Trong 4 điều xin của Kinh Lạy Cha, chúng ta đều thấy tương quan Cha chúng con được đặt trong bốn tương quan: Tương quan giữa người cầu nguyện với lương thực, với lỗi của người khác, với cám dỗ và với sự ác. Chúng ta xin Chúa Thánh Thần cho ta nắm bắt được tinh thần của các điều xin này, để biết cầu nguyện và sống theo tinh thần ấy.
Suy chiêm
1. Trong tương quan với lương thực
a. Đọc kỹ:
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.
b. Suy sâu:
v Xin gì? Xin Cha cho chúng con đủ lương thực cho ngày hôm nay. Quan niệm của người xin về tương quan với Cha và tương quan với nhau lộ rõ trong lời xin này.
v Người xin có tương quan nào với Cha? Họ xin lương thực chỉ đủ cho họ đủ dùng cho ngày hôm nay, điều ấy cho ta thấy họ có tương quan nào với Cha? Họ có thái độ nào với vật chất trong hiện tại và tương lai?
v Họ có tương quan nào với nhau? Khi xin cho nhau chứ không phải chỉ xin cho mình?
v Lời xin này có chống với các kế hoạch dự phòng về lương thực hay không?
v Ai có thể cầu xin và sống tinh thần của lời xin này dễ dàng? Làm sao sống tinh thần của lời xin này?
c. Nguyện cầu:
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con xin Cha cho chúng con lương thực đủ cho ngày hôm nay mà thôi, vì chúng con muốn cho lương thực chúng con dùng nhắc nhở cho chúng con mỗi ngày rằng chính Cha là Đấng ban cho chúng con phương tiện tồn tại và phát triển, chính Cha nuôi dưỡng săn sóc chúng con hằng ngày. Chúng con không muốn xin Cha một lần lương thực cho cả đời như người con đòi cha mình gia tài để rời khỏi cha và sống độc lập với cha. Chúng con không muốn của cải trở thành phương tiện xa Cha, mà phải trở thành phương thế đưa chúng con lại gần Cha.
Chúng con xin Cha lương thực bởi vì chúng con không muốn trở thành người làm công của Cha, như người con cả, mà chúng con muốn là con của Cha mỗi ngày tiếp nhận tất cả nhưng không từ tay Cha và mỗi ngày chúng con cũng được của cải nhắc bảo phải trao ban nhưng không.
Chúng con không muốn xin Cha của cải một lần cho cả đời, mà chỉ xin đủ lương thực cho ngày hôm nay, vì chúng con muốn mỗi ngày chúng con đặt tương lai của chúng con trong tay Cha: Ngày mai đây có Cha lo.
Lạy Cha, Con không xin Cha ban lương thực hằng ngày cho riêng con hôm nay, mà ban cho chúng con vì Cha là Cha của con mà còn là Cha của người khác nữa. Vì người khác là anh chị em của con. Con muốn rằng khi con được ăn no nê thì con biết nghĩ đến anh em con đang đói khát.
2. Trong tương quan với người có lỗi
a. Đọc kỹ:
Xin tha tội chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.
b. Suy sâu:
1) “Như” hay “Vì”? Lc 11,4a thì thuật lại là “vì”. “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha”. Vì là điều kiện: Thiên Chúa chỉ tha tội cho chúng ta với điều kiện ta tha lỗi cho người có lỗi với ta. Còn Mt 6,12 thì nói: “như”. Ta tha lỗi cho người thế nào thì Thiên Chúa tha tội cho chúng ta như thế.
2) Tại sao?
v Thiên Chúa đòi chúng ta tha thứ vô điều kiện cho nhau (Mt 18,21-22; Lc 17,3b-4). Tại sao Thiên Chúa lại chỉ tha cho chúng con với điều kiện?
v Tình Chúa yêu thương là suối nguồn, là nền tảng cho tình yêu của chúng ta (1Ga 4,7.10.19), tại sao Chúa Giê-su lại coi việc chúng ta tha thứ cho người khác là mẫu cho việc Thiên Chúa tha thứ cho ta?
v Mt 18,23-35 có thể giúp ta trả lời cho thắc mắc trên không?
Mt 18,23-35: 23Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” 27Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” 29Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” 30Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” 34Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
c. Nguyện cầu:
Lạy Cha chúng con ở trên trời…
Nếu lời xin thứ hai có nghĩa là việc tha thứ của con là kiểu mẫu hay điều kiện để Cha tha thứ cho con, thì thật khủng khiếp và khó hiểu bởi vì con là gì mà dám làm mẫu cho Cha? Nếu con là mẫu và Cha tha thứ theo cách của con, ở mức độ con tha thứ cho người khác thì con sẽ khốn khổ vô cùng vì lắm khi chẳng những con không muốn tha thứ mà còn muốn trả thù, vì lắm lúc muốn tha thứ mà không tha thứ được: hận thù tiềm phục nơi con mạnh hơn con nhiều. Khó hiểu bởi vì tình yêu Cha bao giờ cũng là căn bản, sự tha thứ của Cha bao giờ cũng khởi đầu (1Ga 4,7.10.19) nếu con có yêu được là vì Cha đã yêu con trước, nếu con có tha thứ được là vì Cha đã tha thứ cho con trước.
