Linh mục Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J.

Chúa đã đến và làm người giữa những con người. Khi mang tiếng khóc chào đời, Người đã chọn cho mình một lối đi. Người đã chọn sự khó nghèo để sinh ra và lớn lên như một người nghèo ở giữa người nghèo. Người nghèo là đối tượng đầu tiên của Tin Mừng. Từ khởi điểm đó, Người bước chân vào cuộc sống con người. Lớn lên, sinh sống và đi rao giảng… Chúa làm người để tôi được làm con Thiên Chúa. Vì con người đã từ chối làm người, nên Thiên Chúa đã đến để dạy con người sống làm người trong tương quan với Thiên Chúa, và tương quan với anh em. Tội lỗi con người đã làm gãy đổ hai mối tương quan này. Chúa Giêsu đến thiết lập lại hai mối tương quan ấy, dạy cho tôi biết sống hai mối tương quan ấy. Bài giảng trên núi trong Phúc Âm Matthêu có thể coi là một bản tóm những điều phải sống để thiết lập hai mối tương quan vừa nói.

Tôi đọc lại bài tám Mối Phúc trong Phúc Âm Mátthêu chương 5 và phần quảng diễn trong các chương kế tiếp. Tôi sẽ thấy Tám Mối Phúc tựu trung trình bày cho tôi thái độ sống làm con Thiên Chúa: biết nương tựa hoàn toàn vào Thiên Chúa, và bắt chước Chúa.

Quả vậy, làm con Thiên Chúa có nghĩa là phải nương tựa vào Thiên Chúa một cách tuyệt đối. Đời sống tôi không được nương tựa vào bất cứ một cái gì của trần gian, hơn nữa không được nương tựa vào tội ác, vào những cái gì đi ngược lại quyền lợi con người, vào sự ích kỷ. Nhưng mà tôi sống trọn hảo tương quan với Thiên Chúa và với anh em, dám đánh đổi tất cả để sống trọn vẹn hai mối tương quan này.

Thái độ thứ hai là bắt chước Chúa. Bắt chước Người để biết thương xót, biết sống hoà thuận. Thiên Chúa thương xót nên đã sai Con Người đến để cứu con người. Thiên Chúa đã yêu mến sự bình an nên Người đến để làm một cuộc hoà giải, tạo lại nhịp cầu giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau.

Để thấm nhuần tinh thần Tám Mối Phúc, tôi đọc lại từng mối phúc trong khi nhìn Chúa Giêsu sống và mời gọi tôi theo con đường Người đã đi qua. Các mối phúc này như là lời phát biểu những gì Người đã sống. Tôi hiểu nó khi thấy Người sống nó như thế nào.

Phúc cho người nghèo. Chúa Giêsu đã sinh ra trong cảnh nghèo hèn, lớn lên trong một gia đình lao động. Rồi khi ra đi rao giảng Nước Trời, Người không bám víu vào một cái gì, ngoại trừ Chúa Cha. Người không dùng con đường danh vọng, giàu sang. Chỉ có Chúa Cha mà thôi. Ngay cả ý riêng của mình, Người cũng chẳng có: “Tôi không tìmm ý riêng tôi, nhưng tìm ý Đấng đã sai Tôi.” (Ga 5,30) Không có gì là của Người cả. Khi người thanh niên giàu có đến hỏi Người phải làm gì để vào đươc Nước Trời. Chúa Giêsu đã bắt đầu câu trả lời cho anh: “Nếu anh muốn…” Khi chị phụ nữ Samari ngập ngừng chưa kín nước, Chúa Giêsu cũng đã nói: “Nếu chị biết người đang xin nước chị là ai.” “NẾU,” Chúa mời gọi chứ không áp đặt, cưỡng ép. Thái độ nghèo mà Chúa Giêsu đã sống là như vậy. Một sự từ bỏ tận căn. Không dính bén vào một cái gì ngoài lòng thành tín và yêu thương của Chúa Cha.

Phúc cho người khóc lóc. Chúa Giêsu cũng đã từng khóc. Khóc vì những đau khổ của người khác, vì hiểu nỗi khốn cùng của con người. Khi Ladarô chết, Người đã đứng trước mồ khóc với các thân nhân. Chúa đã khóc khi gặp bà goá thành Naim đưa con đi chôn. Chúa khóc vì thương đám đông “không người chăn dắt.” Và trong vườn Giệtsêmani, Chúa đã đau khổ, đã khóc lớn tiếng (Hr 5,7)… nhưng trong đau khổ, Chúa đã hướng về Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được… nhưng xin theo ý Cha”(Mt 26,39). Chúa Giêsu vẫn hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Cha, và Chúa Cha đã cho Người niềm an ủi (Hr 5,7-10).

