Trinity

Nhập nguyện

Xin Chúa Thánh Thần cho con biết phải cầu nguyện thế nào để tiến sâu được vào vực thẳm Ba Ngôi.

Suy chiêm

1. Cầu nguyện là để Thánh Thần đưa ta vào vực thẳm Ba Ngôi

a. Mầu nhiệm Ba Ngôi là một vực thẳm và cùng đích của hành trình người Ki-tô hữu đi (1)

Bạn đã bắt đầu chiêm ngắm Thiên Chúa chí thánh, bạn sẽ tiếp tục chiêm ngắm mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Mầu nhiệm Thiên Chúa là một vực thẳm: Thánh Phao-lô nói với chúng ta phải “bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái để cùng toàn thể Dân thánh, có đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài, rộng, cao, sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô là tình thương vượt quá sự hiểu biết” (Ep 3,18). Mầu nhiệm Phục Sinh chưa phải là cùng đích, phải dấn thân vào tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi Đức Giê-su rời cõi thế này để về với Cha, Ngài lôi kéo bạn theo Ngài để chia sẻ mầu nhiệm tương quan với Cha Ngài.

b. Trong cầu nguyện, hãy xin Chúa Thánh Thần đưa ta vào vực thẳm ba Ngôi (2) vì đó là trọng tâm của đời sống cầu nguyện (3).

Sống với Thiên Chúa Ba Ngôi là tinh hoa đời sống cầu nguyện và chiêm niệm. Cầu nguyện là ý thức được những tương quan mới mẻ giữa các ngôi vị và bạn, là được cuốn hút vào trong cuộc sống của Ba Ngôi. Thánh I-rê-nê đã nói: “Thánh Linh nắm giữ bạn để trao bạn cho Chúa Con, và Chúa Con dâng bạn lên cho Chúa Cha”. Trong cầu nguyện, đừng dừng lại trên những suy tưởng hay cảm xúc, nhưng hãy trầm mình vào vực thẳm Ba Ngôi Thiên Chúa. Cho dù bạn còn nhiều lo âu, tội lỗi, hãy đến với Ba Ngôi, rồi bạn sẽ nhìn lại lo âu và tội lỗi của bạn với một cặp mắt khác.

Đây là trọng tâm đời sống cầu nguyện. Nhờ trí hiểu biết và cảm tình, bạn có thể suy ra Thiên Chúa hiện hữu, nhưng chỉ có Thánh Thần mới cho bạn cảm nghiệm được huyền nhiệm cuộc sống nội tâm và tình yêu của Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Bạn thường hiểu tình yêu như một sự ưu ái hay thích thú được ở gần người nào đó. Khi nói Thiên Chúa là tình yêu, bạn phải hiểu đây là một sự hiệp thông giữa các Ngôi vị, Bản chất của Thiên Chúa, sự hiện hữu của Ngài chính là để yêu mến bạn. Ngài là hiện thân của Tình yêu.

c. Phải xin Chúa Thánh Thần giúp ta cảm nghiệm cho được huyền nhiệm cuộc sống nội tâm và tình yêu của Thiên Chúa (4)

Nói Thiên Chúa sống là yêu thương, nghĩa là thoát ra khỏi mình để trao hiến và hiện hữu cho một người khác. Mỗi ngôi vị hiện hữu trong mối tương quan nối kết với Ngôi vị khác: Ngôi Cha chỉ là Cha vì Ngài hiện hữu cho Con Ngài. Ngôi Con hiện hữu vì chỉ sống cho Cha, hiến trọn cho Ngài. Thánh Thần là do bởi mối tình Cha và Con. Cầu nguyện là khám phá tình yêu luân chuyển giữa các Ngôi vị.

2. Sống trong cung lòng Ba Ngôi là sống ở nguồn tình yêu

a. Nhưng ta không tự sức chiếm lấy được tình yêu mà chính Thánh Thần đổ tràn vào lòng ta Rm 5,3 (5)

Sống trong cung lòng Ba Ngôi, bạn đã tới tận nguồn tình yêu, trong thế giới và trong Giáo Hội. Khi Đức Giê-su ban hành điều răn trọng đại nhất (Mt 23,34-40) và kêu mời các môn đệ yêu mến Chúa và anh em, Ngài đã dẫn bạn đến trung tâm Ngôi Ba Thiên Chúa. Bạn không thể chiếm đoạt được tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, bạn không thể tự cung cấp cho mình tình yêu ấy, “Tình yêu Chúa Thánh Thần đổ tràn trong lòng bạn” (Rm 5,3) khác hẳn với những cảm xúc bạn nghiệm thấy trong cầu nguyện hay những tình cảm thương người. Chúa Thánh Thần tạo dựng tình yêu ấy trong bạn, chính Chúa Giê-su đã chết và đã sống lại nuôi dưỡng tình yêu ấy trong bí tích Thánh Thể. “Xin Chúa ban cho chúng con tinh thần yêu thương của Ngài, và sau khi chúng con đã được nuôi dưỡng bằng bí tích Phục Sinh, xin Chúa hãy liên kết chúng con trong tình Cha” (Lời nguyện hiệp lễ Phục Sinh).

