1. Mục tiêu của TLNN được rút ra từ Chú dẫn số 1 và số 18 trong sách Linh Thao. Theo Chú Dẫn số 1, các TLV sẽ đào sâu về đức tin và những mơ ước của mình để có thể thấu hiểu niềm mơ ước Thiên Chúa đặt nơi chính họ. Một người môn đệ đơn sơ nhất của Chúa Kitô cũng có thể nhận ra được niềm mơ ước Thiên Chúa đặt nơi họ, cho dù họ có thể chẳng bao giờ suy niệm hay chiêm niệm lâu giờ được, hay biết nhận định một cách tinh tế. Còn theo Chú Dẫn số 18, TLV có thể tìm gặp được Thiên Chúa qua việc tuân giữ các giới răn và sống theo việc lãnh nhận các bí tích trong Giáo Hội. Cho nên TLNN có thể giúp ích cho bất cứ một ai và người nào cũng có thể tham dự TLNN để đạt được một lối sống đích thực và bình an của người Kitô hữu.
2. Cơ cấu của chương trình TLNN nhắm giúp Thao Luyện Viên (TLV) trải qua hai kinh nghiệm: Nói chuyện hay chia sẻ thiêng liêng (spiritual conversation) và tâm nguyện (mental prayer). Nhiều người có lẽ chưa hề biết đến cả hai điều đó. Những người trong nhóm của bạn có thể chưa bao giờ thổ lộ một cách cởi mở tâm tình của họ về những hy vọng cũng như niềm tin, chứ đừng nói chi tới sự bối rối hoặc những nghi ngờ của họ về Chúa Giêsu Kitô mà họ có trong lòng. Khi bạn lắng nghe tâm tình của họ một cách chân thành và trân trọng, chính bạn trở nên Giáo Hội của họ.
3. Đừng quên chiều sâu nơi bạn sẽ khơi lên chiều sâu nơi người đang lắng nghe bạn. Cho nên hãy chuẩn bị để chia sẻ kinh nghiệm và quá trình thao luyện của chính bạn về việc cầu nguyện, về đời sống trong niềm tin và hy vọng nơi Chúa Kitô, và cả những thất bại cũng như khó khăn của bạn trong đời sống làm con cái Chúa.
4. Trong khung cảnh chia sẻ đông người, căn bản là: không nên bắt buộc mọi người phải bộc lộ tâm tình của mình. Nên để mỗi người tự ý chia sẻ những gì họ sẵn sàng chia sẻ. Tất cả hãy lắng nghe với sự kiên nhẫn và lòng nể trọng với những gì Thần Khí thúc đẩy, khơi gợi nơi người đó. Những gì được chia sẻ ở trong nhóm sẽ ở lại trong nhóm chứ không được để thoát ra ngoài.
5. Sự đều đặn đến với việc họp nhóm chia sẻ thiêng liêng giúp ích rất nhiều cho tiến trình làm TLNN của mỗi người. Hãy khuyến khích mọi người trung thành với thời khóa biểu đã ấn định.
6. Tất cả tài liệu trong TLNN đều rất cô đọng và phong phú. Bạn đừng lo khi thấy mình không thể cầu nguyện hết các chất liệu được cung cấp vì bạn có thể chỉ dừng lại ở một hay hai đoạn Kinh Thánh, và cầu nguyện cho suốt cả tuần với những bài Kinh Thánh đó. Hơn nữa “lập đi lập lại một đề tài cầu nguyện cũng là một cách Thánh I-Nhã dùng để đào sâu bài câu nguyện (LT, 64, 99), vì “không phải hiểu biết nhiều nhưng cảm nếm bề trong mới làm ta thỏa mãn tâm hồn (LT số 2)”.
7. Sức sống và động lực của TLNN – hay việc hình thành kinh nghiệm nội tâm mà các bài cầu nguyện TLNN mang lại – được thể hiện nơi Điều Tôi Muốn, tức nơi Ơn Xin của mỗi bài thao luyện. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần tập để thấy được sự móc nối giữa Ơn Xin, Thánh Kinh, và đời sống của chính mình.
8. Đối với những người vừa bắt đầu đời sống cầu nguyện, nên tập cách sử dụng Thánh Kinh.