Tội lỗi đã phá hoại cả một kế hoạch tình yêu, đưa con người vào một khắc khoải đau thương khốn cùng. Nhưng tội lỗi không phải là một yếu tố ngoại tại, mà ở ngay trong tôi. Lạy Chúa xin cứu con! Giờ phút này tôi hãy đến trước mặt Chúa xin Người đổi mới con người tôi, cho tôi được lòng thống hối chân thật, để nối lại tình yêu.

2 Sm 11-12: Chuyện vua Đavít

Vua Đavít lập mưu giết người đoạt vợ. Khi ông thành công trong âm mưu đen tối đó, ông sung sướng ăn no ngũ kỹ. Nhưng Chúa sai một vị ngôn sứ đến nói với ông. Ngôn sứ Nathan mở đầu câu chuyện bằng một trường hợp với một anh nhà giàu có hàng ngàn vạn chiên bò. Bên cạnh nhà anh, có một anh nhà nghèo chỉ có một con chiên duy nhất, mà anh yêu thương như một đứa con. Một hôm anh nhà giàu có khách. Để làm tiệc đãi khách, anh ta không bắt con nào trong đàn chiên bò của anh, mà lại bắt con chiên duy nhất của anh nhà nghèo kia đem làm thịt. Nghe tới đây, vua Đavít liền nổi giận, khí phách nhà vua nổi lên để bênh vực lẽ công chính. Làm sao nhà vua có thể dung thứ một chuyện quái đản như vậy xảy ra trong nước mình: “Kẻ nào làm vậy tôi quyết không để nó sống.” Nathan bèn xối vào mặt vua một gáo nước lạnh: “kẻ ấy chính là bệ hạ.” Gáo nước lạnh làm vua tỉnh ngộ. Nổi hung hăng khí phách đối với kẻ gian ác giờ đây quay lại chính nhà vua. Ông là kẻ gian ác đó. Nhưng phản ứng của vua Đavít như thế nào?  Ông đứng dậy xé áo mình ra (dấu chỉ của thống hối) và tuyên xưng trước mặt vị ngôn sứ: “Tôi đã phạm đến Chúa,” chỉ thế thôi! Lẽ ra, vua Đavít có thể thù hằn mình, chửi mắng mình. Nhưng vua Đavít chẳng thù hằn, chửi mắng, giận dữ mình, cũng chẳng đỗ lỗi cho ai cả. Vua Đavít khiêm tốn nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi trước mặt Chúa: “Tôi đã phạm đến Chúa.” Và  ông khóc lóc xin Chúa tha thứ tội lỗi cho ông. Đó là thống hối. Khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình, và xin Chúa tha thứ, và quyết tâm sửa mình lại. Cái khó của tôi là sẳn sàng đón nhận sự tha thứ, vì nó đòi hỏi sự khiêm tốn và nhận mình cần được tha thứ. Tôi có thể nhận mình là kẻ tội lỗi, để rồi hận mình, giận mình, thất vọng về mình…  chỉ có tâm hồn khiêm tốn mới đón nhận ơn tha thứ và mới có thể thống hối thật sự.

Lc 19, 1-10: chuyện Da-kêu

Da-kêu lùn làm giám đốc sở thuế của Giêrikhô, một thành phố ngã tư giao thương, có đủ mánh lới để ăn gian bóc lột dân chúng. Một ngày Chúa đi ngang thành phố của ông. Muốn thấy được mặt Chúa, Da-kêu chẳng ngại leo lên một cây sung bên con đường Chúa đang đi. Trước mặt đám đông đi theo Người, Chúa đã dừng lại dưới cây sung, gọi đích danh Da-kêu và nói: “Hôm nay tôi phải đến nhà ông, và Da-kêu vui sướng tuột xuống, đón Chúa về nhà” (c. 5,6), và tâm hồn Da-kêu đã thay đổi. Chúa đã vào nhà ông, vào tận đáy tâm hồn ông. Trong bữa cơm, ông tự ý đứng lên thưa với Chúa: “Lạy Thầy, đây, tôi xin chia nửa gia tài của tôi cho người nghèo, và xưa nay tôi đã làm hại ai điều gì, giờ tôi xin đền gấp bốn.” Thống hối là thế! Đối diện với Chúa Giêsu, nhận ra mình là kẻ tội lỗi, và sẵn sàng sửa lại, sẵn sàng đền bù, sẵn sàng tái lập mối tương giao với người khác.

Lc 7, 36-50: chuyện người đàn bà tội lỗi.

