Nguyễn Văn Lộc, S.J. (1)
Để biết đọc Kinh Thánh, cần có những điều kiện nào? Phải đi đến trường để học; không phải là trường dạy giáo lý hay thần học, nhưng là trường phổ thông!
Chúng ta thường hay tách biệt học tập và đức tin, có khi còn đi đến chỗ đối lập. Điều đáng mừng là điều này đang dần dần được thay đổi theo hướng kết hợp giữa “đức tin và lý trí”2. Vì thế, cần phải khuyến khích, củng cố, mở rộng hướng đi này, chứ không nên bằng lòng với việc “hô khẩu hiệu” và chúc tụng lẫn nhau. Thực vậy, vẫn còn rất nhiều điều phải làm để soi sáng, chăm sóc, nuôi dưỡng, làm cho vui thỏa phần quan trọng làm nên chính chúng ta, phần mà chúng ta gọi là trí khôn. Điều chúng ta vừa lưu ý, đặc biệt đúng đối với Kinh Thánh. Thực vậy, Kinh Thánh tiên vàn là một bản văn (letter) nhưng lại diễn tả cho chúng ta chính Lời Chúa (Word of God). Vì thế, Kinh Thánh là nơi đòi hỏi đặc biệt sự kết hợp giữa hiểu biết và đức tin.
Khi đọc Kinh Thánh, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về những nguy cơ hay khó khăn: nguy cơ giải thích sai lệch với Thánh Linh, Đấng đã linh ứng Kinh Thánh và là Đấng mà Thiên Chúa đã hứa ban cho Giáo Hội, nguy cơ hiểu sai bản văn Kinh Thánh như thường xẩy ra đối với mọi tác phẩm vừa xa và vừa xưa; ngoài ra, trong Kinh Thánh, có nhiều bản văn, câu và chữ thật khó hiểu. Những nguy cơ hay khó khăn vừa nêu là có thật; coi nhẹ chúng là lừa dối chính mình và lừa dối nhau. Vấn đề là phải nhất quyết vượt qua, không chỉ mỗi người, nhưng còn là mọi người cùng nhau.
1. “Biết đọc” Kinh Thánh
Hiểu biết là điều kiện quan trọng để đọc Kinh Thánh, nhưng hiểu biết có nhiều loại lắm! Chẳng hạn, chúng ta vẫn nói và nói rất đúng rằng: “phải học bơi, học lái xe để có thể biết bơi, biết lái xe; và thành ngữ Việt Nam có câu: “học ăn học nói, học gói học mở”. Đó chính là những hiểu biết thực hành. Và điều sau đây có thể làm chúng ta chưng hửng: cái biết thiết yếu đầu tiên khi chúng ta đối diện với Kinh Thánh, đó là phải biết đọc. Và biết đọc, chính là một loại hiểu biết thực hành!
Dĩ nhiên là chúng ta có thể đọc thầm một mình, nhưng trước hết chúng ta hãy chú ý đến những lúc một người đọc cho cả nhóm nghe hay cả nhóm cùng đọc lớn tiếng, chẳng hạn trong các cử hành phụng vụ hay trong những lúc cùng nhau học hỏi hoặc chia sẻ Lời Chúa. Trong những trường hợp này, chúng ta thường chỉ quan tâm tới những giảng giải hay những chia sẻ về bản văn Kinh Thánh. Tuy nhiên, điều chúng ta chia sẻ đầu tiên, lại là sự chú ý lắng nghe một giọng đọc, hay là nỗ lực của cả nhóm làm vang vọng cùng một lời Kinh Thánh. Thời điểm này thật đơn sơ và kín đáo, nhưng có thể được gọi là một biến cố! Chính vì vậy mà phải biết đọc. Biết đọc với giọng của mình không hề là một “chuyện nhỏ”, vì người đọc được mời gọi trao ban giọng nói, trao ban hơi thở của mình; và nhất là vì Lời Chúa khi được đọc lên sẽ trở thành “cột mây” và tương quan hiệp nhất giữa các thành viên của cộng đoàn sẽ được dệt nên chung quanh “cột mây” này.
Đọc Kinh Thánh quá dở là điều vẫn thường xẩy ra, và đôi khi ngay trong những buổi cử hành phụng vụ đại trào, nhưng nhiều khi chúng ta lại không coi đó là quan trọng và vì thế chúng ta cho qua. Tuy nhiên, đọc Kinh Thánh cho nhóm hay cộng đoàn, chính là một sứ mạng. Sứ mạng này không chỉ cần được chuẩn bị bằng việc đọc trước bản văn, nhưng còn đòi cả một tương quan thiết thân với Lời Chúa.
