CURA PERSONALIS[1]

Peter-Hans Kolvenbach S.J.
Nguyên Bề Trên Cả, Dòng Tên

Nét tiêu biểu của đặc sủng I-nhã là luôn [đặt ta] ở trong tư thế chuyển động. I-nhã thích diễn tả điều này bằng cách sử dụng lối so sánh: ngài viết trong Hiến Chương (HC 52) rằng mọi sự phải được quyết định vì vinh quang và để ca tụng Chúa hơn. Một điều gần như quá phổ biến, và thường được hiểu cách không đầy đủ, đó là trạng từ “más” – “magis”, vốn là từ khiến chúng ta chỉ ước ao và chọn lựa những gì dẫn chúng ta “hơn” tới cùng đích mà vì đó ta được dựng nên (LT 23). Để duy trì động lực thiêng liêng và sức năng động tông đồ theo hướng “hơn nữa”, I-nhã đã ghi trong Hiến Chương một loạt những dằng co và căng thẳng vốn không cho phép ta dừng lại hay hài lòng với những gì đã đạt được. Chính qua những căng thẳng này, ta được thúc đẩy để làm hơn nữa, hay đúng hơn để Chúa làm hơn nữa, trong chúng ta và với chúng ta. Mối căng thẳng đòi buộc nơi đời sống hoạt động tông đồ và được sống trong việc chiêm ngắm các mầu nhiệm Chúa Ki-tô là một mối căng thẳng nổi bật và phổ biến. Trong Hiến Chương, ta thấy rõ mối căng thẳng này nằm giữa niềm đam mê tìm kiếm cái phổ quát, cho toàn thế giới – vì ‘quanto más universal es más divino’ (“lợi ích càng phổ quát bao nhiêu thì càng linh thánh bấy nhiêu”) (HC 622) – và nỗi bận tâm đưa sứ vụ của mình vào phục vụ cho lợi ích của một nơi cụ thể nhất định. Hãy suy nghĩ cách phổ quát và hãy hành động cách cụ thể (think globally and act locally): thánh I-nhã đã muốn sống điều này như một mối căng thẳng có tính nội tại. Một căng thẳng khác cũng được đề cập trong bối cảnh này đó là căng thẳng giữa sự nghèo khó được chọn lựa với tất cả sự tận căn của nó noi theo sự tự hủy của Chúa Con, và sự nghèo khó thực tế mà chúng ta đang sống. Trong việc dấn dân phụng sự Chúa cách cụ thể, chúng ta được mời gọi hướng tới một cung cách và một mức sống mà chúng ta chẳng bao giờ đạt tới, nhưng luôn đòi chúng ta phải bắt đầu và bắt đầu lại.

Chủ đề của bài viết, “cura personalis” (‘chăm lo cho từng cá nhân) cũng thuộc về những căng thẳng này của nguồn hứng I-nhã, nguồn hứng thúc đẩy ta đến chỗ “hơn nữa”. “Cura personalis” vừa là đặc nét của đồng hành thiêng liêng, vừa là cấu tố của nền giáo dục và huấn luyện của Dòng Tên. Mối căng thẳng chứa đựng trong “cura personalis” có thể được mô tả như thế này: chính I-nhã kinh nghiệm thấy rằng trên đường đến với Chúa, mỗi người cần “cura”, tức sự trợ giúp của bạn đồng hành, ngay cả khi hành trình thiêng liêng này, vốn diễn ra trong Thánh Thần là Đấng rất riêng tư, mang tính: “cura personalis”. Để khám phá ý nghĩa của cụm từ này, chúng ta hãy lần theo các “chú dẫn” ở đầu cuốn Linh Thao. Theo tiếng Latinh, những chú dẫn này là những “ghi chú”; nếu là những “ghi chú”, thì chúng phải giải thích cho một bản văn nào đó, nhưng trong bối cảnh này I-nhã đâu để lại cho chúng ta bản văn nào, thế nên hầu chắc “bản văn” ở đây chỉ là cuộc gặp gỡ, nói chuyện riêng mà I-nhã dành cho từng thao viên trước khi cuộc Linh thao thực sự bắt đầu. Dĩ nhiên, cần phải xác định rõ bản chất của mối quan hệ này – “cura” – giữa I-nhã và cá nhân thao viên. Thay vì dành cả một thiên khảo luận hay một nghiên cứu thấu đáo cho việc này, I-nhã bằng lòng với việc dùng một vài ghi chú giúp làm nổi bật những điều trọng yếu.

