Nhập nguỵện

Xin cho con thâm tín rằng con phải yêu thương bởi vì con là con của Đấng là Tình Yêu, nghĩa là con cũng là tình yêu.

Suy chiêm

1. Tôi phải yêu thương bởi vì tôi là tình yêu cũng như mặt trời chiếu sáng bởi vì nó là mặt trời

 Mt 5,43-45: 43“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44Còn Thày, Thày bảo cho anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.

2. Cũng như mặt trời chiếu sáng không phân biệt thì tình yêu phải thương không phân biệt

Tình yêu là gì? Bạn hãy ngắm nhìn một nụ hồng. Nụ hồng ấy có thể nói như thế này được không, “Tôi chỉ tỏa hương thơm của tôi cho những người tốt lành mà thôi, và sẽ giữ lại, không tỏa ra cho những kẻ xấu xa?” Bạn có thể tưởng tượng nổi một ngọn đèn giữ lại những tia sáng và không soi cho những người gian ác bước đi trong vùng giãi sáng của nó hay không? Nó có thể làm được điều ấy bằng cách thôi đừng làm ngọn đèn nữa. Và bạn hãy quan sát một cổ thụ ban phát bóng mát và một cách không phân biệt, không chối từ một ai, tốt cũng như xấu, trẻ cũng như già, cao cũng như thấp, súc vật cũng như con người và mọi sinh vật khác – kể cả những người đến để đốn hạ nó. Phẩm tính thứ nhất của tình yêu là đặc tính không phân biệt của nó. Vì thế, chúng ta được mời gọi hãy noi gương Thiên Chúa là “Đấng cho mặt trời mọc lên cho người công chính lẫn kẻ ác nhân; và ban mưa xuống cho các thánh nhân cũng như cho phường tội lỗi; vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng Nhân Lành” (Mt 5,45).

Trong kinh ngạc, bạn hãy chiêm ngắm vẻ tốt lành của nụ hồng, của ngọn đèn, của ngọn cây, vì qua những vật ấy, bạn có một hình ảnh nói lên tất cả về tình yêu.

Làm thế nào ta có thể đạt được phẩm tính ấy của tình yêu? Tất cả những gì bạn làm vì miễn cưỡng hoặc để lấy lòng thiên hạ đều là giả dối, bởi vì tình yêu không thể miễn cưỡng. Bạn không thể làm được gì để miễn cưỡng tình yêu. Tuy nhiên, có một điều bạn có thể từ bỏ. Bạn hãy quan sát sự biến đổi kỳ diệu xảy đến nơi bản thân của bạn khi bạn không nhìn một người nào đó như là người tốt hay là người xấu, không là thánh nhân hoặc tội nhân, và bắt đầu nhìn họ không kèm theo một nhận thức nào cả, nhìn một cách vô tri.[1] “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.”

Nhìn ra điều này là bạn đã đạt được phẩm tính không phân biệt mà bạn đã thán phục nơi nụ hồng, ánh đèn và ngọn cây.

 (AM: 101:1-102:3)

3. Mặt trời chiếu một cách nhưng không thì con Thiên Chúa cũng phải yêu thương mà không đòi đáp trả

Và đây là phẩm tính thứ hai của tình yêu, đó là tính chất nhưng không. Như ngọn cây, nụ hồng, chiếc đèn, tình yêu cho đi mà không đòi hỏi. Chúng ta khinh bỉ những người chọn vợ không dựa trên những phẩm cách nơi người thiếu nữ, nhưng dựa vào số tiền hồi môn của thiếu nữ ấy. Chúng ta có thể nói rất đúng, một kẻ như thế không phải yêu vợ, nhưng yêu món lợi tài chánh người vợ đem đến cho họ. Nhưng tình yêu của bạn có khác gì đâu khi bạn chỉ kết thân với những người đem đến cho bạn sự thỏa mãn xúc cảm và tránh né những người không làm như thế; khi bạn chủ động đến với những người cho bạn điều bạn muốn và sống đúng những trông đợi của bạn, đồng thời lại hững hờ lãnh đạm với những ai không làm như thế.

Chỉ có một điều duy nhất cần thiết giúp bạn đạt được phẩm tính nhưng không, đặc trưng của tình yêu. Bạn chỉ cần mở mắt mà nhìn. Chỉ cần nhìn, để xem cái được gọi là tình yêu của bạn thực chất là gì, phải chăng chỉ là bức bình phong che đậy sự ích kỷ và thói tham lam? Nhìn được như thế là đã bước được một bước quan trọng trên con đường đạt đến phẩm tính thứ hai của tình yêu.

