00001

Chúng ta phải hiểu như thế nào câu đầu tiên của sách Linh Thao (LT): “Con người được tạo dựng để ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn của mình” (LT 23)?

Phải chăng đó là một điều luật? Nếu đó là một điều luật, thì luật này sẽ lên án tôi. Bởi vì, toàn bộ đời sống của tôi buộc phải hướng về việc ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa. Thế nhưng, đời sống của tôi không luôn luôn hướng về cứu cánh như thế; và hệ quả là tôi sẽ mất linh hồn! Hiểu như thế, bản văn mở đầu sách Linh Thao sẽ mở ra trước mặt chúng ta cả một vực thẳm mặc cảm tội lỗi!

Nhưng, đó không phải là một điều luật; hoặc, nếu đó là điều luật, thì đây là một điều luật đặc biệt, như thánh I-nhã viết trong phần dẫn nhập của Hiến Pháp Dòng Tên (HP): “luật nội tâm của bác ái và tình yêu mà Thánh Linh viết và in trong tim … “ (HP 135). Nhưng, chúng ta đừng vội nói tới tình yêu và Chúa Thánh Linh; bởi vì, trong Linh Thao, đó là “Nguyên lý và nền tảng” của sự sống con người, nói cách khác đó là lòng ước ao Thiên Chúa.

Đó cũng là chữ đầu tiên của sách Tự Thuật (TT), mà thánh I-nhã kể lại để cho thấy cách thức Chúa đã dẫn dắt ngài: Người ấy có “một ước ao lớn lao và phù vân kiếm tìm danh tiếng” (TT 1). Lòng ước ao này không phải là, và còn cách xa lắm, lòng ước ao “ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta”. Nhưng khởi đi từ lòng ước ao ban đầu này, Thiên Chúa đã nắm bắt thánh nhân.

Thánh I-nhã là một con người ước ao. Nhưng đâu phải chỉ có thánh I-nhã mới có lòng ước ao, nhưng là “con người” (chữ đầu tiên của Nguyên Lý và nền tảng), nghĩa là mọi người, đều có lòng ước ao. Bao lâu con người chưa đạt tới đích, con người luôn ở trong một chuyển động, và điều làm cho con người chuyển động, đó chính là lòng ước ao. Ước ao sống, ước ao sống còn, ước ao vượt qua chính mình. Con người tự ấn định cho mình những mục tiêu, nhưng một khi những mục tiêu này đạt được, con người vẫn không thể lưu lại trong nghỉ ngơi, no thỏa và an vui.

Điều đó là gì, nếu không phải là, ở bên kia sự đa phức của các ước ao, con người bị “dày vò” bởi một ước ao duy nhất, đó là ước ao Đấng Duy Nhất? Con người là ước ao, bởi vì con người được tạo dựng bởi một Đấng Khác, và vì con người được lôi kéo, được thu hút bởi Đấng Khác, ngay cả khi con người không biết đến.

Con người chia sẻ sự khắc khoải này với toàn thể tạo vật: vật chất đổi dời, thảo mộc lớn lên, sinh vật được thúc đẩy bởi bản năng. Nhưng con người, con người có khả năng ý thức về năng động ước ao làm chuyển động mọi sự:

Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. (Rm 8, 19-22)

Không có gì là Thiên Chúa, nhưng tất cả mọi sự đến từ Thiên Chúa và mọi sự khát khao Thiên Chúa. Vì thế:

Những điều khác trên mặt đất được tạo dựng cho con người để giúp con người trong việc theo đuổi cùng đích vì đó con người được tạo dựng.
(LT 23).

Kinh nghiệm thiêng liêng đầu tiên của thánh I-nhã chính là hành trình đưa ra ánh sáng ước ao nền tảng này. Thật vậy, trong thời gian dưỡng thương, thánh nhân mơ ước làm những điều lớn lao để phục vụ một công nương thuộc hàng quí tộc. Đồng thời, thánh nhân cũng đọc những sách kể về cuộc đời Đức Ki-tô và cuộc đời của các thánh. Dần dần, những câu chuyện mà ngài đọc đến gặp gỡ lòng ước ao muốn trổi vượt của ngài: “Giả như tôi làm những điều thánh Phanxicô và thánh Đa-minh đã làm thì sao?” (TT 7). Ngang qua dấu chỉ niềm vui diễn ra trong tâm hồn, khi ngài dự tính muốn bắt chước các thánh, ngài đã nhận ra điều gì đó thuộc về ước ao nền tảng; và sau khi bình phục, ngài rời bỏ gia đình, của cải, y phục để bước đi trên con đường của người hành hương.

Đời sống của Đức Ki-tô và gương lành của các thánh là những điểm qui chiếu đầy ý nghĩa: Đức Ki-tô, bởi vì Người hội tụ ở bản thân mình mọi ước ao của toàn thể tạo vật; các thánh, bởi vì các ngài là những ngọn đèn soi đường: các ngài đã tìm kiếm để tìm thấy, các ngài đã tìm thấy để lại mặc lấy một sức mạnh vươn tới mới trong hành trình tìm kiếm Thiên Chúa. Như thế, linh đạo I-nhã mở ra cho ai có lòng ước ao. Khi được cuốn hút bởi viễn tượng thực hiện một công trình lớn lao hay trổi vượt trong việc phục vụ một giá trị cao quí, người này sẽ được mời gọi “chăm chú nhìn ngắm Đức Ki-tô, Vua Hằng Sống, và trước mặt Người, cả thế giới; Người kêu gọi hết thảy và từng người một…” (LT 95). Và một cách cụ thể, người này chấp nhận dừng lại, tách mình, trong một thời gian, khỏi những tương quan và những bận tâm đời thường, “để chăm chú tìm kiếm điều họ hằng mong ước” (LT 20).

Nên đọc:
– Tv 42-43 (41-42) ; 63 (62) ; 84 (83): ước ao Thiên Chúa.
– Rm 8, 18-30: ước ao của tạo vật.

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

2 Responses to Linh Đạo I.Nhã (1): Lòng Ước Ao

  1. Mình đã mong đợi và cuối cũng cũng gặp được ,

Leave a Reply

Your email address will not be published.

ten + 11 =