HeartnHomeSpiritual-Care

Trước hết, I-nhã đã nhấn mạnh tính chất cá vị của “cura personalis”. Thật vậy, ngay cả trong việc chọn từ ngữ, I-nhã cũng đã khước từ tất cả những thuật ngữ chuyên môn, mang tính thể chế. Đây không phải là từ ngữ của một vị linh hướng đứng trước một người mới tập tành đường nhân đức, cũng chẳng phải từ ngữ của một người giúp tĩnh tâm đứng trước một người tĩnh tâm. “Cura personalis” được diễn tả ra nơi hành vi “cho” và “nhận” của con người, một hành vi của việc trao tặng và kế đó là tiếp nhận. Một tương quan hai chiều được thiết lập giữa người cho và người nhận các bài Linh thao. Trao cho thao viên sách Linh Thao hay bản tóm các bài Linh Thao thì chưa phải là cho Linh Thao. I-nhã chỉ trao sách Linh Thao cho những người đã làm Linh thao, người mà giờ đây muốn có sự trợ giúp của bản văn để họ có thể cho Linh Thao. Toàn bộ truyền thống I-nhã nhấn mạnh rằng “cho Linh Thao” không phải là vấn đề thông truyền một mớ kiến thức hay giáo thuyết, cũng không phải là việc áp đặt một phương pháp hay những ý tưởng riêng của mình, nhưng là trao cho thao viên những mầu nhiệm về cuộc đời và con người Đức Ki-tô để chính người ấy có thể tự mình đón nhận lấy những mầu nhiệm ấy vào trong lịch sử riêng của đời họ. Do đó, người cho Linh Thao buộc phải xóa mình, không biến mình thành rào cản, không thêm thắt điều này điều kia; còn người làm Linh Thao được khích lệ để hành động và đáp trả cách cá vị trước quà tặng mình nhận được, không bằng lòng với việc dừng lại ở bề mặt nơi những ấn tượng và cảm xúc nhưng biết cảm nếm bề trong món quà nhận được, và thưởng thức nó trong chiều sâu của chính mình (LT 2).

Chính ở điểm này mà một chú dẫn ít được tuân thủ nhất suốt bao thế kỷ xuất hiện. “Cura personalis” sẽ không còn là nó một khi người cho Linh thao ngăn cản người nhận Linh thao tự mình quyết định và hành động, vì khi ấy “cura” đã biến thành một thứ chỉ dẫn mang tính áp đặt, hay thành một mớ những ý tưởng và sáng kiến riêng của người hướng dẫn. Ngay cả khi người cho Linh thao thật sự giỏi giang, đã được đào tạo kỹ càng cho tác vụ này, hay ngay cả khi người ấy là người có kinh nghiệm sâu rộng với tài năng không thể phủ nhận, I-nhã vẫn muốn người ấy phải chừng mực, ngắn gọn, và trên hết trung thành với I-nhã cũng như tôn trọng người nhận Linh thao (LT 2). Một cách đặc biệt, ngày nay, nhiều người hướng dẫn Linh Thao được huấn luyện kỹ về nghệ thuật tư vấn và linh hoạt nhóm, về khoa chú giải Thánh Kinh và linh đạo, nên trên nguyên tắc họ có thể làm cho “cura personalis” được nên phong phú hơn nhờ những thành quả của các khoa học nhân văn đó. Thế nhưng, ngay từ đầu cuốn Linh Thao, I-nhã đã dám đòi hỏi người cho Linh thao phải từ bỏ sự phong phú về kiến thức và mọi hấp dẫn của tài hoạt náo thiêng liêng, để nhờ đó người nhận có thể tự mình suy ngẫm, làm việc như là tác giả của điều mà người đó ước ao và khao khát. Tất cả năng lực của người linh hướng phải nhằm làm sao để người thụ hướng trở thành tác giả, theo đúng từ nguyên của hạn từ Latin “autoritas”. Ngược lại, mọi thái độ có tính kiểm soát hay thuyết phục đều đưa tới nguy cơ lớn lao là làm cho cả “cura” và “personalis” ra vô nghĩa.

