Nàng công chúa Tiên Dung khám phá ra Chử Đồng Tử tình cờ một lần đi tắm ngoài bờ sông. Tiên Dung là công chúa cành vàng lá ngọc, còn Chử Đồng Tử là một người nghèo không khố che thân. Gặp Chử Đồng Tử, nàng công chúa nhận ra một mối tình, đối với nàng, ngay giờ phút ấy, Chử Đồng Tử là người Trời dành cho mình. Nàng đã trở về xin Vua Cha chấp nhận Chử Đồng Tử làm phò mã. Nhưng thử nghĩ một anh nhà nghèo không khố che thân như vậy làm sao làm phò mã được? Giai cấp quá sai biệt làm sao có thể san bằng! Nhưng đối với công chúa Tiên Dung, Người gặp Chử Đồng Tử rồi thì hoàng cung đâu còn ý nghĩa nào nữa. Chử Đồng Tử trở nên ý nghĩa duy nhất cho nàng. Và công chúa Tiên Dung đã bỏ hoàng cung để ra ở ngoài bờ sông với Chử Đồng Tử. Mối tình tuyệt vời! Sự chọn lựa của nàng công chúa là cả một cuộc cách mạng giai cấp, thắng được cái vinh quang phú quý. Tình yêu đã làm cho hai người ấy gần nhau, dù đã tưởng rằng không gì nối kết được hai người. Và từ đây, Chử Đồng Tử không còn lủi thủi bên bờ sông, vì cuộc đời Chử Đồng Tử nay là công chúa. Chử Đồng Tử có cả hoàng cung là công chúa. Và hoàng cung mới của công chúa giờ đây là Chử Đồng Tử. Tình yêu đã biến đổi tất cả.

Nhớ lại bài suy niệm về tội. Khi con người phạm tội, con người chợt thấy mình trần truồng, và đã lẩn trốn vào bụi cây. Con người muốn mình làm Thiên Chúa, rốt cuộc chỉ thấy sự trần truồng đó. Sách Thánh đã đặt vào miệng Thiên Chúa lời như mỉa mai: “Này con người đã trở thành một trong chúng ta rồi, ta hãy đuổi nó ra khỏi vườn địa đàng.” Đó là cái mỉa mai của thân phận con người. Muốn tự mình làm Thiên Chúa, nay chỉ có sự lẩn trốn khỏi mặt Thiên Chúa. Con người muốn đi đường tắt nên đánh mất tất cả. Bản chất con người vốn là lãnh nhận. Lãnh nhận Lời Chúa, và sống thuộc về Người. Từ đó, mới phát huy những gì mình đã lãnh nhận. Còn giờ đây? Giờ đây con người đi lủi thủi trốn Thiên Chúa… Nhưng chính lúc con người lủi vào bụi cây thì Thiên Chúa không bỏ con người ( x. 1Ga 4,9; Ga 1,9). Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, để đưa con người trở về ánh sáng, đối diện lại với Chúa Cha. Ngày công chúa Tiên Dung đến với Chử Đồng Tử, tất cả đều thay đổi. Ngày Thiên Chúa sai Con của Người đến làm người ở giữa chúng tôi, tất cả cũng đổi thay. Nếu tôi ca ngợi mối tình tuyệt vời của công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử, thì tôi hãy nhìn vào tình tuyệt vời của Thiên Chúa cho con người (1 Ga 4,10): “Không phải chúng ta đã yêu Chúa mà chính Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước,” và “Con thiên Chúa đã đến kể cho chúng ta về Cha trên trời” (Ga 1,18). Chúa đã yêu thương tôi nên đã ban Con Một Người cho tôi, để từ nay, cuộc sống tôi không còn là một chuỗi dài xấu hổ, phải cúi đầu gục mặt nữa. Cuộc sống của tôi bây giờ lại là cuộc sống của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Tôi được hiên ngang nhận Thiên Chúa là Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô. Tôi có sứ mạng tiếp tục tạo dựng với Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể.

Chúa nhận cuộc sống của tôi làm cuộc sống của Người, đem lại cho cuộc sống tôi và của thế giới này một giá trị mới. Vậy tôi cần có thái độ nào?

