000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000

Để cho Thiên Chúa hành động, điều này không thể đạt được ngay tức thì. Những sức mạnh thù địch gây ngăn trở cho lựa chọn này. Thánh I-nhã đã nhận ra nơi những sức mạnh này hành động của ma quỉ. Trong thời gian đổi đời ở Loyola, thánh I-nhã đã hiểu ra rằng, trong các tư tưởng diễn ra trong tâm trí của ngài, có những tư tưởng đến từ Thiên Chúa, nhưng cũng có những tư tưởng khác đến từ ma quỉ (Tự Thuật 8). Ở Manresa, thánh I-nhã cuối cùng đã nhận ra ma quỉ nơi một hình ảnh đã tác động trên ngài bằng một sự quyến rũ mạnh mẽ trong một thời gian dài (Tự Thuật 31). Sau đó, sách Tự Thuật không còn nói về hình ảnh này nữa. Không phải vì hình ảnh này không còn, nhưng nó đã bị phát hiện và bị chế ngự. Vì thế, sau này, khi đã đưa ra quyết tâm chấm dứt một cuộc tranh luận nội tâm, bằng cách đưa ra một quyết định cương quyết, thánh I-nhã có một lúc đã bị cám dỗ quay trở lại. Nhưng ngài phản ứng tức khắc: “Tên cám dỗ không làm cho tôi nghi ngờ, nhưng chỉ muốn đưa ra một vài dáng dấp về sự nghi ngờ, tôi trả lời ngay tức khắc không một chút do dự, như là đối với một thực tại đã bị đánh bại: hãy về lại chỗ của ngươi!” (Nhật Ký Thiêng Liêng 151). Đức Giêsu cũng đã đưa ra cùng một câu trả lời cho Phê-rô, khi ông muốn ngăn cản con đường Thương Khó của Người: “Hãy lui ra đằng sau Thầy, Satan” (Mt 16, 23)

Trong Linh Thao, thánh I-nhã hay nói tới ma quỉ, khi thì ở số ít, khi thì ở số nhiều, và một lần ma quỉ được gọi là Lucifer, nhưng phần lớn, được gọi là “thiên thần xấu”, “thần xấu”, “kẻ thù của bản tính con người”. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, kẻ thù này chỉ xuất hiện một khi công trình của Thiên Chúa được hoàn tất, công trình sáng tạo và công trình cứu chuộc. Từ đây, chúng ta có thể rút ra hai kết luận:

a. Satan không phải là một nhân vật cạnh tranh với Thiên Chúa, như trong một cuộc chiến không rõ hơn thua giữa hai đối thủ. Satan chỉ là một tạo vật. Nó chẳng tạo dựng nên điều gì cả, nó chỉ có thể nỗ lực phá hoại những gì đã được thực hiện. Satan không phải đối thủ, nó là tên nổi loạn. Thiên Chúa thì lớn hơn và mạnh hơn Satan.

b. Satan đến sau. Chính vì thế, chỉ có những ai đã bắt đầu thực hiện kinh nghiệm về Thiên Chúa mới có kinh nghiệm về ma quỉ. Như thế, chỉ khi chúng ta đã có kinh nghiệm và tiếp tục có kinh nghiệm sâu đậm về Thiên Chúa, chúng ta mới có thể nhạy cảm về sự hiện diện của sự dữ trong cuộc sống và trong thế giới của chúng ta.

Nếu là như thế, tại sao chúng ta hay bị cám dỗ đánh bại? Đó là vì, kẻ thù tìm thấy ở nơi chúng ta những tương hợp bí mật. Những tương hợp này được tóm gọn trong điều Kinh Thánh gọi là “xác thịt”; đó không phải là thân xác của chúng ta, vốn được hướng tới niềm hi vọng phục sinh (có nhiều người hiểu xác thịt là thân xác, nên đã đối xử “tệ” với nó). Nhưng “xác thịt” là tất cả những gì trở thành nô lệ cho năng động kìm hãm và hư nát trong tâm hồn và trong thân xác.

