Lời Giới Thiệu
Việc thực hành Linh Thao xét như là một phương pháp giúp đào luyện sự trưởng thành thiêng liêng qua việc nhận định thần loại đã được khởi đi từ kinh nghiệm cá nhân của chính thánh I-nhã. Giai đoạn ngài lưu lại ở Man-re-sa hơn mười tháng, từ tối ngày 25-3-1522 đến trung tuần tháng hai năm 1523, một cơ hội không ngờ, đã nghiễm nhiên trở nên mấu chốt cho một cuộc cách mạng copernic nội tâm và thiêng liêng của thánh nhân. Giai đoạn này của ngài được ví như biến cố Đa-mas của thánh Phao-lô, nơi trở nên dấu ấn và là điểm khởi đầu của một hành trình thiêng liêng hoàn toàn mới, để nếu xưa kia, thánh Phaolô đã hăng hái ra tay sát hại Đức Ki-tô thế nào (Cv 9, 5), thì nay lại ra công rao giảng về Người như vậy (Cv 9, 28). Hơn nữa việc rao giảng không chỉ dừng lại ở lời nói, nhưng khởi đi từ chính hành trình trải nghiệm của thánh nhân đến nỗi, sau này, thánh Phaolô đã không ngần ngại nói lên những xác quyết rất hùng hồn: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” ( Gl 2, 20), hoặc “Tôi coi mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Ph 3, 8).
Nếu biến cố Đa-mas đã biến đổi thánh Phao-lô từ kẻ bắt bớ Đức Ki-tô thành kẻ phục vụ Người, thì biến cố Man-re-sa cũng biến đổi thánh I-nhã nên con người mới không kém tầm quan trọng. Và nếu biến cố Đa-mas đã in đậm dấu ấn đến nỗi, sau khi được chuẩn nhận về ơn trở lại bởi các tông đồ (Gl 1, 18), thánh Phao-lô dựa vào kinh nghiệm đó để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến đức tin và phong hoá trong các giáo hội, thí dụ giáo hội Roma, Galata, Corintô…, thì nơi dấu ấn của biến cố Man-rê-sa, Thiên Chúa không chỉ ban cho thánh I-nhã một sự hiểu biết lớn lao cũng về đức tin và phong hóa (TT 30), mà còn cho phép ngài rút được những hành trang cần thiết cho việc nhận định thần loại và hình thành một khí cụ có tính sư phạm tuyệt vời là Linh Thao để giúp đỡ các linh hồn.
Vậy, có thể nói rằng, Linh Thao chính là một khoa sư phạm về việc đào luyện thiêng liêng dành cho Ki-tô hữu vốn được bắt nguồn từ chính cá nhân thánh I-nhã. Ngài từng khẳng định đây là một khí cụ rất hữu hiệu cho việc hoàn thiện đời sống thiêng liêng (Ignace de Loyola, thư gởi cho Emmanuel Miona, ngày 16 tháng 11 năm 1536). Quả vậy, theo ngài, khí cụ này có tính hữu hiệu đến nỗi ngài đã tìm mọi cách và cả đến giá phải trả cho cuộc sống mình để bảo vệ nó: từ việc quyết định phải đi học khi đã lớn tuổi (TT 54), trải qua các phán quyết của toà án pháp đình ở Alcala (TT 62), ở Salamanca (TT 70), ở Paris (TT 86) và ở Roma (TT 98), tất cả đều chứng thực tính chính thống và giá trị thiêng liêng của việc đào luyện đức tin của người tín hữu. Chỉ sau này, khi tập sách Linh Thao đã được bảo vệ bởi quyền bính tối thượng của Giáo hội, ngài yên tâm trở vào im lặng trước mọi chống đối của những người chưa am tường tính sư phạm của nó.
Ngay khi được phê chuẩn vào năm 1548, chính Đức Phao-lô III đã khích lệ mọi tín hữu vận dụng những bài thao luyện thiêng liêng này để đào tạo đời sống thiêng liêng của mình (Đức Phao-lô III, Tông Thư Pastoralis Officii, 31-7-1548). Và rồi, sách Linh Thao không ngừng được học hỏi và đào sâu để khí cụ này mỗi ngày được vận dụng cách thích đáng hơn và theo sát với kinh nghiệm thiêng liêng của thánh I-nhã hơn trong việc giúp đỡ các linh hồn, như lời khích lệ của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, trong thư gởi Hồng Y Cushing vào dịp hội thảo về việc tĩnh tâm của giáo dân tại Hoa Kỳ (x. Documentation Catholique LXIII, n. 1482, col. 1956-1958). Bởi lẽ, tác giả sinh thành và phổ biến sách Linh Thao đã được chính Đức Giáo Hoàng Piô XI đặt làm vị bảo trợ các cuộc tĩnh tâm và các tổ chức tĩnh tâm trong Giáo Hội Công Giáo (Đức Piô XI, tông thư Summorum Pontificium, 1922).
