Lm. Phêrô Phạm Hữu Lai, SJ.

Nhập nguyện

Xin cho con nhận ra rằng cầu nguyện mà nhận ra được Chúa yêu thương thì sẽ được biến đổi.

Suy chiêm

1. Cảm thấy được yêu thì được biến đổi

a. Bạn đã có kinh nghiệm hoặc đã thấy người ta được biến đổi khi cảm thấy được yêu hay không?

b. Những thí dụ trong Kinh Thánh

  • Da-kêu (Lc 19,1-10).
  • Người phụ nữ tội lỗi (Lc 7,36-50).
  • Người phụ nữ Sa-ma-ri (Ga 4,7-30)

c. JL 7: Khi Thiên Chúa yêu mến, ngài biến đổi bạn tận đáy lòng

Bạn đã kinh nghiệm một tình bằng hữu chân chính chưa? Bạn đang ngột ngạt trong thâm tâm và bạn ước mong được ai đó gọi tên bạn đích danh. Bạn cần gặp gỡ một người yêu bạn thật tình: khi được yêu, bạn sẽ đổi hẳn, bạn hóa ra một người mới, cuộc đời bạn đầy ý nghĩa. Bạn đã gặp một người đang đi tìm bạn, người ấy nói với bạn đôi câu, cho bạn đáp lời: thế là cuộc đời bạn đã đổi hẳn. Các khó khăn, các thắc mắt của bạn vẫn còn đó, nhưng bạn nhìn chúng với một cặp mắt khác rồi. Một thiếu nữ đã thốt lên câu này: “Tình yêu không mang lợi ích gì nhưng có tình yêu mọi sự đều thay đổi”.

Bạn cảm được điều đó khi Thiên Chúa gặp gỡ bạn và dành cho bạn một lời thân ái. Tình Chúa mãnh liệt, quyền năng đến nỗi có thể tạo cho bạn một tấm lòng trong trắng. Bạn hãy nhớ ngôn sứ Hô-sê đã yêu mến bà vợ hư hỏng của ông ấy như thế nào. Thánh Âu-tinh thường nói đến tình yêu Thiên Chúa khiến cho con người trở nên trinh khiết. Không phải vì bạn duyên dáng mà Thiên Chúa yêu mến bạn, nhưng chính vì Thiên Chúa yêu thương bạn mà bạn đã thêm duyên dáng. Bạn có thể đổi mới vì Thiên Chúa đã gặp gỡ bạn, kêu mời bạn, chỉ vì tình Ngài hóa bạn ra khác hẳn.

Tình Chúa dành cho bạn không phải là một lời nói ba hoa, nhưng là một lời hiệu nghiệm: Chúa phán lời nào là lời ấy thành sự ngay. Nếu gặp gỡ một con người xương thịt có thể thay đổi bạn, thì gặp gỡ Thiên Chúa của Đức Giê-su
Ki-tô còn có thể thay đổi đời bạn tận căn hơn nữa. Khi Thiên Chúa Ba Ngôi kết giao với bạn, giây liên kết chặt chẽ, thân thiện, cụ thể đến nỗi không thể nói đến Chúa mà lại không đụng đến bạn.

Thiên Chúa nói, Ta là Thiên Chúa của con, con là con Ta. Giữa Ta và con có một mối liên hệ bất khả phân ly. Chúng ta góp chung những gì mỗi bên đang có: phần ta là đời sống vĩnh cửu, thánh thiện, phần con là cuộc sống thường nhật và sự khó nghèo của con. Cuộc sống của con nên một với cuộc sống Ta và chúng ta không bao giờ xa lìa nhau nữa, vì Ta là Thiên Chúa và không hề phản bội lời kết nghĩa của Ta. Ngài là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp và chúng ta có thể thêm tên của chúng ta sau danh sách các đấng, vì cuộc đời của Ngài gắn liền với cuộc đời chúng ta.

Thiên Chúa tiếp: hữu thể của Ta và hữu thể của con hòa hợp với nhau, như chúng ta đã hòa hợp trong tình yêu, trao đổi với nhau một cái nhìn trìu mến. Chỉ trong Đức Giê-su Ki-tô, cuộc kết giao này mới trọn vẹn. Hãy bước vào cung lòng con, con sẽ tìm ra nguồn sống của Ba Ngôi Thiên Chúa nuôi dưỡng con. Hãy để cho sức sống thần thiêng này trở nên mạch sống đời con, lôi cuốn con đến với Chúa Cha, dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần.