b. Mầu nhiệm tương quan ngôi vị Ba Ngôi có hai chiều: Trao hiến cho nhau và trao ban cho con người (6)

Mầu nhiệm tương quan giữa các Ngôi vị có hai chiều: đón nhận và hiệp thông, dâng hiến và trao đổi cho nhau. Các Ngôi vị trao hiến cho nhau trong tình yêu, và trao ban tình yêu cho con người trong công trình tạo dựng, cứu chuộc trên Thập giá và thành lập Giáo Hội.

3. Khi cầu nguyện hãy ý thức tình yêu Chúa dành cho ta

a. Trước hết là các ơn Chúa ban cho ta (7-8)

Hãy ý thức tình yêu Chúa dành cho bạn. Đó là những việc kỳ diệu Chúa đã làm: Ngài đã tạo dựng bạn với bao cái phong phú: từ thể xác, tâm linh đến các tài năng kết thành nhân phẩm của bạn. Nhờ phép Thánh tẩy, Ngài tái tạo bạn, cho bạn trở nên con cái, được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Ngài, Ngài tha thứ cho bạn. Hãy nhớ đến những ân huệ Chúa ban trong đời bạn, trong lãnh vực ơn kêu gọi, cầu nguyện, công việc tông đồ …

Khi cầu nguyện, hãy thấy rõ ý nghĩa những ân huệ Chúa ban cho bạn. Biết bao lần, bạn giống người con cả, bị của cải làm mờ mắt: “Chưa bao giờ Cha cho lấy được một con dê để thết đãi bạn bè” (Lc 15,29). Nó chỉ thấy của cải mà không thấy con người nữa, không thấy Cha là đấng ban cho nó dư đầy của cải và Cha nhẹ trách: “Con ạ, lúc nào con cũng ở với Cha, tất cả những gì của Cha cũng đều là của con”
(Lc 15,31). Ý thức được rằng Chúa đã ban cho bạn tất cả, bạn sẽ thấy Cha rất gần gũi bạn, ban cho bạn tình yêu và ân sủng Ngài: Ngài đã ban cho bạn ân huệ cao quý nhất, đó là bản vị Đức Giê-su, Con Ngài.

b. Tiếp đến là các việc Chúa làm cho ta và nơi ta (9)

Ý thức những việc diệu kỳ Chúa làm, bạn sẽ ca ngợi và thán phục việc Chúa thực hiện nơi bạn. Đây là lúc định đoạt cả một cuộc sống. Bạn có thể dùng các ân huệ Chúa ban để hưởng thụ một cách ích kỷ, thay vì dùng chúng như những dụng cụ liên kết bạn với Thiên Chúa và anh em: đó là tội của người con thứ, phung phí tiền bạc ở một nơi xa. Không còn liên hệ với Cha, thì cũng chẳng còn gần gũi anh em nữa. Bạn có thể dâng hiến tất cả hữu thể, trao lại cho Chúa mọi tài năng, của cải và con tim bạn. Chóp đỉnh của bài chiêm niệm này là thành thật hiến dâng trọn hữu thể cho Chúa.

c. Cầu nguyện là cùng toàn thể tạo thành bước vào đời sống Ba Ngôi (10-13)

Cùng với toàn thể tạo thành, bạn được mời bước vào đời sống Ba Ngôi, nhờ Đức Giê-su. “Mọi sự thuộc về anh em, anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô thuộc về Thiên Chúa”. Cầu nguyện là được đặc ân tham gia vào cuộc đối thoại giữa các Ngôi vị, là chia sẻ cuộc sống của các Ngài, và được Chúa gọi như một người thân.

Bạn cũng thấy ngay những đòi hỏi của đời sống Ba Ngôi trong bạn: bạn phải sống và yêu thương như các Ngôi vị. Vậy thì bạn phải cởi bỏ con người bạn và sống nghèo, hiến thân cho người khác. Định luật của các Mối Phúc: Muốn yêu mến phải trở nên nghèo khó. Có như vậy, chúng ta mới cống hiến mọi của cải chúng ta có để phục vụ Thiên Chúa và anh chị em.

