Nhập nguyện
Xin cho con hiểu thấu cảm sâu rằng bước theo Đức Giê-su Ki-tô là bước vào mầu nhiệm thập giá vinh quang là đi theo con đường ngược chiều.
Suy chiêm
1. Bước theo Đức Giê-su Ki-tô là bước vào mầu nhiệm thập giá vinh quang
a. Chính Chúa Giê-su dạy: Lc 9,22-24.
b. JL 27 chia sẻ.
1) Bước theo Chúa Giê-su Ki-tô là bước vào thập giá vinh quang.
– Vì người tái tạo theo hình ảnh Người 27:1.
JL 27:1: Nếu bạn đã đi sâu vào mầu nhiệm bản vị Đức Giê-su, bạn sẽ hiểu Chúa giải phóng chúng ta có nghĩa là Ngài tái tạo chúng ta theo hình ảnh Ngài. Ngài không tái tạo chúng ta theo kiểu ngoạn mục, mà lại theo hình ảnh người Tôi Tớ đau khổ (Is 53). Ngài biểu lộ tình yêu Ngài bằng cách tự hạ và vâng lời Chúa Cha để tái sinh bạn làm con cái Thiên Chúa trong mầu nhiệm Thập giá vinh quang. Đó là sự điên rồ của thập giá.
– Vì có thế mới hiểu được người 27:2.
JL 27:2: Bạn chỉ hiểu được Đức Giê-su khi chấp nhận bước vào mầu nhiệm thập giá của Ngài. Bạn đừng thỏa mãn với một sự hiểu biết từ chương, không ăn sâu vào cuộc sống. Bạn chỉ biết Đức Giê-su khi chấp nhận theo Ngài, cống hiến cho Ngài mọi lực lượng và tất cả tình yêu của lòng bạn, để Ngài lôi kéo bạn đến chỗ bạn không muốn đến, nghĩa là theo Ngài trên con đường khổ nạn. Chính lúc Đức Giê-su phó nộp mạng sống là lúc Ngài biết rõ Cha Ngài: “Như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,15). Sự hiểu biết Thiên Chúa đích thực đạt tới cao điểm khi quyết tâm hy sinh, vì Thiên Chúa chính là tình yêu tự hiến mình.
– Vì chính người mời gọi bạn bước vào thập giá theo Người 27:3.
JL 27:3: Đức Giê-su mời bạn vác thập giá (Lc 9,23-25), Ngài chờ đợi bạn hiến thân bước theo Ngài, Ngài không hẹn hò với bạn ở chỗ nào khác. Bạn không hiến mạng sống vì một lý tưởng, vì một tổ chức hay vì một ý thức hệ, nhưng bạn tìm đến một bản vị, vì Thầy… “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai bây giờ” (Ga 6,68). Nghe Lời Chúa mời gọi, bạn có thể buồn rầu bỏ đi như chàng trai có nhiều của cải, và Đức Ki-tô sẽ đau đớn nhìn theo bạn. Nhưng bạn cũng có thể thưa “Vâng, chúng con xin uống chén đắng” (Mt 20,22) như hai người con bà Dê-bê-đê, và tiếng “Xin vâng” ấy thể hiện điều bí tích Thánh Tẩy đề xướng ra, có nghĩa là bạn theo Đức Giê-su bất cứ Ngài đi đâu, cho tới cái chết vinh quang của Ngài.
2) Hiến thân theo Chúa Ki-tô không phải là lời hứa xuông 27:4 mà phải sống bằng cách:
JL 27:4: Khi hiến thân theo Ngài, bạn không hứa suông với những lời hoa mỹ, nhưng bạn đón nhận mầu nhiệm thập giá dọc theo cuộc sống bạn mỗi ngày mỗi trọn vẹn hơn, càng nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su Ki-tô và ao ước phục vụ vương quốc Ngài. Con người ngày nay sợ hãi mầu nhiệm thập giá, sợ không phát triển được các tài năng của mình. Mầu nhiệm thập giá chỉ có thể hiểu được trong tình yêu, thiếu vắng tình yêu, mầu nhiệm thập giá trở thành phi nghĩa và là một cớ vấp phạm. Hiến thân là từ bỏ mình, và muốn từ bỏ mình phải hiện hữu trước đã. Bạn không thể từ bỏ mình nếu ở trong tình trạng mất bản tính. Chỉ người nào biết hiến dâng và phó thác mọi sự và cả những người thân thì mới biết thế nào là yêu, là gặp gỡ nhau trong một tương giao vô vị lợi.
– Chấp nhận thực tại con người của bạn 27:5.