Nếu ta chuyển sự chú ý từ người cho Linh thao qua người nhận, ta sẽ ngạc nhiên khi thấy I-nhã không giải thích gì về sự kiện người bước vào hành trình Linh Thao tự đặt mình cách khá tự nhiên vào tư thế người nhận. Với I-nhã, điều đương nhiên là người nhận cần “cura personalis”, vì không ai có thể tự mình xoay sở. Tắt một lời, để lớn lên và tăng trưởng, chúng ta cần được giúp đỡ, và không muốn được giúp là tự đẩy mình đến chỗ trì trệ và suy thoái. Tuy nhiên, khi nhận ra rằng trên đường đến với Chúa, mình không thể thiếu “cura personalis” của bạn đồng hành thì không có nghĩa là mình buông xuôi, không làm gì cả. Trái lại, việc hướng tới người khác với sự quảng đại lớn lao (LT 5) và sự tự do hoàn toàn để được giúp đỡ, lạ lùng thay, lại là một cách tự giúp mình. Nghịch lý thay, việc xin người khác giúp đỡ lại đưa tôi tới chỗ tự đảm trách lấy điều mà chính tôi muốn. Lối diễn tả này được lặp đi lặp lại hơn mười hai lần trong cuốn Linh Thao. Nó được củng cố bởi một loạt những động từ phản thân, chỉ về một hành động vốn tác động trở lại trên chính chủ thể của động từ, chẳng hạn “xếp đặt chính mình”, “chỉnh đốn chính mình” (LT 18, 24), hay bản chất của việc “phản tỉnh trên chính mình” (LT 114). Rõ ràng, người nhận “cura personalis” là người có khả năng ước muốn và chọn lựa trong tự do và với lòng quảng đại. Như chính cụm từ này cho thấy, “cura personalis” là chăm lo cho từng cá nhân. Toàn bộ năng động của Linh thao đưa tới chỗ làm cho người nhận Linh thao biết đảm nhận lấy trách nhiệm, tức là có khả năng đáp lại điều Thiên Chúa muốn và ước ao cho họ. Trách nhiệm cá nhân này hoàn toàn không nhốt họ trong một tháp ngà. Sự nhấn mạnh đến “chính tôi” trong Linh thao càng không nhằm cổ võ và ủng hộ chủ nghĩa cá nhân thái quá. Trái lại, khi được hướng dẫn qua các bài thao luyện của tuần thứ nhất, ta nhận ra trách nhiệm của mình đối với những gì trong và quanh ta vốn bị phá hủy bởi tội lỗi mà ta có dự phần vào đó cách ý thức hay không ý thức. Chúng ta cũng cần phải có cùng một trách nhiệm cá nhân ấy khi Thiên Chúa, qua các bài thao luyện của tuần hai, muốn sử dụng ta để xây dựng một nhân loại mới, nhân bản hơn và thánh thiêng hơn. Do đó, “cura personalis” hướng người nhận Linh thao tới chỗ trở nên một lời đáp trả tự do và trên hết là cá vị trước Đấng kêu gọi mỗi người và kêu gọi mỗi người theo tên của họ, tới việc phục vụ lớn hơn, vì vinh quang lớn hơn cho Thiên Chúa. Vậy, một cách cụ thể, trong công việc của người cho Linh Thao, “cura personalis” hệ tại ở điều gì? Như luôn được thấy, I-nhã rất nhạy cảm trước sự khác biệt giữa các cá nhân – tuổi tác, văn hóa, sự trưởng thành về thiêng liêng, bậc sống (LT 18-20) – và thậm chí không loại trừ việc không cho họ làm Linh thao, ít là tạm thời. Từ điểm này, I-nhã gợi ý nhiều khả thể hữu ích khác bằng cách thích ứng Linh thao, thậm chí đến từng chi tiết, cho hợp với nhu cầu của người muốn làm Linh thao. Sự thích ứng với nhu cầu của từng người giả định rằng người cho Linh thao được thông tri cách trung thực về những cảm xúc và suy nghĩ đang thúc đẩy người nhận Linh thao (LT 17). Hơn nữa, người cho phải can thiệp nếu người nhận hoàn toàn không được thúc đẩy bởi an ủi hay sầu khổ nào (LT 6). Làm sao để trợ giúp trong trường hợp tâm hồn họ phẳng lặng khiến con thuyền [đời họ] không thể tiến lên hay chuyển động – việc xử trí trường hợp này đôi khi còn khó khăn hơn trường hợp ngược gió do ảnh hưởng của thần dữ, hay thậm chí cả trường hợp quá thuận buồm xuôi gió khi thần lành dường như là người cầm lái và định hướng. Trong tất cả những hoàn cảnh có nhiều luồng gió trái ngược này– nói theo ngôn ngữ của khoa khí tượng học – “cura personalis” là điều không thể thiếu. Khi ấy, theo I-nhã, người cho Linh thao phải can thiệp bằng cách đặt những câu hỏi. Trong cuộc trò chuyện hỏi han này, người cho không được tỏ ra khó chịu hay khắt khe (LT 7), nhưng phải khích lệ, soi sáng mọi điều mà thần lành hay thần dữ có thể khơi dậy trong lòng người nhận. Một sự trợ giúp lớn lao hệ tại ở việc lột mặt nạ những mưu mô của tên vốn là kẻ nói dối ngay từ lúc khởi nguyên (Ga 8, 44), là kẻ vẫn còn tiếp tục dụ dỗ và lừa dối chúng ta, thường bằng cách đội lốt “thiên thần ánh sáng” (LT 332). Theo như các chú dẫn thì “cura personalis” khi đó là “nhắc bảo” (LT 12), là “khuyên can” (LT 14), là “cẩn thận tìm hiểu và khuyến cáo” (LT 14).

