banh-thanh-the
“Lạy Cha chí thánh, chúng con xưng tụng Cha là Đấng cao cả, đã lấy thượng trí và tình thương mà sáng tạo muôn loài. Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha và giao cho trách nhiệm trông coi vũ trụ…” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).

Thế nhưng, thỉnh thoảng thế giới này vẫn bị rúng động, và một cách thầm kín bị chi phối bởi những sức mạnh của sự chết. Vậy, làm sao thế giới này đứng vững được? Sức mạnh nào mạnh hơn sự chết vượt lên trên những sức mạnh của sự chết?

Với những lời sau cùng, Đức Giê-su đã trả lời cho câu hỏi này: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Và thánh Phao-lô đã viết cho các tín hữu Cô-lô-sê:

Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,
vì trong Người, muôn vật được tạo thành
trên trời cùng dưới đất,
hữu hình với vô hình.

Người có trước muôn loài muôn vật,
tất cả đều tồn tại trong Người.

Vì Thiên Chúa đã muốn
làm cho tất cả sự viên mãn
hiện diện ở nơi Người
(Col 1, 15-19)

Về sự hiện diện giữa lòng thế giới, một dấu chỉ được ban cho chúng ta, đó là bí tích Thánh Thể. Đó chính là mặc khải thứ ba mà thánh I-nhã đã nhận được ở Manresa: “Một hôm khi đang ở trong một nhà thờ của tu viện đã nói trên và dự thánh lễ ở đó, vào lúc nâng cao Mình Thánh Chúa, ông nhìn thấy bằng con mắt nội tâm như thể những tia sáng đến từ trên cao. Và mặc dù, sau một thời gian lâu dài, ông không thể giải thích rõ điều đó, tuy nhiên điều mà ông nhìn thấy rõ ràng bằng trí hiểu, đó là nhìn thấy Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ngự trong Bí Tích Cực Thánh bằng cách nào » (TT 29).

Bánh là biểu tượng của sự sống. Bánh được chúng ta tiến dâng cho Chúa, để trở nên « bánh sự sống ». Bánh là « hoa màu của ruộng đất và công lao của con người ». Hoa mầu của ruộng đất : nơi tấm bánh hội tụ năng lực của thiên nhiên, đất đai, mặt trời, nguồn nước. Công lao của con người : tấm bánh còn tượng trưng cho năng lực của con người, được đầu tư từ lúc làm đất và gieo trồng cho đến lúc gặt hái, xay lúa và làm bánh.

Chiêm ngắm tấm bánh được nâng lên giữa đất và trời, thánh I-nhã thấy cùng những tia sáng mà ngài đã được thấy trong ơn mặc khải thứ hai, đó là « cách Thiên Chúa tạo dựng thế giới ». Nhưng ở đây, ánh sáng chiếu trên thế giới sáng tạo, được hội tụ nơi bánh thánh hiến, như thể năng lực của Ba Ngôi đến và kết hợp với năng lực của thiên nhiên của của con người để từ Thân Thể của Đức Ki-tô làm nên một năng lực mạnh mẽ đến độ kết nối thành một mọi thành phần của thế giới sáng tạo và đưa sáng tạo về với Đấng Tạo Dựng.

Trong bối cảnh và dựa vào diễn tiến của các ơn soi sáng ở Manresa, đó dường như là điều mà thánh I-nhã đã hiểu thấu. Và mặc khải này có vị trí trung tâm trong năm mặc khải mà chính thánh I-nhã đã kể lại. Chính vì thế mà, mầu nhiệm Thánh Thể ở vào vị trí trung tâm của linh đạo I-nhã, cho dù thánh I-nhã rất kín đáo khi đề cập đến vấn đề này.

Chúng ta đọc được trong cuốn Nhật Ký Thiêng Liêng rằng, Thánh Lễ hằng ngày, đối với thánh I-nhã là thời gian và nơi chốn của những ánh sáng lớn lao về Ba Ngôi Thiên Chúa được ban cho ngài. Như thể, các Ngôi Vị Thần Linh, ngang qua trung gian Mình Thánh Đức Ki-tô, đến hiện diện ở giữa những công việc hằng ngày của thánh nhân. Trong Linh Thao, khi hoàn tất việc lựa chọn, vốn có vị trí trung tâm trong hành trình Linh Thao, thánh I-nhã đề nghị : « Người đã lựa chọn phải mau mắn đi cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và dâng cho Ngài lựa chọn đó, để Chúa chí tôn đoái nhận và xác chuẩn cho » (LT 183). Các hạn từ mà thánh I-nhã dùng ở đây, « dâng lên, đoái nhận, xác chuẩn ». là những hạn từ Thánh Thể. Thật vậy, bài chiêm niệm đầu tiên của Tuần III, ngay sau cuộc lựa chọn, là trình thuật Tin Mừng về Thứ Năm Tuần Thánh (LT 190).

