Bác ái

« Giúp đỡ các linh hồn », như là một điệp khúc trong sách Tự Thuật của thánh I-nhã. Từ lúc bình phục ở Loyola, ngài kể lại, « khi có cơ hội nói chuyện với những người trong nhà, ông ta hoàn toàn chỉ nói những điều về Thiên Chúa, nhờ đó, ông giúp ích cho linh hồn họ » (Tự Thuật 11), cho đến quyết định mà nhóm các bạn đã thực hiện ở Paris, trong trường hợp dự định đi Giê-ru-sa-lem của họ không khả thi, họ sẽ đi Roma và « trình diện với Vị Đại Diện Đức Kitô để ngài sử dụng họ ở đâu mà ngài xét thấy làm vinh danh Thiên Chúa hơn và mưu ích các linh hồn hơn. » (Tự Thuật 85)

Vinh quang Thiên Chúa và giúp đỡ các linh hồn liên kết với nhau trong cùng một dự án, vốn sẽ là dự án của Dòng Tên : « luôn luôn tìm kiếm vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa và giúp đỡ lớn hơn dành cho các linh hồn » (Hiến Pháp 605). Chúng ta hãy coi chừng để đừng hiểu cách nói này theo nghĩa phi nhập thể. Giúp đỡ các linh hồn không phải là bỏ qua thân thể. Đó là trọn vẹn con người mà chúng ta được mời gọi giúp đỡ, như Đức Giêsu đã làm, nhưng theo một cách thức, sao cho con người học biết đón nhận mình từ Thiên Chúa, để đến lượt mình, dấn thân cho việc phục vụ Người.

« Giúp đỡ », chứ không áp đặt hay biến đổi. Đó là sự phục vụ trong tình huynh đệ. Trong thực tế, các bạn đã dấn thân vào những sứ vụ quen thuộc, nhằm phục vụ đức tin và đức ái (thuyết giảng, dạy học, bí tích, chăm sóc bệnh nhân…). Nhưng trong các sứ vụ này, thánh I-nhã đã ưu tiên cho một sứ vụ, vốn thích hợp với mọi người và chính ngài đã thực hiện trong thời gian ngài là giáo dân : đó là nói chuyện thiêng liêng. Đối với ngài, bất cứ nhiệm vụ nào, thuộc các lãnh vực tông đồ, mục vụ hay xã hội, đều là nơi của một cuộc gặp gỡ với những con người cụ thể và qua đó nói chuyện với họ. Sư phạm của Linh Thao đòi hỏi những cuộc gặp gỡ như thế và những cuộc trao đổi như thế giữa người giúp Linh Thao và người làm Linh Thao. Vì thế, sư phạm Linh Thao là kiểu mẫu cho mọi cuộc nói chuyện. Thật vậy, trong Linh Thao, giả định gặp gỡ và trao đổi được xác lập ngay từ đầu :

« Muốn cho vị hướng dẫn và người luyện tập Linh Thao được nhiều ích lợi hơn, cần giả thiết rằng mọi giáo hữu phải mau mắn giải nghĩa tốt ý kiến của người khác hơn là lên án nó. Nếu không giải nghĩa tốt được, phải hỏi xem người ta hiểu ý kiến đó như thế nào; và nếu người ấy hiểu sai thì phải sửa chữa với tình thương yêu; nếu làm thế không đủ, thì phải tìm mọi phương thế thích hợp để được người ấy hiểu đúng và khỏi sai lầm » (Linh Thao 22).

Chúng ta có thể đọc ra được, trong đoạn văn này của sách Linh Thao, những điều căn bản làm nên cuộc nói nguyện giữa hai người.

(1) Trước hết, đó là sự xác tín : mọi người đều được cư ngụ bởi Thánh Thần của Thiên Chúa, Đấng luôn tìm cách tỏ mình ra trong lời nói của con người. Đồng thời, con người cũng bị chi phối bởi các sức mạnh thù địch và các thế lực của sự chết. Trong mọi lời nói đích thực được liều lĩnh nói ra trước mặt người khác, con người bày tỏ thậm chí « trao nộp » chính mình trong niềm hi vọng cứu độ và giải thoát. Vì thế, khi lắng nghe người đang nói với tôi, tôi phải lắng nghe chính ước ao đó, vượt qua lời phát biểu về những gì được nói : « phải hướng về việc cứu vớt hơn là lên án ».

(2) Tuy nhiên, điều được nói ra luôn che dấu điều gì đó, vốn không được nói ra ; và điều này cần phải được đoán ra. Người đang nói không thể nào bày tỏ chính mình cách trọn vẹn chỉ trong những lời nói của mình. Nhất là, đôi khi lời của người này, dưới hình thức đụng chạm hay gây hấn, là không thể chấp nhận được. Về phía người kia, nếu chỉ dừng lại ở mức độ lời nói thuần túy, thì chẳng có ai được cứu, vì cả hai sẽ lên án lẫn nhau. Từ đó, cần dùng những phương thế một cách tuần tự để cho lòng ước ao mình được cứu dần dần trồi hiện lên, cả hai được cứu và người này được cứu bởi người kia : yêu cầu giải thích, cố gắng sửa sai trong lòng mến và kính trọng và « nếu điều này vẫn không đủ », thì lời nói hãy nhường chỗ cho thinh lặng, cho những cử chỉ thân thiện, yêu thương, vốn có khả năng nối lại cuộc đối thoại theo một cách thế khác, để cuối cùng đạt tới điều này là, cả hai chứ không chỉ là lời nói của họ, được cứu vớt.

Khi thánh I-nhã yêu cầu các tu sĩ của mình rèn luyện « nghệ thuật nói chuyện với người khác » (Hiến Pháp 814), ngài không chỉ nghĩ tới những lợi ích của kiến thức thu lượm được hay tính khả ái tự nhiên, nhưng nhiều hơn đến sự từ bỏ thái độ tự coi mình là đủ, là thái độ mà người ta có thể có khởi từ kiến thức hay những khả năng đặc biệt. Khi tôi hiện diện trước mặt người khác, thánh Phao-lô sẽ dạy cho chúng ta biết học thức và cả đức tin của chúng ta nữa quan trọng như thế nào : « Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì ».

Yêu mến, chính là đi đến với người khác, người anh em (hay chị em) của tôi, với đôi bàn tay không, sẵn sàng tiếp nhận người ấy, dù người ấy làm gì hay nói gì, như ơn huệ của Thiên Chúa. Chỉ khi đó, tôi mới có khả năng giúp đỡ người ấy.

———–

Nên đọc :

  • Ga 4 : Đức Giêsu gặp gỡ người phụ nữ Samari
  • 1Cr 13 : « nếu tôi không có tình yêu… »

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

2 × 4 =