Theo thánh I-nhã, để có “cura personalis” trước hết phải có một bầu khí tin tưởng lẫn nhau – một sự tin tưởng vốn luôn khó đạt được nhưng lại rất dễ mất đi. Vào thời điểm cải cách và chống cải cách [tin lành], chính I-nhã đã phải cho Linh thao trong một bầu khí đầy ngờ vực, trong một mối tương quan mà cuộc đối thoại dễ có nguy cơ bị đổ vỡ. I-nhã cũng đã có kinh nghiệm rằng thường ta có thể tự lừa dối chính mình, chẳng hạn khi ngài tin rằng Chúa muốn ngài ở lại vùng Cận Đông để tiếp tục sứ mạng của mình. Nhưng giữa những bấp bênh, ngờ vực như thế, I-nhã vẫn can đảm áp dụng “cura personalis” một cách đầy tin tưởng. Ngày nay cũng thế, chúng ta phải dám liều chấp nhận nguy cơ bị hiểu lầm và bị mất sự tín nhiệm vì người ta nghĩ rằng ta là cánh tả hay cánh hữu, và dán cho cái nhãn bảo thủ hay cấp tiến. Khi đó, như thánh I-nhã hướng dẫn trong LT.22,  ta cần cố gắng hiểu và giải thích tốt về tất cả những điều được nói ra, để người đang nói có thể nói ra bao nhiêu có thể thay vì kết án họ ngay lập tức. Điều tiên nhận tốt đẹp này phải chiếm ưu thế trong mọi sự, nhằm duy trì cuộc đối thoại đến tận cùng, vì lòng yêu mến tha nhân.

Một khi nguyên tắc này, một nguyên tắc đầy tin tưởng và nhân hậu, được I-nhã nêu ra cho “cura personalis“, ngài lại khéo léo vạch ra một số giới hạn trong các Chú Dẫn. Giới hạn đầu tiên là phải thực hiện “cura personalis” trong khuôn khổ chính xác của mối quan hệ song phương – giữa người cho và người nhận – tức là hai người trao đổi với nhau và tiếp tục cuộc đối thoại chỉ trong thời gian làm Linh thao mà thôi. Tuy nhiên, I-nhã cũng biết đến những tình huống hoàn toàn khác biệt khác và minh nhiên phân biệt “cura personalis” ngoài khuôn khổ của Linh thao với cái còn nằm trong khuôn khổ ấy. Ngoài khuôn khổ Linh thao, người đồng hành thiêng liêng có thể và nên khuyên người khác chọn đời linh mục hay đời thánh hiến (LT 15). Còn khi làm Linh thao, thao viên phải trở nên thực sự tự do, nhờ đó Thiên Chúa có thể sử dụng họ, và do đó người cho Linh thao không nên khích lệ thao viên tới chỗ mà chính Thiên Chúa không kêu gọi. Vì cùng lý do đó, cũng có giới hạn đối với nhu cầu muốn biết về người đang cần có “cura personalis“. Người cho Linh thao cần phải đặt nhiều câu hỏi và biết chi tiết để có thể thực sự giúp người nhận (LT 6). Nhưng I-nhã muốn rằng khi thu thập những thông tin này, người đồng hành phải để mình được hướng dẫn bởi lòng kính trọng sâu xa đối với người mình tháp tùng, và không nên ước ao hỏi hay biết về những suy nghĩ riêng tư lẫn những tội lỗi của đương sự (LT 17).