Phúc cho người hiền lành. Người hiền lành nói ở đây là mẫu người được diễn tả trong Sách Isaia, là người “chẳng dập tắt tim đèn còn khói, không bẻ gãy cây sậy đã dập” (Is.42,2-3) Chúa muốn cứu con người tới cùng. “Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”(Mt 11,28-30) Hiền lành giả thiết phải tin vào quyền năng Thiên Chúa, nghĩa là có một thái độ tự chủ của mình, biết kiềm chế mình, để nương tựa vào quyền năng của Thiên Chúa. “Chúa xót thương hết mọi người, vì Chuía làm được hết mọi sự… Chúa xử khoan dung với hết mọi loài, vì mọi loài là của Chúa” (Kn 11,21-26).

Phúc cho người biết thương xót. Thương xót không thể hiểu là sự thương hại. Lòng thương xót của Thiên Chúa được diễn tả qua việc Người đến làm người và ở giữa nhân loại. Chúa chấp nhận làm người sống kiếp sống người. Bà De Sévigné có viết một câu trong bức thư gởi cho con gái: “Mẹ đau trong lồng ngực của con…” Đó là lòng thương xót, là mang nỗi đau của người khác trong tim mình, để chia sẻ với họ, và nhất là để giúp họ vượt ra khỏi cái khốn cùng đó. Chúa Giêsu đã mang lấy trong bản thân mình tất cả nỗi thống khổ của con người, để cho những thống khổ này có một ý nghĩa mới, ý nghĩa giải phóng con người. Có lòng thương xót chính là có thái độ tích cực này.

Phúc cho tâm hồn trong sạch. Tâm hồn trong sạch là một tâm hồn hoàn toàn cởi mở, hướng về Chúa Cha và người khác. Người có tâm hồn trong sạch không dựa vào sức mạnh, không dựa vào tội ác để đảm bảo tương lai của mình, nhưng dựa vào sự trong suốt đối với Chúa và đối với người khác. Chúa Giêsu không dựa vào sự quanh co giả dối để mong thoát nạn, nhưng Chúa đã đi thẳng con đường Chúa phải đi để hoàn thành thánh ý Chúa Cha. Đọc lại Tv 24: “Ai lên núi Chúa, ai được ở nhà Chúa” tôi hiểu được sự trong sạch này.

Phúc cho người khao khát sự công chính. Sự công chính ở đây là thánh ý của Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu đến bờ sông Giodan chịu phép Rửa thì ông Gioan Tẩy Giả từ chối: “Ngài mới là Đấng làm phép rửa cho tôi chứ sao tôi lai làm phép rửa cho Ngài?” Chúa Giêsu đã trả lời: “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta phải hoàn tất mọi sự công chính” (Mt 3,14-15). Chúa Giêsu đến làm người chỉ vì muốn phụng sự thánh ý Chúa Cha. Người đói khát hoàn thành ý định của Cha. Người đã sống và đã chết vì Chúa Cha và vì anh em “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy phái và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34)

Phúc cho ai làm cho người hoà thuận. Chúa Giêsu đến để giải hòa đất với trời. Trong bữa tiệc ly, Người đã nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27). Bình an này chính là tình huynh đệ mới dựa trên tình làm con đối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu chịu chết để làm cuộc hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Người đã trả giá để xây dựng nền hoà bình đích thực này.

Phúc cho người chịu bắt bớ vì sự công chính. Chúa Giêsu yêu mến sự hoà bình và sự công chính, đến nỗi bị nghiền nát cả thể xác lẫn tâm hồn, vì một lòng muốn tạo dựng thế giới mới. Người muốn biểu dương tới cùng tình thương của Chúa Cha cho con người. Chúa đã đánh đổi tất cả trên thập giá, đã chịu những đau khổ kinh khủng nhất, chịu những đòn độc ác nhất, chỉ vì muốn hoàn thành đến cùng ý định cứu độ của Chúa Cha. Chúa chấp nhận đi vào cái chết để thi hành đến cùng kế hoạch cứu độ đó, bằng sự phá huỷ chính cái chết. Người khao khát sự công chính đến cùng, sẳn sàng trả giá đến cùng.

Tôi đọc lại Tám Mối Phúc trong tâm tình như vậy, tôi sẽ hiểu những gì Chúa đòi hỏi tôi và tôi đọc tiếp phần quảng diễn ở các chương Mt 5 – 7. Tựu trung Chúa dạy sống mối tương quan trong suốt với Chúa và với anh em, trong sự tôn trọng và thành thật. Không hận thù, không giả dối. Tương quan anh em, bằng hữu, vợ chồng phải là một tương quan trung thực với tình yêu.

Tôi để Chúa nói thẳng nói thật với tôi qua những đoạn này. Tôi nghe Lời Người để chấp nhận một thái độ sống xứng đáng và giá trị.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

One Response to Bài 7: Khúc hát Tình Yêu

  1. Cám ơn cha Giuse đã chia sẻ bài "Khúc hát tình yêu" đã giúp con hiểu hơn, yêu quý và trân trọng hơn tất cả ân huệ Chúa ban tặng cho con…Xin cho con luôn ý thức thái độ sống làm con Thiên Chúa đó là biết nương tựa hoàn toàn vào Chúa và đi theo Chúa.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

three + 15 =