Nhập nguyện

Xin cho con nhận ra và thâm tín rằng chỉ tình yêu Thiên Chúa mới làm cho con hiểu thấu tội lỗi đích thực là gì.

Suy chiêm

1. Hãy đọc kỹ, suy sâu Lc 15,11-32 để xin được ơn trên đây.

2. Chỉ tình yêu Thiên Chúa mới làm cho con hiểu thấu và cảm sâu tội lỗi là gì.

a. Tình yêu mà người cha tỏ lộ cho người con thứ lúc hắn trở về, làm cho hắn nhận ra tội của hắn đích thực là gì và làm cho người anh cả nhận ra mình cũng là người có tội chẳng kém gì đứa em của mình.

b. Muốn biết tội của bạn thì phải làm gì?

–          Vì sao phải làm như vậy?

–          Phải xưng tội thế nào?

JL 17:1-4: Hiểu biết Thiên Chúa không phải chỉ do cố gắng suy tưởng, vận dụng lý trí mà là do khiêm tốn phục bái Thiên Chúa chí thánh và để Ngài tự mặc khải ra cho bạn. Cha K. Rahner nói: “Nếu thần học không còn là thần học của một con người biết quỳ gối, có nghĩa là biết cầu nguyện, mà chỉ là nghênh ngang trên những nẻo đường của kiến thức suông, thì sẽ thoái hóa thành một trò chơi cho những người trưởng giả” (K. Rahner-Tôi tớ của Đức Ki-tô, tr.126).

Muốn hiểu biết tội cũng phải theo diễn trình đó. Bạn có thể ý thức những sai trái của bạn, những vi phạm Luật Chúa, nhưng đó chưa phải là hiểu ý nghĩa của tội lỗi. Sau khi bất tuân, sai lầm, bạn có thể bị lương tâm cắn rứt, có mặc cảm tội lỗi, nhưng đó chưa phải là ăn năn hối cải.

Muốn hiểu được tội, bạn phải khám phá nó trong ánh sáng của Chúa. Nếu cầu nguyện là hiện diện với Chúa, thì tội là từ chối không chấp nhận mình từ Thiên Chúa mà có, không đón nhận tình yêu Ngài. Bạn không thể hiểu được tội nếu Chúa không soi sáng bạn cũng như bạn không thể biết được Thiên Chúa nếu ân sủng Ngài không tác động nơi bạn.

Đây là định luật thứ nhất trong đời sống thiêng liêng. Muốn biết tội của mình, bạn hãy tha thiết cầu nguyện trước khi lo xét mình: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con” (Thánh Âu-tinh – Tự thuật). Bạn không xin Chúa liệt kê các tội của bạn như người ta liệt kê các vi phạm luật lệ giao thông – đó là óc tính toán – nhưng bạn xin Chúa cho bạn một nhận thức siêu nhiên về tội. Khi xưng tội, bạn không chỉ thú tội cho một linh mục, bạn tự nhận mình là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, Đấng tuyên bố đã yêu mến bạn mặc dầu bạn bất xứng.

c. Chính tình yêu Thiên Chúa tỏ lộ nơi Đức Ki-tô mới làm cho con người cảm ra được tội lỗi của con người khủng khiếp và xấu xa như thế nào.

3. Tình yêu của Thiên Chúa làm cho con người nhận ra tội lỗi là xa Chúa và xa anh em

a. Tình yêu của người cha giúp người con thứ nhận ra tội của hắn trong việc hắn bỏ nhà cha, và giúp cho người anh cả nhận ra tội của anh khi sống ở nhà cha với tâm trạng của người làm công.

b. Tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô giúp ta nhận ra tội mình khi mình sống sa đọa đã đành mà ngay trong cách sống đạo của mình nữa.

c. JL 17:5-8 chia sẻ

Tội là gì?

–          Tội là thái độ con người muốn đoạn tuyệt với Thiên Chúa (5)

Xin Thiên Chúa ban cho bạn cảm nghiệm được bạn xa Thiên Chúa biết bao. Tự bản chất, tội không phải là một thực tại khách quan, không phải là vi phạm một luật lệ nào đó làm ta mất ơn Chúa: tội là thái độ của con người muốn đoạn tuyệt với Thiên Chúa, đang tâm quay lưng không muốn đón nhận Ngài. Chính vì tội là cắt đứt với nguồn mạch sự sống cho nên con người phạm tội tự hủy diệt mình. Như đứa con hoang đàng, kẻ tội lỗi bỏ nhà Cha để đi đến một vùng xa lạ, phung phí của cải mà chẳng cần biết ai đã cho nó những của cải ấy; thay vì tận dụng của cải như một phương tiện để hiệp thông, nó chỉ còn biết xài phí cho sướng tay. Kẻ tội lỗi là một người đi lạc đường, một kẻ bị đày ải. Xa cách Chúa là xa lánh sự thật, trở thành nạn nhân của những hư ảo, không còn muốn là con của Cha nữa.

–                 Phải chăng tội lỗi có mặt tích cực? (6)

Điều bi đát là tính vô cảm nơi tội nhân thích thú những cái giả tạo. Đứa con hoang đàng vui vẻ sống trác táng cho đến ngày nó sáng mắt ra, thấy mình cơ cực nó mới hiểu được tình Cha, đồng thời nó mới hiểu rằng tội lỗi đã tách lìa nó xa Cha, nó trở thành xa lạ với chính nó, với anh em nó. Trong gia đình nhân loại và trong chính bản thân bạn, tội lỗi đã gây một sự đổ vỡ, gieo rắc đau khổ và chết chóc.

–                 Tội gồm những gì bạn chưa nhận ra và cả những mặt bạn không nhận ra (7-8)

Khi đến với Chúa, bạn giống như người mù. Bạn nhận thức là bạn đã tự ý tách rời, cắt đứt mối tình Chúa dành cho bạn: “Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 50,6). Sâu xa hơn nữa, bạn không chỉ xưng thú những việc xấu đã phạm, mà còn ý thức tâm trạng tội lỗi của bạn “Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 50,7).

Tội của bạn chưa phải là những yếu đuối mà bạn xưng thú, làm bạn phải khóc lóc, nhưng tội là cái bạn mơn trớn, ấp ủ trong lòng: đó mới là tội thật của bạn: “Nhưng nào ai thấy rõ các lỗi lầm của mình. Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay” (Tv 18,13).

–                 Trong ánh sáng của tình yêu, Chúa sẽ mở mắt mù lòa của bạn (9)

Trong ánh sáng của tình yêu, Chúa sẽ mở mắt mù lòa của bạn, và bạn sẽ đau đớn từ từ nhận ra tội mình. Đó là một sự xâu xé đau đớn và sâu xa hơn mọi cái bối rối, mọi thứ cảm giác phạm tội của bạn… Hãy cầu nguyện lâu dài để được thấy điều đó: Rồi bạn sẽ được hưởng một sự bình an sâu thẳm. Ý thức được tội đau đớn lắm, nhưng bạn cũng sẽ được biết tình Chúa khoan dung dường bao, đáng cho chúng ta tin cậy. Ước gì bạn được hiểu biết tội là gì. Cảm thức được tội đã làm cho các vị đại thánh phải khóc lóc.

Kết nguyện

Hãy tâm sự với Chúa theo tâm tình cuối giờ cầu nguyện.

Indians-pray-at-the-statue-of-Hindu-god-Shiva-during-sunset-near-Sangam-the-confluence-of-the-Ganges-Yamuna-and-mythical-Saraswati-in-Allahabad-India-on-March-17.-Rajesh-Kumar-SinghAssociated-Press-960x645

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

11 + 18 =