Người ta có cảm tưởng mạnh mẽ rằng đức tin là một điều không chắc chắn, rằng tin, là xác nhận về một điều mình không thể kiểm chứng được, một điều chỉ hiện rõ sau khi chết mà chẳng bao giờ có ai thấy được, rằng người tín hữu là một con người kỳ cục, lạ thường. Hoặc là, nếu bạn muốn, đức tin hình như, đối với nhiều người, lại lệ thuộc một mệnh lệnh của ý muốn: “Tôi tin bởi vì tôi phải tin, nhưng đó lại là điều mà không một ai có khả năng giãi bày được cho tôi, bởi chưa bao giờ có người nào đã chết mà hiện về”.

Nhiều tín hữu có thái độ này. Tôi nhớ một câu nói của một giáo viên trường cấp II, là một con người rất tốt đã nói với tôi: “Về đức tin, tôi không bao giờ tự đặt câu hỏi, vì tôi sợ rằng, hễ khi nghĩ tới đó, tôi lại đâm ra hồ nghi”. Đây là thái độ thông thường của nhiều người: đức tin dựa trên kiểu mệnh lệnh của ý muốn, bởi tất cả mọi sự đều diễn ra trong mầu nhiệm. Đây là một thái độ rất thông thường, rất phổ biến và nói cho cùng là rất đau lòng.

Các bạn cũng thấy thái độ các nhà thần bí suy diễn về những đám mây vô thức, trước câu hỏi: “Thiên Chúa là gì và tôi có thể nghĩ tới Ngài ra sao?”, họ trả lời: “À, tôi không biết, bởi vì, ngay khi anh muốn đặt Thiên Chúa vào trong những từ ngữ thì tất cả đều sụp đổ. Hãy đắm mình trong Ngài, hãy tan biến trong Ngài”.

Và đó là một thứ đức tin. Một mặt, người ta nói: “Đừng đặt câu hỏi, bởi vì bạn sẽ đâm ra nghi ngờ”, còn mặt khác người ta có thể trả lời: “Bởi Thiên Chúa vĩ đại, quá tốt đẹp và không lời nào có thể diễn tả được Ngài”.

 Hai thái độ này là nguyên nhân của một sự khắc khoải và nó không phù hợp với kinh nghiệm. Chính ra nó vừa rất đơn giản và vừa sâu xa hơn nhiều: Thiên Chúa là một cuộc gặp gỡ, nền tảng sự sống của chúng ta. Một cách nào đó, chúng ta phải làm cuộc thử nghiệm và tới những lúc nào đó, cuộc gặp gỡ trở thành cái gì rất nội tại mà chúng ta sờ được, không phải với những bàn tay con người, mà như người mẹ có thể sờ được linh hồn của con mình, và người con sờ được linh hồn của mẹ mình. Hai ví dụ sẽ giúp chúng ta nắm bắt được điều này. Ví dụ thứ nhất có vẻ hài hước, nhưng các bạn sẽ thấy tại sao phải nêu nó lên. Đó là một câu hỏi của Hồng y Verdier. Ngài trở thành Hồng y tổng giám mục Paris một cách thật bất ngờ. Hồi đó ngài là bề trên Hội Saint Sulpice, và điều đó đã đủ làm cho ngài hạnh phúc rồi. Mặt khác, trong Hiến pháp, lại có lệnh phải từ chối mọi chức tước, mọi địa vị, chỉ trừ khi nó đến từ Tòa thánh, và Đức Hồng y Verdier đã không hề nghĩ rằng danh dự đó lại đổ xuống đầu ngài cùng một lúc: chức Hồng y và tổng giám mục Paris.

Rồi một hôm, có một linh mục chạy chọt lo lót chức giám mục từ lâu đến gặp ngài. Vị linh mục đã làm tất cả những gì có thể làm để dành được chức đó và đúng là ông đã được mục đích và vừa được giấy báo đề cử ông làm giám mục. Thế là ông đến gặp Đức Hồng y và bắt đầu kể lể sự bất xứng của mình.

Đức Hồng y không mắc lừa cảnh làm tuồng kia; ngài nói với ông: “Này, bạn thân mến, nếu việc đó làm bạn khổ tâm đến thế, bạn hãy từ chối đi!” Và khi kể chuyện này, Đức Hồng y nói thêm: “Nhưng ông ta lại cứ thích khóc than hơn!”.

Tất cả những chuyện than khóc này chỉ là một trò hề của sự khiêm tốn giả hình mà ông cha nọ muốn diễn ra cho Đức Hồng y và cho chính mình. Ông ta chứng tỏ là một người đứng bên ngoài Thiên Chúa. Vị linh mục đó đã thèm khát chức Giám mục và chắc chắn ông ấy hình dung chức Giám mục với các danh xưng: Ngài đáng kính, Đức Cha, việc cai quản và quyền hành. Đó là cách ông tính toán tương lai cuộc đời mình.

Đàng khác, trong mọi việc đều có pha trộn những mong muốn tốt lành. Không nên nghĩ rằng đó là một con người hư hỏng, nhưng, phần đông chúng ta vẫn mang một con người có tốt có xấu, và trong đó lòng tự ái trá hình dưới nhiều cái vỏ hoạt động tông đồ, như thường xảy đến cho chính chúng ta.

