Tạm thời cách ly với những người thân, công việc và những mối bận rộn để đi làm Linh Thao (LT 20) dường như là một quyết định tầm thường, nếu đem so sánh với sự thay đổi tận căn về đời sống của thánh I-nhã. Tuy nhiên, có một điểm chung giữa hai quyết định: ai đã nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất và rằng mọi tế bào trong thân thể của mình đều hướng về Ngài, thì không thể cất công tìm kiếm Ngài mà không thực hiện một hành vi đoạn tuyệt với thế giới, ít nhất là ở bình diện tâm cảm.
Hơn nữa, không phải là một Giê-su hữu (tu sĩ Dòng Tên) dày dạn, hay một người đã thực hiện kinh nghiệm tháng Linh Thao, nhưng là một người trẻ đến xin vào Dòng Tên, mà thánh I-nhã trình bày điều cốt lõi nhất trong linh đạo của ngài:
Nhờ chê ghét hoàn toàn chứ không phải chỉ vì một phần, tất cả những gì thế gian yêu mến và tha thiết, lại nhận lấy và hết sức ước ao tất cả những gì Chúa chúng ta là Đức Ki-tô yêu mến và tha thiết. Vì như người đời theo đuổi những gì phàm tục, yêu thích và mải mê tìm kiếm vinh dự, danh thơm tiếng tốt trên đời, như thế gian dạy bảo họ, thì những ai bước đi, trong Thánh Thần và sự thật, theo Chúa chúng ta là Đức Ki-tô, cũng phải mãnh liệt yêu mến và ước ao ngược lại, nghĩa là mặc lấy cùng thứ quần áo và trang phục hạng tôi tớ mà Người đã mặc, vì kính trọng và yêu mến Người… vì Người là đường dẫn đưa con người đến sự sống. (HP 101)
Đọc những hàng chữ này một cách hời hợt, người ta có thể bỏ qua, vì nghĩ rằng: “ lối sống này dành cho các tu sĩ, chứ không phải dành cho tôi”. Tuy nhiên, chúng ta hãy đọc lại thật kỹ đoạn văn này của thánh I-nhã và kết nối với Tin Mừng, nhất là với lời mời gọi này của Đức Giê-su, ngõ với các môn đệ và đám đông:
Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? (Mc 8, 34-36)
Chúng ta hãy cân nhắc thật cẩn thận những từ ngữ “ước ao”, “yêu mến” và “tha thiết” (dịch sát chữ, là “ôm ấp”). Đó những từ ngữ của tình yêu. Tiếp đến, chúng ta được mời gọi nhìn vào thế giới.
Từ ngữ “thế giới” được nói tới ở đây, không được hiểu theo nghĩa công trình sáng tạo mà chính Thiên Chúa phải thốt lên là “rất tốt đẹp” (St 1, 31) và nơi đó, thánh I-nhã nhìn thấy điều được dựng nên “để giúp con người đạt tới cùng đích của mình” (LT 23). “Thế giới” ở đây được hiểu là thế gian.
Thế giới, hiểu theo nghĩa thế gian, là đền thờ của những ảo tưởng và lừa dối, của một cuộc sống theo vẻ bề ngoài, là nơi người ta được đánh giá bởi điều họ thể hiện ra bên ngoài và là nơi con người không ngừng bị buộc phải sống bằng những thể hiện bên ngoài. Đó là những gì? Đó là tiền bạc, xe cộ, trang sức, tiệc tùng, tự do luyến ái, sự nghiệp… Con người bị kẹt vào trong bánh răng cưa của sự tranh đua: ai không nghiền nát, sẽ bị nghiền nát. Người ta tìm cách tôn vinh mình, không phải từ điều mình là, nhưng từ điều mình có hay muốn có. Rõ ràng là giả dối!
Ở đằng sau tất cả những sự điên cuồng này, Đức Giê-su mặc khải cho chúng ta biết đó là “thủ lãnh thế gian”: “Nó đã là tên sát nhân”. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8, 44). Sự giả dối sẽ dẫn đến sự chết; và đó chính là những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta. Bởi vì, cuộc chạy đua lao vào chốn hư vô diễn ra rất nhanh, đến độ nó đã làm ra những sản phảm của sự chết: thuốc kích thích (thuốc lắc), rượu mạnh, thuốc phiện, trầm cảm… Và khi thế giới của những vẻ bề ngoài bị sụp đổ, nhiều người đã không có lối thoát nào khác ngoài việc tự tìm đến cái chết.
Thế giới, hiểu như thế đó, một đàng làm cho chúng ta kinh sợ, đàng khác lại bao quanh và xâm lấn chúng ta tứ phía. Chúng ta không muốn nó, nhưng nó muốn cầm giữ chúng ta. Thế mà, không phải thánh I- nhã đã phát hiện ra “hai con đường”: “sự sống và hạnh phúc, sự chết và sự dữ” (Đnl 30, 15), và cũng không phải thánh I-nhã đã nói: “không ai có thể phục vụ cho hai chủ cùng lúc, Thiên Chúa và Tiền Tài (Mt 6, 14). Phải chọn lựa. Khi chọn lựa “con đường dẫn đến sự sống”, các thánh đã xem trọng lời mời gọi của Chúa. Còn chúng ta, chúng ta không thể đùa giỡn với điều này, bằng cách nhảy qua nhảy lại từ đường này sang đường kia, như thể chúng ta chơi ca-rô, bởi vì chúng là những con đường khác nhau, không giao nhau hay đồng qui.
Khi chọn lựa bắt chước các thánh, thánh I-nhã muốn trở thành môn đệ của Đức Ki-tô. Khi đề nghị chúng ta lui lại để đi vào Linh Thao, ngài đặt chúng ta trên “con đường dẫn đến sự sống”.
Rời bỏ “Quê Hương! Đó không phải là một lựa chọn nhiệm ý. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện đầu tiên.
* * *
Nên đọc:
– Linh thao, số 20
– Kinh Thánh : St 12, 1-9 ; Đnl 30, 15-20; Lc 9, 22-25
(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ)
Trong mùa Chay con đã đọc bài này rồi ,con đợi từ đó đến giờ để được đọc phần tiếp theo ………….