(AM: 102:4-103:1)

 

4. Mặt trời chiếu sáng không tùy thuộc mà tự do
Con Thiên Chúa phải biết yêu thương không tùy thuộc mà tự do

Phẩm tính thứ ba của tình yêu là tính chất
đương sự không tự nhận thức. Tình yêu thích yêu đến độ không tự nhận ra được mình một cách hạnh phúc. Chiếc đèn chiếu sáng mà không nghĩ gì đến việc nó có sinh ích lợi cho người khác hay không. Hoa hồng tỏa hương thơm đơn giản chỉ vì không biết làm gì khác, cũng chẳng biết có ai thưởng thức hương thơm của nó hay không. Ngọn cây đem đến bóng mát cũng một cách như thế. Ánh đèn, hương thơm, và bóng mát không phải được tạo ra khi có một ai đến gần, và ngưng lại khi không có ai ở đó. Những sự vật ấy, giống như tình yêu, hiện hữu mà không tùy thuộc vào người khác. Tình yêu hiện hữu không tùy thuộc đối tượng. Những sự vật kia hiện hữu một cách đơn giản, bất kể có ai hưởng được lợi ích của chúng hay không. Bởi vậy, chúng không ý thức về công trạng hoặc về lợi ích của chúng. Tay trái của chúng không biết tay phải của chúng làm gì. “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói khát mà giúp đỡ Chúa đâu?”                                 

 (AM: 103:2-104:0)

Kết nguyện

Sau khi suy như vậy, hãy chú ý hết sức mà thở hít như ở phần nhập nguyện. Hãy sống trong hạnh phúc, hân hoan vì có Thiên Chúa là Cha chúng ta rồi kết thúc với kinh của Jacques Loew sau:

 

Lạy Chúa,

như vậy đến bao giờ con mới biết thương yêu?

Yêu thương những kẻ không biết yêu lại,

Yêu những kẻ quấy rầy,

Yêu những kẻ không đồng ý với con,

Tóm tắt trong một thời gian ngắn gọn,

Yêu tha nhân, yêu đồng loại?

(Nhưng làm sao chọn được tha nhân!)

Vậy thì trong kiếp sống khổ sở của con.

Chính niềm tin, nếu con dám nói vậy.

Là tất cả niềm hy vọng của con.

Niềm tin đã trở thành một khối to lớn.

Gồm tất cả những điều con phát hiện về Chúa.

Ôi lạy Chúa, Đấng Vô Biên Cao Cả,

Con mắt đức tin con mở ra.

Nhìn thấy “tha nhân” trong ánh sáng Chúa.

Một lần nữa con lại cố gắng,

Có lẽ một ngày kia.

Con sẽ thương yêu được tha nhân.

             (Jacques LOEW, LKTCS, tr.98-99)

 

Từ trước vô cùng toàn thể nhân loại được Chúa Cha yêu thương, tất cả đã được sinh thành, và mỗi ngày việc sinh thành tái diễn trong Đức Ki-tô. Tất cả đã được Đức Ki-tô đảm đương, đã được Đấng Cứu Thế “gánh vác” cùng với mọi tội lỗi đau khổ, phấn đấu và toàn thể cuộc sống. Tất cả loài người đã được cứu vớt!

Xin hỏi: ai trong chúng ta có thể dẫn chứng một người (dù một người mà thôi) thoát ra ngoài tình yêu toàn thắng của Đức Giê-su Ki-tô? Khi Chúa Cha đoái nhìn loài người thì Ngài thấy họ trong Con của Ngài, trong trạng thái được tình yêu của Ngài bao phủ thấm sâu. Lẽ ra chúng ta phải nhìn anh em đồng loại bằng chính nhãn quan của Chúa Cha, với một độ lượng vô biên và một sức cậy trông bất khuất.

Chính Thiên Chúa chiếm hữu chúng ta, chính Ngài yêu thương chúng ta trước; và tin có nghĩa là, trước tiên, tin vào tình yêu ấy: tôi được Thiên Chúa yêu thương vô cùng. Ngài yêu thương cá nhân tôi, đồng thời không trừ ai. Xét về điểm chủ yếu đó, nếu đức tin chúng ta được sâu hơn và thật hơn, thì các quan hệ giữa chúng ta và những anh em không tin trên thế giới sẽ hoàn toàn đổi khác.

(Michel QUOIST, LKTCS, tr.77)



[1] Nhìn như các chi thể của cùng một thân thể thì thích hợp hơn.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

two × four =