Nhập nguyện

Lạy Chúa Thánh Thần, xin dạy cho con hiểu thế nào là một cuộc tĩnh tâm tốt, xin chỉ cho con biết phải làm thế nào để cuộc tĩnh tâm con theo đem lại kết quả như Ngài muốn.

Suy chiêm

1. Cuộc tĩnh tâm chúng ta sắp theo phải thế nào mới được coi là tốt?

a. Thế nào là một cuộc tĩnh tâm tốt?

Một cuộc tĩnh tâm tốt không nhất thiết phải là một cuộc tĩnh tâm sốt sắng. Một cuộc tĩnh tâm không sốt sắng nhưng gây được những biến đổi căn bản và lâu dài thì vẫn phải coi là một cuộc tĩnh tâm tốt.

Một khóa tĩnh tâm khô khan cũng không nhất thiết là một cuộc tĩnh tâm không tốt. Khô khan mà biến đổi căn bản và lâu dài thì vẫn là một cuộc tĩnh tâm tốt.

Tóm lại, một cuộc tĩnh tâm tốt là một cuộc tĩnh tâm gây được sự biến đổi căn bản và lâu dài.

b. Sự biến đổi phải thế nào mới là căn bản?

Căn bản là gốc rễ từ đó mọc lên cây, lên cành hoa và lá. Cái gì biến đổi thì gây ra những biến đổi khác thì đó là biến đổi căn bản. Khi lối nhìn của ta về Chúa, về người, về vũ trụ và về bản thân mà thay đổi thì lối sống của ta đối với Chúa, với Người, với vũ trụ và với bản thân cũng thay đổi. Như vậy biến đổi lối nhìn là căn bản. Lối nhìn của ta về Chúa mà thay đổi thì lối nhìn của ta về Người, Vật và Mình cũng thay đổi thì lối nhìn về Chúa còn căn bản hơn nữa.

Như vậy, biến đổi lối nhìn là căn bản. Biến đổi lối nhìn về Chúa còn căn bản hơn.

c. Cuộc tĩnh tâm đạt được mục đích đã là một cuộc tĩnh tâm tốt hay chưa?

Một cuộc tĩnh tâm đạt được mục đích bao giờ cũng là một cuộc tĩnh tâm gây sự biến đổi. Đích  mà cuộc tĩnh tâm đề ra bao giờ cũng mang tính chất căn bản. Chính vì thế, một cuộc tĩnh tâm đạt được đích tất nhiên là một cuộc tĩnh tâm tốt.

d. Cuộc tĩnh tâm chúng ta sắp bước vào phải như thế nào mới là một cuộc tĩnh tâm tốt?

1) Ơn xin của cuộc tĩnh tâm này là gì? (CoB1:1)

2) Căn cứ vào ơn xin, cuộc tĩnh tâm này phải đạt được điều gì mới được coi là một cuộc tĩnh tâm tốt?

3) Nếu cuộc tĩnh tâm có gây được sự biến đổi và lâu dài nhưng khác với ơn xin của cuộc tĩnh tâm, thì đó đã là một cuộc tĩnh tâm tốt hay chưa?

2. Làm sao để cuộc tĩnh tâm này tốt?

a. Căn cứ vào kinh nghiệm của bản thân

1) Hãy nhớ lại những khóa tĩnh tâm không gây được sự biến đổi căn bản và lâu dài hoặc không đạt được ơn xin. Phân tích những kinh nghiệm ấy để xem bạn đã tĩnh tâm thế nào mà không đạt được ơn xin hoặc không gây được sức biến đổi.

Vậy phải tránh điều gì trong khóa tĩnh tâm này?

2) Hãy nhớ lại những khóa tĩnh tâm đã đạt được ơn xin hoặc đã gây được sự biến đổi căn bản và lâu dài. Phân tích những kinh nghiệm quý báu ấy để biết phải tĩnh tâm khóa này thế nào mới đạt được sự biến đổi căn bản và lâu dài hoặc đạt được ơn xin của khóa.