Tuy nhiên, người cho Linh thao sẽ không thể đảm bảo việc “cura personalis” nếu không được thao viên cho biết về những thôi thúc và xao động mà thần lành hay thần dữ khơi dậy trong lòng họ. Đúng là “cura personalis” trong phạm vi Linh thao cấu thành một trường hợp đặc thù, một tình huống ưu việt, nhưng theo tập quán của những Giêsu hữu đầu tiên, thì nguyên tắc ấy và những giới hạn phát xuất từ đó vẫn được duy trì, để làm sao cống hiến “cura personalis” cho nhau trong tương quan liên vị, tùy theo cách thức mà mỗi người ước muốn và cởi mở chính mình. Sách Linh thao không đề cập đến điều này, nhưng các Giêsu hữu đầu tiên đã tránh giảng cho những đám đông thính giả, từ bỏ lối nói của những nhà giảng thuyết để phục vụ cho việc đối thoại riêng tư. Lý tưởng vẫn là việc có sự trao đổi qua lại, trò chuyện giữa hai người. Chính qua trò chuyện mà I-nhã đã chinh phục được các bạn đường cho mình, và bằng trò chuyện mà I-nhã chuẩn bị cho người ta làm Linh thao; những cuộc trò chuyện này dù đã được định hướng cách rõ ràng nhưng vẫn giữ được đặc tính tự do của cuộc đối thoại. Ngày nay, dù những đóng góp của hoạt động nhóm, của việc giảng giải cho một nhóm đông người đã được nhìn nhận, vẫn cần một sự về nguồn trong cách cho Linh thao, tức là chuyển từ các cuộc tĩnh tâm có tính thuyết giảng qua các bài Linh thao được hướng dẫn cách cá nhân, cho dù “cura personalis” này có những hạn chế về số người tham dự. Đây là lý do tại sao chính I-nhã không trình bày kinh nghiệm Linh thao như một khối cố định để giữ hay bỏ, nhưng tùy theo sự ước ao và khả năng thực sự của mỗi người mà ngài tiên lượng cho Linh thao “nặng” hay “nhẹ” (LT 18-20),[2] để rồi tùy theo sự cởi mở của mỗi người mà họ được giúp hơn trên con đường đưa tới Chúa. Khi đẩy mạnh tối đa “cura personalis“, I-nhã mở lối cho cái được gọi là “sự dân chủ hóa” kinh nghiệm Ki-tô giáo,[3] vừa bằng Linh thao được làm trong cuộc sống hằng ngày, vừa bằng việc mở rộng sứ vụ đồng hành thiêng liêng cho nhiều giới khác nhau, nhờ sự trợ giúp của những người được chuẩn bị kỹ càng cho đủ loại “cura personalis” nầy, và sẵn sàng cống hiến con người và thời gian của mình cho các việc ấy.