Trong việc Nhập Thể, Chúa đã nên một xương một thịt với tôi, nên cùng huyết nhục với tôi, đến nỗi tôi đau là Người đau, tôi khát thì Người khát, tôi được an ủi thì Người được ủi an … Sự hiện diện của Người làm tôi không thể coi thường lịch sử của con người, không thể thờ ơ với số phận của những người chung quanh, mà trái lại, tôi thấy được thúc dục xây dựng một thế giới mới, xứng với chiều kích của Thiên Chúa. Thiên Chúa đến làm người, mang quả tim con người để khao khát giải phóng con người khỏi sự ràng buộc của tội lỗi, để con người được làm người. Nơi tôi, tôi tiếp tục thực hiện cuộc giải phóng này, để đưa tất cả mọi người trở về làm con Thiên Chúa.

Vậy tôi hãy đi vào chiêm ngắm mầu nhiệm lớn lao này. Cuộc sống tôi phải tràn ngập niềm vui và bình an, vì tôi được cùng huyết nhục với Thiên Chúa. Thế giới của tôi là thế giới của Thiên Chúa. Tôi có xây dựng thế giới cũng là xây dựng thế giới với Chúa. Nếu tôi còn gục mặt thì người khác sẽ hỏi tôi: thế Thiên Chúa của anh, của chị ở đâu? Nếu tôi chán nản thì người khác sẽ hỏi: thế thì Thiên Chúa của của anh, của chị chưa Nhập Thể làm người hay sao? Nếu tôi còn hận thù, thì người ta sẽ hỏi: thế Thiên Chúa của anh, của chị không phải là tình yêu hay sao?

Mầu nhiệm Nhập Thể đem cho tôi niềm vui và bình an. Niềm vui và bình an này tỏa ánh sáng trên cả cuộc sống của tôi, và cũng là cuộc sống của Chúa. Chúa đã thắng được cái chết để ở với tôi mọi ngày cho đến tận thế. Người ở với tôi để hoàn thành công cuộc Nhập Thể của Người, cho đến khi mọi sự được biến đổi nhờ sức sống của Người. Chúa Nhập Thể, Chúa có thể vào cuộc sống này, không cần chi đến tôi. Nhưng Chúa muốn bước chân vào thế giới hôm nay phải nhờ đến tôi. Như ngày nào Chúa đã xuống thế làm người, Chúa đã cần đến một người mẹ. Khi sinh ra Chúa cần một máng cỏ làm nơi Chúa nằm. Hôm nay, Chúa vẫn tiếp tuc đi vào đời và Chúa cần đến tôi. Chúa đang hỏi tôi: trong cuộc sống của con, liệu có còn chỗ nào cho Ta sinh ra đời không? Con có cho phép Ta Nhập Thể trong cuộc sống của con không? Trong trái tim con, liệu có còn chỗ cho Ta vào đời để yêu mến con người không? Trong trí óc của con, liệu có còn chỗ cho Ta làm người để cùng suy nghĩ những vấn đề của con người không? Trên đôi tay con, còn có chỗ cho Ta vào đời để tiếp tục xây dựng thế giới này không? Hay hai tay con đã tự đan lấy nhau thành vòng kín mất rồi? Đôi chân con có còn chỗ cho Ta vào đời để đi đến với mọi người không? Hay con đã tự chôn xuống cát mất rồi? Trên môi con có còn chỗ cho Ta nói lời yêu thương không? Hay hận thù đã làm cho con mím lại mất rồi? Trên đôi mắt con có còn chỗ cho Ta nhìn đời, nhìn người với ánh mắt cảm thông, hay những đám mây mù đã che khuất mất rồi? Trong cuộc sống của con Ta đã được giáng sinh hay chưa hay Ta còn phải ngự trên cao, cao tít chín tầng mây? Con có nhận cho Ta xuống trần không? Con có nhận cho Ta đến với cuộc đời này hay con muốn Ta mãi mãi là Thiên Chúa trên chín tầng trời mây để con có thể yên lòng hát: “con tin có Chúa ngự trên cao”, rồi con sống như “người ngoại đạo”, làm như Thiên Chúa không có trên mặt đất này?

