000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000

Trong những bài học mà Chúa đã dạy ở Manresa, thánh I-nhã nói về bài học thứ tư như sau: “Trong lúc cầu nguyện, ông thường nhìn thấy trong một lúc lâu, bằng con mắt nội tâm, nhân tính của Đức Ki-tô. Ông thấy như một vật thể trắng, không lớn lắm cũng không nhỏ lắm, nhưng ông không phân biệt được các phần thân thể” (Tự Thuật, 29). Và ở những nơi khác, “làm như ông thấy một vật thể tròn và lớn, hình như bằng vàng, ông thấy như vậy khi rời đảo Syp cho đến lúc tới Jaffa” (Tự Thuật, 44); và vào lúc cuối đời: “ngay cả hiện giờ, cha vẫn có nhiều thị kiến như đã nói trên, tức là cha thấy Đức Ki-tô như mặt trời” (Tự Thuật, 99). Do đó, việc nhìn thấy như thế bằng “con mắt nội tâm” xẩy ra rất nhiều lần, không chỉ ở Manresa, nhưng còn trên hành trình đi Giêrusalem nữa. Và trong trường hợp này, chúng ta thấy rằng, Đức Ki-tô đến khích lệ thánh nhân vào những lúc ngài bị bỏ rơi, không được bảo vệ, đau khổ, bị hành hạ…

Cuối cùng, trước khi đến Roma với hai người bạn, trong một nhà thờ ở ngoại thành, “Vào một ngày kia, khi còn cách Roma khoảng vài dặm và trong lúc ông ta đang ở trong một nhà thờ và cầu nguyện, ông ta cảm thấy có một sự thay đổi rất lớn lao và nhìn thấy cách rất rõ ràng rằng Thiên Chúa Cha đặt ông ta với Đức Kitô, Con của Người” (Tự Thuật, 96). Một chứng nhân của những lời kể đầu tiên, đến từ chính thánh I-nhã, đã nói thêm: “Ngài nói với tôi rằng, mình dường như thấy Đức Ki-tô với cây thập giá trên vai và Chúa Cha đứng bên cạnh; Chúa Cha nói với Đức Ki-tô: Ta muốn con nhận người này làm người phục vụ. Và Đức Giê-su đón nhận thánh nhân và nói: Ta muốn con phục vụ chúng ta”.

Từ những lời kể này, cũng như từ hành trình Linh Thao, chúng ta có thể kết luận rằng, linh đạo I-nhã là linh đạo qui Ki-tô. Đó là một điều hiển nhiên, nhưng lại không làm nên điều đặc thù, bởi vì có nền linh đạo Ki-tô giáo nào mà lại không qui về Đức Ki-tô? Bù lại, điều dường như đặc trưng cho tư tưởng của thánh I-nhã, là chiêm ngắm Đức Ki-tô trong nhân tính của Ngài, như là một Người Bạn Đường, “companero de camino”, trên hành trình hướng về Chúa Cha. Linh đạo I-nhã qui về Đức Ki-tô, nhưng theo cách thức của một người cùng đi với Người.

“Cùng với Ta”. Ngày nay, mỗi người chúng ta có thể nghe tiếng gọi mà các môn đệ đầu tiên đã nghe: “Ý ta là muốn chinh phục cả thế gian và mọi kẻ thù địch, và nhờ thế mà vào vinh quang của Cha ta; bởi vậy, ai muốn theo Ta, phải lao nhọc cùng Ta, để khi đã theo ta trong gian khổ, cũng được theo Ta trong vinh quang” (Linh Thao 95). Chúa mời gọi chúng ta chia sẻ đời sống riêng tư của Ngài như đã mời gọi các môn đệ đầu tiên: « Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy » (Ga 1, 36). Tuy nhiên, giản lược tương quan thân mật vào những thời điểm đặc biệt, có lẽ không phải là chia sẻ trọn vẹn. Đức Ki-tô còn mời gọi: “Hãy theo Ta”; và khi đi trên đường, chúng ta được mời gọi đặt mọi sự làm của chung: làm việc và nghỉ ngơi, niềm vui và lao nhọc. Có lẽ, thánh I-nhã đã nhớ lại công thức của riêng thánh Mác-cô, vào lúc Đức Giê-su thiết lập nhóm Mười Hai: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3, 4).

Ngay cả cách cầu nguyện được đề nghị trong Linh Thao, cũng được trình bày như là con đường phải dõi theo. Thật vậy, trong Linh Thao, hiếm có những mầu nhiệm “tĩnh” được đề nghị chiêm niệm. Nhưng hầu hết đó là “con đường” (Linh Thao, 112, 158, 161…). Đặc biệt khi chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô trong Tuần III, toàn bộ nội dung được trình bày như là một chuỗi hành trình, đi từ nơi này đến nơi khác, như là “Đàng Thánh Giá” (Linh Thao, 190-208). Người làm Linh Thao luôn được mời đi cùng với Đức Giê-su.

“Cùng với Ta trong lao nhọc… trong gian khổ”. Như thế, chúng ta không được ảo tưởng, bởi vì, “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó.Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7, 13-14). Đó là con đường Đức Giê-su đã chọn; và Ngài nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 16, 13). Chúng ta không thể chọn Đức Ki-tô, nhưng lại không chịu lên đường; khi đó, gian khổ và lao nhọc sẽ đồng nghĩa với buồn sầu. Đối với những người yêu mến Đức Ki-tô, ngược lại đó là “niềm vui hoàn hảo”, như thánh Phanxicô Assisi đã nói. Và đối với thánh I-nhã cũng như thế. Chọn Đức Ki-tô là chọn cả một Con Đường: “Tôi muốn và tôi chọn sự nghèo khó với Đức Ki-tô nghèo khó hơn là sự giàu sang, sự sỉ nhục với Đức Ki-tô chịu sỉ nhục hơn là danh vọng, và ước ao được coi là vô tích sự và điên dại vì Chúa Ki-tô, Đấng đã bị coi như thế trước, hơn là được coi như người thông thái, khôn ngoan ở thế gian này” (Linh Thao 167).

 Nhưng, chúng ta cần chú ý: lựa chọn này đến sau quyết định đi theo Đức Ki-tô: tiên vàn là phải ở lại với Ngài, bởi vì Ngài yêu mến tôi và vì Ngài muốn chọn tôi. Như thế, chúng ta chẳng có gì phải lên chương trình cả. Và nếu, thỉnh thoảng tôi sợ hãi, tôi khiêm tốn hướng về Đức Giê-su và thưa với Người: “Lạy Chúa, xin đừng để con xa lìa Chúa”.

Có một ngày, thánh I-nhã ghi lại: “Lạy Chúa, Chúa muốn đem con đi đâu?” Và “Lạy Chúa của con, khi đi theo Chúa, con không thể đi lạc được” (Nhật Ký Thiêng Liêng, 113-114)

———-

Nên đọc:

  • Ga 1, 35-42: “Họ ở lại với Ngài”.
  • Lc 5,1-11: “Họ bỏ mọi sự mà theo Ngài”
  • Ga 21, 1-19: “Người khác sẽ dẫn anh đi…”

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

5 − two =