I-nhã vẫn tiếp tục nói đi nói lại với những người liên can đến “cura personalis” rằng lý do để người cho và người nhận Linh thao dấn thân vào cuộc đối thoại này là để tìm gặp Đấng Tạo Hóa, Đấng thông truyền chính mình cho người muốn trung tín với Ngài bằng sự gắn bó với Ngài trong tình yêu và lời ca tụng, bằng cách xếp đặt bản thân để bước theo con đường mà người đó có thể phụng sự Ngài hơn trong tương lai (LT 15). Dĩ nhiên người cho phải thấy mình có đủ những lời khuyên tốt lành, những ý tưởng thú vị về thần học, về chú giải Kinh Thánh và linh đạo, và hoàn toàn sẵn sàng giúp đỡ người nhận, đặc biệt khi người nhận cần sự trợ giúp đó. Thế nhưng, trong khoa sư phạm I-nhã, người cho cũng được mời gọi xóa mình đi, để Thiên Chúa có thể đối thoại trực tiếp với người nhận. Nhưng đôi khi, hay đúng hơn khá thường xuyên, chúng ta rất ít tin vào việc con người có thể đi vào cuộc đối thoại trực tiếp với Thiên Chúa. Với I-nhã, ngài có kinh nghiệm được “Thiên Chúa dạy dỗ” (Tự thuật 27), và đã nghiệm thấy nơi bản thân mình việc Thiên Chúa ước ao tự trao ban chính Ngài cho kẻ bước vào cuộc trò chuyện với Ngài bằng tất cả con tim, và mở rộng con tim để đón nhận Ngài. Do đó, phải chấp nhận sự thật rằng mối tương quan giữa người cho và người nhận bắt nguồn không chỉ trong tương quan giữa hai bên, nhưng còn trong việc ước ao một sự thông hiệp trực tiếp và hiệu nghiệm mà Đấng Tạo hóa muốn có với tạo vật (LT 15 và 231). Về bản chất, “cura personalis” chỉ đơn giản là sự trợ giúp của một người dành cho một người, để rồi Thiên Chúa và con người có thể thực sự gặp gỡ nhau. Nhưng ở Chú Dẫn cuối cùng (LT 20), I-nhã dám viết rằng một người càng thấy mình lẻ loi và tách biệt bao nhiêu, người đó càng làm cho mình nên thích hợp để đến gần Đấng Tạo hóa và Chúa mình, và kết hiệp chính mình với Ngài; và một người càng kết hiệp với Chúa bao nhiêu thì càng mở ra bấy nhiêu để đón nhận những ân sủng và quà tặng do sự tốt lành và toàn năng của Ngài. Chẳng phải điều này không đi ngược lại với cái mà ta nay đang tìm kiếm trong lòng Giáo hội vốn được quan niệm như “sự hiệp thông”, và trong nhiều hội đoàn mới mẻ sống động vốn nhìn nhận những lợi ích từ chiều kích cộng đoàn như một lời chúc phúc cho cuộc đời sao? Tuy nhiên, ngay từ đầu cuốn Linh thao, I-nhã khẳng định như một nguyên lý (LT 23) rằng tiên vàn, không phải nhân loại, xét như một tập thể, được tạo dựng để phụng sự Chúa, nhưng là mỗi người, xét như một cá nhân, được Thiên Chúa mời gọi, bằng chính tên riêng của mình, ngợi khen và phụng sự Chúa. Do đó, các cá nhân không bao giờ hoàn toàn bất đồng với nhau trong một cộng đoàn nơi mà “cái tôi” của từng người, sự tự do và ý muốn của từng người, được đề cao. Khi chung sức với Thiên Chúa Đấng ban phát sự tăng trưởng (1Cr 3,7), mỗi người đích thân là tác giả của sự lớn lên nơi mình, và người ấy nhận lấy món quà này cách cá vị từ Đấng là Chúa và là bạn, Đấng mà người ấy trò chuyện trong tư cách là bạn và là người phục vụ (LT 54). Khởi phát từ cuộc “chuyện trò thân mật” giữa người cho và người nhận, “cura personalis” đến đây đạt tới ý nghĩa tròn đầy trong Thiên Chúa, Đấng trước tiên phải được phụng sự trong mọi sự.