Người đàn bà tội lỗi này không dám đến trước mặt Chúa Giêsu, nhưng đã đến sau lưng, gục đầu bên chân Chúa, lấy nước mắt rửa chân Chúa, lấy thuốc thơm xức chân Chúa. Cử chỉ khiêm tốn của bà bày tỏ sự nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi trước mặt Chúa. Người Pharisêu đã mời tiệc Chúa hôm ấy, tỏ ý khinh người đàn bà và chê cả Chúa Giêsu, thầm nghĩ trong lòng: nếu ông Giêsu này là một vị ngôn sứ thì tất phải biết người đang đụng vào người  ông ấy là ai. Phải, Chúa Giêsu biết rõ lắm. Người Pharisêu chỉ thấy bà là một người tội lỗi, và chưa nhận ra nơi cử chỉ khiêm tốn của bà một ý nghĩa nào. Còn Chúa Giêsu thì đã thấu suốt tâm hồn thống hối của bà, bà đang dạt dào yêu mến, và Chúa lên tiếng bênh vực bà. Chúa đưa ra một câu chuyện: hai người mắc nợ cùng một người chủ, một người 50 quan tiền, một người 500. Cả hai không có gì để trả nên người chủ tha cho cả hai. Ai là người yêu mến người chủ hơn? Ông Pharisêu thấy ngay câu trả lời. Nhưng ông chưa nhận ra chính ông là người được tha ít, vì ông yêu mến ít, còn người đàn bà tội lỗi được tha nhiều, vì bà yêu mến nhiều. Lòng yêu mến vừa là để đón ơn tha thứ vừa là hậu quả của ơn tha thứ. Khi Chúa tha thứ, Chúa tái lập tương quan yêu mến giữa Chúa với tôi và giữa tôi với Chúa, tôi lại được đón nhận tình yêu của Chúa, và tôi cũng có thể thưa lại: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa.”

Chuyện ông Phêrô: Mc 14, 26-72; Lc 22,61; Ga 13,36-38; 18,12-37;21,15-17.

Phêrô người môn đồ Chúa tín nhiệm và giao cho trách nhiệm nâng đỡ Giáo Hội. Trong bữa tiệc ly ông đã hăng hái thưa với Chúa: “Lạy Thầy, dù hết mọi anh em có bỏ thầy, con quyết sẽ không bỏ thầy” ( Mc 14,29.31). Vậy mà ông đã chối Chúa ba lần, chối thật dễ dàng. Cô đầy tớ giữ cổng hỏi: “Ông là người đã ở cùng với ông Giêsu phải không?” Phêrô sợ cô giữ cổng ấy, một nữ tỳ không quyền hành gì, nên đã chối: “Không, tôi không biết ông ấy.” Đấy là cái giá Phêrô trả để được vào cổng. Vào được trong sân, ông lại ngồi sưởi chung với bọn lính, những người vừa đi bắt Chúa điệu về đây. Họ hỏi ông: “Ông thuộc về bọn ấy phải không?” Phêrô lại sợ. Sợ gì? Bị bắt ư? Nếu muốn bắt ông thì ngay từ lúc tại vườn Cây Dầu, khi tuốt gươm chém tên lính, người ta đã có thể bắt  ông, nhưng ông đã bị bắt đâu? Thế mà bây giờ ông lại sợ. Và ông đã chối Chúa một lần nữa, trong lúc Chúa đang ở giữa vòng vây của những cặp mắt hận thù, của những con người đằng đằng sát khí. Phêrô thêm một lần trả giá, mua vé để ngồi sưởi (Lc 22,61). Nhưng Chúa Giêsu đã quay lại nhìn ông, cái nhìn thấu suốt tâm hồn ông, cái nhìn làm cho ông nhớ lại những lời thề hứa của mình, nhớ lại tình thân ái của Chúa, cái nhìn chinh phục Phêrô, xoáy mạnh tâm hồn ông. Ông tỉnh ngộ, chạy ra ngoài khóc thảm thiết. Đó là lòng thống hối của Phêrô, một sự nhìn nhận tội lỗi của mình, khóc tội của mình và sau đó quay trở về yêu mến một cách chân thành. Sau khi Chúa Phục Sinh, Chúa đã cho Phêrô cái cơ hội để tỏ bày tình mến chân thành đó. “Phêrô, con ông Gioan, con có yêu mến thầy hơn những người này không?” (Ga 21,15-17). Phêrô đã khiêm tốn thưa lại: “Lạy thầy, thầy biết con yêu mến thầy.” Ông không còn dựa vào sức riêng mình, mà dựa trên sự thông biết của Chúa để làm chứng về tình mến của mình. Từ con người tự phụ, ông đã nhận ra sự yếu đuối của mình và tình thương của Chúa đã “cứu” ông. Ông biết dựa vào tình thương của Chúa: “Chúa biết con yêu mến Chúa.” Bởi Chúa yêu con, Chúa đã đặt lòng mến trong con. Chúa tha thứ cho con, nghĩa là Chúa trả lại cho con khả năng yêu mến Chúa.