2. Đọc với cả con người
Khi chúng ta đọc thầm Kinh Thánh một mình, “biết đọc” vẫn cứ là một cái biết thực hành! Bởi lẽ, đọc là một thực hành đòi hỏi sự chú ý, và sự chú ý đòi hỏi cả con người. Đọc Kinh Thánh hẳn là khác với suy niệm hay chiêm niệm Lời Chúa, những vẫn có những điểm chung. Vì thế, sách Linh Thao của thánh Inhã3 mang lại cho chúng ta những chỉ dẫn quí báu cho việc đọc Kinh Thánh.
Trong tất cả các bài linh thao được đề nghị, chúng ta sẽ dùng các hoạt động của trí khôn khi chúng ta suy nghĩ và dùng các hoạt động của ý muốn để đánh động. Vậy, phải để ý là trong các hoạt động của lòng muốn, khi chúng ta tâm sự, nói thành lời hay nói trong lòng, với Thiên Chúa Chúa chúng ta hay với các thánh, chúng ta phải có thái độ cung kính lớn hơn khi chúng ta vận dụng trí khôn để hiểu.
(Linh Thao, số 3)
Điều cần ghi nhận đầu tiên là nguyên tắc phân biệt các hoạt động: hoạt động của trí khôn và hoạt động của ý muốn. Các hoạt động cần phối hợp với nhau, nhưng mỗi hoạt động có quyền duy trì đặc điểm riêng của chúng. Tiếp đến, theo chú dẫn này của sách Linh Thao, trí khôn suy nghĩ không chỉ có chỗ trong cầu nguyện, nhưng nó còn có quyền lùi ra xa, thậm chí giữ khoảng cách, có những do dự hay tìm cách khai phá. Điều này có nghĩa là, trí khôn có được sự tự do khi suy nghĩ, vì nếu không tư tưởng sẽ tắt ngúm!
Nhưng để có thể suy nghĩ, trí khôn còn cần đến sự tập trung và bình an, những điều mà việc chiêm niệm theo sách Linh Thao đòi hỏi. Ngoài ra, còn phải có sự đơn sơ trong “điều tôi muốn” và trong “điều tôi nhắm tới”, khi chúng ta đọc trang Kinh Thánh được chọn cho ngày hôm nay. Điều này đòi có một sự chuẩn bị, tương tự như sự chuẩn bị cần thực hiện trước khi bước vào cầu nguyện:
Cách chỗ tôi sẽ chiêm niệm hay suy niệm một hay hai bước, tôi đứng lại lâu khoảng một kinh Lạy Cha, tâm trí hướng lên cao, để ý xem Thiên Chúa Chúa chúng ta đang nhìn tôi như thế nào, v.v.; sau đó, làm một cử chỉ cung kính hay quì gối.
(Linh Thao, s. 75)
Và sau khi đọc hay nghe đọc, cũng cần có thời gian để cho những điều vừa đọc hay vừa nghe lắng đọng, giống như nhánh tảo biển mở bung mình ra khi được dìm vào trong nước.
3. Đọc là mở mình ra
Sau khi đọc xong bản văn, tôi đánh dấu và đóng sách lại; thay vì tìm cách áp dụng bản văn cho mình ngay hay tìm cách diễn giải điểm này điểm kia, tôi trở lại để tái hiện bản văn bằng trí nhớ, tương tự như thánh Inhã nói trong sách Linh Thao:
Sau khi đã làm xong bài linh thao, trong vòng 15 phút, ngồi tại chỗ hay đi qua đi lại, tôi nhìn lại những điều đã xẩy ra cho tôi trong chiêm niệm hay suy niệm.
(Linh thao, s. 77)
Tôi tự hỏi: “bản văn nói gì?” Sau đó, tôi mở sách ra đọc lại bản văn để kiểm chứng. Có thể làm như thế nhiều lần, mục đích là để làm cho mình trở nên một với điều mình đã đọc. Bài tập này có thể thực hiện theo nhóm, và điều này cho phép so sánh những điều mà mỗi người nhớ được.
Khi làm như thế cách nghiêm túc, chúng ta sẽ nhận ra rằng có nhiều điều mình đã để cho đi qua. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ học để thoạt tiên đừng lựa chọn gì hết, nhưng đón nhận như nhau tất cả mọi chi tiết của bản văn; tương tự như Inhã nói trong sách Linh Thao: “Chúng ta cần phải làm cho mình trở nên bình tâm…” (Linh Thao, s. 23). Hãy tạm gác qua một bên “điều đánh động mình, điều sẵn sàng trào vọt ra khi sách vừa mới được đóng lại. Hãy đợi đấy! Hoa trái chính yếu của bài tập này sẽ là khám phá “điều đã không đánh động mình” hơn là “điều đánh động mình”.