Tình yêu huynh đệ bắt nguồn từ tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi thông hiệp với anh chị em, bạn thực hiện ngay dưới thế này, tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Như Cha yêu Con và ban hết cho Con, như Con yêu Cha và phó trọn cho Cha, tình yêu luân chuyển giữa Ba Ngôi thúc đẩy bạn hiến mình vì người khác. Tình yêu huynh đệ không thể xây dựng nhờ những phương pháp, nhưng do hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa. Nói đúng ra, bạn không thể cố gắng yêu mến anh em, còn nhiều ảo tưởng trong lãnh vực này, nhưng chính bạn sống cởi bỏ và nghèo khó, để Chúa ban cho bạn được tràn ngập tình Chúa và như thế bạn có thể yêu thương anh em: “Xin cho họ nên một như chúng ta là một’” (Ga 17,22).

Người ta thường giản lược tình huynh đệ thành một thứ luân lý mơ hồ, hay một thứ tình cảm nông cạn, trong khi tình huynh đệ bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi khi hai vợ chồng hiến thân cho nhau, hay bạn bè yêu thương nhau, họ đang sống mầu nhiệm Ba Ngôi dưới thế này. Chiêm ngắm mầu nhiệm Ba Ngôi là đặt nền tảng cho cầu nguyện và tình yêu chân thành đối với người khác. Cùng đích đời bạn là chiêm ngắm và tôn thờ Ba Ngôi, phơi bày dưới sức nóng tình yêu Thiên Chúa tất cả hữu thể của bạn, kể cả những gì vẫn coi như là xác thịt nhất, để Thiên Chúa chiếm hữu bạn và lôi cuốn bạn trong dòng thác yêu thương của Ngài. Ơn gọi trường cửu của bạn đạt tới sung mãn như thế đó. Tại sao những người Ki-tô hữu lại ít chiêm niệm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Bài “chiêm niệm để được tình yêu” đã dẫn chúng ta vào đời sống vĩnh cửu, ngay từ bây giờ rồi. Hãy tiếp tục bài chiêm niệm này nhiều tuần lễ liên tiếp để thấm nhuần tinh thần các mầu nhiệm đã chiêm ngắm.

d. Cầu nguyện là nhìn nhận mọi ơn lành và mọi ơn riêng đều xuất phát từ Ba Ngôi (14)

“Mọi điều tốt lành và mọi ơn riêng đều phát xuất từ Ba Ngôi Thiên Chúa … như những tia sáng từ mặt trời chiếu xuống, như nước trong nguồn chảy ra” (LT 237). Ngày nào bạn hiểu rằng tất cả đều từ Thiên Chúa mà đến, ngày đó bạn trở thành cộng sự viên của Thiên Chúa, bạn thực hiện chức vụ tư tế được ban trong phép Thánh tẩy. Cùng với Đức Giê-su bạn dâng hiến mình cho Cha như một “của lễ thánh thiện, sống động và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1) và bạn dâng lên Cha trọn hoàn vũ này. Như Đức Giê-su không ngừng dâng lên Cha hữu thể của Ngài cùng với những gì Ngài đã lãnh nhận từ nơi Cha, bạn cũng dâng lên Chúa tất cả những gì Ngài đã ban cho bạn. Đức Giê-su đã trao phó mọi sự trên thập giá khi Ngài thưa với Cha “Mọi sự đã hoàn tất”.

4. Chiêm niệm Ba Ngôi là quy tất cả cuộc sống theo một hướng thống nhất: Sống trong tình yêu, tìm Chúa và yêu Chúa trong mọi sự (15)

Khi chiêm niệm Ba Ngôi Thiên Chúa bạn quy tất cả cuộc sống về một hướng thống nhất: bạn sống trong tình yêu, tìm Chúa và yêu Chúa trong mọi sự. Ngày nào bạn hiểu rằng Thiên Chúa yêu thương bạn và tất cả đều được tình yêu bao bọc, đời bạn thay đổi hẳn: Cầu nguyện và hoạt động không còn đối kháng nhau nữa, không cần phân biệt khi nào phải sống cho Thiên Chúa và khi nào phải sống cho anh em nữa. Cuộc chiến đích thực là giữa con người cũ và con người mới, giữa tội lỗi và ân sủng, giữa lòng ích kỷ và ý muốn sống cho người khác. Nếu lòng bạn rộng mở, dòng thác tình yêu sẽ lôi cuốn bạn và bạn sẽ kinh nghiệm Thiên Chúa chính giữa cuộc sống của bạn.

Kết nguyện

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

One Response to Cầu nguyện là tiến sâu vào vực thẳm Ba Ngôi

  1. Tinh Nguyen says:

    Ôi Thần Khí Tình yêu của con ơi, xin Ngài hãy đến dạy con cầu nguyện và cho con biết sống kết hợp mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa hơn nữa ạ. Xin Ngài hãy đốt cháy lên trong con ngọn lửa yêu mến Ngài và dẫn con đến với Chúa Con và Chúa Cha nhé ! Con yêu mến, cảm tạ ngợi khen Ngài thật nhiều ạ ! 🙂

Leave a Reply

Your email address will not be published.

sixteen + two =