00000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000

“Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa” (Linh Thao 234). Không có con đường nào khác để đi đến với Chúa ngoài con đường “thực thi ý Ngài”. Thánh I-nhã không phải là người đầu tiên nói về điều này. Nhưng điều làm nên đặc nét trong linh đạo của Ngài, đó là khi, vào thời đại của mình, ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “tìm kiếm và tìm ra” ý muốn của Thiên Chúa và khi ngài đề nghị những phương cách để đạt được.

Đối với chúng ta, ý muốn của Thiên Chúa được nhận ra một phần bởi lề luật. Nhưng ngày nay, cũng như vào thế kỷ XVI, biên giới giữa sự thiện và sự dữ không luôn luôn dễ dàng xác định. Và nhất là, có nhiều vấn đề liên quan đến số phận con người, vượt ra khỏi những phạm vi của điều được phép và của điều bị cấm đoán: lập gia đình hay không? Học ngành nào, theo đuổi sự nghiệp nào? Có nên sinh con không? Nhận hay không nhận một cam kết nào đó… ? Xưa kia, những vấn đề như thế được giải quyết bằng con đường quyền bính: đó là bản chất hay sức mạnh của sự việc, cha mẹ, các bề trên… Và quyết định của họ được hiểu như là ý Chúa. Thế mà, dù không bao giờ coi thường lề luật hay quyền bình, thánh I-nhã đã tìm ra con đường cho cuộc sống của mình, mà không nại đến quyền bính con người. Về điều này, thánh I-nhã là con người thuộc thời đại của chúng ta hôm nay.

Đặc biệt, bởi một cảm thức thiêng liêng, thánh I-nhã không chấp nhận luật hay quyền bính được áp đặt từ bên ngoài. Luật chỉ có thể được thực hành khi luật được yêu mến, ý muốn của TC chỉ có thể được sống, khi được đón nhận như ơn huệ làm viên mãn những chờ đợi của tôi và nơi ơn huệ này, tôi nhận ra bàn tay của Đấng Ban Ơn, “ước ao trao ban chính mình Ngài cho tôi” (LT 234)

Tóm lại, ý muốn của Thiên Chúa chỉ có thể được tìm thấy trong kinh nghiệm gặp gỡ Người, trong kinh nghiệm về Người. Đó chính là nguyện vọng lớn lao của thánh I-nhã.

Thế mà, để chuẩn bị mình cho kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, cuộc gặp gỡ mà chính Thiên Chúa đi bước trước, thánh I-nhã đề nghị một phương tiện thông thường nhất và trường lớp nhất: bài tập. Vẫn là điều lớn lao được chứa đựng trong điều nhỏ bé!

Tất cả chúng ta đều biết một bài tập là gì: một khoảng khắc của cuộc sống, diễn ra trong một thời gian và một nơi chốn, có khởi đầu và có kết thúc. Bài tập diễn ra trong một nơi chốn được xác định: bàn làm việc, trước tấm bảng đen, phòng tập thể dục, sân vận động, nhà nguyện hay “góc cầu nguyện”… Bài tập được áp đặt hay được đề nghị bởi người điều động, nhà giáo, sách giáo khoa, người đồng hành thiêng liêng… Sau khi làm xong bài tập, người ta nhìn lại, đọc lại, chỉnh sửa. Cuối cùng, để đạt được sự thông thạo hơn nữa, các bài tập cần được làm đi làm lại.

Linh thao (bài tập thiêng liêng) cũng không có khác biệt: đề nghị, thực hiện, đọc lại, lập lại. Nhưng bài tập này là thiêng liêng. Thân thể có vai trò của nó, nhưng là để phục vụ cho tinh thần. Bài linh thao bao gồm những hoạt động thể lí, nhưng để hướng các giác quan vào nội tâm, nơi đó có những lãnh vực chưa được khai phá. Bài Linh Thao dựa trên một biến cố ngoại tại, chẳng hạn, một lời nói của Chúa, một trình thuật Tin Mừng, một thời gian sống, một ngoại cảnh, một bài đọc, một bộ phim, nhưng sao cho biến cố ngoại tại thấm sâu vào con tim và sao cho người tập luyện có thể quan sát được những ảnh hưởng mà biến cố này tạo ra trong tâm hồn và rút ra ích lợi.

Bài Linh Thao, tương tự như bài tập thể lý hay bài tập ở lớp học, nhằm đạt được một kết quả, được nhận ra khi đọc lại giờ cầu nguyện. Khi đó, chúng ta nhận ra rằng không gian và thời gian nội tâm là nơi chốn diễn ra các biến cố, có tầm quan trọng vượt xa những gì chúng ta được yêu cầu thực hiện. Khi đó, những khuynh hướng và những sức mạnh được bộc lộ và con tim của con người là nơi chốn diễn ra sự xung đột giữa các khuynh hướng và sức mạnh này. Sức mạnh sự sống lôi thúc đẩy con người hướng về “phía trên”, sức mạnh sự chết lôi kéo con người hướng về “phía dưới”. Và nhất là hành động của Thiên Chúa được tỏ bày, Đấng đi đến tận cùng để gặp chúng ta trong những phản kháng và những nỗi lo sợ sâu kín đến độ, vào một lúc nào đó, con người cảm thấy rằng, “Thiên Chúa thông truyền một cách tự do và không cần trung gian cho tạo vật của mình, và tạo vật với Đấng Tạo Hóa của mình” (Linh Thao 15). Đó chính là hoa trái cần đón nhận.

Trước khi thực hiện kinh nghiệm linh thao, nhiều người cảm thấy dị ứng với những lời khuyên và những cách thức thánh I-nhã ghi lại khắp nơi trong sách Linh Thao: các cách cầu nguyện, những tư thế khác nhau, kiểm soát hơi thở, đặt khung cảnh, xin ơn, thao luyện các khả năng tinh thần, áp dụng ngũ quan… Những người này nghĩ rằng tự do và tự phát sẽ bị bóp nghẹt trong hành trình Linh Thao. Đúng là có một hình thức kỉ luật trong cầu nguyện. Nhưng kết quả của cầu nguyện không phải đến từ những nỗ lực của chúng ta, như thể đó là qui trình kĩ thuật thuần túy. Hơn nữa, khi thao luyện, những nỗ lực của chúng ta dần dần trở nên dễ dàng và tự nhiên. Hoa trái, là chính Thiên Chúa trao ban một cách tự do. Những cách thế được thánh I-nhã đề nghị chỉ có mục đích chuẩn bị mình để đón nhận.

Tôi sẽ chẳng bao giờ nói được trong sự thật: “Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa”, nếu, ngày qua ngày và trong sự kiên nhẫn, tôi không chuẩn bị con tim của tôi một cách khiêm tốn để cho Chúa hành động.

——

Nên đọc:

  • 1Cor 9, 24-27: “Trong sân vận động, mọi người đều chạy”
  • 2V 5, 1-11: “Hãy đi tắm bảy lần dưới sông Gio-đan”

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

6 + 7 =