Chúng ta cũng sẽ học để đừng vội vã lao mình vào điều tối tăm, không hợp lý hay gây sốc. Chỉ cần ghi nhận điểm này và tránh tìm cách giảm nhẹ nó. Tương tự như con ruồi ở trong ly sữa, cái chấm đen thui là điều duy nhất chúng ta nhìn thấy: phản xạ này sẽ gây ngăn trở cho nỗ lực tìm hiểu. Điểm tối tăm sẽ phải được soi sáng khởi đi từ điểm sáng tỏ. Nghĩa là, trước hết chúng ta hãy đi tìm lời giải đáp nơi những gì gần với “điểm đen” nhất, và trong cùng một trang sách trước khi đi tìm những giải thích ở phần chú thích, tham khảo các sách chú giải hay chạy đi hỏi ai đó.
4. Đọc với “trí nhớ, trí khôn và ý muốn”
Các bài linh thao đòi hỏi nhiều hoạt động phân biệt nhau: suy niệm “theo ba khả năng” (trí nhớ, trí khôn và ý muốn), chiêm niệm theo “nhị quan” (nghe và nhìn) và sau đó theo “ngũ quan” (nghe, nhìn, ngửi, nếm và đụng); hay đơn giản hơn theo từng bước của một bài chiêm niệm: “tôi nhớ lại lịch sử”, “xem nơi chốn”, “nhìn các nhân vật”, “lắng nghe điều các nhân vật nói”, “quan sát điều các nhân vật làm”4. Và việc đọc Kinh Thánh cũng đòi hỏi các hoạt động tương tự.
Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta cũng phải nhìn: nhìn không gian của bản văn, vốn thay đổi theo từng bối cảnh, nhìn những gì bất động và những gì di động, nhìn các nhân vật nhập cảnh hay xuất cảnh. Và chúng ta cũng phải nghe: nghe chính những lời nói của các nhân vật, và tiếp đến những phần được tác giả thêm vào để giải thích điều các nhân vật làm.
Có nhiều cách thức tiến hành và cần có sáng tạo, tùy theo đó là một trình thuật, một bức thư, một giáo huấn, một bài thơ ca, v.v. Tuy nhiên, đối với mọi bản văn, hãy xác định điều cần làm, chứ đừng làm mọi điều cùng một lúc. Hãy dừng lại thật lâu, thật lâu với câu hỏi: “bản văn nói gì?” trước khi bước qua câu hỏi: “bản văn muốn nói gì?”. Thay vì nghi ngờ, áp đặt hay coi thường bản văn, hãy để cho bản văn như nó là có thời gian lên tiếng5.
Việc đọc Kinh Thánh khởi đi từ “điều tôi muốn” nhưng là để có thể gặp gỡ “điều bản văn muốn”. Điều bản văn muốn, nhưng đằng sau bản văn là ai? Tôi được mời gọi đi ngược lên từ những ký hiệu ngôn ngữ tới ngòi bút (ngòi bút ở đây cần được hiểu là văn phong) và tới bàn tay; rồi từ bàn tay đi tới khối óc và tới con tim. Như thế, qua bản văn chúng ta được mời gọi gặp gỡ một con người; và người này là hình ảnh của Thiên Chúa như tất cả mọi người và như chính chúng ta là những người đang đọc Kinh Thánh. Con người này, vốn thuộc về một cộng đoàn Dân Chúa, được Thiên Chúa linh hứng để viết cho những người khác.
Vậy tác giả này muốn nói gì? Câu hỏi này coi vậy mà kỳ cục và lạ lùng. Nếu, sau khi có ai đó “đã nói” và tôi tự hỏi về điều người đó “muốn nói”, thì sự kiện này có nghĩa là điều người đó muốn nói, người đó đã không nói ra! Và đúng là như thế, vì giữa điều muốn nói và từ ngữ để nói ra điều đó, luôn luôn có một khoảng cách, một khoảng trống, và chúng ta không thể nào lấp đầy được, nhất là khi đó là một sứ điệp sâu xa. Chính vì lý do này mà tác giả ngỏ lời với người đọc, người đọc lắng nghe tác giả, và cả hai đều phải trao ban lòng tin. Giống như người này tung trái banh để cho người kia chụp lấy ngay trên không. Đọc kỹ, đó là tỏ ra mình có khả năng tương quan!