Đây là một con người chưa thoát khỏi được chính mình. Đây là một con người mới nắm bắt được bề ngoài của Thiên Chúa. Vị linh mục ấy muốn làm việc cho Thiên Chúa, miễn là được ngồi chỗ đầu, nhưng ông cũng muốn làm việc cho chính mình, bởi ông sẽ có những vinh dự bù đắp cho công việc của mình. Thiên Chúa chưa đủ cho ông. Nếu ông tưởng là Thiên Chúa cần đến ông, thì Thiên Chúa chưa đủ cho ông. Làm Giám mục, ông sẽ có vị trí, chức bậc, ông sẽ là một nhân vật lịch sử, người ta sẽ nói đến ông.

Thiên Chúa của con người đó, phần lớn là một Thiên Chúa giả. Khi vị linh mục loan báo Thiên Chúa đó, ông cần cái gì khác hơn là vị Thiên Chúa để mà phục vụ. Vị Thiên Chúa đó là vị nào thế mà phải phục vụ. Có phải vị ban cho kẻ này vinh dự để hưởng, còn kẻ khác lại có công việc để làm? Thiên Chúa đó là Thiên Chúa nào?

Ž Tôi không thể nào tin vào Chúa vì bị ép buộc phải tin, tôi gặp được Ngài thôi, đó là tất cả điều tôi có thể nói. Khi nào không có cá nhân tôi thì có Ngài: thật quá đơn giản, cái thường nhật như thế đó, nó rõ ràng hiển nhiên như thế đó. Cho nên theo hướng đó mà tìm: Chúng ta chỉ gặp được Ngài, Vị Thiên Chúa thật, nếu chúng ta biết tự giải thoát khỏi chính mình. Bao lâu còn là tôi thì bấy lâu không là Ngài. Hễ là Ngài đó, thì quả đúng là Ngài thật.

Nếu các bạn nhìn kẻ khác-nhìn thấy những khuyết điểm của chiếc áo mã giáp thì dễ hơn-chắc chắn các bạn có cảm tưởng họ làm tuồng. Biết bao nhân vật nhà đạo, thực chất chỉ là những con rối làm bằng giấy bìa! Họ làm tuồng, làm tuồng cách ngay tình, lắm lúc làm tuồng một cách anh hùng nữa, nhưng tựu trung chỉ là làm tuồng, bởi vì không hề có chuyện họ gặp Chúa cho thật! Biết bao linh mục chưa hề gặp Chúa, họ rao giảng về Chúa đấy, nhưng chưa bao giờ học gặp Chúa cho thật! Cha Kolbe không cần nói năng gì, cha sống và bởi cha sống với kích thước thần linh đó, nên tay trưởng trại đã bị khuất phục. Y buộc lòng phải nhượng bộ, vì đối phương đã tỏ ra lớn hơn y.

Đức tin là một cái gì cao cả hơn nhiều. Vì thế tôi bứt rứt khi người ta chạy trốn lên mây, trong mờ ảo chỉ vì Thiên Chúa quá cao cả, quá tuyệt vời, người ta không thể nói về Ngài v.v… Nhưng con người cũng ở bên trên từ ngữ! Các bạn hãy xem con người ở trong Cha Kolbe: đây là một mầu nhiệm, đây là một cái gì bao la vô tận; chính vì thế mà Thiên Chúa được lộ hình. Con người chỉ thật sự là người khi không còn là chính mình.

Cần cảm nghiệm Thiên Chúa. Ai đã làm điều đó thì cảm thấy mình được biến đổi. Người đó biết thế nào là sự sống, sự sống thật, sự sống đời đời, người đó biết Thiên Chúa là Sự Sống của sự sống và, nếu người ta không gặp Ngài, thì cuộc sống đời này quả là trống rỗng. Chính cảm nghiệm này là điều chúng ta phải làm, nó là sự bảo đảm duy nhất cho niềm tin của chúng ta. Bao lâu chúng ta chưa gặp Thiên Chúa, bao lâu chúng ta chưa phải là một cái nhìn yêu mến lên Ngài thì Thiên Chúa đó là một Thiên Chúa giả. Khi chúng ta đã đi vào môi trường đó và trong mức độ chúng ta gắn với nó, lúc đó tất cả trở nên thật, có thật, và hành động không còn là một não bạt, một cái thùng to tướng, nhưng là sự chiếu giãi, một sức mạnh. Chúng ta đang ở trong sự thật, sự thật toàn diện.

Nếu chính chúng ta không có được cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa, chúng ta hãy hướng về đó qua những tấm gương như tấm gương của Cha Kolbe. Chúa cần có trong nhân loại những con người cao cả, vì như thế là có dấu chỉ về Thiên Chúa. Chỉ cần chúng ta có thể sống lại những gương lớn lao đó để nhận ra được vấn đề sự thật, và để thấy được câu trả lời duy nhất: cuộc đời chúng ta chỉ có thể cao đẹp trong một cuộc đối thoại một cuộc đối thoại của tình yêu. Không có cảm nghiệm nào ngoài cảm nghiệm này: một gương mặt người yêu hướng về Thiên Chúa của mình, một Thiên Chúa ở bên trong một Thiên Chúa đang biến đổi mình nên như chính Ngài và làm cho cả cuộc đời mình một cái nhìn yêu thương hướng về Ngài.

 (MZ: 15-18.21-23)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

4 + 11 =