Trong chiều hướng trên đây, rất nhiều học giả đã ra công nghiên cứu và diễn giải cuốn sách nhỏ bé này bằng nhiều cách thức khác nhau và dưới nhiều quan điểm khác nhau trong hơn bốn thế kỷ rưỡi qua. Trong số đó chúng ta phải kể đến công trình của cha William A. M. Peters, sj. với tác phẩm “The Spiritual Exercises of St. Ignatius, Exposition and Interpretation” mà chúng ta có dịp tiếp xúc dưới đây. Tác phẩm đã được xuất bản ở Jersey City năm 1968 và được nhóm Nhà Tập Năm Ba tại Việt Nam năm 1988 chuyển dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Bình Giải Sách Linh Thao”.
Cha William A. M. Peters, sj. là một nhà ngôn ngữ học. Ngài đã theo học ở các học viện Roehampton và Heythrop vào những năm 1931-1935 tại Anh Quốc và sau đó dạy Anh văn tại Hà Lan. Trong thời gian này, ngài viết nhiều khảo luận về những tác giả đương đại trong số đó phải kể đến cuốn sách “G. M. Hopkins: An Essay Towards the Understanding of His Poetry” đã được đại học Oxford xuất bản năm 1948. Tuy nhiên từ năm 1953, ngài bắt đầu hướng dẫn Linh Thao cho nhiều linh mục, tu sĩ khối tiếng Anh ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Chính kinh nghiệm lâu năm này đã cho phép ngài tiếp cận và nghiền ngẫm kỹ càng cuốn “thủ bản Linh Thao” và đưa ra một cách bình giải rất độc đáo, sâu sắc và có tính tâm lý sau rất nhiều bài phát biểu nhằm trình bày lập trường của mình nơi các học viện, đan tu ở Toronto, Cleveland, London, Dublin, Manila và New York.
Dưới ngòi bút của một nhà ngôn ngữ học khi giải thích một số ngữ nguyên thuộc văn hoá Tây Ban Nha trong sách Linh Thao và trình bày quan điểm của mình về Linh Thao, cha W.A.M. Peters đưa ra những phân tích giúp chúng ta nhận ra Linh Thao chính là trường dạy cầu nguyện đầu tiên, đặc biệt là trường dạy chiêm niệm mà trong nhiều thế kỷ qua nhiều nhà chú giải đã không lưu tâm đủ đến đặc điểm này. Vì đối với họ, Linh Thao chỉ là một cuốn “Sổ Tay”, một cuốn sổ “sưu tập những châm ngôn đan tu” hay một chuỗi “những luận lý về đời sống thiêng liêng”. Làm như vậy, cuốn sách bình giải của ngài có giá trị làm cho khoa sư phạm của Linh Thao được trở về nguồn gần với truyền thống xa xưa của Dòng Tên hơn và nhất là trở về gần với chính ý muốn của tác giả sinh ra nó hơn để cho công việc giúp đỡ các linh hồn mà thánh nhân hằng mong ước được phát sinh kết quả phong phú hơn.
Cuốn “Bình Giải Sách Linh Thao” của nhóm Nhà Tập Năm Ba 1988 được coi là bản dịch thuật sang tiếng Việt từ tác phẩm của cha William A. M. Perters, nhưng đúng hơn, ta nên coi đây là bản phỏng dịch, vì nhiều nơi tư tưởng của cha William được giản lược lại hoặc ngược lại, nhiều nơi, dựa vào những chú dẫn ở cuối cuốn sách, được quảng diễn thêm để độc giả có thể nắm bắt và thấu triệt vấn đề cách dễ dàng hơn. Dẫu sao, đây cũng là một đóng góp rất ích lợi giúp chúng ta có cơ hội tiếp cận và hiểu sâu xa hơn bản văn Linh Thao thánh I-nhã đã để lại hầu khai mở ra những khám phá mới giúp cho việc đào luyện thiêng liêng của Linh Thao ngày càng được phổ biến cách rộng rãi hơn bao nhiêu có thể cho mọi tín hữu.