Vậy, phải tĩnh tâm khóa này thế nào để đạt được ơn xin hoặc gây được sự biến đổi căn bản và lâu dài?

b. Căn cứ vào kinh nghiệm của nhiều người khác

Theo kinh nghiệm của nhiều người thì thành công của khóa tĩnh tâm lệ thuộc vào người đó tin tưởng vào sự hướng dẫn của Thần Khí là chính, sau đó là những điều kiện sau: mức độ của lòng khao khát, tâm hư không, thấu hiểu mục đích và ơn xin và cuối cùng là việc nắm vững và sử dụng phương pháp cầu nguyện.

1) Tin tưởng phó thác vào sự dẫn dắt của Thần Khí

– Bạn có kinh nghiệm về tầm quan trọng của Thần Khí trong cầu nguyện hay không?

– Thánh Phao-lô cho chúng ta biết gì về vai trò của Thần Khí trong việc cầu nguyện cho phải? (Rm 8,26-27)

2) Tĩnh tâm với lòng khao khát mãnh liệt được ơn xin

– Trong khóa tĩnh tâm này bạn khao khát được điều gì?

Bắt đầu vào tĩnh tâm hay Linh Thao, cần biết ngay mục đích của khóa và ao ước của bản thân mình. Tiếp đến thống nhất mục đích và ao ước để làm thành ơn xin. Nên tóm tắt ơn xin thành một kinh hay một châm ngôn cho đúng, đủ, vắn, rõ và dễ nhớ

– Phải khao khát đến mức nào?

– Tại sao phải có lòng khao khát như vậy? Bạn có kinh nghiệm về tầm quan trọng của lòng khao khát đối với kết quả của việc tĩnh tâm hay chưa? Kinh nghiệm của Nicôđêmô (Ga 3,1-21) và người phụ nữ Samari cho ta biết điều gì? (Ga 4,6-30).

3) Tĩnh tâm với tâm hư không

Tâm hư không là tâm không chất chứa những cản trở Lời Chúa lọt vào.

– Tĩnh tâm mà tâm không hư không nhưng đầy ắp thì kết quả sẽ như thế nào? Tại sao?

– Bạn có kinh nghiệm gì về tình trạng này hay không?

– Bạn có tìm được một số thí dụ trong Tân Ước để minh họa mức độ cần thiết phải có tâm hư không?
(Ga 3,1-13; Mc 1,15-22; việc các môn đệ khó nhận ra Đức Giê-su là Đức Ki-tô chịu đóng đinh; Ga 6).

– Nơi bạn, có điều gì cản trở bạn tiếp nhận các điều Chúa dạy không? Nếu có bạn tĩnh tâm làm gì bây giờ?

4) Hiểu rõ mục đích và ơn xin của khóa

– Mục đích và ơn xin của khóa là gì?

– Nếu không hiểu rõ và ao ước mãnh liệt mục đích và ơn xin thì khóa tĩnh tâm sẽ như thế nào?

5) Nắm vững phương pháp cầu nguyện

– Bạn thường cầu nguyện với phương pháp nào? Có sức biến đổi và lâu dài không? Nếu đã có một phương pháp tốt rồi, bạn tính sử dụng phương pháp ấy để cầu xin được mục đích và ơn xin của khóa thế nào? Nếu chưa được một phương pháp cầu nguyện hữu hiệu như lòng mong ước thì bạn tính làm thế nào?

– Bạn đã nắm vững chu kỳ cầu nguyện hay chưa? Bạn sẽ vận dụng chu kỳ ấy thế nào phối hợp với phương pháp cầu nguyện của bạn để có thể xin đạt được mục đích và ơn xin?

6) Tận dụng các phương tiện của khóa tĩnh tâm

– Bạn sẽ tận dụng các phương tiện của khóa tĩnh tâm cho bạn như thế nào?

– Bạn sẽ dùng các giờ chia sẻ khác nhau như thế nào cho ích lợi?

– Bạn sẽ xây dựng bầu khí tĩnh tâm và giữ thinh lặng thế nào để ích lợi cho bạn và mọi người.

– Bạn nhờ người hướng dẫn như thế nào là tốt nhất cho bạn?

Kết nguyện

Sau khi đã suy nghĩ cẩn thận những điều trên đây, bạn phải tự mình vạch rõ cách tĩnh tâm thế nào cho tốt. Ghi lại kết quả một cách chính xác, đầy đủ vắn gọn và rõ ràng. Trình lên Chúa để xin Chúa xác chuẩn và giúp đỡ.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

9 − 1 =