vatican-pope

Trong hành trình 4 tuần của tháng Linh Thao, Giáo Hội không được đề cập tới. Trừ một lần duy nhất, nhưng vào thời điểm quan trọng của cuộc lựa chọn : « Tất cả những điều làm đối tượng cho việc lựa chọn của chúng ta nhất thiết phải là những điều, tự chúng không tốt không xấu, hoặc tốt và phù hợp với ý của Mẹ Thánh Giáo Hội phẩm trật, chứ không phải là những điều xấu hay những điều đi ngược với Giáo Hội » (Linh Thao 170).

Đối với thánh I-nhã, giả định này không thể bị đặt thành vấn đề để tranh luận. Khi nói về « Mẹ Thánh Giáo Hội phẩm trật », ngài không mơ tưởng tới một Giáo Hội khác, lý tưởng hay nguyên thủy. Ngài nghĩ về Giáo Hội hữu hình vào thời đại của mình, đến mọi cấp bậc trong hệ thống phẩm trật của Giáo Hội. Chúng ta có thể ngặc nhiên về một xác tín bình thản như thế, khi mà một cơn sóng phản đối chưa từng có đang đổ xuống trên cơ chế của Giáo Hội. Cơn sóng phản đối xẩy ra không phải là không có lý do, bởi vì Giáo Hội vào thời thánh I-nhã là một Giáo Hội bị vấy bẩn bởi cách sống của các vị lãnh đạo và suy đồi bởi tiền bạc, còn các Ki-tô hữu thì bị bỏ rơi như đoàn chiên không có mục tử. Thánh I-nhã nhận ra vấn đề và thấy GH cần có một cuộc canh tân khởi đi từ bên trên, như một chứng nhân kể lại : « Đối với thánh I-nhã để canh tân Giáo Hội, cần có ba điều : ước gì vị Giáo Hoàng canh tân chính mình, ước gì ngài canh tân nhà của ngài và ước gì ngài canh tân Giáo Triều và cả thành phố Roma ».

Nhưng thánh I-nhã ở lại trong Giáo Hội và đặt mình để phục vụ Giáo Hội, dấn thân cho việc canh tân từ bên trong GH. Còn hơn một xác tín thuộc bình diện trí thức, đó là một kinh nghiệm « cảm nhận » sâu xa, và chính kinh nghiệm này đã hướng dẫn cung cách của ngài và đó cũng là kinh nghiệm ngài muốn chia sẻ.

Đó cảm nhận rằng Giáo Hội là « Hiền Thê của Đức Ki-tô » và rằng Giáo Hội đã sinh chúng ta ra cho đức tin. Nếu, trong Linh Thao, chúng ta đã xin ơn « không lãng tai với tiếng Đức Ki-tô kêu gọi, nhưng được mau mắn và chăm chỉ chu toàn Ý cực thánh của Ngài » (Linh Thao 91), thì trong cùng một chuyển động « chúng ta phải giữ tâm hồn quy hướng và sẵn sàng vâng phục Hiền Thê đích thật của Chúa Kitô, Chúa chúng ta, là Giáo Hội Phẩm Trật, Mẹ Thánh chúng ta » (Linh Thao 353).

Đó là cảm nhận rằng cùng một Thánh Thần đã kết nối bền chặt Phu Quân và Hiền Thê. Nếu, trong Linh Thao, chúng ta đã học biết đặt mình cho những thúc đẩy của Thánh Thần, Đấng dẫn dắt chúng ta, thì chúng ta sẽ nhận ra rằng “vẫn cùng một Thánh Thần và cùng một Đức Chúa mà Mẹ Thánh Giáo Hội của chúng ta được cai quản và hướng dẫn.” (Linh Thao 365)

Xác tín kép này của con tim đã làm phát sinh ra tinh thần con thảo: Mẹ của chúng ta! Xác tín kép này làm trào vọt ra lời ca ngợi, tìm kiếm một cách tự phát những lý do để bảo vệ Giáo Hội hơn là những lý lẽ chống đối (Linh Thao 361). Tuy nhiên, xác tín kép này không mù quáng đối với những xa đọa của những con người cụ thể trong Giáo Hội, nhưng ngang qua đối thoại, chứ không phải bằng cách làm mất uy tín người khác mà chúng ta được mời gọi tìm ra những phương cách cứu chữa (Linh Thao 362).

Đặc biệt, thánh I-nhã xác tín rằng, GH sẽ canh tân không ngừng và sẽ vượt qua những chia rẽ, nếu Giáo Hội trung thành với việc dấn thân thi hành sứ mạng. Và trong thực tế, chính với một vị Giáo Hoàng, xem ra vẫn chưa « được canh tân » mấy, mà thánh I-nhã và các bạn đặt mình trong tay ngài, để được sai đi bất cứ nơi nào, đến với những tín hữu hay những người chưa tin, với lòng ước ao : « để cho chính Đức Giáo Hoàng sai phái họ, nhằm vinh quang lớn hơn của Chúa, thể theo dự định của họ là đi khắp nơi trên thế giới » (Hiến Pháp 605).

Tiếng Gọi của Vua Hằng Sống đối với toàn thể vũ trụ và đích thân đối với từng người vẫn luôn vang vọng : “Ý Ta muốn chinh phục cả thế gian và mọi kẻ thù địch, và nhờ thế mà vào trong vinh quang của Cha Ta” (Linh Thao 95). Thánh I-nhã không nghĩ đến các cuộc thánh chiến, nhưng ngài muốn giúp đỡ GH đang đóng kín trên chính mình. Ngài muốn được sai đi, như Đức Thánh Cha Phaolo VI đã nêu, “đến những nơi mà những đòi hỏi cháy bỏng của con người và sứ điệp thường hằng của Tin Mừng tương tác với nhau”. Không để cho mình bị nhụt chí bởi những thái độ từ chối thù nghịch hay dửng dưng, ngài tìm kiếm đối thoại, với niềm xác tín: nơi mọi người luôn hiện diện lòng ước ao Thiên Chúa và lời mời gọi của Thánh Linh.

Thánh Phanxicô Xaviê đã lên đường đi Ấn Độ trước khi Dòng Tên được thành lập. Ngài đã chết ngay trước ngưỡng cửa của Nước Trung Hoa mà không được gặp lại thánh I-nhã và các bạn. Ngày hôm này, người Ki-tô hữu đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới và không còn những biên giới thuộc bình diện địa lý nữa trong GH. Biên giới bây giờ được dời tới tầm với của mỗi người: mỗi người được sai đến với gia đình của mình, khu phố của mình, nơi làm việc của mình. Không phải để tuyên truyền, nhưng là, trong sự nghèo khó và không có hành trang nào khác ngoài niềm hi vọng, đến gặp gỡ những con người cụ thể.

Có thể đọc và cầu nguyện :
– Mt 16, 13-20
– Eph 2, 11-22
– Lc 10, 1-11

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

One Response to Linh Đạo I.Nhã (17): Trong Giáo Hội

  1. Mai Nguyen says:

    dời sống truyen giáo bây giờ tự do hơn con người với người bây giờ không xa nữa nhưng việc truyền giáo sao mà khó thế kho ngay trong gia dình cua minh

Leave a Reply

Your email address will not be published.

seven + 14 =