JL 27:5: Sự hiến thân của bạn gồm hai điều. Trước hết bạn phải chấp nhận thực tại con người bạn. Bạn như thế nào, dâng lên Chúa như vậy. Chúa đòi bạn phát triển mọi khả năng Ngài đặt nơi bạn: thân xác, tinh thần, trái tim, ý chí, tự do, tất cả sức sống phát xuất từ tâm điểm hữu thể bạn phải được tiếp nhận, bạn không thể lấy danh nghĩa từ bỏ để dập vùi những gì Chúa ban cho bạn. Các khó khăn nảy sinh từ chỗ bạn không chịu chấp nhận chính bạn với tất cả những khả năng Chúa đặt trong bạn.
– Và phải dâng mình cho Đức Ki-tô vì tình yêu 27:6.
JL 27:6: Nhưng tình yêu đích thực giúp bạn dành cho Đức Ki-tô không cho phép bạn khép kín để hưởng thụ. Gốc rễ của tội là vơ cho mình, quy về mình những phương tiện Chúa cho để thiết lập tương quan với Cha, với anh chị em. Bạn dâng lên Đức Giê-su trọn trật tự tự nhiên với mọi khát vọng của bạn, những điều hiện nay bạn có để ân sủng Ngài thánh hóa chúng, để chúng vượt lên trên cấp độ tự nhiên. Đó là một cuộc trở lại, thăng hoa việc triển nở bản thân.
– Đức Ki-tô sẽ thanh lọc 27:7.
JL 27:7: Chúa Ki-tô sẽ thanh lọc mọi sinh lực của bạn, để bạn hiến dâng cho Ngài theo ý Ngài chứ không phải theo ý bạn. Bạn phải vác thập giá mỗi ngày, nghĩa là chấp nhận những thanh lọc cuộc sống mang đến hàng ngày, hãy để Chúa trao thập giá cho bạn chứ đừng tự tạo thập giá. Ai mất sự sống vì Đức Giê-su sẽ tìm lại sự sống. Điều tôi ký thác nơi Chúa được bảo đảm, không bao giờ mất đi. Thánh lễ giúp bạn sống sâu đậm điều này: Khi tưởng niệm Chúa chết và sống lại, bạn cũng phải chết đi để sống lại với Ngài. Khi bạn lãnh nhận Mình và Máu Ngài, chính Đức Ki-tô dạy bạn thế nào là phó nộp mình cho Cha và cho anh chị em.
2. Bước theo Đức Giê-su Ki-tô là bước theo con đường ngược chiều
a. Thánh Phao-lô chia sẻ 1Cr 1,17-2,9.
b. JL 28 chia sẻ
– Chấp nhận theo Đức Ki-tô là chống lại môi trường sống của mình 28:1.
JL 28:1: Chấp nhận theo Chúa Giê-su là phải kháng cự môi trường sống của bạn, không phải vì thế giới xấu xa, trái lại đây là nơi ơn cứu độ được thực hiện, nhưng thế giới cũng là nơi Sa-tan tung hoành. Ông hoàng gian ác vẫn có mưu đồ giăng cạm bẫy của tiền bạc, thế lực, dâm ô làm cho bao nhiêu người hư hỏng. Bạn liên đới mật thiết với thế giới, và những gì có trong thế giới đều có đồng minh với bạn, vì vậy bạn phải thay đổi một cách quyết liệt. Ông Claudel viết: “Hơi thở của bạn khiến cho không khí bị ôn dịch”.
– Lấy cái họa của thế gian làm cái phúc của Chúa 28:2.
JL 28:2: Giữa thế hệ này, bạn phải là người nghèo của Thiên Chúa sống trọn các mối phúc. Đó là con đường thánh thiện duy nhất, và người ta đánh giá phẩm chất đời sống Ki-tô cũng như ảnh hưởng tông đồ của bạn trong ánh sáng các mối phúc. Bạn rao giảng Tin Mừng theo mức độ tinh thần các mối phúc sáng tỏa trong cuộc sống của bạn. Muốn như vậy, bạn phải đi ngược với não trạng bao quanh bạn, bạn phải chấp nhận sống nghèo khó, khiêm hạ, trong sáng. Hãy đọc lại 1Cr 1-2: Thiên Chúa không chọn những người khôn ngoan, mà lại chọn những người yếu đuối khiến thế gian phải xấu hổ. Thiên Chúa luôn luôn biểu dương sức mạnh trong sự yếu đuối. Nói tóm lại là người Ki-tô sống trong một thế giới “đảo ngược”.