Tôi đến chiêm ngắm Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể. Tôi đọc lại Lc 1, 26-38 và Lc 2, 1-20. Đoạn Truyền Tin cho Đức Mẹ và đoạn Chúa Giêsu sinh ra.

Thiên Chúa đi bước trước. Người đã sai sứ thần đi điều đình kế hoạch có từ đời đời, kế hoạch chinh phục lại nhân loại đã từ chối Người. Thiên Chúa với tình thương vô cùng, nhìn xuống nhân loại đau thương của tôi và Người đã chọn con đường để cứu tôi, bằng việc sai Con của Người đến làm người và cứu tôi. Bước đầu của con đường ấy là sự lựa chọn một người mẹ. Người Mẹ đầy ơn phúc, người Mẹ hoàn toàn là hình ảnh của Chúa, hoàn toàn hợp tác với Người để đón nhận Con Thiên Chúa vào đời. Tôi đi vào ngôi nhà của Đức Mẹ ở Nagiarét. Nghe cuộc đối thoại giữa thiên thần và Đức Mẹ. Qua lời thiên thần, chính Thiên Chúa đang công bố kế hoạch của Người. Tôi nhìn ngắm thái độ đón nhận của Mẹ. Và tôi hiểu rằng Chúa cũng đang chờ tôi có được một thái độ giống như Mẹ vậy, là sẵn sàng đón nhận Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tôi nhìn ngắm hoàn cảnh Chúa Giêsu sinh ra. Nhìn kỹ cảnh cùng cực trong đó Chúa đến làm người. Người vốn ngang hàng với Thiên Chúa, mà đã tự huỷ đi để nhận lấy thân phận tôi đòi ( x. Pl 2,6-7). Thiên Chúa, Đấng tạo dựng đất trời giờ đây là hài nhi nhỏ bé, không nhà để ở, không nôi để nằm, phải trú ngụ trong hang bò lừa và nằm trong máng cỏ. Người đã chọn nơi Người sinh ra và cách Người sinh ra như vậy. Nhưng chính trong cái nghèo cùng cực đó mà Thiên Chúa đang ở với tôi thật nhất. Quả vậy, thiên thần hiện ra với các mục đồng và vinh quang Thiên Chúa bao phủ trên họ (Lc 2,13-18). Đây là một cuộc hiển linh của Thiên Chúa, khác với cuộc hiển linh xưa ở núi Xinai với tiếng sấm sét rền vang làm run sợ. Ở đây, Chúa hiển linh trong tấm hình hài nhỏ bé của hài nhi hiền lành, và đang mời gọi những ai nghèo hèn nhất đến với Người. Họ được mời đến với một hài nhi mới sinh ra được bọc trong khăn, đặt nằm trong máng cỏ, giống như những đứa con của họ. Nhưng lại là Thiên Chúa đấy.

Chiêm ngắm Người cho kỹ, nâng lòng tin lên cùng Người.

Rồi tôi theo Chúa Giêsu vào Đền Thờ (Lc 2,23-32). Hãy nghe bài ca của ông già Simêon. Thiên Chúa đã đến, ơn cứu độ đã đến. Nhân loại già cỗi vì trông chờ, giờ đây đã được thoả mãn: Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa đã đến làm người ỡ giữa chúng tôi.

Tôi đến với Chúa Hài Nhi. Tôi hoà mình trong đám mục đồng vào hang đá chiêm ngắm Chúa Hài Nhi nhỏ bé nằm ngủ hiền lành. Tôi nghe Đức Mẹ, thánh Giuse nói chuyện. Hãy ngửi mùi cỏ ẩm, mùi chiên bò (Nhớ lời ĐTC Phanxicô: “mục tử thì phải bốc mùi chiên”). Tôi muốn làm gì cho Hài Nhi không? Tôi có nhận ra tình yêu của Thiên Chúa trong quả tim nhỏ bé đang đập trong lồng ngực Hài Nhi không? Tôi có yêu mến Hài Nhi không? Có sẵn sàng theo Hài Nhi không?

Xin Chúa cho tôi niềm vui, vì có Chúa trong cuộc đời, vì có Chúa làm người ở với tôi.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

8 − 1 =