Một lựa chọn tốt lành tự nó không mang lại sự bảo đảm cho tương lai. Nhiều dự án được thánh I-nhã đưa ra đã không được thực hiện. Tuy nhiên, ngài không bao giờ hối tiếc về các lựa chọn của mình và cũng không cho rằng những lựa chọn đó đã không được thực hiện một cách tốt lành. Ngài tự nhận mình là người hành hương. Cuộc sống sẽ diễn ra như thế đó, đối với những ai ký thác đời mình cho Chúa.
Cũng tương tự như thế, sự lựa chọn được trao lại cho Chúa, vì chỉ mình Người mới có thể xác chuẩn: “Khi đã làm xong việc lựa chọn hay quyết định ấy, người đã lựa chọn phải mau mắn đi cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và dâng cho Ngài cuộc lựa chọn đó, để Chúa Chí Tôn đoái nhận và xác chuẩn cho, nếu điều ấy giúp phụng sự và ngợi khen Ngài hơn.” (Linh Thao 183)
“Nếu…” Như thế, lựa chọn là có điều kiện, liên quan đến việc phụng sự và ca tụng Chúa. Và điều này, không thuộc thẩm quyền của tôi để quyết định, cho dù tôi cảm thấy rằng, khi làm cuộc lựa chọn, dường như tôi đã cảm nhận được lòng ước ao của Thiên Chúa. Tôi chờ đợi câu trả lời, vì câu trả lời sẽ không đến ngay tức khắc, vì các bài Linh Thao vẫn chưa kết thúc. Bởi vì, ngay sau lời nguyện này, sẽ bắt đầu một thời gian dài chiêm ngắm mầu nhiệm Vượt Qua: Thương Khó (tuần thứ ba) và Phục Sinh của Đức KiTô (tuần thứ tư).
Mầu nhiệm Vượt Qua không chỉ là thời gian phụng vụ. Đó là thời gian của Giáo Hội, như thế, cũng là thời gian của chúng ta, cho đến khi Chúa trở lại. Chúng ta cử hành mầu nhiệm Vượt Qua mỗi ngày trong Thánh Lễ, dù cho đó là mùa phụng vụ nào. Mầu nhiệm Vượt Qua là gì, nếu không phải là mầu nhiệm hạ mình và được tôn vinh của Đức Giê-su Ki-tô? Và toàn bộ đời sống của chúng ta chẳng phải luôn được dệt bởi những lúc sa sút và những lúc vươn lên, những thất bại và những thành công, những lao khổ và những niềm vui đó sao? Như thế, phần thứ hai (tuần III và IV) của hành trình Linh Thao hướng về thời gian hậu Linh Thao, về thời gian của đời thường, nơi đó lựa chọn sẽ được – hay không được – xác chuẩn.
Không còn là vấn đề bắt chước Đức KiTô trong các mầu nhiệm, nhưng là hiệp thông với Người, để được đổ đầy lòng can đảm và sự tin tưởng: “Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người,11 với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Pl 3, 10-11)
a. Khi chiêm ngắm các mầu nhiệm của cuộc Thương Khó, chúng ta sẽ học nơi Đức KiTô:
– Để chiến thắng sự sợ hãi, không phải bằng cách đóng vai người gian dạ, cũng không phải bằng cách lẫn trốn nguy hiểm, nhưng bằng cách đảm nhận nguy cơ mất sự sống như là lối đi mà niềm hi vọng phục sinh của cuộc đời chúng ta dẫn đưa chúng ta đi qua.
– Để chiến thắng những phản ứng tự nhiên của cảm tính, bằng cách giữ khoảng cách và hướng về phía trên, trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa và ước ao hoàn tất.
– Để vượt qua những lúc sầu khổ và cám dỗ chán nản bỏ cuộc, bằng sự kiên trì trong những quyết định đã đưa ra, bằng lòng can đảm đối diện và sự kiên trì của niềm hi vọng.
– Cuối cùng, chúng ta học nơi Đức KiTô trong cuộc Thương Khó, để sắp xếp cảm tính của chúng ta, thường hay kìm hãm, nhằm hướng tới lòng ước ao yêu mến và đón nhận như ơn huệ, không như lương bổng, ân sủng được yêu mến, với một “con tim quảng đại”, như con tim rộng mở của Đức Giêsu.
b. Khi chiêm ngắm các mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi đặt để ở nơi một mình Chúa, niềm vui và sự mừng rỡ, vốn đã làm cho chúng ta no thỏa vào lúc thực hiện cuộc tuyển chọn. Khi xin ơn “được vui mừng mãnh liệt vì sự vinh quang và vui mừng dường ấy của Đức Kitô Chúa chúng ta” (Linh Thao 221), chúng ta học để đón nhận từ trên cao, chứ không phải chỉ từ sự thành công của những công việc, năng động hướng về phía trước. Khi chiêm ngắm Đức Kitô thực hiện “sứ vụ an ủi” nơi các bạn hữu của Người (Linh Thao 224), chúng ta đón nhận từ nơi Người, như là thánh Tô-ma, hai môn đệ trên đường Emmau và thánh nữ Maria Magdala, sự lớn lên của đức tin, niềm hi vọng và đức mến, vốn là hoa trái của ơn an ủi thiêng liêng (Linh Thao 316). Được làm mới lại như thế, chúng ta sẽ sẵn sàng lắng nghe mỗi sáng những lời hướng chúng ta tới ngày sống đang đến: “”Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 21-22).
* * *
Tuy nhiên, tất cả vẫn chưa được hoàn tất vào lúc ra khỏi Linh Thao: một định hướng đã có, một dự án đã hình thành, nhưng còn phải đưa vào trong thử thách của cuộc sống. Những phản kháng bên trong và bên ngoài sẽ đến gây khó khăn. Những ngăn trở bất chợt có thể sẽ làm cho dự án thất bại; những ngăn trở này có thể đến từ chính Giáo Hội, như thánh I-nhã đã có kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong thành công cũng như trong thất bại, những ai biết trở lại với Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, sẽ nghiệm được rằng, con đường của đời sống thiêng liêng không bao giờ là một ngõ cụt.
———
Nên đọc:
– Pl 3, 1-17
– Các trình thuật Thương Khó
– Những trình thuật Phục Sinh
(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)