Dụ ngôn “Người con hoang đàng” ( Lc 15,11-32)

Người con trai thứ đã đòi người cha chia gia tài cho mình, để ra đi khỏi mái gia đình ấm cúng, hầu có thể sống và tiêu xài thoả thích. Xa khỏi tầm mắt của người cha, anh không còn nhận ở đôi mắt ấy tình thương của người cha nữa, nên anh muốn đi xa… Anh đã ra đi và ăn chơi hoang đàng, lãng phí của cải, thời gian, sức lực của mình. Gia tài của người cha chia cho là phần tình yêu cha dành cho anh, anh đã sử dụng nó như một đồ vật cho sở thích ích kỷ của mình, chứ không như quà tặng của tình yêu. Kết quả là đến một ngày anh đã tiêu xài hết của cải, anh không còn gì để sống. Từ thân phận một ông hoàng, anh trở thành một tên nô lệ. Anh đi chăn heo cho một người ngoại. Đó là một tình trạng đốn mạt nhất. Lúc đó anh mới bừng tỉnh. Từ vực sâu khốn cùng, anh nhớ lại  tình thương của người cha. Anh muốn trở về, anh nhớ rằng ở nhà cha anh, kẻ ăn người ở có đủ bữa cơm, còn anh ở đây đang chết đói. Anh muốn quay trở về nhà, nhưng anh tự biết mình không còn xứng đáng để làm con của cha nữa; tuy nhiên anh dám tin tưởng ở tình thương của cha đủ để xin cha cho làm đầy tớ trong nhà cha. Anh đã khiêm tốn nhìn thảm trạng của mình, cái thân phận tội lỗi của mình, đồng thời anh cũng tin vào tình thương của cha… và anh trở về, lòng băn khoăn lo lắng. Nhưng khi còn từ xa, người cha đã chạy lại ôm anh, hôn anh. Anh chỉ nói được một câu: “Lạy cha, con đã phạm đến trời, đến cha.” Thế thôi, đủ rồi. Người cha hối gia nhân đem áo, đem nhẫn, đem giày cho đứa con, nghĩa là trả lại cho anh địa vị làm con trong gia đình, với đầy đủ vinh dự và uy quyền của một người con. Điều này quả là vượt xa sự tưởng tượng của anh. Tôi có thể nghĩ rằng anh không bao giờ còn nghĩ đến “ra đi” lần thứ hai. Tình thương của người cha đã chinh phục anh trọn vẹn. 1Ga 3,20: “Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta.”

Lòng thống hối chân thành chính là sự nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Chúa là người cha nhân từ và tôi sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ, sẵn sàng để cha ôm tôi vào lòng, mà cho  tôi lại tất cả, cha đổi mới con người tôi, đổi mới chính tình yêu trong tôi. Tôi hãy cùng đi với người con thứ ở đây, và cùng trở về với anh bên cha tôi mà thưa: “Lạy Cha, con đã phạm đến Cha.” Vì Cha là Chúa, con tin Cha. Xin Cha tha thứ cho con.

Giờ đây, tôi kiểm điểm lại những hoang phí của mình trong cuộc sống vừa qua: những lần từ chối tình yêu, để tiêu xài mọi “của cải” theo ý mình: thời giờ, sức lực, khả năng tâm hồn và thể xác… Phần gia tài mà Cha cho tôi  như một quà tặng của tình yêu: là cuộc đời  tôi, vũ trụ này, thế giới này với những anh em đang cần đến tình thương của tôi, gia đình  tôi, xã hội tôi đang sống… Tôi kiểm điểm lại tất cả những tương quan trong cuộc sống tôi. Tương quan với Chúa Cha, với Chúa Giêsu, có đón nhận tình yêu của Chúa hay đang xua đuổi tình yêu đó để mình muốn làm gì thì làm? Tôi khiêm tốn đến trước mặt Chúa, và tin tường vào tình yêu tha thứ của Người. Tôi lấy các Thánh Vịnh về thống hối, Tv 51Tv 130, đọc lại như lời kinh nguyện nài xin lòng thương xót và sự  tha thứ của Chúa, đem tôi ra khỏi sự khốn cùng của tội lỗi.

Và cuối cùng, nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá. Tôi hãy để lòng mình tiếp nhận cái nhìn yêu thương và tha thứ của Chúa, và hãy thân thưa lại với Chúa như lòng tôi cảm thấy.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

three × three =