5. Đọc Kinh Thánh và đọc các chú giải
Từ đầu đến giờ chúng ta chỉ nói đến thực hành việc đọc Kinh Thánh. Tuy nhiên, chúng ta, vốn còn là những người đang học Kinh Thánh, hay thắc mắc về tác giả của bản văn, về thời đại, về những tình huống và lý do biên soạn, về những qui ước ngôn ngữ đến từ tác gỉa hay từ môi trường và thậm chí về giá trị của bản văn nữa. Điều này rất chính đáng; và theo hướng này, vẫn còn có những câu hỏi chuyên môn hơn liên quan đến lịch sử hình thành bản văn: phải chăng bản văn hay tác phẩm được biên soạn bởi nhiều người, thuộc những giai đoạn khác nhau? Có xác định được đó là những ai không? Đâu là quá trình hình thành? Có tìm lại được những bản văn cổ hơn không? Nếu được, chúng có giá trị nào? Đừng nhẹ dạ nghĩ rằng các nhà thông thái biết được câu trả lời chắc chắn cho từng câu hỏi hay có được những dữ kiện để trả lời. Nhưng dầu sao chúng ta cũng có được những kết quả đến từ những công trình nghiên cứu của các nhà thông thái và ngày nay được phổ biến cách rộng rãi trong các sách dẫn nhập Kinh Thánh hay trong những tác phẩm chú giải chuyên biệt. Việc đọc Kinh Thánh của chúng ta cần được đồng hành bởi những kết quả bổ trợ này.
Tuy nhiên cần phải phân biệt hai việc “đọc” khác nhau và phải được tiến hành song song. Nếu các nhà thông thái đã tìm ra được câu trả lời ít nhiều thỏa đáng, chính là vì họ đã biết đọc Kinh Thánh. Có điều là họ đã không nói cho chúng ta biết về cách đọc của họ và cũng chẳng dạy chúng ta phải đọc như thế nào. Đối với chúng ta, điều quan trọng nhất không phải là biết niên đại của bản văn, biết văn thể hay biết lịch sử hình thành của bản văn, nhưng là biết tại sao các nhà thông thái lại gán cho một bản văn tác giả đó, niên đại đó, thể loại đó và lịch sử hình thành như thế. Nhất là vì từ cùng các dữ kiện nhiều khi người ta rút ra những kết luận khác nhau tùy theo cách suy luận. Để đọc các chú giải của các nhà thông thái một cách hiệu quả, điều tiên quyết là chúng ta đã cư ngụ trong Kinh Thánh qua việc đọc trực tiếp Kinh Thánh. Thói quen đọc Kinh Thánh, ngoài việc làm cho chúng ta nhạy cảm với những vấn đề đã làm cho các nhà chuyên môn quan tâm, sẽ đem lại cho chúng ta một sự độc lập đối với những kết luận của họ, những kết luận này thường hay khác biệt nhau tùy theo tác giả.
Chúng ta có thể nói: “tôi đã đọc các chú giải”. Nhưng đối với Kinh Thánh, chúng ta không thể nói: “tôi đã đọc Kinh Thánh”. Chúng ta chỉ có thể lưu lại trong việc đọc Kinh Thánh mà thôi.
1 Nguyễn Văn Lộc viết theo Paul Beauchamp, S.J., “Lire la Bible, un exercice”, trong Cahiers pour croire aujourd’hui, số 147, tháng 8/1994, trang 23-27.
2 « Đức tin và Lý trí » (Fides et Ratio), đây là tựa đề của thông điệp của Đức Gioan-Phaolô II, công bố năm 1998.
3 Linh Thao, có nghĩa là “những bài tập thiêng liêng” (spiritual exercises), là tập sách nhỏ do thánh Inhã Loyola biên soạn khởi từ chính kinh nghiệm thiêng liêng của mình. Tập sách chủ yếu gồm những chỉ dẫn để suy niệm hay chiêm niệm trình thuật Tin Mừng theo một tiến trình và một phương pháp đặc biệt.
4 Xem Linh Thao, số 101-108; 121-125.
5 Có người cho rằng nên đọc ngắn và chậm. Tuy nhiên, những điểm thường hằng, những điểm nhấn chỉ được khám phá ra từ một đoạn văn tương đối dài, chẳng hạn cả một chương, hay một vài chương. Khi làm thế, trí nhớ sẽ gia tăng, và đó là điều kiện để có thể so sánh các bản văn, các trường phái, các tác giả với nhau.
Cẩm nang hàng ngày của mỗi người, của tôi, của bạn.
thank you very much.
Một khai mở rất cần cho mọi người, cho tôi và cho ban. Xin cám ơn.
Cảm tạ Chúa đã ban cho con biết yêu thương, ý thức rằng mỗi giây phút trong đời sống của mình là ước muốn phục vụ Chúa luôn, đường đời vạn nẻo, lòng người sâu thẳm…Chỉ có Thiên Chúa luôn thành tín.