Vì biết rằng Thiên Chúa kết giao với bạn nên bạn có thể cầu nguyện. Không phải do cố gắng vươn lên Thiên Chúa mà bạn cầu nguyện cho nên. Nhưng là do sáng suốt ý thức được bạn nghèo nàn, ý thức đôi khi êm ái, đôi khi đau xót, rằng Thiên Chúa đã chọn bạn một cách hoàn toàn vô vị lợi, và Ngài muốn cùng chung số phận với bạn: “Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh đông hơn mọi dân, thật ra anh là dân nhỏ nhất trong các dân, nhưng chính vì yêu thương anh em” (Đnl 8,7-8).

Cầu nguyện là giây phút lý tưởng để chiêm ngắm Chúa Cha yêu thương truyền cho bạn đời sống con cái Thiên Chúa. Trong bạn, đứa con Thiên Chúa đang đòi quyền sống, hãy để nó lớn lên trong bạn. Lúc đó bạn không cần tìm lời hay ý đẹp để cầu nguyện nữa. Bạn chỉ cần sống như một người con Thiên Chúa và sự hiện hữu của bạn là một lời cầu nguyện rồi.

2. Cầu nguyện thế nào thì nhận ra Thiên Chúa yêu ta?

a. Nghiền ngẫm những hình ảnh Kinh Thánh dùng để gọi Thiên Chúa

JL 6:1-3: Các Thánh Vịnnh thường hay nhân hóa Thiên Chúa, ta thấy Ngài cúi mình nhìn xem con cái loài người, Ngài tìm hiểu, lắng nghe, Ngài gần gũi, đón nhận, và Ngài xót thương. Thế nhưng Thiên Chúa không phải là một con người và không có thụ tạo nào diễn tả trọn vẹn vinh quang của Ngài. Bạn chỉ hiểu biết được Ngài khi bạn đã gặp gỡ Ngài mà thôi.

Tuy thế Thiên Chúa có những ý định và kế hoạch: Ngài muốn hiệp thông với bạn, Thiên Chúa là Tình Yêu và đã mến yêu thì mong được chia sẻ. Để diễn đạt tình yêu ấy, Ngài dùng nhiều hình ảnh. Ngài tự ví mình như người mẹ hiền ru con và ôm ấp nó. Trọn bộ Kinh Thánh sáng rực tình yêu Thiên Chúa dịu hiền như một người mẹ. “Trong tiếng Do Thái người ta chỉ định tình yêu Thiên Chúa bằng từ RAHAMIM có nghĩa là lòng mẹ” (E. Charpentier). Thiên Chúa cũng tự ví mình như một người cha, người chồng, người bạn tâm giao. Nói tóm lại, trái tim Thiên Chúa chứa chan lòng trìu mến, và tất cả những mối tình làm rung cảm trái tim bạn dưới thế này (tình phu thê, tình mẫu tử, tình phụ tử, tình bằng hữu) cũng còn nhạt nhẽo so với tình yêu nồng nhiệt trong trái tim Thiên Chúa.

Bạn cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, thấy giống tình yêu của một người chồng, một người mẹ, một người bạn. Chúa ghé mắt nhìn bạn và nét mặt bạn tươi lên. Ngài nhìn thẳng vào mắt bạn, sẵn sàng ngỏ lời với bạn. Bạn biết rằng cặp mắt của con người là cánh cửa mở vào tâm hồn. Chính ánh mắt tha thiết của những người thân đã khích lệ bạn và minh chứng tình họ yêu bạn.

b. Nghiền ngẫm những lời Chúa Giê-su dạy về tình yêu của Thiên Chúa Ga 3,16-17.

Các dụ ngôn: Mt 21,33-46; Mt 20,1-16; Lc 15.

c. Chiêm ngắm cuộc sống yêu thương của Chúa Giê-su.

d. Nhưng trên hết vẫn là phải xin Chúa Thánh Thần dạy dỗ (Rm 8,16).

Kết nguyện

Tóm tắt bài học và thưa cùng Chúa.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

2 Responses to Cầu nguyện mà cảm được Tình Yêu Thiên Chúa thì phải biến đổi

  1. Tuyet Tong says:

    Bai viet hay qua , con cam on Cha, xin Cha cho con share de giu lai hoc hoi

  2. Xuan Thanh says:

    Bien doi trong Linh Thao moi la dieu quan trong nhat

Leave a Reply

Your email address will not be published.

15 − ten =