for-the-glory-of-god-gives-it-light

Người ta nói rằng, linh đạo của thánh I-nhã là một nền thần nhiệm (mystique) phục vụ. Điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc phục vụ Thiên Chúa, cho dù hướng về Thiên Chúa trong những lời ca tán tụng, hay hướng về con người trong các sứ vụ tông đồ, chẳng phải là cùng đích của mọi đời sống thiêng liêng đó sao? Hai việc không tách rời nhau ; và trong các bài Linh Thao, hai từ ngữ « ca tụngphục vụ Thiên Chúa Chúa chúng ta » hầu như gắn liền với nhau và cả hai đều liên kết với cầu nguyện và hành động. Chính vì thế, người ta nói về thánh I-nhã như là một người « chiêm niệm trong hoạt động ».

Trong phần này, chúng ta sẽ tìm cách xác định điều mà thánh I-nhã đã hiểu ngang qua động từ « phục vụ », một cách chính xác hơn, là phục vụ trong Giáo Hội. Chúng ta hãy bắt đầu bằng câu nói mà thánh I-nhã hay dùng và các tu sĩ Dòng Tên có lý khi lấy làm châm ngôn, vì thánh I-nhã rất hay dùng trong các bản văn : « Cho vinh danh Chúa hơn » (Ad majorem Dei gloriam : cho vinh quang lớn hơn của TC).

Vinh quang của Thiên Chúa là niềm đam mê của Đức Giêsu: « Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm » (Ga 17) ; và vinh quang của Thiên Chúa đã tỏ hiện ra trên Ngài : « Đức Giê-su Ki-tô là Đức Chúa cho vinh quang của Thiên Chúa Cha » (Pl 2, 11). Và các Ki-tô hữu được mời gọi hướng mọi hoạt động của mình về Thiên Chúa : « Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa » (1Cr 10, 31).

Điểm độc đáo của I-nhã là từ ngữ so sánh : vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa. Điều này phù hợp với tính cách của ngài, từ khi còn trẻ ; thánh I-nhã còn hay dùng một từ ngữ so sánh khác « hơn nữa » (magis). Vào thời gian đầu của hành trình hoán cải, thánh I-nhã đã hiểu từ ngữ « hơn nữa » như là một thành tích gần như mang tính thể thao : ngài muốn thi đua với các thánh, làm như họ và « thậm chí hơn nữa » (Tự Thuật 14). Sau này, từ ngữ này diễn tả một chuyển động đưa ngài hướng tới Thiên Chúa. Trong Linh Thao, nếu ngài mời gọi kí thác lời nguyện của chúng ta cho Đức Maria để Người mang đến cho Đức Giêsu, và kí thác cho Đức Giêsu để Người xin với Thiên Chúa Cha ân sủng chúng ta ước mong (Linh Thao 63 và 147), bởi vì đó cũng là cách ngài cầu nguyện. Nhưng khi làm thế, ngài cảm thấy nơi chính mình rằng, đó không chỉ là lời nguyện của mình được chuyển từ Đấng này sang Đấng kia : « Tôi cảm thấy trong tâm hồn là mình đi tới hay được mang tới Thiên Chúa Cha » (Nhật Ký Thiêng Liêng 8). Và nhận thức này về vinh quang Thiên Chúa luôn đưa ngài trở lại với cuộc sống, cho dù lúc đầu vẫn chưa rõ nét. Thực vậy, từ cuộc hoán cải của ngài ở Loyola đến Roma, ngài thích, khi đêm về, « Và sự an ủi lớn nhất mà ông ta nhận được là khi nhìn ngắm bầu trời và các tinh tú, điều mà ông thường làm lâu giờ, vì ông cảm nhận nơi mình có được một nghị lực lớn lao để phục vụ Chúa chúng ta. » (Tự Thuật 11)

Chiêm ngưỡng trời cao, nơi đó rạng ngời vinh quang Thiên Chúa, đã khơi lên nơi thánh I-nhã nghị lực phục vụ. Phải chăng đó cũng là như thế, khi Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện ? Thật vậy, chúng ta có thể đưa câu kết luận của ý nguyện thứ ba trong kinh Lạy Cha lên làm câu dẫn nhập : « Dưới đất cũng như trên trời… Ước gì Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha được thực hiện ». Ở trên trời, Danh Thiên Chúa Cha được nhìn nhận và tôn kính một cách tuyệt đối, Vương Triều của Người đã đến, ý của Người được thực hiện hoàn toàn ; vinh quang Thiên Chúa tràn ngập mọi sự. Thế thì, ở dưới đất cũng phải như thế đó. Chúng ta nguyện xin điều này, nhưng lời nguyện của chúng ta phải trở thành lời mời gọi làm việc cho sự lớn hơn của vinh quang Thiên Chúa ở dưới đất, theo cách thức của Đức Giêsu: « Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha » (Ga 17, 6) ; « Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian » (c. 18) ; « Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành » (c. 24).

Như thế, ý nghĩa của từ ngữ so sánh trở nên rõ ràng đối với thánh I-nhã : nếu vinh quang TC là tuyệt đối ở trên trời cao, thì chúng ta được mời gọi làm vinh quang của Người lớn lên hơn mãi trên trái đất ! thánh giáo phụ I-rê-nê nói : « Vinh quang của Thiên Chúa là sự sống của con người ». Như thế, con người không con là nô lệ nữa, nhưng là người con ; vì thế con người có thể gọi Thiên Chúa là Cha; trái đất được mời gọi trở nên vương quốc của công chính và hòa bình ; đó là một nhân loại « được qui tụ dưới quyền của một thủ lãnh duy nhất, là Đức Kitô» (Eph 1, 10)

Như thế, « Vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa » sẽ là cùng đích và tiêu chuẩn của mọi lựa chọn : « chỉ nghiêng theo đàng nào tôi “cảm thấy” hợp hơn cho vinh quang và sự ca ngợi Chúa cùng việc cứu rỗi linh hồn tôi » (Linh Thao 179). Đó cũng sẽ là cùng đích và tiêu chuẩn của những lựa chọn mà Vị Tổng Quản Dòng Tên được mời gọi thực hiện, đối với mọi chi tiết : « Cho vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa và cho sự phục vụ lớn hơn dành cho Thiên Chúa, Chúa chúng ta và cho lợi ích phổ quát hơn, đó chính là cùng đích duy nhất mà chúng ta tìm kiếm ở điểm này, cũng như ở trong mọi chỗ khác (Hiến Pháp 508).

—————

Nên đọc :

  • Tv 19 (18) : « Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa… »
  • Is 6, 1-8 : « Hoàn vũ tràn ngập vinh quang của Người »
  • Ga 17 : « … để cho Con của Cha tôn vinh Cha »

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

3 × three =