Nếu hiểu sự tha thứ của con cho anh em là điều kiện thì thật khó hiểu đối với con, bởi vì Cha đòi chúng con phải tha thứ vô điều kiện (Mt 18,21-22; Lc 17,3b-4) thì có lẽ nào Cha chỉ tha cho chúng con với điều kiện? Dụ ngôn Chúa Giê-su dùng mà Mt 18,23-25 giúp con hiểu. Người đầy tớ được nhà vua vì thương tình mà tha luôn món nợ mười ngàn nến vàng không đòi điều kiện gì cả. Nếu người đầy tớ không nhận được sự tha thứ ấy vì không có lòng thương đối với bạn y mà tha món nợ một trăm quan tiền cho bạn. Vậy thì việc chúng con tha thứ cho nhau không phải điều kiện để tha thứ. Chúng con ví như những cái chum ngoài trời. Chum đậy nắp hay mở nắp thì trời vẫn mưa trên mọi chum. Nhưng chum đóng nắp thì nước mưa không vào được. Cha luôn tha thứ cho chúng con, nhưng ai không tha thứ cho anh em thì sự tha thứ của Cha không lọt vào được.
Tuy nhiên, trước sự tha thứ vô điều kiện của Cha, chúng con biết rằng chỉ cần chúng con mở lòng ra với anh em là sự tha thứ của Cha lọt vào được. Thế mà, nhiều khi chúng con không đủ sức cậy nắp lòng chúng con ra. Xem ra nơi lòng chúng con tiềm phục một sự ác mạnh hơn cả chúng con. Xin Cha đến cứu chúng con, lạy Cha yêu mến của chúng con!
3. Tương quan với sự ác
a. Đọc kỹ:
Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.
Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
b. Suy sâu:
v Người cầu xin có xin khỏi bị cám dỗ không? Tại sao?
v Người cầu xin hai điều trên thấy lòng mình như thế nào đối với Thiên Chúa, thấy sức mạnh của mình thế nào trước cám dỗ và sự ác? Do đó họ có thái độ nào đối với Cha?
Không muốn làm mất lòng Cha, lại thấy mình bất lực, họ thấy phải có thái độ nào đối với các dịp phạm tội và các điều kiện gây ra tội? (Mt 5,29-30)
Mt 5,29-30: 29Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. 30Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.
v Thấy mình bất lực mà dựa vào Cha, họ thấy mình như thế nào? (Rm 8,35-39).
Rm 8,35-39: 35Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? 36Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.
37Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.
38Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gí tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.
v Người cầu nguyện có thái độ của hai lời xin cuối cùng, các cơn cám dỗ và sự ác sẽ làm hại hay làm lợi cho họ? Làm lợi những gì?
c. Nguyện cầu
Lạy Cha chúng con,
Trong lời cầu xin thứ ba và thứ tư này, chúng con tỏ bày với Cha lòng khao khát luôn trung thành
với Cha, ao ước không bao giờ xa Cha, nhưng đồng thời cũng nhìn nhận sự yếu đuối của mình trước
các cơn cám dỗ, trước sự ác, chúng con rất cần sự cứu vớt của Cha.
Chúng con thấy chúng con yếu đuối: điều Cha thích chúng con cũng muốn làm mà không làm được, điều Cha ghét, chúng con không muốn làm, nhưng rồi lại cứ làm. Chúng con thật là những người khốn nạn. (Rm 8,21-24).
Biết mình yếu đuối như vậy, chúng con phải
tuyệt đối xa tránh các dịp cám dỗ, khử trừ các
phương tiện gây ra tội như Chúa Giê-su dạy
(Mt 5,29-30). Thế nhưng nhiều lúc chúng con
đã chẳng tránh những dịp phạm tôi lại còn tạo dịp, đã không khử trừ nguyên cớ gây tội mà còn tạo
cớ. Chúng con khốn nạn đến thế! Không muốn làm trái ý Cha, biết mình yếu đuối, chúng con phải luôn luôn kêu cầu Cha:
Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.
Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
Nghe lời kêu cứu của chúng con, chắc chắn
không bao giờ Cha để chúng con sa ngã, lọt lưới
của ác thần. Và chính lúc chúng con yếu nhất lại là lúc chúng con mạnh nhất.
4. Như vậy tinh thần của bốn lời xin là gì?
Bốn lời xin làm nổi lên những điều cốt lõi sau:
1) Tương quan với Cha trước của cải
Người cầu xin gắn bó với Cha thì của cải lại là điều kiện để họ sống như con thảo luôn luôn phó thác vào Cha thay vì làm cho người ta xa Cha.
2) Tương quan với Cha và với nhau
Gắn bó với Cha làm cho người ta gắn bó với nhau.
3) Tương quan với Cha trước cám dỗ
Cám dỗ của sự ác không làm cho người ta xa Cha mà trái lại khiến người ta bám vào Cha hơn nữa.
4) Như vậy tinh thần kinh Lạy Cha là gì?
Kết nguyện
Thinh lặng, lắng nghe Chúa Giê-su dạy về tinh thần Kinh Lạy Cha, rồi thưa chuyện với Chúa.
Đọc Kinh Lạy Cha để kết thúc.