Có cần phải ngạc nhiên không khi thấy những tu sĩ đầu tiên của Dòng Tên và các vị kế nhiệm, sau khi được huấn luyện theo cung cách “cura personalis”, đã luôn ghi nhớ và áp dụng cung cách này vào từng chi tiết của những sứ vụ mang tính mục vụ và xã hội, giáo dục và trí thức, hay ít nhất cũng làm cho các sứ vụ ấy mang tính cá vị hơn? Từ thời đầu của Dòng, sứ vụ được ưu tiên là “rao giảng Tin Mừng”, nhưng được làm theo một cách thức khác với cách thức kinh viện. Hiến Chương khuyến khích việc nói chuyện theo kiểu một cá nhân với một cá nhân hơn kiểu một người với một đám đông dân chúng. Chính vì để thay đổi cung cách kinh viện này, “cura personalis” đã được áp dụng như một đặc nét của nền giáo dục của Dòng Tên. Bản Qui Chế Học Tập xuất bản năm 1599 rất quan tâm đến sự chăm sóc có tính cá nhân, tôn trọng ơn gọi của từng học sinh, và lịch sử riêng của từng người. Các nhà giáo dục và các giáo viên phải ghi nhớ rằng gương sáng đời sống riêng của họ góp phần giáo dục học sinh nhiều hơn lời họ nói. Họ phải yêu mến các học sinh, hiểu các học sinh cách cá nhân – “cura personalis” –, sống mối thân tình đầy tôn trọng đối với chúng. Sự hiểu biết cá vị này hẳn là sẽ giúp thích nghi thời gian, chương trình và phương pháp học theo nhu cầu của từng người. Đối với chúng ta, “cura personalis“, một khi được hiểu cho đến ngọn nguồn và được áp dụng cách đầy đủ và cụ thể, dường như trở nên điểm then chốt của Linh thao. Trong kinh nghiệm giáo dục của Dòng, “cura personalis” đã trở thành điểm then chốt của nền giáo dục theo kiểu I-nhã, một nền giáo dục bao hàm một khoa sư phạm được cá vị hóa; tuy nhiên điều trên chỉ trở thành hiện thực trong mức độ khả thi của nó, vì trong thực tế các cơ sở giáo dục của chúng ta luôn chịu nhiều áp lực từ bên ngoài, như nhà nước hay thị trường, ở khía cạnh làm sao để bằng cấp được nhìn nhận hay làm sao để được trợ giúp tài chính vốn là điều không thể thiếu. Chính sự nối dài của nguyên tắc “cura personalis” được thực hành trong Linh thao mà bản Qui Chế Học Tập – và những bản văn cập nhật hơn về đặc tính của nền giáo dục Dòng Tên – đã làm cho các trường học và đại học của Dòng không chỉ trổi vượt về kiến thức, chuyên sâu về nghiệp vụ, tiên tiến bậc nhất về nghiên cứu khoa học, mà còn đảm bảo việc huấn luyện con người toàn diện, để họ sống có trách nhiệm hơn trong dân Chúa và trong xã hội nhân loại. Phải thừa nhận rằng trong một môi trường phi nhân vị  –  nơi mà chỉ có các tín chỉ và kết quả học tập mới được nhà nước nhìn nhận và được thị trường hỗ trợ  –  thì “cura personalis” trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Vì, như Đức Giáo hoàng Benedicto nhắc nhở trong thông điệp đầu tay của ngài (s.33), không phải các ý thức hệ làm cho nhân loại tiến lên, nhưng là những con người được đánh động bởi tình yêu của Đức Ki-tô. Niềm xác tín này của Đức Thánh Cha liên hệ đến nhiều địa hạt khác nữa, chẳng hạn địa hạt hoạt động xã hội, nơi mà người ta dễ có nguy cơ lấy việc tổ chức quản trị thật tốt thay cho việc hiện diện giữa những người nghèo và sống chan hòa với họ. Khi thúc đẩy việc thực hiện “cura personalis“, I-nhã và các bạn đường của ngài đã muốn theo Đức Ki-tô, Đấng muốn được phục vụ cách cá vị nơi mỗi con người đau khổ, nơi mỗi người cần được Ngài giúp đỡ, bằng ách an ủi người đó “theo cách thức bạn hữu thường an ủi lẫn nhau” (LT 224).


[1] Bài phát biểu khai mạc của cha Nguyên Tổng quản Peter-Hans Kolvenbach tại phiên khai mạc khóa học “Đồng hành thiêng liêng trong truyền thống I-nhã” được tiểu ban Linh đạo I-nhã của Dòng tổ chức tại Rome, tháng 1-2 năm 2007.

[2] Nghĩa là cho làm đủ các bài linh thao hay chỉ cho làm một số bài linh thao mà thôi. Ngoài ra, còn có nghĩa là tạm ngừng mọi sinh hoạt đời thường để sống một mình với Chúa khi làm Linh Thao, hay vẫn sinh hoạt bình thường khi làm Linh Thao (ND).

[3] Nghĩa là tạo mọi điều kiện thuận lợi để bất cứ  ai, dù ở trong bậc sống nào, hoàn cảnh nàoi cũng có cơ hội hưởng nhờ hoặc thể hiện Cura Personalis, nếu họ muốn (ND)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

4 × four =