Trong một bài giảng về thánh I-nhã, một tu sĩ Dòng Tên của thế kỷ XVII, đã nêu ra một công thức rất hay : « Không bị đóng khung bởi điều lớn nhất, nhưng lại được chứa đựng trong điều bé nhất, đó chính là thực tại thần linh ». Chân lí này hiện diện trong tâm hồn thánh I-nhã và gợi hứng nền linh đạo của Ngài. Chân lí này còn cũng phù hợp hơn nữa với « mầu nhiệm đức tin » mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ, nơi đó, điều vô cùng lớn hóa thân trong điều vô cùng nhỏ.

Với cùng một năng động thiêng liêng, Dòng Tên nhận ra mình được trao cho sứ mạng rao truyền lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su, khởi đi từ mặc khải mà Đức Mẹ ban cho thánh nữ Maria Magarita, vào ngày 2/7/1688, tại Paray-le-monial, nước Pháp. Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su có nguồn gốc nơi biến cố cạnh sườn của Đức Giê-su bị đâm thâu và từ đó tuôn trao ra nước và máu (Ga 19, 34). Nhìn ngắm biến cố sau cùng này của cuộc Thương Khó, các Giáo Phụ nhận ra nơi đó sự khai sinh ra các bí tích của Hội thánh : rửa tội và Thánh Thể. Cho dù chúng ta không thể nói về lòng sùng đặc biệt kính Thánh Tâm Chúa Giê-su nơi thánh I-nhã, nhưng chúng ta thấy rằng, ngài đã đón nhận từ truyền thống lâu đời của Giáo Hội về tâm tình đạo đức này, khi ngài đề nghị dọc theo suốt hành trình Linh Thao người thao luyện đọc kinh Lạy Linh Hồn Đức Ki-tô : « Lạy Chúa Ki-tô, … xin Máu thánh Chúa làm cho con say mến… Xin nước bởi cạnh sườn Chúa rửa con cho sạch… Xin cất dấu con trong các vết thương của Chúa ».

Không có lòng sùng kính nào có tính cách bắt buộc, ngay cả khi được Giáo Hội khuyến khích. Chúng được đề nghị thực hành trong mức độ chúng giúp chúng ta hiểu biết, yêu mến và phục vụ Đức Ki-tô, Chúa chúng ta. Tuy nhiên, phải nói rằng, những hình vẽ “Trái Tim rất thánh”, có từ thế kỷ XVII, xem ra không còn phù hợp với cảm thức của chúng ta ngày này.

Nhưng, chúng ta được mời gọi vượt qua hình vẽ nghệ thuật, để nhận ra rằng hình ảnh trái tim ngày nay vẫn còn mang nhiều ý nghĩa. Trong thân thể của chúng ta, trái tim đưa máu đi, ngang qua các động mạch, tưới gội khắp chi thể, để làm cho thân thể sống động. Trong đời sống tinh thần, trái tim được coi là trung tâm của nhân cách, nghĩa là nơi của những cảm xúc và những năng động hướng chúng ta đến với người khác; trái tim làm trào vọt ra trên môi miệng chúng ta những lời nồng thắm và yêu thương, bởi vì “tim có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12, 34). Chính vì thế mà, hình ảnh trái tim có mặt khắp nơi trong Kinh Thánh, mặc khải những gì trào vọt ra từ trái tim của Thiên Chúa và những gì trào vọt ra từ trái tim con người. Đó là hình ảnh trái tim rung cảm, hơn là trái tim lưu chuyển máu huyết.

* * *

Như thế, dấu chỉ tấm bánh và hình ảnh trái tim diễn tả cùng một thực tại, đó là Tình Yêu đi xuống đến cùng tận, để làm cho thế giới đứng vững trong Đức Ki-tô và để mang lại cho thế giới năng động trở về với Đấng Tạo Dựng.

——
Nên đọc:
– Col 1, 15-20: “Mọi sự hiện hữu trong Ngài”
– Ga 6, 30-58: “Bánh tôi cho là thịt tôi để cho thế gian được sống”
– Ga 19,31-37: “Họ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”
– Tv 136: “Chúa ban BÁNH cho tất cả chúng sinh”

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

thirteen − twelve =