Phàm nhân hỡi, cho đến bao giờ
lòng vẫn còn chai đá
ưa thích chuyện hư không, chạy theo điều giả dối?
(Tv 4, 3)

Có ai mà đã không rơi vào tình trạng này, không chỉ khi chúng ta bị rơi vào những cám dỗ thô thiển, nhưng còn những khi mệt nhọc hay bệnh tật xẩy đến và báo hiệu sự suy thoái của cơ thể, khi cảm xúc làm cho chúng ta muốn buông xuôi khi gặp thất bại, khi việc nhớ lại những lỗi lầm làm cho chúng ta kinh chê chính mình, khi sợ hãi về tương lai làm cho chúng ta tê liệt…? Những lúc đó, kẻ thù đến len lỏi vào khu vực tăm tối này, để phà ra làn gió nguy hại, làm suy yếu, mất can đảm, buồn chán và giam hãm chúng ta trong sự tẻ nhạt.

Những bước len lỏi của ma quỉ đôi khi rất tinh vi. Chẳng hạn, khơi dậy nơi chúng ta cách đọc Kinh Thánh sai lạc: khi mà Lời Chúa là lời cứu độ, ngay cả khi lời này làm chúng ta đau đớn, ma quỉ xúi dục chúng ta hiểu thành một lời kết án, giam hãm chúng ta trong vòng xoáy bất tận của mặc cảm tội lỗi. Hoặc, ma quỉ làm bùng lên tình cảm đối với sự quảng đại phù vân, được thúc đẩy bởi sự nóng vội hơn là tâm tình khiêm tốn lắng nghe Lời Chúa, tương tự như đối với Phê-rô và Tô-ma vào giờ của cuộc Thương Khó: “Con sẽ hi sinh mạng sống vì Thầy” (Ga 13, 35); “Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy đi và chúng ta cùng chết với Thầy” (Ga 11, 16). Kẻ thù tâng bốc cái tôi lên, để sau đó, làm cho nó rớt xuống từ trên cao, rớt xuống tận cùng của thái độ buông xuôi và chối bỏ.

Các qui tắc nhận định mà thánh I-nhã trình bày trong sách Linh Thao có mục đích chính yếu là để giúp đỡ chúng ta xác định những toan tính thầm kín của thần xấu. Tất cả những ý tưởng có khuynh hướng làm lung lạc lòng ước ao hướng về việc ca tụng và phụng sự Chúa đều đến từ thần xấu. Tất cả những gì, trong diễn biến của những tâm tình có nơi chúng ta, cho thấy rằng, chúng ta bắt đầu đi vào lãnh vực của bối rối và buồn rầu, làm cho chúng ta mất đi niềm vui và bình an, mà chúng ta đã cảm nghiệm được trước đó, và tất cả những gì tác động thô bạo trên tâm hồn con người, đều là dấu chỉ cho thấy kẻ thù đang hoạt động (Linh Thao 333 và 335).

Để nhận ra và phá bỏ những cạm bẫy của Thần Quỉ Quyệt, chúng ta thường xuyên cần đến sự giúp đỡ của một người có kinh nghiệm. Bởi vì, khi chúng ta đang bị chi phối bởi “thủ lãnh của bóng tối”, thì thật là khó tự mình thấy rõ. Do đó, phải ra khỏi sự giam hãm bằng cách phá bỏ bức tường che chắn sự bí mật (Linh Thao 326).

———

Nên đọc:

  • Mc 4, 35-41: ĐGS ra lệnh cho cơn bão đang gầm thết phải thinh lặng.
  • Mt 4, 1-11: ĐGS phá vỡ cạm bẫy của Satan
  • Gl 5, 16-23: cuộc chiến thiêng liêng

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

2 Responses to Linh Đạo I.Nhã (10): Cuộc Chiến Thiêng Liêng

  1. Phuong Tran says:

    Chúa ơi! hãy soi sáng tâm trí chúng con, để chúng con nhận ra thánh ý Chúa, chứ không phải ý con, vì ý con nhiều vô kể…

  2. Phuong Tran says:

    Chúa ơi! hãy soi sáng tâm trí chúng con, để chúng con nhận ra thánh ý Chúa, chứ không phải ý con, vì ý con nhiều vô kể…

Leave a Reply

Your email address will not be published.

5 × three =