Thiên Chúa mà bạn đã cảm nghiệm được. Nên nguyên tắc của việc sám hối là sự hài hòa. Sám hối có hai loại: bên trong và bên ngoài. Dĩ nhiên, sám hối bên trong quan trọng hơn. Dẫu vậy, sám hối bên trong cũng cần được diễn tả ra bên ngoài như là một nỗi đau xót sâu xa vì tội lỗi mình đã phạm với Chúa, như một quyết tâm cải thiện đời sống, đặc biệt như một sự dấn thân phục vụ Chúa với một con tim nhiệt thành.
Đúng vậy, sám hối bên ngoài chỉ là sự tuôn trào của một tâm hồn hối cải sâu xa. Những hình thức của nó là tự nguyện nhận lấy một hình phạt nào đó, hoặc tự bỏ đi một điều gì, một hành động cụ thể nào làm mất lòng anh chị em và xúc phạm đến Chúa.
Tuy nhiên, việc sám hối bề ngoài đâu phải lúc nào cũng do nội tâm sốt mến thúc đẩy. Đôi khi, bạn chỉ thực hiện những cử chỉ bề ngoài với một ý hướng nghiêm túc, với một niềm tin chân thành, hay vì bạn đang muốn cầu khẩn một ơn huệ. Những khi ấy, bạn nên trao đổi và nghe theo lời khuyên của vị linh hướng. Vì chưng, những hành vi sám hối bề ngoài đôi khi giúp ích rất nhiều cho một số người này, còn một số người khác thì không. Chẳng hạn khi chưa nhận được ơn mình tìm kiếm, bạn nghe lời vị linh hướng thực hiện một số hành vi sám hối và bạn thấy được giúp ích hơn. Song bạn đừng nên nghĩ rằng việc sám hối của bạn là cách “ép” Chúa ban ơn cho bạn. Đó là một sự lừa dối khá tinh vi. Do đó, bạn rất nên trao đổi và thông tri cho vị linh hướng biết về nội tâm bạn và coi việc sám hối nào phù hợp với bạn. Một lý do khác nữa cho việc gặp linh hướng là đôi khi bạn đang tự lừa dối mình. Ví dụ:
- Một cách thuần lý, bạn cho rằng “Trời! sám hối là chuyện của thời Trung cổ”, “Tôi không đủ sức khỏe để làm những việc sám hối này nọ”, “Tôi đâu cần phải sám hối làm gì!”…
- Hoặc đôi khi thì bạn làm việc sám hối quá sức: ăn chay liên miên, canh thức liên tục, và hệ quả là bạn yếu nhược đi, cầu nguyện không nỗi.
Thông thường, cũng như tư thế cầu nguyện, bạn sẽ không đổi hình thức sám hối bao lâu nó còn giúp bạn gặp được ơn bạn xin. Nhưng, dù kiểu nào thì kiểu, bạn phải luôn hết sức thành tâm và nghiêm túc trong việc thực hành các hành vi sám hối. Sự nghiêm túc đòi bạn phải dấn trọn con người bạn vào hành vi sám hối ấy.
Lại nữa, có lúc nhận được ơn, bạn được hối thúc thực hành một việc sám hối nào đó với hy vọng có thể tiến sâu hơn, trọn đầy hơn vào ơn ấy hoặc mầu nhiệm ấy. Tỷ dụ khi chiêm ngắm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, bạn được thúc đẩy để đánh tội hầu ý thức hơn về tội lỗi mình và tình thương Chúa. Điều đó rất tốt.
John A. Veltri, SJ.
Bảo Ân phỏng dịch