– Chọn cái khôn của Chúa mà thế gian coi là cái dại 2-3
JL 28:3: Vác thập giá, là sống sự khôn ngoan nhiệm mầu mà những người quyền quý không thể hiểu nổi. Đó là thái độ của Đức Giê-su, người Tôi Tớ đau khổ của Đức Chúa. Chúng ta bước vào lãnh vực đối thần nghĩa là tự sức bạn, bạn không thể cho mình tinh thần các mối phúc. Chỉ có Đức Giê-su mới truyền cho bạn tinh thần đó, hay nói đúng hơn Ngài phải sống tinh thần đó trong bạn.
3. Vậy phải cầu nguyện thế nào để bước theo Đức Ki-tô được?
– Cầu nguyện để xin Chúa giúp sống nghèo được 4-9.
JL 28:4-9: Bạn cần cầu nguyện để đặt mình trước Đức Ki-tô, xin Ngài làm phát sinh nơi bạn những tâm tình dẫn bạn chọn lấy cái nghèo: “Mầu nhiệm hóa mình ra không” (Pl 2,6). Hãy đọc lại kinh Maghificat và xin Đức Nữ Trinh, kiểu mẫu đầu tiên những người nghèo của Đức Chúa, dẫn bạn đến sống giữa họ.
Chỉ những người sống mối phúc mới có trái tim nghèo khó, rộng mở, quên mình, để đi đến với người khác. Nghèo khó là hoa trái mọc trên cây tình thương. Hãy yêu mến anh chị em, coi họ như ngang hàng với bạn, tình yêu ấy sẽ đẩy bạn đi rất xa, như chính tình yêu đã khiến Đức Giê-su bỏ mọi sự giàu sang, vinh quang thượng giới để đến với chúng ta. Cho nên khi trở thành nghèo khó, khiêm hạ, bạn có thể cho anh chị em bạn rất nhiều, và cho cả chính bạn nữa.
Tự bản chất, của cải chẳng xấu và cũng chẳng tốt, có thể hữu ích nữa, nhưng nếu bạn không dè, bản chất chiếm hữu của bạn sẽ làm cho bạn trở nên nô lệ. Bạn có thể tự cao tự đại vì có văn hóa, có uy tín, vì giá trị nhân bản và thiêng liêng, vì thành công tông đồ. Người nghèo không quy về mình, nhưng chấp nhận mất tất cả để thuộc trọn về Đức Giê-su, rộng mở đối với tha nhân và tùng phục tha nhân. Hãy trở nên nghèo, say mê sự công chính, liên đới với anh em đồng loại.
Hãy để Thiên Chúa cầy xới trái tim bạn và bứng lên từng gốc rễ chiếm hữu của bạn, đó là ý nghĩa những thanh luyện thánh Gio-an Thánh Giá mô tả. Đôi khi bạn không thấy rõ, nơi chiều sâu của bạn có những cái ràng buộc đã đồng hóa với bạn khiến cho bạn không được tự do. Hãy để Chúa hành động, Ngài sẽ truất hữu dần dần những gì trói buộc bạn mà bạn không hề biết đến.
Cầu nguyện xin Chúa cho bạn yêu đức khó nghèo, chỉ một lòng ước ao nhận định đâu là ơn cứu độ thật, và hiểu rằng thập giá Chúa Ki-tô đã cứu chuộc nhân loại. Nếu không, bạn có thể yên trí là đã tạo tình trạng thánh thiện cho mình và chính bạn là tác giả của những thành công tông đồ. Nên nhớ rằng, khó nghèo là căn bản đời sống thiêng liêng. Thiên Chúa làm những sự trọng đại với những khí cụ nghèo nàn, để cho họ không tranh giành vinh vang của Ngài, mà sẵn sàng hoàn lại cho Ngài tất cả những gì thuộc về Ngài với một trái tim trinh khiết.
Hãy thiết tha cầu xin Đức Giê-su cho bạn bước theo Ngài, cho bạn tâm tình của những người nghèo đích thực, chờ đợi mọi sự nơi Cha và đừng muốn gì tự nơi mình.
Kết nguyện
Lạy Chúa xin cho con bước đi cùng Chúa trong đời sống gia đình của con ,giương sống khó nghèo của Chúa là yêu thương ,khiêm nhường ,bác ái phục vụ và hạ mình xuống để rửa chân cho tha nhân , những điều khó nghèo này là một kim chỉ nam cho con để con biết sống cho tha nhân ,và gia đình mình ,
Bước theo Đức Giesu Kito là bước theo một con đường tuyệt vời . Vì chi có con đường này mới tiến vào Nước Thiên Chúa, Nhưng , con đường thap gia không phải là con đường êm ả, ma la biết biến đổi nó trở nên Thánh giá.